Tìm hiểu về các loại thuốc kháng sinh trị viêm xoang hiện nay
Ngày 23/07/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Các loại thuốc kháng sinh trị viêm xoang thường được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp giúp cải thiện triệu chứng của bệnh. Thuốc cần được uống theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc người có trình độ chuyên môn về y dược.
Hắt hơi, nghẹt mũi, đau đầu… là những triệu chứng thường hay gặp của bệnh viêm xoang. Mặc dù không gây ra các hệ quả quá nguy hiểm nhưng viêm xoang khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu và ít nhiều làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày. Hiện nay, để giảm bớt các triệu chứng cho bệnh nhân, bác sĩ thường chỉ định sử dụng một số loại thuốc kháng sinh trị viêm xoang phổ biến.
Bệnh viêm xoang là gì và có mấy loại?
Viêm xoang được biết đến là tình trạng nhiễm trùng ở lớp niêm mạc lót trong các xoang. Tình trạng nhiễm trùng này gây phù nề và thu hẹp không gian lỗ xoang do ứng đọng dịch trong xoang. Do xoang có liên hệ trực tiếp với mũi nên bệnh lý viêm xoang còn được gọi với cái tên khác là viêm mũi xoang.
Bệnh viêm xoang cần phải được điều trị lâu dài và bệnh rất dễ tái phát. Ngoài ra, nếu không chú ý chữa trị bệnh thật tốt và đúng cách với kháng sinh trị viêm xoang thì bệnh rất dễ gây ra các biến chứng mạn tính về sau này. Bệnh thường phát triển mạnh mẽ ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa với 3 loại chính như sau:
Viêm xoang cấp: Xảy ra ở vùng xoang trán, xoang sàng, xoang bướm hoặc viêm đa xoang. Bệnh thường kéo dài trong khoảng thời gian tối đa là 4 tuần với các triệu chứng giảm dần rồi hết hẳn.
Viêm xoang bán cấp: Thời gian bệnh kéo dài hơn trong khoảng 4 đến 8 tuần với các triệu chứng tương tự như viêm xoang mũi cấp.
Viêm xoang mạn tính: Viêm xoang mũi mạn tính xảy ra khi bệnh lý viêm xoang kéo dài trên 12 tuần và người bệnh rất dễ bị tái phát bệnh nhiều lần trong vòng 1 năm.
Một số triệu chứng thường hay gặp khi bị viêm xoang mũi
Những triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm xoang mũi thường liên quan đến hô hấp và kéo dài hơn 1 tuần, bao gồm:
Sốt nhẹ hoặc sốt cao từng cơn.
Cảm thấy mệt mỏi, không muốn ăn uống.
Ho nhiều thường xuyên xảy ra vào ban đêm.
Xuất hiện những cơn chóng mặt, nhất là khi thực hiện các động tác nghiêng người.
Một số loại thuốc kháng sinh trị viêm xoang phổ biến nhất
Sử dụng thuốc kháng sinh được xem là một biện pháp mang đến hiệu quả cao trong việc giúp điều trị, cải thiện bệnh viêm xoang mũi. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ các thông tin về thuốc trước khi dùng để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng sinh trị viêm xoang chỉ được áp dụng trong các trường hợp viêm xoang do vi khuẩn hoặc viêm xoang có nhiễm trùng. Tác dụng của kháng sinh trong trường hợp này là giúp tiêu diệt hoặc kìm hãm các vi khuẩn gây bệnh, nhờ đó làm suy giảm những triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Thuốc kháng sinh trị viêm xoang thường được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân đó là: Kháng sinh nhóm Penicillin (Ampicillin, Amoxicillin); kháng sinh nhóm Macrolid (Clarithromycin, Azithromycin); kháng sinh nhóm Cephalosporin (Cefpodoxime, Cefoxitin, Cefuroxim…); kháng sinh Sulfamethoxazole, Trimethoprim…
Bệnh nhân không được tự ý mua thuốc kháng sinh trị viêm xoang mà phải tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về loại thuốc, liều dùng, tần suất sử dụng và thời gian sử dụng. Việc uống thuốc tùy tiện có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và dẫn tới tình trạng kháng thuốc.
