Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ tim giãn: Dấu hiệu lâm sàng và thăm dò cận lâm sàng

Ngày 21/08/2023
Kích thước chữ

Bệnh cơ tim giãn đang dần trở nên phổ biến, có xu hướng gia tăng trong tương lai. Việc chẩn đoán bệnh sớm cùng quá trình điều trị kịp thời, hiệu quả sẽ giúp người bệnh cải thiện cuộc sống hàng ngày, kéo dài tuổi thọ. Vậy tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ tim giãn là gì?

Bệnh cơ tim giãn thường không rõ nguyên nhân gây bệnh, tiến triển chủ yếu của bệnh là biến chứng suy tim. Bởi vậy, bệnh thường có tiên lượng xấu, ước tính tỷ lệ người mắc bệnh tử vong sau 5 năm là 35%, sau 10 năm tiếp theo là 70%. Chẩn đoán bệnh kịp thời sẽ giúp người bệnh dự phòng biến chứng cũng như điều trị hiệu quả hơn. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ tim giãn bao gồm các triệu chứng lâm sàng và thăm dò cận lâm sàng được chỉ định, thực hiện cũng như đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa.

Thông tin về bệnh cơ tim giãn

Bệnh cơ tim giãn (Dilated Cardiomyopathy - DCM) là một loại bệnh tim mạch ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của cơ tim. Trong trường hợp này, cơ tim trở nên giãn rộng, yếu đi, làm giảm khả năng bơm máu từ tim ra hệ thống mạch máu của cơ thể.

Điều này có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân chính của DCM chưa được xác định rõ ràng. Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ tim giãn được đánh giá, xác định dựa trên biểu hiện bệnh kết hợp với kết quả cận lâm sàng tương ứng.

Tiên lượng của bệnh cơ tim giãn thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng. Một số trường hợp được kiểm soát tốt thông qua điều trị, trong khi những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến suy tim.

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ tim giãn: Dấu hiệu lâm sàng và thăm dò cận lâm sàng 1
Biến chứng bệnh cơ tim giãn có thể gây nguy hiểm tính mạng người bệnh 

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ tim giãn

Để chẩn đoán chính xác tình trạng cơ tim giãn, bác sĩ cần dựa vào những tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ tim giãn như sau: 

Dấu hiệu bệnh lý trên lâm sàng

Để chẩn đoán DCM trên lâm sàng, cần phải sử dụng một loạt các phương pháp chẩn đoán để đánh giá tình trạng cơ tim và khả năng bơm máu. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ cần khai thác một số thông tin lâm sàng để định hướng bệnh cũng như đánh giá sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ tim giãn đầu tiên là thu thập thông tin về tiền sử bệnh lý của bệnh nhân, bao gồm tính chất của triệu chứng như thời gian xuất hiện của chúng. Những triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, sưng bàn chân hoặc đau ngực thường được khai thác kỹ.

Tiếp theo, bác sĩ sẽ trực tiếp kiểm tra lâm sàng bao gồm nghe tiếng tim, kiểm tra huyết áp và các dấu hiệu thể hiện tình trạng chung của bệnh nhân. Người bệnh thường có nhịp tim không đều với các tiếng tim bất thường.

Sau đó, chuyên gia sẽ kết hợp tất cả thông tin thu thập được từ lịch sử bệnh, thăm khám lâm sàng kết hợp với các kết quả thăm dò hình ảnh để chẩn đoán xác định cũng như tham chiếu, lựa chọn phương pháp điều trị.

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ tim giãn: Dấu hiệu lâm sàng và thăm dò cận lâm sàng 2
Người mắc bệnh cơ tim giãn có thể cảm thấy đau ngực

Xác định bệnh bằng chẩn đoán cận lâm sàng

Thông tin từ các kết quả chẩn đoán cận lâm sàng cung cấp đánh giá chi tiết về tình trạng của cơ tim và khả năng bơm máu. Dưới đây là phân tích về tiêu chuẩn chẩn đoán DCM dựa trên thông tin cận lâm sàng được cung cấp.

Đầu tiên, người bệnh được chụp X quang tim phổi có thể phát hiện dấu hiệu sau:

  • Bóng tim to: Kích thước của cơ tim tăng khiến tổng thể tim to hơn.
  • Tăng áp tĩnh mạch phổi hoặc phù phổi: Chứng tỏ sự tắc nghẽn bất thường trong lưu thông máu ở phổi.

Tiếp theo, tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ tim giãn bao gồm điện tâm đồ (Electrocardiogram - EKG/ECG) để đánh giá chức năng tim. Tuy không có dấu hiệu điển hình cho bệnh cơ tim giãn nhưng bác sĩ sẽ thấy được bất thường của nhịp tim như:

  • Rối loạn nhịp tim như nhịp nhanh kịch phát trên thất, rung cuống nhĩ, ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất.
  • Đoạn ST chênh xuống hoặc đảo ngược ở các chuyển đạo D1, aVL, V6, V5, giãn tâm thất với ưu thế thất trái.

Siêu âm tim là phương pháp thăm dò hình ảnh rất có giá trị giúp chẩn đoán xác định bệnh lý tim mạch, trong đó có bệnh cơ tim giãn, cụ thể:

  • Siêu âm 2D thất trái: Hình dạng hình cầu, giãn theo trục ngang hơn là theo trục dọc. Thành thất trái mỏng hơn, tất cả các vùng thất trái giảm động.
  • Siêu âm M Mode: Gia tăng kích thước thất trái vào cuối tâm thu và tâm trương, giảm phân suất tống máu, co hồi.
  • Siêu âm màu: Hở van 2 lá hoặc 3 lá do giãn thất dẫn đến giãn các vòng van.
  • Siêu âm Doppler: Đo dòng máu qua van động mạch chủ, ước tính áp lực động mạch phổi qua các phổ hở van động mạch phổi, hở van 3 lá.

Những thông tin từ các kỹ thuật thăm dò cận lâm sàng trên sẽ cung cấp hình ảnh rõ nét về tình trạng cơ tim, kích thước, chức năng và áp lực máu trong hệ tuần hoàn. Đây là công cụ quan trọng nhất để chẩn đoán cũng như theo dõi bệnh cơ tim giãn, từ đó hỗ trợ quyết định điều trị tốt hơn cho bệnh nhân.

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ tim giãn: Dấu hiệu lâm sàng và thăm dò cận lâm sàng 3
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ tim giãn bao gồm điện tâm đồ cùng thăm dò hình ảnh khác

Bệnh cơ tim giãn cần phân biệt với bệnh gì?

Bệnh cơ tim giãn có thể có các triệu chứng và biểu hiện tương tự với một số bệnh khác liên quan đến hệ tim mạch. Để phân biệt DCM với các bệnh lý khác, các phương pháp chẩn đoán phân biệt cần được áp dụng. Dưới đây là một số chẩn đoán phân biệt quan trọng dễ gây nhầm lẫn, cụ thể:

  • Bệnh tim bẩm sinh là nhóm các dị tật tim mạch xuất hiện ngay từ khi còn trong tử cung hoặc ngay sau khi sinh. Có một số biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh có thể giống với DCM nhưng chúng thường xuất hiện từ lúc mới sinh. Chẩn đoán phân biệt dựa vào tiền sử bệnh, kiểm tra lâm sàng, siêu âm tim và xét nghiệm di truyền.
  • Bệnh van tim có thể gây suy tim hoặc tắc nghẽn lưu thông máu từ đó gây ra các triệu chứng giống với DCM nhưng tiếng tim và đánh giá siêu âm tim sẽ cho thấy các biểu hiện cấu trúc van tim bất thường. Xét nghiệm siêu âm Doppler giúp theo dõi dòng máu qua van, đồng thời đo áp suất máu qua các van, từ đó chẩn đoán phân biệt.
  • Bệnh mạch vành là tình trạng khi các động mạch chứa máu cung cấp cho cơ tim bị tắc nghẽn, gây giảm lưu lượng máu tới cơ tim. Triệu chứng có thể tương tự DCM nhưng thường đi kèm với đau thắt ngực và khó thở. Chẩn đoán phân biệt dựa trên xét nghiệm đánh giá cấu trúc tim mạch như siêu âm tim, chụp cắt lớp động mạch vành có cản quang hoặc làm trắc nghiệm gắng sức.
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ tim giãn: Dấu hiệu lâm sàng và thăm dò cận lâm sàng 4
Bệnh nhân có thể cần chụp cắt lớp để chẩn đoán phân biệt bệnh lý tim mạch

Thông qua bài viết, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới độc giả thông tin hữu ích về tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cơ tim giãn bao gồm triệu chứng biểu hiện trên lâm sàng kết hợp với những phương pháp thăm dò hình ảnh từ đơn giản tới phức tạp. Đừng quên đón chờ những bài viết sắp tới với nhiều chủ đề đa dạng của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin