Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Dính buồng tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dính buồng tử cung (Intrauterine adhesions) hay còn gọi là hội chứng Asherman (Asherman’s syndrome) xảy ra khi mô sẹo hình thành bên trong tử cung và/hoặc cổ tử cung. Các mô sẹo làm cho thành tử cung dày hơn, chiếm nhiều không gian hơn, khiến kích thước tử cung nhỏ hơn và các thành tử cung có thể dính lại với nhau. Nguyên nhân dính buồng tử cung có thể do phẫu thuật nạo tử cung, nhiễm trùng nội mạc tử cung hoặc các yếu tố khác.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Dính buồng tử cung là gì?

Dính buồng tử cung hay hội chứng Asherman là một tình trạng hiếm gặp ảnh hưởng đến tử cung, xảy ra khi các mô sẹo được hình thành bên trong tử cung của bạn.

Các nguyên nhân dẫn đến dính buồng tử cung có thể bao gồm phẫu thuật nong cổ tử cung và nạo tử cung (Dilation and Curettage - D&C) hay nhiễm trùng nội mạc tử cung (ví dụ như bệnh lao sinh dục).

Hội chứng Asherman có thể từ trung bình nhẹ, chỉ các phần nhỏ của thành tử cung dính vào nhau hay nặng hơn là cả thành trước và thành sau của tử cung hợp nhất lại với nhau.

Người bệnh có thể có một loạt các triệu chứng tùy thuộc và mức độ nghiêm trọng của bệnh, bao gồm giảm lượng kinh nguyệt, đau bụng, vô kinh và vô sinh.

Các lựa chọn điều trị hiện tại bao gồm phẫu thuật nội soi cũng như phòng ngừa và các liệu pháp phục hồi. Các lựa chọn điều trị mới hơn như điều trị bằng tế bào gốc cũng hiện đang được nghiên cứu để giải quyết các trường hợp dính buồng tử cung nặng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của dính buồng tử cung

Hầu hết người bệnh mắc hội chứng Asherman đều có lượng kinh nguyệt thưa thớt (thiểu kinh) hoặc không có kinh nguyệt (vô kinh) cùng với tình trạng đau bụng.

Một số người có thể bị gián đoạn chảy máu trong chu kỳ kinh nguyệt kèm đau bụng đáng kể, trong khi một số khác có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào về rối loạn kinh nguyệt hay đau bụng.

Sảy thai tái diễn và/hoặc vô sinh cũng có thể là dấu hiệu của dính buồng tử cung.

Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, sự bám dính có thể dẫn đến tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ tử cung hoặc ống cổ tử cung, gây ra kinh nguyệt ngược (máu kinh chảy người vào ống dẫn trứng thay vì bị tống ra khỏi cơ thể).

Biến chứng có thể gặp khi mắc dính buồng tử cung

Dính buồng tử cung có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Một số người mắc hội chứng Asherman gặp khó khăn trong việc thụ thai hoặc bị sảy thai tái phát.

Khi bị dính buồng tử cung, bạn vẫn có thể mang thai, tuy nhiên, sự kết dính trong buồng tử cung có thể gây nguy hiểm cho thai nhi đang phát triển. Khả năng sảy thai và thai lưu của bạn có thể cao hơn những người không mắc hội chứng này.

Hội chứng Asherman cũng có thể làm tăng nguy cơ bị nhau tiền đạo, nhau cài răng lược và chảy máu quá nhiều khi mang thai.

Dính buồng tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Dính buồng tử cung làm tăng nguy cơ mắc nhau tiền đạo khi mang thai

Dính buồng tử cung không phải tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, nhưng có thể khiến bạn sảy thai tái phát. Do đó, hãy chắc chắn rằng bạn đến khám bác sĩ thường xuyên để được kiểm tra thai kỳ nếu bạn mắc dính buồng tử cung.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn hãy đến gặp bác sĩ nếu gặp các triệu chứng của dính buồng tử cung. Các triệu chứng đã kể trên như vô kinh, đau bụng, vô sinh cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý hay một tình trạng khác. Bác sĩ cũng có thể cho các xét nghiệm nếu cần để tìm ra nguyên nhân bệnh của bạn. Bạn cũng nên nói chuyện với bác sĩ về việc xét nghiệm hội chứng Asherman nếu:

  • Khi bạn có trải qua phẫu thuật ở tử cung và có kinh nguyệt không đều hay vô kinh.
  • Sảy thai tái phát hay khó khăn trong việc thụ thai.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến dính buồng tử cung

Dính buồng tử cung xảy ra chủ yếu sau khi thực hiện nong và nạo tử cung để chấm dứt thai kỳ, sảy thai bị bỏ sót hoặc sảy thai không hoàn toàn, hay để điều trị tình trạng sót nhau thai sau khi sinh.

Ít gặp hơn là các thủ thuật nong và nạo tử cung không liên quan đến sản khoa do chảy máu quá nhiều, lấy mẫu để phát hiện ung thư nội mạc tử cung hoặc cắt bỏ polyp nội mạc tử cung. Dính buồng tử cung cũng có thể xảy ra sau phẫu thuật cắt u xơ tử cung.

Ở những người bệnh bị chảy máu tử cung quá nhiều và kéo dài (cường kinh), các thủ thuật cụ thể nhằm tạo ra các vết sẹo và dính khắp tử cung là mục tiêu mong muốn để kiểm soát tình trạng chảy máu.

Ở các nước đang phát triển, dính buồng tử cung có thể xảy ra do nhiễm trùng sán máng hoặc bệnh lao sinh dục.

Dính buồng tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Các nguyên nhân như lao sinh dục hay nhiễm sán máng cũng có thể dẫn đến dính buồng tử cung

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc dính buồng tử cung?

Hội chứng Asherman hay dính buồng tử cung có thể không nhận biết được ở các phụ nữ không có ý muốn có thai, vì họ có thể không nhận ra hoặc không quan tâm đến các triệu chứng của dính buồng tử cung. Dính buồng tử cung xảy ra ở 13% phụ nữ chấm dứt thai kỳ trong 3 tháng đầu, 30% ở phụ nữ trải qua nong và nạo tử cung sau khi sảy thai tự nhiên muộn. Phụ nữ có các bất thường về nhau thai có thể có nguy cơ mắc dính buồng tử cung cao hơn vì nhau thai dính vào các lớp sâu hơn trong tử cung, khiến chúng khó loại bỏ hơn. Nguy cơ cũng tăng lên đối với người bệnh phải thực hiện các thủ thuật lặp đi lặp lại để điều trị chảy máu hoặc nạo phá thai nhiều lần.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc dính buồng tử cung

Các yếu tố làm tăng nguy cơ dính buồng tử cung bao gồm:

  • Đã từng phẫu thuật tử cung trước đây, bao gồm phẫu thuật nội soi buồng tử cung, nong và nạo hoặc mổ lấy thai.
  • Có tiền sử nhiễm trùng vùng chậu.
  • Đã được điều trị bệnh ung thư.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán dính buồng tử cung

Để chẩn đoán dính buồng tử cung, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng kinh nguyệt của bạn và các triệu chứng khác kèm theo như đau bụng.

Nếu nghi ngờ hội chứng Asherman, thông thường, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu của bạn để làm xét nghiệm, loại trừ các nguyên nhân khác dẫn đến triệu chứng của bạn. Siêu âm cũng có thể được thực hiện để xem độ dày niêm mạc tử cung và các nang trứng của bạn.

Nội soi tử cung là phương pháp tốt nhất để sử dụng khi chẩn đoán dính buồng tử cung. Thủ tục được thực hiện bao gồm làm giãn cổ tử cung và đưa ống soi tử cung vào, bác sĩ có thể quan sát bên trong tử cung của bạn và kiểm tra có vết sẹo nào hay không.

Dính buồng tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Nội soi tử cung giúp chẩn đoán dính buồng tử cung

Bác sĩ cũng có thể đề nghị thực hiện chụp X-quang tử cung (Hysterosalpingogram) bằng việc tiêm chất tương phản và tử cung để tạo hình ảnh X-quang. Giúp đánh giá các vấn đề của buồng tử cung, có thể có bất thường khi bị dính buồng tử cung.

Phương pháp điều trị dính buồng tử cung

Điều trị bao gồm một hoặc nhiều phương pháp sau đẩy:

  • Phẫu thuật nội soi tử cung: Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Các bác sĩ phẫu thuật sử dụng dụng cụ nội soi để cắt các mô sẹo dính ra khỏi thành tử cung.
  • Liệu pháp hormone: Estrogen có thể giúp các tế bào tử cung tái tạo và lành lại.
  • Kháng sinh: Sử dụng kháng sinh không trực tiếp giúp điều trị dính buồng tử cung, nhưng nó có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng và viêm sau phẫu thuật nội soi tử cung.

Ngoài ra, bác sĩ có thể đề xuất các biện pháp ngăn ngừa tự tích tụ mô sẹo, gồm:

  • Đặt ống thông Foley để giữ thành tử cung tách ra.
  • Chèn một ống đỡ bóng tử cung để giữ cho thành tử cung tách ra.
  • Sử dụng một số hóa chất để giúp ngăn ngừa hình thành sẹo như acid hyaluronic.

Một phương pháp điều trị mới đang được phát triển là cấy ghép tế bào gốc để xây dựng lại niêm mạc tử cung.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của dính buồng tử cung

Để hạn chế diễn tiến của dính buồng tử cung, điều quan trọng là bạn nên nhận biết sớm các triệu chứng và đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Hơn hết, nếu cần phải trải qua các phẫu thuật nong và nạo tử cung, hãy nói chuyện với bác sĩ để biết được các rủi ro có thể xảy ra và cách theo dõi để kiểm tra tình trạng dính buồng tử cung.

Hội chứng Asherman sau khi được điều trị, người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn. Giả sử không có các vấn đề nào khác ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn, thì bạn có thể thụ thai sau khi điều trị. Việc đánh giá lại sau 1 đến 2 tuần sau điều trị cho phép bác sĩ xác định và giải quyết bất cứ dấu hiệu tái phát nào. Do đó, hãy đến tái khám đúng hẹn trước khi tình trạng của bạn trở nên tệ hơn.

Bạn cũng nên đến tái khám để được siêu âm định kỳ kiểm tra sự phát triển của ung thư nội mạc tử cung trước hoặc sau khi mãn kinh nếu bạn mắc hội chứng Asherman.

Dính buồng tử cung là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Siêu âm định kỳ phát hiện ung thư nội mạc tử cung nên được thực hiện sau khi điều trị dính buồng tử cung

Phương pháp phòng ngừa dính buồng tử cung hiệu quả

Mặc dù việc phòng ngừa dính buồng tử cung đang gặp nhiều thách thức, nhưng người bệnh nên được giáo dục về tránh thai và việc sử dụng các biện pháp tránh thai hiện có. Điều này cuối cùng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ phá thai hợp pháp, do đó giảm thiểu việc nạo phá thai làm dẫn đến tình trạng dính buồng tử cung. 

Nguồn tham khảo
  1. Uterine adhesion: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8448072/
  2. Asherman Syndrome: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK448088/
  3. Asherman’s Syndrome: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16561-ashermans-syndrome
  4. What Is Asherman Syndrome?: https://www.webmd.com/women/what-is-asherman-syndrome
  5. Asherman’s Syndrome: https://rarediseases.org/rare-diseases/ashermans-syndrome/

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn phóng noãn

  2. Rối loạn cương dương

  3. Chuyển dạ đình trệ

  4. Rối loạn xuất tinh

  5. Polyp tử cung

  6. Herpes hậu môn

  7. Viêm nội mạc tử cung

  8. Bệnh hột xoài

  9. Hội chứng Swyer

  10. Lạc nội mạc ở âm hộ