Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hạ đường huyết tiểu đường là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí để tránh tình trạng nguy hiểm

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu hạ thấp, xảy ra khi mức đường huyết (lượng đường trong máu) của bạn giảm xuống dưới mức có lợi cho sức khỏe, ở mức 70 mg/dL. Với mức độ này, bạn cần nhận biết và xử trí ngay để đưa lượng đường huyết trở về bình thường

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hạ đường huyết tiểu đường là gì?

Trong suốt cả ngày, lượng đường trong máu (còn gọi là đường huyết) sẽ thay đổi tùy thuộc nhiều yếu tố khác nhau. Điều này là bình thường nếu thay đổi này trong phạm vi nhất định. Tuy nhiên, nếu đường huyết xuống dưới giới hạn lành mạnh mà không được điều trị thì có thể gây nguy hiểm cho cơ thể.

Đối với nhiều người bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường), hạ đường huyết được định nghĩa là tình trạng đường huyết giảm xuống dưới 70 mg/dL. Biết cách xác định hạ đường huyết là rất quan trọng vì nó có thể nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết tiểu đường

Các dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết thường xảy ra nhanh chóng. Phản ứng của mỗi người đối với lượng đường huyết thấp là khác nhau. Sau đây là các triệu chứng từ nhẹ hơn, phổ biến hơn cho đến các triệu chứng nghiêm trọng của hạ đường huyết, bao gồm:

  • Run;
  • Lo lắng;
  • Đổ mồ hôi, ớn lạnh;
  • Cảm giác khó chịu hoặc cáu gắt;
  • Lú lẫn;
  • Tim đập nhanh;
  • Chóng mặt;
  • Cảm thấy đói;
  • Buồn nôn;
  • Da xanh xao;
  • Buồn ngủ;
  • Cảm thấy yếu hoặc không có năng lượng;
  • Mờ hay suy giảm thị lực;
  • Ngứa ran hoặc tê ở môi, lưỡi, má;
  • Nhức đầu;
  • Vụng về, gặp vấn đề trong phối hợp động tác;
  • Gặp ác mộng hoặc khóc khi ngủ;
  • Co giật.

Cách duy nhất để xác định chắc chắn hạ đường huyết là kiểm tra lượng đường trong máu (nếu có thể). Nên nếu bạn đang có các triệu chứng của hạ đường huyết và không thể kiểm tra lượng đường trong máu, hãy xử trí như một tình trạng hạ đường huyết.

Biến chứng có thể gặp khi mắc hạ đường huyết tiểu đường

Nếu lượng đường trong máu tiếp tục giảm, não sẽ không nhận đủ glucose và ngừng hoạt động như bình thường. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như mờ mắt, khó tập trung, suy nghĩ lẫn lộn, nói lắp, tê và buồn ngủ. Nếu lượng đường trong máu ở mức thấp quá lâu, khiến não bị thiếu glucose, có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn như:

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn hay người thân của bạn có các triệu chứng của hạ đường huyết, hoặc kiểm tra thấy mức đường huyết thấp (có thể có hoặc không có triệu chứng hạ đường huyết). Hoặc đối với người bệnh đái tháo đường thường xuyên bị hạ đường huyết hay bị hạ đường huyết nghiêm trọng. Hãy xử trí ngay lập tức theo hướng dẫn và đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị phù hợp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hạ đường huyết tiểu đường

Hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) thường gặp ở những người bệnh đang được điều trị với thuốc insulin hay một số loại thuốc hạ đường huyết uống, bao gồm:

  • Sulfonylureas: Đây là thuốc viên điều trị đái tháo đường típ 2 đã được sử dụng từ rất sớm, có hiệu quả giúp giảm HbA1c mạnh nhất, tuy nhiên cũng gây ra nhiều tác dụng phụ. Trong đó, hạ đường huyết là một trong những biến chứng luôn cần được lưu ý.
  • Meglitinides: Uống trước bữa ăn để thúc đẩy tăng insulin trong thời gian ngắn. Hạ đường huyết cũng là tác dụng phụ phổ biến nhất của nhóm thuốc này.
  • Insulin: Kể từ năm 1992 khi lần đầu tiên được đưa vào điều trị đái tháo đường típ 1 cho đến nay, insulin được xem là một điều kỳ diệu của y học. Tuy nhiên, hạ đường huyết là tác dụng ngoại ý trầm trọng nhất và là rào cản lớn nhất hạn chế việc sử dụng insulin để đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết.
Hạ đường huyết tiểu đường là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí để tránh tình trạng nguy hiểm 4
Tác dụng ngoại ý trầm trọng nhất của việc sử dụng insulin là hạ đường huyết

Ngoài các nguyên nhân do thuốc, trên người bệnh đái tháo đường, có nhiều yếu tố thuận lợi khác có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc hạ đường huyết tiểu đường?

