Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tim bẩm sinh không tím là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tim bẩm sinh (Congenital Heart Disease) là thuật ngữ chung được sử dụng để chỉ một loại các dị tật bẩm sinh của tim. Có hơn 30 loại khuyết tật tim khác nhau, chia thành hai nhóm chính là bệnh tim bẩm sinh tím (Cyanotic Heart Disease) và bệnh tim bẩm sinh không tím (Acyanotic Heart Disease).

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tim bẩm sinh không tím là gì?

Bệnh tim bẩm sinh (Congenital Heart Disease - CHD) là những bất thường về cấu trúc của tim, thuật ngữ “bẩm sinh” có nghĩa là các vấn đề này xuất hiện từ khi sinh ra. Những khiếm khuyết này xảy ra khi tim của em bé không phát triển bình thường trong thai kỳ. Bệnh tim bẩm sinh là loại dị tật bẩm sinh phổ biến nhất ở trẻ.

Có nhiều loại dị tật tim bẩm sinh khác nhau, được chia thành hai nhóm chính là tim bẩm sinh tím (Cyanotic Heart Disease) và tim bẩm sinh không tím (Acyanotic Heart Disease). Tim bẩm sinh không tím khá phổ biến, nếu bệnh tim bẩm sinh ảnh hưởng từ 8 đến 9 ca trên 1.000 đối tượng, thì khoảng 75% trường hợp trong đó là bệnh tim bẩm sinh không tím.

Tim bẩm sinh không tím là tính trạng máu chứa đủ oxy, nhưng máu được bơm đi khắp cơ thể một cách bất thường.

Trẻ mắc tim bẩm sinh không tím có thể không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Nhưng theo thời gian, tình trạng này có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Có nhiều loại dị tật bẩm sinh của tim được xếp vào nhóm tim bẩm sinh không tím, bao gồm:

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tim bẩm sinh không tím

Trẻ sinh ra mắc bệnh tim bẩm sinh không tím có thể không có bất kỳ triệu chứng nào, tuy nhiên theo thời gian, tim bẩm sinh không tím có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Trong nhóm tình trạng này, huyết áp có thể tăng đáng kể, khiến tim căng thẳng hơn vì phải làm việc vất vả hơn (cố gắng co bóp để đẩy máu đi khắp cơ thể). Điều này có thể làm suy yếu tim và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh suy tim, khiến tim không thể bơm máu đi khắp cơ thể một cách hiệu quả.

Ngoài ra, áp lực trong phổi thường tăng cao (tăng áp phổi), có thể làm hỏng phổi và gây ra các triệu chứng:

  • Khó thở;
  • Mệt mỏi;
  • Chóng mặt;
  • Ngất xỉu.

Biến chứng có thể gặp khi mắc tim bẩm sinh không tím

Trẻ bị tim bẩm sinh, bao gồm tim bẩm sinh không tím, có thể phát triển các tình trạng sức khỏe khác, bao gồm:

  • Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng;
  • Rối loạn nhịp tim;
  • Suy tim;
  • Tăng áp phổi;
  • Bệnh gan và thận.

Tim bẩm sinh không chỉ gây ra các vấn đề lên tim của trẻ, đôi khi, nó còn ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau. Trẻ bị dị tật tim bẩm sinh có nhiều khả năng:

  • Nhỏ hơn trẻ khác;
  • Có vấn đề hoặc chậm phát triển về tinh thần, cảm xúc và hành vi, chẳng hạn như vấn đề về lời nói và ngôn ngữ, hay rối loạn tăng động giảm chú ý.
tbskt4.png
Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có thể phát triển các vấn đề về tinh thần, cảm xúc và hành vi

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ ngay trong thời gian mang thai và trong vài ngày đầu sau khi sinh để bác sĩ có thể khám và kiểm tra xem trẻ có bị dị tật tim bẩm sinh hay không. Ngoài ra, nếu bạn đã được chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh không tím, bạn nên đến khám thường xuyên với bác sĩ tim mạch để theo dõi tình trạng của mình. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tim bẩm sinh không tím

Các nhà nghiên cứu thường không biết nguyên nhân gây ra các dị tật tim bẩm sinh, bao gồm tim bẩm sinh không tím. Những hiểu biết có thể gồm việc thay đổi trong gen của em bé, đôi khi gây ra dị tật tim bẩm sinh. 

Các gen thay đổi có thể đến từ cha mẹ hoặc xảy ra trong quá trình mang thai. Bệnh tim bẩm sinh cũng được cho là do sự kết hợp của gen và nhiều yếu tố khác, liên quan đến môi trường và chế độ sinh hoạt của người mẹ hoặc việc sử dụng thuốc lúc mang thai.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc tim bẩm sinh không tím?

Một số điều có thể khiến trẻ tăng nguy cơ mắc tim bẩm sinh không tím, có thể liên quan đến sức khỏe của người mẹ trước và trong khi mang thai, việc tiếp xúc chất cũng như yếu tố di truyền trong gia đình của người mẹ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tim bẩm sinh không tím

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tim bẩm sinh không tím ở trẻ bao gồm:

Sức khỏe của mẹ trước và trong khi mang thai

Khi người mẹ mắc bệnh đái tháo đường trước hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể làm trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh (đái tháo đường phát triển sau thời gian này không phải là nguy cơ chính gây ra bệnh tim bẩm sinh). Kiểm soát tốt lượng đường trong máu khi mang thai có thể làm giảm nguy cơ dị tật tim bẩm sinh cho trẻ.

tbskt5.jpg
Kiểm soát tốt lượng đường trong máu khi mang thai có thể làm giảm nguy cơ dị tật tim bẩm sinh cho trẻ

Nếu bạn mắc bệnh phenylketon niệu (một rối loạn chuyển hóa bẩm sinh hiếm gặp), ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng protein trong thực phẩm, việc thực hiện chế độ ăn ít protein trước khi mang thai có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh cho con bạn.

Con bạn cũng bị tăng nguy cơ mắc tim bẩm sinh nếu bạn bị rubella.

Tiếp xúc chất trong thời kỳ mang thai

Hút thuốc lá hoặc hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc từ người khác hút) cũng làm tăng nguy cơ mắc dị tật tim bẩm sinh ở trẻ.

Một số loại thuốc như thuốc ức chế men chuyển (ACE) để điều trị tăng huyết áp, hay retinoic acid điều trị mụn trứng cá có thể làm tăng nguy cơ cho trẻ. Nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai, hãy trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc bạn đang sử dụng, để bác sĩ có thể cân chỉnh cho phù hợp.

Yếu tố di truyền

Trong hầu hết trường hợp, bệnh tim bẩm sinh không di truyền trong gia đình. Nhưng khả năng sinh con mắc bệnh tim bẩm sinh, bao gồm tim bẩm sinh không tím, có thể tăng lên nếu bạn hoặc cha của trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Nguy cơ cũng tăng lên nếu bạn đã sinh con mắc bệnh tim bẩm sinh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tim bẩm sinh không tím

Bệnh tim bẩm sinh không tím được chẩn đoán dựa trên các xét nghiệm khác nhau:

  • Chụp X-quang ngực: Hình ảnh X-quang ngực có thể giúp phát hiện bất thường cấu trúc tim hay phổi.
  • Điện tâm đồ: Giúp đo hoạt động điện của tim.
  • Siêu âm tim: Sử dụng hình ảnh sóng siêu âm để đánh giá hình ảnh của van và buồng tim.
  • Đặt ống thông tim: Việc đặt ống thông tim phải có thể đánh giá tình trạng bơm máu của tim.
  • Đặt ống thông tim trái: Tương tự như việc đặt ống thông tim phải, nhưng được thực hiện ở bên tim trái, nhằm đánh giá liệu có bất thường đường đi hay tắc nghẽn máu qua các động mạch hay không.
tbskt6.jpg
Điện tâm đồ giúp phát hiện các bất thường hoạt động điện của tim, bao gồm các rối loạn nhịp tim

Phương pháp điều trị tim bẩm sinh không tím

Bệnh tim bẩm sinh không tím đôi khi tự khỏi trong thời thơ ấu. Những trường hợp khác, khuyết tật ở tim vẫn tồn tại đến tuổi trưởng thành, nhưng không cần điều trị.

Tuy nhiên, nếu các khiếm khuyết này cuối cùng gây ra các triệu chứng, bạn có thể cần điều trị, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào loại và mức độ của bệnh tim bẩm sinh:

  • Thủ thuật đặt ống thông, cho phép khắc phục các khuyết tật ở tim đơn giản mà không cần phẫu thuật mở ngực.
  • Phẫu thuật tim có thể cần thiết để sửa chữa các khiếm khuyết ở tim và mạch máu, ở van tim, đặt thiết bị ở tim hay thực hiện ghép tim.
  • Một số loại thuốc có thể được sử dụng, ví dụ như đối với trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh không tím là còn ống động mạch.

Tất cả các trẻ em và người lớn mắc bệnh tim bẩm sinh nói chung và tim bẩm sinh không tím nói riêng cần được bác sĩ tim mạch theo dõi thường xuyên trong suốt cuộc đời, ngay cả khi các khiếm khuyết này đã được điều trị.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của tim bẩm sinh không tím

Chế độ sinh hoạt:

Để chăm sóc bản thân khi mắc bệnh tim bẩm sinh không tím, hạn chế diễn tiến của bệnh, bạn nên được bác sĩ tim mạch chẩn đoán, điều trị và theo dõi thường xuyên. Bạn nên tuân theo các chỉ định của bác sĩ bao gồm:

  • Hoạt động thể chất ở mức an toàn, bác sĩ có thể xác định mức độ hoạt động thể chất nào là phù hợp với bạn.
  • Tiếp tục theo dõi tình trạng của tim ngay cả khi được điều trị, theo thời gian khi bạn già đi.
  • Dùng các thuốc theo chỉ định của bác sĩ, để giảm căng thẳng cho tim.
  • Cân nhắc quyết định mang thai (nếu bạn là nữ và mắc bệnh tim bẩm sinh), nói với bác sĩ về mong muốn của bạn để có thể được tư vấn và chuẩn bị nếu muốn mang thai.
tbskt7.jpeg
Nếu bạn hoặc con bạn mắc bệnh tim bẩm sinh không tím, cần hoạt động thể chất ở mức độ an toàn theo hướng dẫn của bác sĩ

Chế độ dinh dưỡng:

Ăn uống một chế độ lành mạnh cho tim mạch.

Phương pháp phòng ngừa tim bẩm sinh không tím hiệu quả

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tim bẩm sinh vẫn chưa được biết rõ và không có chiến lược nào được chứng minh có thể ngăn ngừa bệnh tim bẩm sinh, bao gồm tim bẩm sinh không tím.

Nguồn tham khảo
  1. Acyanotic Heart Disease: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21725-acyanotic-heart-disease
  2. Congenital heart disease: https://www.nhsinform.scot/illnesses-and-conditions/heart-and-blood-vessels/conditions/congenital-heart-disease
  3. Congenital heart disease and heart defects: https://www.medicalnewstoday.com/articles/181142
  4. Congenital Heart Disease: https://www.healthline.com/health/congenital-heart-disease
  5. What are CHDs?: https://www.cdc.gov/ncbddd/heartdefects/facts.html

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh nang gan

  2. Ung thư âm đạo

  3. tiểu đường không phụ thuộc insulin

  4. Nghe kém một bên tai

  5. Viêm lưỡi bản đồ

  6. Teo thùy não

  7. Hở van tim

  8. Viêm đầu xương gót

  9. Xơ cứng xương

  10. Hội chứng Churg-Strauss