Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thông liên nhĩ: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thông liên nhĩ là một bệnh tim bẩm sinh khá phổ biến, chiếm khoảng 7% đến 15% các trường hợp tim bẩm sinh, xếp vào hàng thứ 5 các bệnh tim bẩm sinh, thường được phân loại trong nhóm các bệnh tim bẩm sinh không tím có luồng thông trái – phải. Bệnh gặp ở nữ nhiều gấp đôi nam giới.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Thông liên nhĩ là gì? 

Thông liên nhĩ là một bệnh tim bẩm sinh thường gặp do vách liên nhĩ không kín tạo một lỗ thông giữa hai buồng nhĩ do bào thai phát triển không đầy đủ gây nên.

Tổn thương vách liên nhĩ thật sự chỉ ở tại ở vùng lỗ bầu dục, cần phân biệt với tổn thương “thông liên nhĩ” (interatrial communication) hay CIA (Communication inter auriculaire) là tổn thương làm thành luồng thông 2 buồng nhĩ. Phân biệt này có nguồn gốc phôi thai học.

Thật vậy, về phương diện phôi thai vách liên nhĩ là tồn tại từ quá trình hình thành vách liên nhĩ nguyên phát bên trái của vách liên nhĩ vĩnh viễn và vách liên nhĩ thứ phát bên phải của vách liên nhĩ vĩnh viễn, và chỉ ở vùng lỗ bầu dục thôi. Còn các khiếm khuyết tại xoang mạch vành, hay kế cận các tĩnh mạch chủ trên, dưới, thật sự không phải của vách liên nhĩ. Tuy nhiên để đơn giản hóa, các tổn thương này cũng được gọi là thông liên nhĩ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thông liên nhĩ

Đa số người bệnh không có triệu chứng, do đó không được phát hiện cho đến tuổi trưởng thành. Nếu không điều trị, bệnh diễn tiến có các triệu chứng:

  • Thở nhanh hoặc khó thở khi gắng sức;

  • Nhịp tim nhanh;

  • Sưng phù chân, mắt cá chân và bàn chân;

  • Da, môi và móng tay xanh tím.

Các trường hợp bệnh diễn biến lâu dài có thể có các biểu hiện của rối loạn nhịp nhanh rung nhĩ hay cuồng nhĩ, tăng áp động mạch phổi nặng và suy tim sung huyết.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh thông liên nhĩ

Thông liên nhĩ lớn, nếu không điều trị sớm có thể gặp các biến chứng gồm:

  • Hội chứng Eisenmenger: Bệnh nhân bị tím môi, ngón tay và ngón chân. Đây là biến chứng nặng nề nhất, không còn phẫu thuật được.

  • Các biến chứng khác bao gồm: Suy tim, hở van tim, nhịp tim bất thường, viêm phổi, đột quỵ…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh thông liên nhĩ và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến thông liên nhĩ

Chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh. Di truyền và yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng. Khi còn trong bụng mẹ, nếu quá trình hình thành vách ngăn tâm nhĩ có vấn đề, một lỗ hở sẽ xuất hiện, gây thông liên nhĩ.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) thông liên nhĩ?

Thông liên nhĩ có thể di truyền trong gia đình, có thể xảy ra cùng với các bệnh di truyền như hội chứng Down. Nếu bố hoặc mẹ mắc thông liên nhĩ thì con có nguy cơ mắc thông liên nhĩ, hoặc người con trước mắc thông liên nhĩ thì người con tiếp theo có nguy cơ cao mắc thông liên nhĩ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) thông liên nhĩ

  • Rượu, thuốc lá, tia X, phóng xạ, hóa chất,…

  • Người mẹ trước mang thai có các bệnh lý: Đái tháo đường, thiếu máu, nhiễm trùng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán thông liên nhĩ

Khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ nghe thấy tim có tiếng thổi tâm thu cường độ nhỏ ở ổ van động mạch phổi do tăng lưu lượng máu qua van động mạch phổi. Các phương pháp xét nghiệm để chẩn đoán bệnh gồm:

  • Điện tâm đồ.

  • Chụp Xquang tim phổi.

  • Siêu âm tim: Đây là phương pháp chủ yếu và chính xác nhất để chẩn đoán thông liên nhĩ. Đối với các bệnh nhân nhỏ tuổi có thể chỉ cần dùng siêu âm qua thành ngực còn đối với các bệnh nhân lớn tuổi, thành ngực dày, đôi khi cần làm siêu âm qua thực quản.

  • Thông tim: Thông tim có thể giúp ích cho việc đánh giá mức độ shunt, ngoài ra còn xác định chính xác áp lực động mạch phổi, đo cung lượng động mạch phổi, cung lượng động mạch chủ.

Phương pháp điều trị thông liên nhĩ hiệu quả

Điều trị thông liên nhĩ có 3 biện pháp chủ yếu:

  • Điều trị nội khoa: Được áp dụng cho các bệnh nhân chưa có chỉ định can thiệp hoặc không còn chỉ định phẫu thuật gồm: Thuốc lợi tiểu, ức chế canxi, ức chế beta, digoxin, thuốc giãn mạch phổi….
  • Thông tim can thiệp đóng thông liên nhĩ bằng dụng cụ qua da.
  • Phẫu thuật tim hở: Đóng lỗ thông liên nhĩ.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của thông liên nhĩ

Chế độ sinh hoạt

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Chưa có dữ liệu.

Phương pháp phòng ngừa thông liên nhĩ hiệu quả

Trong hầu hết trường hợp, không có biện pháp phòng ngừa bệnh thông liên nhĩ. Tuy nhiên, quan trọng là có thai kỳ khỏe mạnh nhằm hạn chế bệnh tim bẩm sinh nói chung và thông liên nhĩ nói riêng. Những điều cơ bản gồm:

  • Tránh các yếu tố nguy cơ như rượu, thuốc lá, tia X, phóng xạ, hóa chất,… hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc sử dụng trong thai kỳ.

  • Tránh nhiễm trùng: Chủng ngừa đầy đủ.

  • Điều trị ổn bệnh lý của mẹ trước mang thai: Đái tháo đường, thiếu máu, nhiễm trùng,…

  • Nếu có tiền căn gia đình thông liên nhĩ, bệnh tim bẩm sinh hoặc rối loạn di truyền khác, phải được tư vấn di truyền và nguy cơ mắc bệnh của con trước khi mang thai.

Nguồn tham khảo
  1. Phạm Nguyễn Vinh (2010), “Bệnh học tim mạch”, NXB Y học.

  2. https://www.msdmanuals.com/vi/

Các bệnh liên quan

  1. Thiếu máu cơ tim

  2. Bệnh tim mạch

  3. Nhịp nhanh thất

  4. huyết áp tâm trương cao

  5. Bệnh cơ tim

  6. Cơ tim xốp

  7. Giãn tĩnh mạch

  8. Trụy tim

  9. Cơ tim hạn chế

  10. Ghép tim