Long Châu

Vôi hóa sụn khớp là gì? Nguyên nhân và cách điều trị.

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vôi hóa sụn khớp là một bệnh viêm khớp thường đặc trưng bởi các cơn đau đột ngột ở một hay nhiều khớp xương của người bệnh. Những cơn đau này có thể kéo dài nhiều ngày hay nhiều tuần. Vôi hóa sụn khớp thường ảnh hưởng tới đầu gối, những cũng có thể ảnh hưởng tới những khớp khác của cơ thể. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng vôi hóa sụn khớp và làm thế nào để điều trị hiệu quả? Bạn có thể tham khảo bài viết sau đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Vôi hóa sụn khớp là gì?

Sụn khớp là một lớp mô trong suốt, có cấu trúc cứng và bền dai nhưng lại đàn hồi tốt. Sụn khớp có chức năng như một lớp đệm bảo vệ để giúp giảm chấn động và tránh hai đầu xương cọ xát vào nhau khi cử động.

Vôi hóa sụn khớp là hiện tượng lắng đọng những tinh thể calci ở trong mô sụn, thường được nhìn thấy trên hình ảnh X-quang. 

Vôi hóa sụn khớp được chia làm hai thể:

  • Thể nguyên phát: Chiếm đa số ở các trường hợp, đôi lúc có tính chất gia đình.

  • Thể thứ phát: Thường xảy ra khi bị một số bệnh như: Đái tháo đường, gout, cường tuyến cận giáp, suy tuyến giáp, nhiễm thiết huyết tố.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của vôi hóa sụn khớp

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, vôi hóa sụn khớp được chia nhiều thể khác nhau. Vì vậy, triệu chứng ở mỗi thể cũng sẽ có sự khác nhau. 

Vôi hóa sụn khớp thể giả gout

  • Xuất hiện những đợt viêm cấp tính ở một số khớp như khớp gối, khớp cổ chân và khớp cột sống;

  • Khớp bị tổn thương bị sưng đau đột ngột;

  • Người cảm thấy mệt mỏi, đôi khi sốt cao;

  • Xét nghiệm có thể thấy thấy lượng acid uric trong máu ở mức bình thường.

Vôi hóa sụn khớp thể đa khớp

  • Xuất hiện những đợt viêm đau dữ dội kéo dài ở những khớp nhỏ và có tính chất đối xứng;

  • Có những triệu chứng giống bệnh viêm khớp dạng thấp như sưng khớp, cứng khớp, nổi hạt dưới da, da xanh, ăn ngủ kém, đau mỏi toàn thân,…

Vôi hóa sụn khớp thể giống hư khớp

  • Đau nhức ở khớp, có thể nghe tiếng lắc rắc ở trong khớp khi vận động;

  • Khả năng vận động của khớp tổn thương bị hạn chế theo thời gian.

Vôi hóa sụn khớp ở thể khác

Một số thể khác của vôi hóa sụn khớp như thể tràn máu khớp, thể tràn dịch khớp, thể cột sống, thể phá hủy khớp,….Những thể này có thể gây ra tình trạng vôi hóa đĩa đệm và các dây chằng quanh cột sống.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh vôi hóa sụn khớp

Nếu không được chữa trị kịp thời, giả gout kéo dài có thể gây 1 số biến chứng cho xương và khớp, điển hình là tình trạng thoái hóa khớp. Các khớp xương bị bệnh có thể phát triển cựa xương, u nang gây mất sụn, nguy hiểm hơn còn dẫn đến gãy xương.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến vôi hóa sụn khớp

Vôi hóa sụn khớp xảy ra khi những tinh thể canxi pyrophosphat hình thành dịch khớp. Các tinh thể cũng có thể lắng đọng trong sụn gây ra tổn thương. Tinh thể tích tụ trong dịch khớp dẫn tới sưng khớp và đau cấp tính. Tuy nhiên, nguyên nhân hình thành tinh thể vẫn chưa rõ, chúng xuất hiện do sự liên quan tới quá trình lão hóa.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc vôi hóa sụn khớp?

  • Người lớn sau 60 tuổi;
  • Phụ nữ có nguy cơ mắc phải cao hơn nam.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) vôi hóa sụn khớp

Các yếu tố làm tăng nguy cơ vôi hóa sụn khớp: 

  • Tổn thương khớp: Chấn thương khớp hoặc phẫu thuật ở khớp;

  • Rối loạn di truyền;

  • Suy giáp;

  • Cường cận giáp;

  • Mất cân bằng dinh dưỡng: Thừa sắt trong máu, tăng canxi huyết, thiếu magie,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán vôi hóa sụn khớp

Để chẩn đoán vôi hóa sụn khớp, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng cũng như những triệu chứng của người bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm. Những xét nghiệm thường thấy như:

Chụp X-quang khớp: Đây là phương pháp xét nghiệm nhanh và hiệu quả nhất để tìm ra sự lắng đọng những tinh thể canxi trong khớp;

Chọc dịch khớp ở khớp bị đau để tìm những tinh thể canxi pyrophotphat: Tinh thể hình gây có hai đầu vuông góc, ngắn và có thể lưỡng chiết quang. Những tinh thể này có thể nằm trong hay ngoài tế bào, dịch khớp còn xuất hiện nhiều bạch cầu đa nhân trung tính.

Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Phương pháp điều trị Vôi hóa sụn khớp hiệu quả

Tùy thuộc vào thể vội hóa sụn khớp mà bác sĩ sẽ có những cách xử lý khác nhau.

Điều trị bằng thuốc:

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Ibuprofen, naprofen hay indomethacin được dùng để giảm sưng và giảm đau. Tuy nhiên. NSAIDs có thể gây loét dạ dày và giảm chức năng thận nhất là ở người cao tuổi;

Colchicine liều thấp (2 – 3mg/ngày): Nếu người bệnh xuất hiện những cơn đau, sưng, viêm thường xuyên;

Corticosteroid được chỉ định khi người bệnh không thể dùng NSAIDs hoặc colchicine. Tuy nhiên, không nên sử dụng corticosteroid lâu ngày vì nó có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng như yếu xương, tăng đường huyết, tăng huyết áp, đục thủy tinh thể,…

Dẫn lưu dịch:

Để giảm đau và áp lực ở những khớp bị tổn thương, bác sĩ sẽ chèn kim giúp loại bỏ dịch khớp cùng những tinh thể canxi pyrophotphat khỏi khớp.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của vôi hóa sụn khớp

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước;

  • Bổ sung rau xanh, trái cây giàu vitamin C, A, E,…

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa Vôi hóa sụn khớp hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Thường xuyên tập thể dục, đặc biệt là những hoạt động tăng cường cơ bắp xung quanh những khớp bị ảnh hưởng;

  • Giữ cân nặng hợp lý, giảm cân nếu cần thiết;

  • Có lối sống tích cực, lạc quan;

  • Hạn chế sử dụng những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá;

  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây bổ sung vitamin, khoáng chất.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.verywellhealth.com/what-is-chondrocalcinosis-2552216

  2. https://www.verywellhealth.com/chondrocalcinosis-treatment-5116555

Các bệnh liên quan

  1. Viêm bao hoạt dịch khớp gối

  2. Trật khớp cùng đòn

  3. Viêm đa khớp dạng thấp

  4. Trật khớp vai

  5. Đứt dây chằng

  6. Viêm khớp tự miễn

  7. Viêm bao hoạt dịch

  8. Đau lưng dưới

  9. Đau cổ vai gáy

  10. Thấp khớp