Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U lympho không Hodgkin và những điều cần biết

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

U lympho không Hodgkin là khối u ác tính có nguồn gốc từ các mô bạch huyết, chủ yếu là các hạch bạch huyết. Những khối u này có thể xảy ra do sự đột biến nhiễm sắc thể, nhiễm chất độc khác nhau, nhiễm trùng và viêm mãn tính. Hiện nay, những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị u lympho không Hodgkin đã giúp cải thiện tiên lượng cho những người mắc bệnh này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U lympho không Hodgkin là gì?

U lympho không Hodgkin (còn được gọi là ung thư hạch không Hodgkin), là một loại ung thư của hệ bạch huyết. Trong cơ thể, hệ bạch huyết có nhiệm vụ bảo vệ và chống lại các mầm bệnh và nhiễm trùng.

Có hơn 70 loại ung thư hạch không Hodgkin. Với ung thư hạch không Hodgkin, khối u phát triển từ tế bào lympho (tế bào lympho tồn tại trong các hạch bạch huyết, lá lách và các cơ quan khác của hệ thống miễn dịch). Khối u có thể bắt nguồn từ bất kỳ vị trí nào trong cơ thể và lan sang các bộ phận khác.

Ung thư hạch không Hodgkin có thể phát sinh từ 1 trong 2 loại tế bào:

  • Tế bào lympho B: Nhiệm vụ của tế bào B là tạo ra kháng thể để vô hiệu hóa các tác nhân lạ gây nhiễm trùng. Hầu hết các u lympho không Hodgkin đều bắt đầu từ tế bào B.
  • Tế bào lympho T: Nhiệm vụ của tế bào T là tiêu diệt các tác nhân lạ xâm nhập trực tiếp vào cơ thể và gây bệnh. U lympho không Hodgkin rất hiếm khi phát sinh từ tế bào T.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của u lympho không Hodgkin

Ung thư hạch không Hodgkin thường gây ra các dấu hiệu sau:

  • Các hạch bạch huyết (ở cổ, nách hoặc vùng bẹn) sưng to nhưng không gây đau;
  • Đau bụng (cũng như chướng bụng);
  • Đau ngực;
  • Thường bị sốt không rõ nguyên nhân;
  • Thường xuyên đau đầu, mệt mỏi;
  • Đổ mồ hôi, đặc biệt là vào ban đêm;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Khó thở, ho khan;
  • Ăn không thấy ngon miệng;
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa;
  • Táo bón;
  • Có thể có co giật.

Biến chứng có thể gặp khi mắc u lympho không Hodgkin

Các biến chứng khẩn cấp đe dọa tính mạng của u lympho không Hodgkin cần được xem xét trong quá trình kiểm tra và đánh giá ban đầu. Việc nhận biết sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng đối với những tình huống này:

  • Giảm bạch cầu do sốt.
  • Tăng axit uric máu và hội chứng ly giải khối u: Biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đi tiểu ít, tê, ngứa ran ở chân và đau khớp. Kết quả xét nghiệm bao gồm sự gia tăng axit uric, kali, creatinin và giảm nồng độ canxi. Điều này có thể được ngăn ngừa bằng cách bổ sung nước và dùng allopurinol.
  • Chèn ép tủy sống hoặc não.
  • Chèn ép khu trú tùy thuộc vào vị trí và loại u lympho không Hodgkin như: Tắc nghẽn đường thở (u lympho trung thất), tắc ruột và lồng ruột, tắc nghẽn niệu quản.
  • Tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên hoặc dưới.
  • Tăng bạch cầu.
  • Bệnh bạch cầu Lymphoma tế bào T trưởng thành có thể gây tăng canxi máu.
  • Chèn ép màng ngoài tim.
  • Rối loạn chức năng gan.
  • Bệnh huyết khối tĩnh mạch.
  • Thiếu máu tán huyết tự miễn và giảm tiểu cầu có thể thấy ở u tế bào lympho nhỏ.
U lympho không Hodgkin và những điều cần biết 4
U lympho không Hodgkin có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số các triệu chứng kể trên. Các triệu chứng của bạn có thể do các tình trạng bệnh lý khác gây ra. Ví dụ, các hạch bạch huyết của bạn có thể to hơn khi bạn bị nhiễm trùng cổ họng nhưng điều quan trọng là bạn phải được bác sĩ kiểm tra các triệu chứng của mình.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến u lympho không Hodgkin

Trong hầu hết các trường hợp, các bác sĩ không biết nguyên nhân gây ra bệnh ung thư hạch không Hodgkin. Nó bắt đầu khi cơ thể bạn sản sinh ra quá nhiều tế bào lympho bất thường.

Đột biến gen ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào bạch cầu cũng là nguyên nhân gây ra u lympho không Hodgkin (đây là những đột biến gen mắc phải không phải bẩm sinh).

U lympho không Hodgkin có thể liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm nhiễm trùng, yếu tố môi trường, tình trạng suy giảm miễn dịch và viêm mãn tính:

Tác nhân lây nhiễm

Nhiều tác nhân lây nhiễm khác nhau gây ra u lympho không Hodgkin khác nhau như:

  • Virus Epstein-Barr, một loại virus DNA, có liên quan đến nguyên nhân gây ra một số loại u lympho không Hodgkin, bao gồm một biến thể đặc hữu như bệnh ung thư hạch Burkitt.
  • Virus gây bệnh bạch cầu tế bào T ở người loại 1 (HTLV-1) gây ra bệnh ung thư hạch tế bào T ở người trưởng thành. Nó gây ra sự kích thích kháng nguyên mãn tính và rối loạn điều hòa Cytokine, dẫn đến sự kích thích và tăng sinh tế bào B hoặc T không kiểm soát được.
  • Virus viêm gan C (HCV) dẫn đến sự mở rộng tế bào B vô tính. U lympho vùng rìa lách và u lympho tế bào B lớn lan tỏa là một số phân nhóm của u lympho không Hodgkin do virus viêm gan C.
  • Herpesvirus 8 ở người có liên quan đến ung thư hạch tràn dịch nguyên phát (PEL) và là một loại ung thư hạch không Hodgkin tế bào B cấp độ cao hiếm gặp liên quan đến Kaposi Sarcoma.
  • Nhiễm Helicobacter pylori có liên quan đến việc tăng nguy cơ u lympho mô bạch huyết liên quan đến niêm mạc dạ dày (MALT), một loại u lympho đường tiêu hóa nguyên phát.

Thuốc

Các loại thuốc như Phenytoin, Digoxin và chất đối kháng TNF cũng có liên quan đến ung thư hạch không Hodgkin. Hơn nữa, các hóa chất hữu cơ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ Phenoxy, chất bảo quản gỗ, bụi, thuốc nhuộm tóc, dung môi, hóa trị và phơi nhiễm phóng xạ cũng có liên quan đến sự phát triển của u lympho không Hodgkin.

Bệnh lý miễn dịch

Các tình trạng suy giảm miễn dịch bẩm sinh có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc u lympho không Hodgkin là hội chứng Wiskott-Aldrich, bệnh suy giảm miễn dịch kết hợp nghiêm trọng (SCID) và các tình trạng suy giảm miễn dịch gây ra như thuốc ức chế miễn dịch. Bệnh nhân mắc bệnh AIDS (hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) có thể mắc bệnh ung thư hạch thần kinh trung ương nguyên phát.

Các rối loạn tự miễn dịch như hội chứng Sjogren, viêm khớp dạng thấp và viêm tuyến giáp Hashimoto có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc u lympho không Hodgkin. Bệnh celiac cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch không Hodgkin.

U lympho không Hodgkin và những điều cần biết 5
Các rối loạn tự miễn dịch có thể tăng nguy cơ mắc u lympho không Hodgkin

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc u lympho không Hodgkin?

Những đối tượng sau đây được coi là có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư hạch không Hodgkin:

  • Có hệ thống miễn dịch suy yếu sau khi được điều trị một căn bệnh khác bằng cấy ghép nội tạng.
  • Hệ thống miễn dịch bị suy yếu do nhiễm một số loại vi khuẩn như Helicobacter pylori, virus HIV, Epstein Barr.
  • Người cao tuổi (trên 60 tuổi).
  • Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u lympho không Hodgkin

Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc u lympho không Hodgkin:

  • Bệnh tự miễn dịch: Những người mắc bệnh viêm ruột, viêm khớp dạng thấp, bệnh vẩy nến hoặc các bệnh thấp khớp khác có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư hạch không Hodgkin.
  • HIV/AIDS: Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) là loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Bị ung thư hạch không Hodgkin không có nghĩa là bạn bị nhiễm HIV/AIDS.
  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori: Nhiễm trùng này gây loét dạ dày. Những đợt nhiễm trùng này lặp đi lặp lại làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư hạch không Hodgkin.
  • Virus tăng bạch cầu lympho T ở người loại I hoặc virus Epstein-Barr .
  • Ghép tạng: Những người đã trải qua cấy ghép nội tạng bao gồm ghép tim, phổi và thận có nguy cơ phát triển ung thư hạch cao hơn. Điều này là do họ cần dùng thuốc chống thải ghép để ức chế hệ thống miễn dịch.
  • Xạ trị.
  • Xử lý thuốc trừ sâu: Một số nghiên cứu cho thấy những người tiếp xúc với một lượng thuốc trừ sâu nhất định ở mức độ cao, chẳng hạn như công nhân nông nghiệp, có thể tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh ung thư hạch không Hodgkin. Nguy cơ do tiếp xúc ở mức độ thấp và/hoặc định kỳ với các chất này là không chắc chắn.
  • Bị béo phì.
  • Ăn nhiều thịt và mỡ.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u lympho không Hodgkin

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán

Chẩn đoán u lympho không Hodgkin thông qua khai thác bệnh sử, tiền căn người bệnh và gia đình, khám thực thể và yêu cầu một số xét nghiệm.

  • Khám thực thể có thể được sử dụng để kiểm tra kích thước và tình trạng của các hạch bạch huyết. Khám thực thể cũng có thể phát hiện gan to hoặc lách to.
  • Công thức máu toàn phần: Có thể cho thấy tình trạng thiếu máu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, giảm ba dòng tế bào, tăng bạch cầu lympho và tăng tiểu cầu. Những thay đổi về số lượng máu ngoại vi này có thể là do thâm nhiễm tủy xương lan rộng, cường lách do liên quan đến lách hoặc mất máu do liên quan đến đường tiêu hóa.
  • Xét nghiệm hóa học huyết thanh: Có thể giúp loại trừ hội chứng ly giải khối u, thường gặp ở các u lympho không Hodgkin tăng sinh nhanh chóng như Burkitt hoặc u nguyên bào lympho. Nồng độ Lactate dehydrogenase cũng có thể tăng cao do gánh nặng khối u cao hoặc thâm nhiễm gan lan rộng.
  • Hình ảnh: Thường là chụp CT scan cổ, ngực, bụng và xương chậu hoặc chụp PET. Có thể cần đến hình ảnh chuyên dụng, chẳng hạn như MRI não và tủy sống.
  • Sinh thiết hạch và/hoặc mô: Hạch bạch huyết nên được xem xét để sinh thiết nếu có một hoặc nhiều đặc điểm hạch sau đây: Phì đại đáng kể, tồn tại trong hơn 4 đến 6 tuần, kích thước tăng dần.
  • Chọc dò tuỷ sống: Thường dành riêng cho những người có nguy cơ cao liên quan đến hệ thần kinh trung ương.
  • Sinh thiết và chọc hút tủy xương: Mẫu được phân tích để tìm kiếm các tế bào ung thư hạch không Hodgkin.
  • Phân tích dấu ấn miễn dịch của hạch bạch huyết máu ngoại vi và tủy xương.
U lympho không Hodgkin và những điều cần biết 6
Chẩn đoán u lympho không Hodgkin thông qua khám thực thể

Phân độ giai đoạn

Phân loại Lugano là phân độ hiện tại được sử dụng cho bệnh nhân u lympho không Hodgkin dựa trên hệ thống phân giai đoạn Ann Arbor. Hệ thống phân giai đoạn này dựa trên số lượng khối u và vị trí của chúng.

  • Giai đoạn I: Có ung thư hạch ở một vùng hạch bạch huyết hoặc một cơ quan bạch huyết. Tuyến ức, lá lách và tủy xương của bạn là những cơ quan bạch huyết.
  • Giai đoạn II đề cập đến hai hoặc nhiều vùng hạch bạch huyết bị tổn thương ở cùng một phía của cơ hoành hoặc tổn thương xâm lấn hạn chế ngoài hạch liền kề.
  • Giai đoạn III đề cập đến tổn thương hạch bạch huyết, lá lách ở cả hai bên cơ hoành.
  • Giai đoạn IV tổn thương xâm lấn ngoài hạch như gan, tủy xương và phổi, có hoặc không có sự tham gia của hạch bạch huyết liên quan.

Điều trị u lympho không Hodgkin

Nội khoa

Có nhiều phương pháp điều trị u lympho không Hodgkin. Những phương pháp điều trị này có thể tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phân chia. Mỗi phương pháp điều trị đều có tác dụng phụ khác nhau.

Theo dõi tích cực: Nếu mắc một loại u lympho không Hodgkin chậm hoặc đang phát triển chậm mà không có triệu chứng, bác sĩ có thể ngừng dùng thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác. Các bác sĩ sẽ theo dõi cẩn thận sức khỏe tổng thể của bạn để sẵn sàng bắt đầu điều trị ngay khi bạn có triệu chứng.

Hóa trị: Những loại thuốc này tấn công các tế bào ung thư trên khắp cơ thể bạn. Hầu hết các loại thuốc hóa trị truyền thống đều được tiêm tĩnh mạch và đôi khi có tác dụng phụ như buồn nôn, rụng tóc hoặc số lượng tế bào máu bình thường thấp.

Liệu pháp nhắm trúng đích: Chúng bao gồm các phương pháp điều trị như liệu pháp kháng thể đơn dòng. Phương pháp điều trị này sử dụng các kháng thể do phòng thí nghiệm tạo ra để tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư cụ thể.

Liệu pháp miễn dịch: Phương pháp điều trị này còn được gọi là liệu pháp sinh học giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Liệu pháp tế bào CAR-T là một ví dụ về liệu pháp miễn dịch.

Xạ trị: Phương pháp điều trị này bao gồm tia X hoặc các loại bức xạ khác. Phổ biến nhất ở những bệnh nhân mắc bệnh ở giai đoạn giới hạn (I, II) và đôi khi ở những người mắc bệnh ở giai đoạn tiến triển.

Cấy ghép tế bào gốc: Tế bào gốc là những tế bào máu chưa trưởng thành trong máu hoặc tủy xương. Có thể thực hiện ghép tế bào gốc tự thân hoặc có thể thực hiện cấy ghép tế bào gốc của người hiến tặng.

Ngoại khoa

Phẫu thuật thường không được sử dụng để điều trị ung thư hạch không Hodgkin, chỉ được sử dụng để sinh thiết, giúp chẩn đoán và phân loại u lympho không Hodgkin. Tuy nhiên, nếu mắc một loại ung thư hạch rất hiếm là ung thư hạch vùng rìa lách, bạn có thể phải cắt bỏ lách. Hoặc nếu có một khối u lớn ở bụng, có thể phải phẫu thuật trước khi hóa trị.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến u lympho không Hodgkin

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị.
  • Giữ gìn vệ sinh cho cơ thể, rửa tay thường xuyên trước khi chế biến đồ ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Giữ gìn môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát.
  • Thường xuyên tập thể dục thể thao nâng cao sức khoẻ.
  • Tránh căng thẳng, nghỉ ngơi hợp lý, không thức khuya, làm việc quá sức.
  • Suy nghĩ tích cực, lạc quan, tinh thần vui vẻ.
  • Không hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn chín uống sôi ngăn ngừa các bệnh lý nhiễm trùng. Không nên ăn các loại thực phẩm sống hay muối chua.
  • Khẩu phần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng từ ba nhóm tinh bột, chất béo, chất đạm. Tăng cường các thực phẩm chứa vitamin và khoáng chất có trong rau củ quả và trái cây.
  • Không ăn các thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn, thức ăn nhanh chứa chất béo không tốt như dầu mỡ, nội tạng.
  • Không ăn quá mặn, quá ngọt.
  • Không sử dụng chất kích thích, hút thuốc lá, bia rượu.
  • Uống đủ 2 lít nước/ngày.
U lympho không Hodgkin và những điều cần biết 7
Tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ ăn phù hợp

Phương pháp phòng ngừa u lympho không Hodgkin

Bệnh u lympho không Hodgkin không có cách phòng ngừa đặc hiệu nhưng một số gợi ý sau sẽ giúp nâng cao sức khoẻ và giảm khả năng mắc bệnh:

  • Ăn các bữa ăn lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, không làm việc quá sức, thức khuya.
  • Kiểm soát căng thẳng, giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.
  • Ngừng hút thuốc, không sử dụng các chất kích thích, rượu bia.
  • Luyện tập thể dục thể thao phù hợp.

Các câu hỏi thường gặp về u lympho không Hodgkin

U lympho không Hodgkin có nguy hiểm không?

U lympho không Hodgkin đôi khi có thể khiến cơ thể bạn dễ bị nhiễm trùng, mắc các loại ung thư hoặc bệnh tim khác. Bệnh cũng có khả năng gây tử vong. Nên khi có các triệu chứng khác thường cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Tỷ lệ sống sót của u lympho không Hodgkin là bao nhiêu?

Các nghiên cứu cho thấy về tổng thể, 73% số người mắc các bệnh này vẫn còn sống sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Nhìn chung, những người được chẩn đoán trước khi bệnh di căn sẽ sống lâu hơn những người được chẩn đoán sau khi bệnh di căn.

Trẻ em có thể bị ung thư hạch không Hodgkin không?

U lympho không Hodgkin có thể ảnh hưởng đến trẻ em. Có ba loại ung thư hạch không Hodgkin phổ biến ở trẻ em:

  • Ung thư hạch Burkitt;
  • U lympho tế bào B lớn lan tỏa;
  • U lympho tế bào B trung thất nguyên phát.

U lympho không Hodgkin có thể tái phát sau khi điều trị không?

Có hai lý do khiến tình trạng của bạn có thể quay trở lại:

  • Việc điều trị không loại bỏ được bệnh hoàn toàn.
  • Tình trạng của bạn đã thuyên giảm và sau đó quay trở lại hoặc tái phát. Điều này có thể xảy ra vì việc điều trị đã loại bỏ các tế bào phát triển nhanh nhưng lại để lại các tế bào phát triển chậm.

Các phương pháp điều trị có tác dụng phụ hay biến chứng không?

Một biến chứng ngay lập tức của hầu hết các phương pháp điều trị là nhiễm trùng xảy ra trong thời kỳ giảm bạch cầu trung tính.

Các tác dụng phụ về đường tiêu hóa của hóa trị liệu có thể được giảm bớt hoặc ngăn ngừa phần lớn bằng thuốc chống nôn.

Bệnh nhân dùng anthracycline có nguy cơ mắc bệnh cơ tim và/hoặc rối loạn nhịp tim.

Thuốc và xạ trị có biến chứng muộn. Trong 10 năm đầu sau khi điều trị, có nguy cơ mắc chứng loạn sản tủy hoặc bệnh bạch cầu cấp tính do tổn thương tủy xương do một số tác nhân hóa trị. Sau 10 năm, nguy cơ mắc ung thư thứ phát tăng lên, đặc biệt ở những bệnh nhân được xạ trị vào ngực.

Nguồn tham khảo
  1. Non-Hodgkin Lymphoma: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559328/
  2. Non-Hodgkin Lymphoma: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/non-hodgkins-lymphoma/diagnosis-treatment/drc-20375685
  3. What Is Non-Hodgkin Lymphoma?: https://www.cancer.org/cancer/types/non-hodgkin-lymphoma/about/what-is-non-hodgkin-lymphoma.html
  4. Non-Hodgkin lymphoma: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15662-non-hodgkin-lymphoma
  5. Non-Hodgkin lymphoma: https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/non-hodgkin-lymphoma
  6. Non-Hodgkin Lymphoma (Non-Hodgkin’s Disease): https://www.pennmedicine.org/cancer/types-of-cancer/lymphoma/types-of-lymphoma/nonhodgkin-lymphoma
  7. Non-Hodgkin lymphoma: https://bloodcancer.org.uk/understanding-blood-cancer/lymphoma/non-hodgkin-lymphoma/

Các bệnh liên quan