Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Áp xe vú có nguy hiểm không? Cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả

Ngày 10/10/2023
Kích thước chữ

Áp xe vú là căn bệnh phổ biến mà đối tượng mắc bệnh thường là phụ nữ trong thời kỳ sau sinh đẻ và cho con bú. Vậy áp xe vú có nguy hiểm không? Nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị cũng như phòng ngừa áp xe vú như thế nào?

Các bà mẹ bỉm sữa đều lo ngại không biết áp xe vú có nguy hiểm không. Bởi vì căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sữa cho con bú mà còn gây đau nhức, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của mẹ sau sinh. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.

Áp xe vú là gì?

Áp xe là tình trạng nhiễm trùng gây ra viêm sưng và tích tụ mủ. Trường hợp áp xe vú cũng vậy. Bất cứ đối tượng nào đều có thể mắc bệnh, kể cả nam giới và nữ giới và phụ nữ sau khi sinh cũng như phụ nữ các độ tuổi khác. Tuy nhiên, áp xe vú thường xảy ra nhất là ở phụ nữ sau khi sinh và cho con bú do vú hoạt động nhiều để cung cấp sữa nuôi trẻ.

Tình trạng áp xe vú là do các loại tụ cầu, liên cầu, phế cầu, trực khuẩn, vi khuẩn kị khí,… gây ra. Khi xảy ra nhiễm trùng làm sản sinh tế bào bạch cầu nhiều hơn để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Tế bào bạch cầu và vi khuẩn chết tạo ra dịch mủ trong quá trình miễn dịch cơ thể.

Áp xe vú có nguy hiểm không? Cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả 1
Áp xe là tình trạng viêm sưng và tích tụ mủ do nhiễm trùng gây ra, bao gồm áp xe vú

Tuy nhiên, dịch tích tụ quá mức tại vú đang nhiễm bệnh sẽ gây ra áp xe, từ đó khiến vú trở thành một cái túi kín chứa đầy dịch mủ. Dịch mủ tích tụ ngày càng nhiều thì ổ áp xe ngày càng lớn thì bệnh sẽ gây ra các triệu chứng cũng như các biến chứng nguy hiểm hơn.

Áp xe vú có nguy hiểm không?

Câu trả lời là "Có". Mức độ nguy hiểm của bệnh thể hiện qua triệu chứng và biến chứng sau:

Triệu chứng của áp xe vú

Áp xe vú phát triển gồm hai giai đoạn và có các triệu chứng khác nhau:

Giai đoạn viêm

Triệu chứng ở giai đoạn này khá nhẹ nên không thể nhận biết nếu không theo dõi thường xuyên. Các triệu chứng gồm:

  • Mệt mỏi, mất ngủ, sốt cao, đau đầu...;
  • Đau ở vùng vú, đau nhiều khi cử động cánh tay, vai hoặc khi đang cho con bú. Khi kích thước ổ áp xe tăng, cảm giác đau nhức sâu trong tuyến vú sẽ tăng dần;
  • Nơi vú bị áp xe sẽ sưng to với mật độ chắc, sờ vào thấy đau;
  • Nếu ổ viêm nằm gần da hoặc bề mặt tuyến, vùng da ở ổ áp xe có thể đỏ, nóng, phù nề, nhưng cũng có trường hợp áp xe nằm sâu trong tuyến vú nên da bình thường.
Áp xe vú có nguy hiểm không? Cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả 2
Ở giai đoạn viêm, người bệnh sẽ thấy mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ, sốt cao

Giai đoạn tạo áp xe

Ở giai đoạn này, các triệu chứng viêm nhiễm đều tăng lên nhanh chóng kèm các triệu chứng sau:

  • Bên vú bị nhiễm trùng sẽ sưng to;
  • Da bên vú bị áp xe căng, nóng, sưng đỏ hoặc phù tím;
  • Một số trường hợp khi sữa chảy sẽ thấy lẫn mủ do ổ áp xe thông với ống dẫn sữa;
  • Hội chứng nhiễm độc nhiễm khuẩn với hàng loạt triệu chứng như môi khô, da xanh, rét run, đau đầu, sốt cao, khát nước, gầy yếu,…

Biến chứng nguy hiểm của áp xe vú

Phần lớn trường hợp sẽ khỏi bệnh nhanh không để lại biến chứng gì nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực. Nếu tình trạng này kéo dài, có thể gây ra các tác hại như:

Mất chức năng tiết sữa

Phụ nữ đang cho con bú thường bị áp xe vú. Nếu ổ áp xe lớn, tự vỡ có thể gây hoại tử dẫn đến mất chức năng tiết sữa.

Nhiễm trùng lan rộng

Áp xe ở vú tiến triển thì nhiễm trùng chỉ nằm ở vú, tuy nhiên nhiễm trùng sẽ lan đến các cơ quan khác khi hệ miễn dịch không thể diệt được tác nhân gây bệnh. Khi nhiễm trùng đi theo đường máu đến toàn cơ thể sẽ rất nguy hiểm, gây nên biến chứng như nhiễm trùng huyết, suy thận, hoại tử các chi,…

Hoại tử vú

Do nhiễm khuẩn, nhiễm trùng ở áp xe vú nặng mà không được điều trị sẽ gây hoại tử vú. Biểu hiện thường là vú phù nề, sưng to, khi hoại tử xảy ra thì vùng da ở ổ áp xe có màu vàng nhạt, tím đen dần.

Viêm xơ tuyến vú mạn tính

Ổ áp xe tiến triển có thể gây xơ vú dẫn đến hình thành vùng thâm nhiễm trắng. Biến chứng này ảnh hưởng đến chức năng tuyến vú, nguy hiểm hơn còn tiềm ẩn nguy cơ ung thư vú.

Áp xe ở vú rất dễ nhầm lẫn với bệnh ung thư vú, tắc tia sữa,… dẫn đến điều trị không hiệu quả.

Để chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị tốt nhất, bệnh nhân cần đi khám sớm khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh.

Áp xe vú có nguy hiểm không? Cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả 3
Chị em phụ nữ rất quan tâm đến vấn đề áp xe vú có nguy hiểm không

Các cách điều trị áp xe vú hiệu quả

Nếu bạn quan tâm đến vấn đề áp xe vú có nguy hiểm không và áp xe vú có tự khỏi được không thì cũng không cần lo lắng. Vì người bệnh hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm áp xe vú mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, chủ yếu là dùng kháng sinh và chích tháo mủ.

Kháng sinh

Kháng sinh giúp điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn và áp xe ở vú. Nếu phát hiện áp xe vú sớm thường chỉ cần dùng kháng sinh để điều trị bằng mà không cần phẫu thuật.

Chích rạch và dẫn mủ áp xe

Bệnh nhân cần chích rạch hoặc phẫu thuật dẫn mủ cho trường hợp ổ áp xe có kích thước lớn, nhiều mủ trong ổ vú. 

Vệ sinh và sát khuẩn

Mẹ bị áp xe ở vú khi đang cho con bú có thể tiến triển nặng hơn, gây biến chứng phức tạp hơn do khi bú trẻ làm sứt, gây nhiễm trùng đầu vú. Vì thế mẹ cần vệ sinh sạch sẽ đầu vú, đặc biệt khi bị trầy xước, viêm nhiễm.

Nếu cần phẫu thuật, chích mủ dẫn lưu ổ áp xe vú, mẹ cần rửa vú bằng oxy già, thuốc sát khuẩn,… và thay băng gạc hàng ngày cho đến khi hết sạch mủ nhằm tránh tái phát bệnh.

Mẹ không nên cho trẻ bú trong thời gian điều trị áp xe vú vì có thể làm lẫn dịch mủ trong sữa. Tình trạng sốt cao và các triệu chứng nhiễm trùng cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa, khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đi phân lỏng,… Tốt nhất cho trẻ bú ở bên vú bình thường trong khi vẫn cần hút sữa bên vú bị nhiễm bệnh thường xuyên.

Những lưu ý để phòng ngừa áp xe vú

Mẹ đang cho con bú cần chú ý một số điều sau để phòng bệnh áp xe vú:

  • Sau khi sinh, mẹ nên mát xa nhẹ nhàng bầu vú để thông thoát ống dẫn sữa và cho con bú sớm ngay sau sinh, bú đúng tư thế, bú thường xuyên.
  • Trước và sau khi cho con bú, mẹ nên vệ sinh núm vú đúng cách và sạch sẽ.
  • Cho trẻ bú hết sữa, luân phiên cả hai bên vú hoặc vắt hết sữa thừa sau mỗi lần con con bú.
  • Để tránh bị tắc tia sữa, mẹ có thể xoa bóp vú, chiếu đèn hồng ngoại, chườm nóng hoặc hút sữa bằng máy...
  • Tránh làm nứt hoặc xước núm vú và tránh để da bị khô nẻ. Nên mặc áo ngực vừa vặn để tránh gây tổn thương vú.
  • Không cai sữa sớm, nếu phải cai sữa, mẹ nên từ từ giảm dần số lượng và số cữ bú.
Áp xe vú có nguy hiểm không? Cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả 3
Mẹ nên cho trẻ bú hết sữa và luân phiên hai bên vú

Qua bài viết trên, bạn đã giải đáp được cho vấn đề: “Áp xe vú có nguy hiểm không?”. Ngay khi phát hiện vú có những triệu chứng bất thường, hãy ngừng cho con bú và đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe của mẹ và cả bé.

Xem thêm: Áp xe vú kiêng ăn gì để giảm đau và nhanh hồi phục?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin