Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN) là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm cầu thận sau nhiễm trùng (postinfection glomerulonephritis - PIGN) là tình trạng viêm cầu thận xảy ra sau khi nhiễm trùng, thường là do liên cầu khuẩn tán huyết beta nhóm A gây ra. Bên cạnh đó, trong nhiều thập kỷ gần đây, tỷ lệ mắc viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng đã giảm dần, thay vào đó là nhiều tác nhân vi khuẩn khác. Virus, ký sinh trùng, nấm cũng có thể dẫn đến viêm cầu thận sau nhiễm trùng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN) là gì?

Viêm cầu thận sau nhiễm trùng (postinfection glomerulonephritis - PIGN) có thể xảy ra liên quan đến vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng khác. Mối liên quan điển hình của viêm cầu thận với nhiễm trùng đó là viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng (thường phát triển sau viêm họng nhiễm liên cầu khuẩn tán huyết beta nhóm A).

Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, độ phổ biến của viêm cầu thận sau nhiễm trùng đã thay đổi. Cụ thể là tỷ lệ mắc viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu khuẩn, đặc biệt ở dạng dịch bệnh đã giảm dần ở các nước công nghiệp, nhờ hiệu quả của việc sử dụng kháng sinh sớm.

Bên cạnh viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng, các nguyên nhân nhiễm trùng khác gây ra viêm cầu thận sau bao gồm:

  • Viêm cầu thận liên quan đến nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA): Đây đã được công nhận là một tình trạng nghiêm trọng hơn, phổ biến gấp 3 lần ở bệnh nhân lớn tuổi tại các nước phát triển.
  • Viêm cầu thận do virus: Biểu hiện bệnh sẽ ở nhiều dạng tổn thương mô học khác nhau, tùy thuộc vào thời gian hoạt động của virus. Ví dụ một người bệnh mắc thủy đậu cấp tính, có thể phát triển bệnh cầu thận tăng sinh lan tỏa. Trong khi đó, nhiễm trùng do EBV bán cấp kéo dài có thể dẫn đến xơ cứng cầu thận khu trú từng vùng hoặc bệnh cầu thận màng. Các nhiễm trùng dai dẳng khác như viêm gan virus B, viêm gan virus C, HIV sẽ dẫn đến hàng loạt rối loạn cầu thận. Nhiễm COVID-19 cũng đã được báo cáo dẫn đến bệnh về cầu thận.
  • Viêm cầu thận do ký sinh trùng: Tỷ lệ mắc viêm cầu thận trong bệnh sốt rét được ước tính là khoảng 18% và trong bệnh sán máng là khoảng 15%.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN)

Các triệu chứng của viêm cầu thận sau nhiễm trùng có thể từ tiểu máu không triệu chứng (khoảng 50%) và tiểu đạm nhẹ. Một khi viêm cầu thận đã phát triển nặng hơn, các triệu chứng có thể gặp bao gồm:

  • Tiểu máu với nước tiểu màu hồng, màu cola, màu nâu hoặc có máu trong nước tiểu;
  • Tiểu đạm, nước tiểu có bọt;
  • Thiểu niệu (tiểu ít);
  • Phù;
  • Tăng huyết áp;
  • Sốt là biểu hiện gợi ý nhiễm trùng dai dẳng.
Viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN) là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Sốt bất thường có thể là dấu hiệu gợi ý nhiễm trùng dai dẳng

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN)

Nếu không được điều trị, diễn tiến của viêm cầu thận sau nhiễm trùng có thể dẫn đến suy thận, quá tải dịch, kèm theo suy tim và tăng huyết áp nặng. Có thể cần phải lọc máu ở khoảng 1% đến 2% người bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu gặp các triệu chứng của viêm cầu thận sau nhiễm trùng, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được theo dõi và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, nếu bạn mắc các bệnh lý nhiễm trùng như viêm họng, viêm nội tâm mạc, viêm gan virus B, viêm gan virus C hay các nhiễm trùng khác, hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị và tái khám theo chỉ định.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN)

Viêm cầu thận sau nhiễm trùng có thể xảy ra liên quan đến nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc nấm.

Cụ thể, các tác nhân vi khuẩn có thể bao gồm:

  • Staphylococcus aureus, S epidermidis, S albus;
  • Streptococcus pneumoniae, S viridans, S pyogenes;
  • Mycobacterium leprae, M tuberculosis;
  • Treponema pallidum;
  • Salmonella typhi, S paratyphi, S typhimurium;
  • Leptospira species;
  • Neisseria meningitidis, Neisseria gonorrhoeae.

Các tác nhân virus có thể gặp bao gồm:

  • Viêm gan siêu vi A, B, C, E;
  • HIV;
  • EBV;
  • Virus thủy đậu;
  • Quai bị;
  • Sởi;
  • Cúm;
  • Sốt xuất huyết;
  • Giang mai;
  • SARS-CoV-2 (COVID-19).
Viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN) là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Nhiễm COVID-19 đã được báo cáo là có liên quan đến viêm cầu thận

Các ký sinh trùng, giun sán và nấm như:

  • Ký sinh trùng sốt rét;
  • Nhiễm giun lươn;
  • Giun đũa chó;
  • Bệnh toxoplasma;
  • Giun chỉ Brugia malayi;
  • Nấm candida;
  • Nấm histoplasma capsulatum.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN)?

Các đối tượng nguy cơ mắc viêm cầu thận sau nhiễm trùng sẽ khác nhau tùy thuộc vào tác nhân nhiễm trùng. Đối với viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng, có thể ghi nhận xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hầu hết là xảy ra ở thời thơ ấu. Viêm cầu thận liên quan đến nhiễm MRSA thì phổ biến gấp 3 lần ở các bệnh nhân lớn tuổi tại các nước phát triển.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN)

Các yếu tố nguy cơ mắc viêm cầu thận sau nhiễm trùng chủ yếu liên quan đến tình trạng nhiễm trùng.

Hầu hết không tồn tại thiên hướng chủng tộc hay giới tính (nghĩa là chủng tộc và giới tính hầu như không ảnh hưởng đến nguy cơ bệnh). Một vài yếu tố nguy cơ liên quan như:

  • Đái tháo đường: Phần lớn người bệnh viêm cầu thận liên quan đến nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) đều mắc đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường đi kèm cũng là một yếu tố dự báo kết quả xấu. Trong một loạt nghiên cứu, 55% người lớn mắc đái tháo đường sẽ phát triển bệnh thận mạn giai đoạn cuối (ESRD) sau viêm cầu thận sau nhiễm trùng.
  • Tuổi tác: Người lớn tuổi có tình trạng suy giảm miễn dịch có nguy cơ phát triển PIGN cao hơn sau lần nhiễm trùng gần đây.
Viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN) là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Đái tháo đường đi kèm là một yếu tố dự báo kết quả xấu

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN)

Chẩn đoán viêm cầu thận sau nhiễm trùng dựa vào các yếu tố sau:

  • Bằng chứng lâm sàng của tình trạng nhiễm trùng gần đây.
  • Phân tích nước tiểu cho thấy các tế bào hồng cầu dị dạng, trụ hồng cầu, protein niệu, bạch cầu và tế bào ống thận.
  • Thường có giảm bổ thể máu.

Viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng thường được gợi ý bởi tiền sử viêm họng hoặc bệnh chốc gần đây, kèm theo đó là triệu chứng điển hình của viêm cầu thận hoặc phát hiện ngẫu nhiên qua xét nghiệm nước tiểu.

Các xét nghiệm được làm tùy thuộc vào việc khám lâm sàng, bác sĩ nghi ngờ chẩn đoán nào và đưa ra xét nghiệm phù hợp, bao gồm:

  • Xét nghiệm ASO;
  • Tổng phân tích nước tiểu;
  • Creatinin huyết thanh;
  • Nồng độ bổ thể C3 và CH50;
  • Siêu âm thận;
  • Sinh thiết thận.

Siêu âm thận được thực hiện để giúp loại trừ các nguyên nhân tắc nghẽn và phát hiện một số bất thường về giải phẫu ở thận. Sinh thiết thận là xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định nhưng hiếm khi cần thiết phải thực hiện, tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng mà bác sĩ quyết định có cần thiết phải làm sinh thiết hay không.

Phương pháp điều trị viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN) hiệu quả

Trong hầu hết các trường hợp, việc điều trị viêm cầu thận sau nhiễm trùng dựa vào nguyên nhân nhiễm trùng cơ bản.

  • Nhiễm vi khuẩn: Các thuốc kháng sinh được chỉ định cho hầu hết các trường hợp. Lựa chọn kháng sinh sẽ tùy thuộc vào kết quả độ nhạy trên kháng sinh đồ.
  • Nhiễm virus: Các liệu pháp kháng virus điều trị cho viêm gan virus B, viêm gan virus C, HIV hay các tác nhân virus khác sẽ được áp dụng.
  • Nhiễm ký sinh trùng: Thuốc chống sốt rét là nền tảng điều trị cho sốt rét falciparum. Đối với điều trị sán máng, thường sẽ đồng nhiễm với Salmonella, nên việc điều trị Salmonella sẽ cải thiện bệnh thận.
  • Nhiễm nấm: Đối với nhiễm aspergillus, thuốc kháng nấm có thể sử dụng bao gồm amphotericin.

Trong một số trường hợp nhất định, thuốc ức chế miễn dịch như corticosteroid sẽ được sử dụng để giảm viêm cầu thận. Các điều trị chung khác bao gồm tuân thủ chế độ ăn, điều trị phù và tăng huyết áp, điều trị thay thế thận như lọc máu đôi khi có thể được sử dụng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN)

Chế độ sinh hoạt: Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ và tuân thủ lời khuyên để có được kết quả điều trị tốt nhất.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Hạn chế protein: Bạn có thể cần hạn chế protein tùy theo mức tổn thương thận hiện tại của bạn. 
  • Hạn chế muối (natri): Việc hạn chế lượng natri nhập vào có thể giúp giảm tình trạng quá tải thể tích, giúp giảm phù và giảm huyết áp.
  • Hạn chế chất lỏng: Hạn chế lượng chất lỏng nhập vào theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm quá tải.
Viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN) là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Hạn chế lượng natri nhập có thể giúp giảm tình trạng quá tải thể tích

Phương pháp phòng ngừa viêm cầu thận sau nhiễm trùng (PIGN) hiệu quả

Tuy không phải tất cả tình trạng nhiễm trùng đều có thể ngăn ngừa được, nhưng cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm cầu thận sau nhiễm trùng là hạn chế các tình trạng nhiễm trùng (nếu có thể) dẫn đến viêm cầu thận.

Ví dụ như đối với viêm cầu thận hậu nhiễm liên cầu trùng, bạn có thể bảo vệ bản thân và gia đình khỏi việc lây nhiễm liên cầu khuẩn bằng các cách như sau:

  • Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi hắt hơi.
  • Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác.
  • Ho hoặc hắt hơi vào tay áo hoặc khuỷu tay nếu không có khăn giấy, không ho vào bàn tay.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, hoặc rửa tay bằng cồn.

Đối với các tình trạng nhiễm virus, tiêm ngừa các loại virus đã có vaccine phòng bệnh, ví dụ như viêm gan virus B, thủy đậu, sởi, quai bị có thể giúp hạn chế mắc các bệnh lý nhiễm trùng này, từ đó ngăn ngừa tổn thương lên thận.

Nguồn tham khảo
  1. Postinfectious Glomerulonephritis (PIGN): https://www.msdmanuals.com/professional/genitourinary-disorders/glomerular-disorders/postinfectious-glomerulonephritis-pign
  2. Post-Infectious Glomerulonephritis (GN): https://unckidneycenter.org/kidneyhealthlibrary/glomerular-disease/post-infectious-glomerulonephritis-gn/
  3. Post-infectious glomerulonephritis: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28891413/
  4. Post-Infectious Glomerulonephritis (PIGN): https://www.kidney.org/atoz/content/post-infectious-glomerulonephritis-pign
  5. Glomerulonephritis Associated with Nonstreptococcal Infection: https://emedicine.medscape.com/article/240229-overview#a1
  6. Post-Infectious Glomerulonephritis With Crescents in an Elderly Diabetic Patient: Good Prognosis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7732803/

Các bệnh liên quan