Những người bệnh đái tháo đường có nhiều khả năng mắc hạ đường huyết, bao gồm:

  • Mắc đái tháo đường típ 1;
  • Dùng insulin hoặc một số thuốc hạ đường huyết khác (như sulfonylureas, meglitinides);
  • Từ 65 tuổi trở lên;
  • Từng bị hạ đường huyết trước đó;
  • Có các vấn đề sức khỏe khác như bệnh thận, bệnh tim hoặc suy giảm nhận thức.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hạ đường huyết tiểu đường

Các yếu tố nguy cơ gây hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường bao gồm:

  • Sử dụng quá liều thuốc hạ đường huyết.
  • Người bệnh bỏ bữa không ăn, ăn trễ hay ăn quá ít so với thường lệ.
  • Sau nôn ói nhiều hay tiêu chảy.
  • Tập luyện hay vận động quá mức bình thường.
  • Sử dụng thêm các thuốc khác làm tăng tác dụng của thuốc hạ đường huyết.
  • Người bệnh đái tháo đường có xơ gan, suy thận.
  • Người bệnh mắc đái tháo đường lâu năm.
  • Sau khi uống rượu nhiều kèm theo ăn ít hoặc không ăn.
Hạ đường huyết tiểu đường là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí để tránh tình trạng nguy hiểm 5
Khi uống rượu bia mà không ăn đủ lượng glucid sẽ dễ dẫn đến hôn mê hạ đường huyết mà không triệu chứng báo trước

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hạ đường huyết tiểu đường

Hạ đường huyết được chẩn đoán bằng cách lấy máu thử mức đường huyết, có hai cách thực hiện:

  • Sử dụng máy đo đường huyết tại giường (máu mao mạch).
  • Lấy máu tĩnh mạch đo đường huyết tương.

Chẩn đoán xác định hạ đường huyết ngay khi kết quả đường huyết <70 mg/dL.

Mức độ nghiêm trọng của hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường dựa trên mức đường huyết và nhu cầu hỗ trợ:

  • Hạ đường huyết cấp độ 1 (nhẹ): Đường huyết < 70 mg/dL nhưng ≥ 54 mg/dL.
  • Hạ đường huyết cấp độ 2 (trung bình): Đường huyết < 54 mg/dL.
  • Hạ đường huyết cấp độ 3 (nặng): Hạ đường huyết cần sự trợ giúp của người khác do thay đổi trạng thái tinh thần hoặc thể chất.

Phương pháp điều trị hạ đường huyết tiểu đường

Nhận biết và điều trị ngay cơn hạ đường huyết hay nghi ngờ có hạ đường huyết là rất quan trọng, vì có thể ngăn chặn hôn mê cũng như ngăn chặn các tổn thương trên não do hạ đường huyết nặng gây ra.

Nếu bạn cảm thấy một hay nhiều triệu chứng của hạ đường huyết, hãy kiểm tra lượng đường trong máu ngay lập tức (nếu có thể). Nếu mức đường huyết của bạn dưới 70 mg/dL, hoặc có triệu chứng nghi ngờ hạ đường huyết nhưng không có máy kiểm tra, hãy xử trí ngay như một trường hợp hạ đường huyết.

Uống đường glucose

Đối với người bệnh chỉ có các triệu chứng nhẹ, tỉnh táo, có thể cho uống nước đường, sữa có đường, nước trái cây,… Cụ thể, hãy ăn hoặc uống 15 - 20 gam đường ngay lập tức, chọn một trong các thức ăn sau, ví dụ như:

  • 3 viên đường 5 gam;
  • 5 - 6 viên kẹo;
  • 2 thìa nho khô;
  • 3 thìa đường hoặc mật ong;
  • Trái cây ngọt;
  • 180 - 200 ml sữa có đường;
  • ½ cốc nước ép trái cây (không phải nước ép ít đường hay ít calo). Nếu bạn có bệnh thận, không nên uống nước ép cam vì có nhiều kali. Nước ép táo, nho hay việt quất là những lựa chọn tốt.
  • ½ lon nước ngọt (không phải loại ít đường hoặc ít calo).
Hạ đường huyết tiểu đường là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí để tránh tình trạng nguy hiểm 6
Nên uống hoặc ăn ngay 15 gam đường khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc kiểm tra thấy có hạ đường huyết

Sau 15 phút, thử lại đường huyết, nếu đường huyết còn thấp hay vẫn còn triệu chứng, nên lặp lại một lần nữa (ăn hoặc uống thêm 15 - 2- gam đường). Kiểm tra lại sau 15 phút, nếu đường huyết chưa cải thiện, hãy đưa người bệnh đến bệnh viện để được điều trị.

Truyền tĩnh mạch dung dịch glucose

Được chỉ định trong trường hợp người bệnh không uống được, hôn mê, hay nghi ngờ quá liều thuốc.

Bơm trực tiếp tĩnh mạch 50 ml dung dịch glucose ưu trương 30 - 50%. Sau đó tiếp tục truyền duy trì dung dịch glucose 5 - 10% nếu tri giác chưa hồi phục hay tiên lượng hạ đường huyết diễn tiến kéo dài.

Glucagon

Chỉ định trong các trường hợp người bệnh ngoại trú (ngoài cộng đồng) không uống được, hay người bệnh nội trú (tại bệnh viện) không uống được và chưa có đường truyền tĩnh mạch. Thường được điều trị cho người bệnh đái tháo đường hạ đường huyết có rối loạn tri giác, trên đường đưa đến bệnh viện.

Tiêm bắp hay tiêm dưới da 1 mg glucagon, có thể lặp lại 2 - 3 lần cách 10 - 15 phút nếu người bệnh chưa tỉnh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hạ đường huyết tiểu đường

Chế độ sinh hoạt:

Nếu bạn đang dùng insulin hoặc các loại thuốc hạ đường huyết khác, hãy thực hiện các việc sau để ngăn ngừa tình trạng hạ đường huyết:

  • Tự kiểm tra đường huyết: Tham khảo ý kiến của bác sĩ về cách thức tự kiểm tra đường huyết (thường bằng máy đo đường huyết) để kịp thời phát hiện hạ đường huyết.
  • Chế độ hoạt động: Hãy đảm bảo an toàn trong khi tập thể dục hoặc hoạt động thể chất. Hoạt động thể chất có thể làm giảm lượng đường huyết trong lúc hoạt động hoặc nhiều giờ sau đó. Không nên vận động quá mức mà chế độ ăn chưa phù hợp. Không nên tập vận động một mình, khi thấy mệt nên ngưng tập và thử đường huyết ngay. Nếu thử đường huyết lúc trước tập thấp, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tập.
  • Sử dụng thuốc: Không nên tự ý dùng thêm thuốc hay tự tăng liều thuốc hạ đường huyết khi đo đường huyết cao. Nên mang theo 1 ống thuốc glucagon 1 mg và ống tiêm có gắn kim tiêm, tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cách sử dụng khi cần.
  • Thẻ tên y tế: Nên mang theo tấm thẻ có tên và thông báo mình bị đái tháo đường, tên thuốc và liều thuốc đang dùng.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng phù hợp để ngăn ngừa hạ đường huyết bao gồm:

  • Mang theo các loại đường hấp thu nhanh (kẹo, viên đường, nước trái cây, nước ngọt…) để dùng khi cần thiết.
  • Ngoài ra, nếu bạn dùng đồ uống có cồn, sẽ an toàn hơn khi ăn một số thực phẩm cùng lúc (không sử dụng đồ uống có cồn nếu ăn ít hay nhịn ăn).
  • Nên ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa ăn, ăn uống đúng khẩu phần quy định theo hướng dẫn của bác sĩ. 
Hạ đường huyết tiểu đường là gì? Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí để tránh tình trạng nguy hiểm 7
Ngăn ngừa hạ đường huyết bằng cách ăn uống đúng giờ, đúng khẩu phần theo hướng dẫn

Phương pháp phòng ngừa hạ đường huyết tiểu đường hiệu quả

Để phòng ngừa hạ đường huyết một cách hiệu quả, hãy tuân thủ theo hướng dẫn điều trị thuốc của bác sĩ, tuân theo chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phù hợp. Bên cạnh đó, nên giáo dục và hướng dẫn người nhà, bệnh nhân cách phát hiện và xử trí hạ đường huyết một cách nhanh chóng để hạn chế các biến chứng của hạ đường huyết.

Nguồn tham khảo
  1. Low blood sugar (hypoglycaemia): https://www.nhs.uk/conditions/low-blood-sugar-hypoglycaemia/
  2. Hypoglycemia (Low Blood Glucose): https://diabetes.org/healthy-living/medication-treatments/blood-glucose-testing-and-control/hypoglycemia
  3. Hypoglycemia: https://www.msdmanuals.com/professional/endocrine-and-metabolic-disorders/diabetes-mellitus-and-disorders-of-carbohydrate-metabolism/hypoglycemia
  4. Low Blood Sugar (Hypoglycemia): https://www.cdc.gov/diabetes/basics/low-blood-sugar.html
  5. Low Blood Glucose (Hypoglycemia): https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/preventing-problems/low-blood-glucose-hypoglycemia

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh Wilson

  2. Suy giảm Testosterone

  3. Thừa Estrogen

  4. Nhiễm toan ceton

  5. Dậy thì sớm

  6. Xơ gan do rượu

  7. Suy tuyến yên

  8. Bướu giáp nhân thùy phải

  9. Hạ đường huyết

  10. Đái tháo nhạt