Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng cận u là gì? Điều trị cho người mắc bệnh ra sao?

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng cận u là một nhóm các rối loạn hiếm gặp do sự hiện diện của khối u trong cơ thể. Hội chứng này xảy ra ở khoảng 10 đến 15 phần trăm số người mắc bệnh ung thư và có thể phát triển trước khi bạn phát hiện ra bệnh ung thư. Hội chứng cận u ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể và gây ra nhiều triệu chứng riêng biệt. Các phương pháp điều trị hiện nay nhằm mục đích làm giảm các triệu chứng, giảm viêm và ức chế phản ứng miễn dịch của cơ thể.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng cận u là gì?

Hội chứng cận u hay có thể gọi là hội chứng cận ung thư là tập hợp các triệu chứng và dấu hiệu có thể xảy ra khi bạn bị ung thư. Các triệu chứng phát triển khi khối u ác tính gây ra những thay đổi trong cơ thể bạn mà không phải do chính bệnh ung thư gây ra trực tiếp. Mặc dù hội chứng cận u là do khối u gây ra nhưng chúng không liên quan đến kích thước hoặc số lượng khối u này.

Khối u sẽ tiết ra một loại hormone hoặc protein ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Thông thường khi mắc hội chứng cận u, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ giải phóng kháng thể để tiêu diệt khối u trong quá trình này, các kháng thể cũng sẽ làm tổn thương các tế bào khỏe mạnh.

Hội chứng cận u có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ thống và cơ quan của cơ thể bao gồm hệ thần kinh, hệ nội tiết, thận, xương, khớp, da và máu… Thông thường các triệu chứng của hội chứng cận u là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư.

Các loại hội chứng cận u thường gặp:

  • Hội chứng cận u hệ thần kinh gồm thoái hóa tiểu não, bệnh lý thần kinh thực vật, viêm não, viêm não tủy, hội chứng nhược cơ Lambert-Eaton, bệnh nhược cơ, bệnh tủy sống, bệnh tăng trương lực cơ thần kinh, hội chứng rung giật nhãn cầu - giật cơ, bệnh thần kinh ngoại biên, hội chứng người cứng thể cục bộ.
  • Hội chứng cận u hệ nội tiết gồm hội chứng Cushing, tăng canxi máu, hội chứng tăng tiết hormon chống bài niệu (ADH) không thích hợp (SIADH), hội chứng carcinoid.
  • Hội chứng cận u hệ thấp khớp gồm viêm cân mạc bạch cầu ái toan, bệnh đau đỏ đầu chi, bệnh xương khớp phì đại, viêm cân gan chân, viêm đa khớp cận u.
  • Hội chứng cận u huyết học gồm bệnh hồng cầu cận u, tăng tiểu cầu cận u.
  • Hội chứng cận u da gồm bệnh gai đen, viêm da cơ địa, bệnh bóng nước cận u, viêm mạch hủy bạch cầu, bệnh da tăng bạch cầu đa nhân trung tính có sốt.
  • Viêm cầu thận cận u là một hội chứng cận u ảnh hưởng đến thận của bạn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Hội chứng cận u

Các triệu chứng của hội chứng cận u khác nhau tùy thuộc vào cơ quan bị tổn thương. Trong một số trường hợp (khoảng 60 phần trăm), những người mắc hội chứng cận u trước khi được chẩn đoán ung thư. Chẩn đoán sớm hội chứng cận u có thể giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị bệnh tốt nhất.

Các triệu chứng thường gặp của hội chứng cận u gồm:

  • Sốt;
  • Ăn kém ngon miệng;
  • Sụt cân;
  • Đổ mồ hôi đêm.
hoi-chung-can-u 4.jpg
Sụt cân không rõ nguyên nhân là triệu chứng gợi ý cho hội chứng cận u

Tùy vào cơ quan bị tổn thương mà các triệu chứng của hội chứng cận u sẽ đặc trưng cho cơ quan đó.

Hệ thần kinh

Hội chứng cận u có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương (não, tủy sống) và hệ thần kinh ngoại biên (dây thần kinh bên ngoài não và tủy sống) có thể gây ra:

  • Chóng mặt;
  • Song thị (nhìn đôi);
  • Nói khó;
  • Mất hoặc giảm trí nhớ;
  • Co giật;
  • Yếu cơ;
  • Giảm phản xạ, cảm giác và phối hợp vận động;
  • Mất cảm giác ở tay và chân.

Hệ nội tiết

Hội chứng cận u ảnh hưởng đến hệ nội tiết của bạn sẽ gây ra:

  • Mệt mỏi;
  • Đau đầu;
  • Chuột rút;
  • Cáu gắt;
  • Lú lẫn;
  • Yếu cơ;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Nhịp tim chậm;
  • Huyết áp cao;
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân;
  • Hôn mê;
  • Tích tụ chất béo ở thân mình và mặt của bạn;
  • Phù tay hoặc chân;
  • Suy thận cấp.

Cơ, xương và khớp

Hội chứng cận ung ảnh hưởng đến hệ thống cơ, xương, khớp và mô liên kết của bạn gồm:

  • Viêm khớp;
  • Đau khớp;
  • Sưng và cứng khớp;
  • Ngón tay dùi trống.
hoi-chung-can-u 5.jpg
Ngón tay dùi trống

Da

Hội chứng cận u ảnh hưởng đến làm da của bạn:

  • Ngứa;
  • Phát ban, đỏ da;
  • Da dày lên, sừng hóa;
  • Tăng trưởng da lành tính (không phải ung thư);
  • Da bong tróc;
  • Tóc mọc bất thường;
  • Loét da.

Huyết học

Quá ít hồng cầu hoặc quá nhiều tiểu cầu và bạch cầu gây ra:

  • Da nhợt nhạt;
  • Mệt mỏi;
  • Khó thở;
  • Cục máu đông trong tĩnh mạch sâu;
  • Tăng số lượng hồng cầu.

Tiêu hóa

Hội chứng cận u có thể gây tiêu chảy kéo dài. Điều này gây ra lượng protein máu thấp do mất quá nhiều qua phân.

Thận

Hội chứng cận u ảnh hưởng đến thận có thể làm thay đổi sự cân bằng kiềm toan trong cơ thể bạn. Khi hệ thống này bị mất cân bằng, nó có thể dẫn đến tổn thương thận và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, thậm chí có thể gây tử vong. Các triệu chứng gồm:

  • Phù hai chân;
  • Cơ thể bị tích nước;
  • Tiểu bọt do có nhiều protein trong nước tiểu.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Hội chứng cận u

Bạn có thể gặp nhiều biến chứng, một số biến chứng nhẹ và một số biến chứng có thể nghiêm trọng hơn thậm chí đe dọa tính mạng. Hội chứng cận u thường liên quan đến ung thư phổi thường gây hậu quả nghiêm trọng.

Ví dụ một đánh giá năm 2019 về bệnh pemphigus á u (một loại hội chứng cận u) được cho thấy có tỷ lệ tử vong cao do nhiễm trùng nặng như nhiễm trùng huyết và viêm phổi, phản ứng tự miễn ngăn chặn không khí đi qua các đường dẫn khí trong phổi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nêu trên hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa ung thư hoặc chuyên khoa nội để được chẩn đoán sớm và ngăn ngừa diễn tiến bệnh nặng hơn gây nguy hiểm cho tính mạng.

hoi-chung-can-u 6.jpg
Hãy khám bác sĩ chuyên khoa ung thư hoặc chuyên khoa nội nếu có bất kỳ triệu chứng kể trên

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Hội chứng cận u

Một số khối u ác tính tiết ra các chất như hormone, protein khiến một số cơ quan trong cơ thể bạn hoạt động bất thường. Những chất này có thể làm tổn thương vĩnh viễn một cơ quan hoặc hệ thống. Thông thường, hội chứng cận u xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể vô tình gây tổn thương các tế bào bình thường của cơ thể.

Hệ miễn dịch của bạn là nơi tạo ra kháng thể giúp bảo vệ bạn khỏi các kháng nguyên tấn công cơ thể bạn như tế bào ung thư. Đôi khi, các tín hiệu bị sai lệch khiến kháng thể tấn công các tế bào và mô khỏe mạnh gây ra các triệu chứng liên quan đến hội chứng cận u.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Hội chứng cận u?

Bất cứ ai có khối u ác tính đều có thể phát triển hội chứng cận u. Những loại ung thư thường liên quan đến hội chứng cận u là:

  • Ung thư vú;
  • Ung thư dạ dày;
  • Bệnh bạch cầu;
  • Ung thư hạch;
  • Ung thư phổi;
  • Ung thư buồng trứng;
  • Ung thư tụy;
  • Ung thư tuyến tiền liệt;
  • Ung thư thận;
  • Ung thư tinh hoàn.

Bạn sẽ có nguy cơ mắc hội chứng cận u nếu bạn có những nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Hội chứng cận u

Nguy cơ mắc hội chứng cận u của bạn sẽ tăng lên nếu bạn ở độ tuổi trung niên và bạn có người thân trong gia đình đang mắc bệnh ung thư hoặc đã từng mắc bệnh ung thư.

Việc sử dụng thuốc lá, tiêu thụ rượu bia lượng nhiều, ăn uống không lành mạnh, ít hoạt động thể lực có thể làm tăng nguy cơ mắc khối u ác tính, tăng nguy cơ xuất hiện hội chứng cận u.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm Hội chứng cận u

Bác sĩ sẽ chẩn đoán hội chứng cận u của bạn bằng cách hỏi tiền sử các triệu chứng bệnh, khám thực thể và xét nghiệm.

  • Khám thần kinh: Hội chứng cận u thường ảnh hưởng đến hệ thần kinh, ảnh hưởng đến chức năng của não và cơ. Khám sức cơ, phản xạ, cảm giác, trí nhớ và khả năng phối hợp.
  • Hình ảnh học: Chụp CT-scan, MRI, và siêu âm để tìm khối u ở não, ngực, bụng, xương chậu, vú, da có thể gây ra các triệu chứng của bạn.
  • Xét nghiệm máu: Có thể gợi ý có khối u và xác nhận hiện diện của kháng thể của hội chứng cận u. Xét nghiệm máu cũng giúp loại trừ các tình trạng bệnh lý khác có thể gây ra các triệu chứng như nhiễm trùng, rối loạn nội tiết tố hoặc rối loạn chuyển hóa. Các xét nghiệm máu có thể được chỉ định như công thức máu toàn phần, điện di protein huyết thanh, xét nghiệm sinh hóa…
  • Xét nghiệm dấu ấn ung thư: Dấu ấn là những chất tạo ra bởi tế bào ung thư hoặc các tế bào bình thường do ung thư tạo ra. Khối u hoặc dấu hiệu ung thư có thể được tìm thấy trong máu, nước tiểu hoặc các mô cơ thể.
  • Chọc dò dịch não tủy: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu chọc dò tủy sống để kiểm tra tình trạng dịch não tủy của bạn nhằm tìm kiếm các kháng thể.
  • Sinh thiết: Là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán tình trạng ung thư của bạn gồm sinh thiết da, sinh thiết cơ, sinh thiết phổi, sinh thiết tụy…

Điều trị Hội chứng cận u

Bác sĩ sẽ điều trị bệnh ung thư tiềm ẩn gây ra các triệu chứng của bạn. Bác sĩ sẽ kiểm soát các triệu chứng nhằm giảm bất cứ tổn thương nào đối với các cơ quan trong cơ thể.

Các phương pháp được sử dụng để kiểm soát hội chứng cận u gồm:

  • Corticosteroid: Các loại thuốc như cortisone hoặc prednisone giúp giảm viêm, giảm đau và giảm phản ứng quá mức của hệ miễn dịch.
  • Globulin miễn dịch miễn dịch: Có tác dụng làm giảm phản ứng miễn dịch của cơ thể. Việc lựa chọn loại thuốc và liều lượng được điều chỉnh phù hợp với hội chứng cận u xảy ra trên cơ thể bạn.
  • Huyết thanh miễn dịch tiêm tĩnh mạch: Nhằm tiêu diệt các kháng thể có hại gây ra hội chứng cận u.
  • Lọc huyết tương: Là một phương pháp giảm số lượng kháng thể trong cơ thể bằng cách lấy huyết tương khỏi cơ thể bạn sau đó loại bỏ các kháng thể này và truyền ngược lại vào cơ thể.
  • Vật lý trị liệu và ngôn ngữ: Các bài tập này giúp cải thiện chức năng vận động và ngôn ngữ của bạn và thường được chỉ định đối với hội chứng u thần kinh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của Hội chứng cận u

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ.
  • Giữ tâm lý lạc quan, tích cực.
  • Vận động thể lực thường xuyên.
  • Không hút thuốc lá.
  • Không sử dụng rượu bia.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đủ dinh dưỡng.
  • Tránh sử dụng thực phẩm đóng hộp.
  • Hạn chế ăn nhiều dầu mỡ động vật.
  • Ăn nhiều rau và trái cây.

Phòng ngừa Hội chứng cận u

Không có cách nào phòng ngừa được hội chứng cận u nhưng những hành động giúp phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư nói chung có thể giúp ngăn ngừa hội chứng này. Bao gồm:

  • Tránh sử dụng thuốc lá.
  • Giữ cân nặng khỏe mạnh.
  • Ăn uống lành mạnh, tránh các thực phẩm chế biến sẵn.
  • Vận động thường xuyên.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia.
hoi-chung-can-u 7.jpg
Vận động thể lực thường xuyên giúp bạn khỏe mạnh hơn
Nguồn tham khảo
  1. Understanding Paraneoplastic Syndromes (PNS) and How They’re Treated: https://www.healthline.com/health/cancer/paraneoplastic-syndromes
  2. Paraneoplastic Syndromes: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17938-paraneoplastic-syndromes
  3. Paraneoplastic Syndromes: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK507890/
  4. Paraneoplastic Syndromes: https://emedicine.medscape.com/article/280744-overview
  5. Paraneoplastic syndromes of the nervous system: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/paraneoplastic-syndromes/symptoms-causes/syc-20355687

Các bệnh liên quan