Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm bàng quang cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm bàng quang cấp là tình trạng nhiễm trùng tiểu dưới phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ. Khoảng 40 - 60% phụ nữ sẽ mắc nhiễm trùng tiểu vào một thời điểm nào đó trong đời. Mặc dù thường được điều trị ngoại trú, nhưng mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể khác nhau ở mỗi người và cần phải có chiến lược điều trị phù hợp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm bàng quang cấp là gì?

Nhiễm trùng tiết niệu có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều bộ phận của đường tiết niệu nhưng phổ biến nhất là nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang). Nhiễm trùng cấp tính khi bệnh khởi phát đột ngột và triệu chứng phát triển nhanh chóng.

Nhiễm trùng tiết niệu là gì?

Nhiễm trùng tiết niệu là bệnh lý nhiễm trùng phổ biến xảy ra khi vi khuẩn, thường từ da hoặc trực tràng, xâm nhập vào niệu đạo và gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Hệ tiết niệu bao gồm thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Nhiễm trùng thận (viêm đài bể thận) ít phổ biến hơn nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang) nhưng nghiêm trọng hơn.

Khoảng 40% đến 60% phụ nữ bị nhiễm trùng tiết niệu vào một thời điểm nào đó trong đời, trong đó ½ là ở độ tuổi 32. Sự gia tăng của căn bệnh này dẫn đến 8 triệu lượt khám, 100.000 lượt nhập viện và 3,5 tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm ở Hoa Kỳ. Có khoảng 27 - 46% phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng tiểu tái nhiễm hoặc tái phát trong vòng một năm kể từ lần nhiễm trùng tiểu trước đó. Ước tính có khoảng 30% - 44% phụ nữ sẽ bị nhiễm trùng tiểu lần thứ hai trong vòng 6 tháng kể từ lần nhiễm trùng tiểu đầu tiên.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm bàng quang cấp

Các triệu chứng của viêm bàng quang cấp tính điển hình bao gồm:

  • Cảm giác thường xuyên buồn tiểu, thậm chí ngay sau khi bạn vừa mới đi tiểu (tiểu lắt nhắt);
  • Cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu (tiểu gắt buốt);
  • Cảm giác khó kiềm chế việc đi tiểu (tiểu gấp);
  • Nước tiểu có mùi;
  • Nước tiểu đục;
  • Nước tiểu sậm màu;
  • Máu trong nước tiểu;
  • Tiểu không tự chủ;
  • Đau ở dương vật, vùng chậu hoặc trực tràng;
  • Đau khi quan hệ tình dục;
  • Chuột rút ở thắt lưng hoặc bụng dưới;
  • Mệt mỏi;
  • Sốt nhẹ;
  • Thay đổi tâm thần hoặc lú lẫn (phổ biến hơn ở những người từ 65 tuổi trở lên).
Viêm bàng quang cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 1
Tiểu gắt, tiểu lắt nhắt, tiểu buốt

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm bàng quang cấp

Nếu tình trạng viêm bàng quang cấp không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh lý này có thể phát triển nghiêm trọng và gây những biến chứng, bao gồm:

  • Viêm bàng quang mạn tính;
  • Viêm bàng quang sinh hơi;
  • Viêm đài bể thận cấp do nhiễm trùng ngược dòng;
  • Nhiễm trùng huyết, có nguy cơ dẫn đến tử vong: Cần chú ý các dấu hiệu cảnh báo như sốt cao, lạnh run, môi khô, lưỡi dơ, buồn nôn, nôn,...
  • Tổn thương thận cấp;
  • Áp xe quanh thận;
  • Thai phụ mắc bệnh có nguy cơ sinh non, sảy thai, trẻ thiếu cân hoặc nhiễm trùng sơ sinh;
  • Hẹp niệu đạo ở nam giới.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có các triệu chứng của viêm bàng quang cấp hoặc bạn là đối tượng dễ có biến chứng của bệnh như phụ nữ có thai, cần lập tức đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu bạn đang trong quá trình điều trị và các triệu chứng của bạn không chấm dứt trong một tuần, bạn hãy đến tái khám và có thể sẽ được bác sĩ thay đổi loại kháng sinh khác.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm bàng quang cấp

Nguyên nhân chính gây viêm bàng quang cấp là vi khuẩn. Loại vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm bàng quang cấp là Escherichia coli - loại vi khuẩn gây ra khoảng 80% trường hợp viêm bàng quang cấp. 

Một số loại vi khuẩn khác gây bệnh như: Proteus mirabilis, Klebsiella, Staphylococcus saprophyticus, Pseudomonas aeruginosa,... Những vi trùng này xâm nhập vào niệu đạo và sau đó là bàng quang dẫn đến nhiễm trùng bàng quang.

Vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang, tấn công vào lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, phá hủy hàng rào bảo vệ của bàng quang, bám dính, nhân lên và tiết ra các độc tố. Khi bị tổn thương, bàng quang trở nên nhạy cảm hơn và gây ra các triệu chứng của bệnh như đau hạ vị, tiểu gắt, tiểu lắt nhắt, tiểu gấp.

Viêm bàng quang cấp cũng có thể không do nhiễm khuẩn. Một số bệnh lý hoặc điều trị của bệnh khác cũng có thể làm miễn dịch cơ thể bị suy giảm và ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ của bàng quang như:

  • Phụ nữ mang thai;
  • Phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh;
  • Đái tháo đường;
  • Xạ trị;
  • Một số thuốc hóa trị như cyclophosphamide, ifosfamide;
  • Sử dụng thuốc tránh thai, thuốc diệt tinh trùng;
  • Sỏi hoặc u ở bàng quang;
  • Hẹp niệu đạo hoặc bao quy đầu;
  • Phì đại tuyến tiền liệt lành tính hoặc ung thư tuyến tiền liệt.
Viêm bàng quang cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 2
Vi khuẩn Escherichia coli

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm bàng quang cấp tính?

Viêm bàng quang cấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Một số đối tượng có nguy cơ viêm bàng quang cấp:

  • Phụ nữ có xu hướng bị nhiễm trùng thường xuyên hơn nam giới do cấu tạo của niệu đạo nữ ngắn hơn và gần hậu môn hơn. Đặc biệt, khả năng nhiễm trùng cao hơn khi ở độ tuổi quan hệ tình dục. Sử dụng vòng tránh thai, thuốc diệt tinh trùng, phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh, vệ sinh bộ phận sinh dục không đúng cách cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Tuổi già (thường gặp nhất ở những người sống trong viện dưỡng lão).
  • Phụ nữ có thai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm bàng quang cấp

  • Đặt ống thông tiểu.
  • Tắc nghẽn bàng quang hoặc niệu đạo do sỏi, u,...
  • Đái tháo đường.
  • Mất kiểm soát ruột (đại tiện không tự chủ).
  • Bí tiểu.
  • Bất động trong một thời gian dài (ví dụ: Sau gãy xương hông, sau đột quỵ, liệt hai chân,...).
  • Tiền căn thủ thuật liên quan đến đường tiết niệu.
  • Tiền căn nhiễm trùng tiết niệu.
Viêm bàng quang cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 3
Phụ nữ có thai có nguy cơ cao mắc viêm bàng quang cấp

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm bàng quang cấp

Bác sĩ chuyên khoa Thận - tiết niệu sẽ tiến hành hỏi bệnh sử, tiền căn bệnh lý của bạn, các yếu tố nguy cơ có thể gây ra bệnh và các thuốc mà bạn đang sử dụng. Nếu bạn đang mang thai, hãy đề cập với bác sĩ về vấn đề này. Sau đó bác sĩ có thể thăm khám tổng quát, chú ý các triệu chứng tại vùng bụng để đưa ra các chẩn đoán sơ bộ.

Một số xét nghiệm được chỉ định hỗ trợ chẩn đoán xác định viêm bàng quang cấp gồm:

  • Tổng phân tích nước tiểu: Kiểm tra sự hiện diện của bạch cầu, hồng cầu, nitrat (sản phẩm chuyển hóa khi có một số loại vi khuẩn trong nước tiểu).
  • Cấy nước tiểu: Kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn, loại vi khuẩn và kết hợp làm kháng sinh đồ để tìm ra loại kháng sinh phù hợp với tình trạng nhiễm khuẩn của người bệnh. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp viêm bàng quang cấp đều cần cấy nước tiểu.
  • Nội soi bàng quang: Bác sĩ tiến hành nội soi qua ngã niệu đạo, hình ảnh nội soi thể hiện sự viêm nhiễm hiện tại của bàng quang.
  • Siêu âm bụng: Siêu âm bụng chú ý vùng hạ vị giúp quan sát hình thái của bàng quang,  thành bàng quang, tình trạng ứ nước tiểu, phát hiện các khối u, sỏi,...
Viêm bàng quang cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 4
Siêu âm bụng

Phương pháp điều trị viêm bàng quang cấp hiệu quả

Thuốc kháng sinh đường uống có thể được bác sĩ kê toa để điều trị tình trạng nhiễm trùng. Điều trị kháng sinh phù hợp giúp ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng lây lan sang thận và hạn chế biến chứng của bệnh.

Đối với viêm bàng quang cấp không phức tạp, bác sĩ sẽ kê toa kháng sinh trong 3 ngày (nữ) hoặc 7 đến 14 ngày (nam). Đối với nhiễm trùng bàng quang trên đối tượng dễ có biến chứng như phụ nữ mang thai, đái tháo đường hoặc viêm đài bể thận nhẹ, kháng sinh sẽ phải dùng trong 7 đến 14 ngày. 

Điều quan trọng là người bệnh phải tuân thủ uống đủ ngày và đủ liều thuốc kháng sinh được kê đơn, ngay cả khi bạn cảm thấy triệu chứng cải thiện tốt hơn. Nếu bạn không dùng hết thuốc kháng sinh, bạn có thể bị nhiễm trùng tái phát hoặc tái nhiễm và khó điều trị hơn.

Một số phụ nữ bị nhiễm trùng bàng quang tái phát thường xuyên. Bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị như:

  • Uống một liều kháng sinh sau khi quan hệ tình dục. Những điều này có thể ngăn ngừa nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
  • Duy trì liệu trình kháng sinh 3 ngày. Những điều này sẽ được đưa ra dựa trên các triệu chứng của bạn.
  • Dùng một liều kháng sinh duy nhất hàng ngày. Liều này sẽ phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng.

Người bệnh viêm bàng quang cấp được khuyến nghị uống nhiều nước và đi tiểu đều đặn.

Viêm bàng quang cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 5
Thuốc kháng sinh điều trị viêm bàng quang cấp do vi khuẩn

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm bàng quang cấp

Chế độ sinh hoạt:

  • Tránh thuốc lá, rượu bia và các loại thức uống có cồn khác.
  • Mặc đồ lót và quần rộng rãi: Đồ lót và quần chật có thể giữ nhiệt và hơi ẩm ở vùng bẹn và bộ phận sinh dục của bạn. Nhiệt độ và độ ẩm có thể tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn lây lan nhanh chóng. Bạn cũng nên thay đồ lót thường xuyên và mặc đồ lót bằng cotton thông thoáng.
  • Không nhịn tiểu.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ ăn: Ăn nhiều rau xanh, trái cây và các loại thực phẩm chứa các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu, có thể bổ sung thêm tỏi và cần tây vào thức ăn với hoạt tính kháng khuẩn. Hạn chế các loại thực phẩm cay nóng, thực phẩm muối chua như dưa muối, cà muối,... có thể làm nặng hơn tình trạng viêm.
  • Uống nhiều nước, ưu tiên nước lọc có ion kiềm. Hạn chế các loại nước có thể gây kích ứng bàng quang như cà phê, trà, nước ép từ các loại quả chua như chanh, cam, dứa.

Phương pháp phòng ngừa viêm bàng quang cấp hiệu quả

Một số phương pháp sau đây có thể làm giảm nguy cơ mắc viêm bàng quang cấp:

  • Vệ sinh bộ phận sinh dục đúng cách: Bạn nên lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh. Những người có kinh nguyệt cũng nên thường xuyên thay băng vệ sinh và vệ sinh bộ phận sinh dục thường xuyên. Hạn chế sử dụng các sản phẩm mang tính kiềm cao như xà phòng, dung dịch vệ sinh quá thường xuyên.
  • Uống nhiều nước: Uống nhiều nước, ưu tiên nước lọc, giúp loại bỏ vi khuẩn có hại khỏi niệu đạo của bạn. Cố gắng uống từ sáu đến tám ly (1,5 - 2 lít) nước mỗi ngày.
  • Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục: Đi tiểu trước và sau khi quan hệ giúp loại bỏ vi khuẩn có hại khỏi niệu đạo.
  • Sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp: Sử dụng chất diệt tinh trùng và màng ngăn có thể làm tăng nguy cơ bị viêm bàng quang cấp. Trao đổi với bác sĩ của bạn về các lựa chọn ngừa thai khác.
  • Trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc estrogen nếu bạn đang trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh. Những loại thuốc này làm thay đổi độ pH trong âm đạo của bạn, điều này có thể ảnh hưởng đến tình trạng viêm bàng quang cấp.
Viêm bàng quang cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 6
Uống nhiều nước giúp giảm nguy cơ mắc viêm bàng quang cấp
Nguồn tham khảo
  1. Colgan R, Williams M. Diagnosis and treatment of acute uncomplicated cystitis. Am Fam Physician. 2011 Oct 1;84(7):771-6. PMID: 22010614.
  2. Lala V, Leslie SW, Minter DA. Acute Cystitis. 2023 Jul 10. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2023 Jan–. PMID: 29083726.
  3. Lelie-van der Zande R, Koster ES, Grol M, Naber KG, Alidjanov JF, Teichert M, Bouvy ML. Diagnosis of acute cystitis in primary care: symptom-based versus urinalysis-based diagnosis. Prim Health Care Res Dev. 2022 Nov 17;23:e74. doi: 10.1017/S1463423622000627.
  4. Tan CW, Chlebicki MP. Urinary tract infections in adults. Singapore Med J. 2016 Sep;57(9):485-90. doi: 10.11622/smedj.2016153.
  5. Acute Cystitis: Causes, Symptoms & Treatment: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/24450-acute-cystitis

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng thần kinh cận ung

  2. Sán dây bò

  3. Tắc mạch máu não

  4. Phì đại tuyến vú

  5. huyết áp tâm thu cao

  6. Rối loạn sàn chậu

  7. Viêm niêm mạc dạ dày

  8. Viêm đầu xương gót

  9. Ung thư gan nguyên phát

  10. Hở van tim