Ngoài các loại thuốc kháng sinh ở trên thì có một số thuốc trị viêm xoang khác mang đến tác dụng tốt cũng rất được tin dùng như:
Thuốc kháng Histamin: Giúp giảm ngứa mũi, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi. Các nhóm thuốc kháng Histamin thông dụng là thuốc dạng uống thế hệ 1 Clemastine, Diphenhydramine…; thuốc dạng xịt Azelastine và Olopatadine; thuốc dạng uống thế hệ 2 Desloratadine, Loratadine, Cetirizine…
Thuốc chứa corticoid: Giúp giảm tình trạng chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi, nghẹt mũi… Thuốc thường được điều chế dưới dạng xịt với các thành phần như Fluticasone furoate, Budesonide, Betamethasone, Fluticasone… Tuy nhiên, thuốc cũng có một số tác dụng phụ cần lưu ý là khô mũi, nhức đầu, đau họng, chảy máu cam…
Thuốc thông mũi: Giúp co mạch máu và mô mũi bị sưng, giảm áp lực trong xoang mũi, giảm nghẹt mũi. Các loại xịt thông mũi thường thấy là Phenylephrine hydrochloride, Oxymetazoline hydrochloride hay Xylometazoline. Thuốc xịt thông mũi là một phương pháp điều trị ngắn hạn nên người bệnh không nên sử dụng quá 3 ngày và đặc biệt không được dùng cho bệnh nhân bị tăng nhãn áp.
Thuốc xịt kháng Cholinergic: Giúp giảm sổ mũi, giảm hắt hơi, nghẹt mũi rất rốt. Thuốc thường sử dụng thành phần chính là Ipratropium bromide với dạng xịt rất dễ sử dụng. Thuốc kháng Cholinergic không được được dùng điều trị lâu hơn 3 tuần và tuyệt đối không sử dụng ở người bị tăng nhãn áp.
Thuốc ức chế tế bào Mast: Thành phần chính là Cromolyn Natri có tác dụng giảm nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi, ngứa mũi chỉ sau 30 phút xịt. Dù vậy, thuốc gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn là sưng đau, nóng rát và khó chịu ở mũi.
Thuốc xịt nước muối: Giúp giữ ẩm cho đường mũi, ngăn ngừa chảy máu cam do mũi bị khô. Người bệnh có thể vệ sinh mũi khoảng 1 đến 2 lần/ngày bằng nước muối để giúp giảm bớt những khó chịu và hạn chế các nguy cơ tổn thương ở niêm mạc mũi.
Các lưu ý quan trọng khi dùng thuốc kháng sinh trị viêm xoang
Khi sử dụng thuốc kháng sinh trị viêm xoang, bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề đó là:
Nếu bị viêm xoang mũi ở thể vừa và nhẹ có thể bắt đầu với thuốc Amoxicillin liều trung bình hoặc liều cao. Trong trường hợp bị dị ứng với Amoxicillin nhẹ thì có thể chuyển sang nhóm Cephalosporin; còn dị ứng nặng thì dùng nhóm kháng sinh Macrolid.
Bệnh nhân có triệu chứng nôn, không thể sử dụng thuốc kháng sinh dạng đường uống thì nên dùng thuốc Ceftriaxone đường tiêm.
10 đến 21 ngày là thời gian điều trị bệnh viêm xoang mũi tối ưu nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể là đến ngày thứ 7 sau khi các triệu chứng biến mất hoàn toàn.
Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc kháng sinh trị viêm xoang mà người bệnh nên biết gồm buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau đầu, đau bụng, mất ngủ, táo bón hoặc tiêu chảy…
Thuốc kháng sinh trị viêm xoang có thể được chỉ định sử dụng đơn độc hoặc phối hợp. Dù là trong trường hợp nào thì bệnh nhân cũng cần được sự cho phép và hướng dẫn kỹ càng từ bác sĩ thì mới được dùng thuốc. Tuân thủ đúng liều lượng cũng như cách dùng là yếu tố quan trọng. Ngoài ra, nếu nhận thấy các tác dụng phụ bất thường khi uống thuốc, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ ngay để được hỗ trợ.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm