Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Lopinavir

Lopinavir - Kiểm soát lây nhiễm HIV

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Lopinavir (Lopinavir luôn phối hợp với Ritonavir)

Loại thuốc

Thuốc ức chế protease của HIV.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Thuốc nước: Lopinavir 400 mg/5 ml và Ritonavir 100 mg/5 ml.
  • Viên nén bao phim: Lopinavir 100 mg và Ritonavir 25 mg, Lopinavir 200 mg và Ritonavir 50 mg.

Chỉ định

Thuốc lopinavir được chỉ định hỗ trợ Nhiễm HIV typ 1 và HIV typ 2.

Dược lực học

Lopinavir Ritonavir là kết hợp cố định của hai thuốc ức chế protease của virus gây suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV). Ritonavir là thuốc ức chế mạnh isoenzym CYP 3A4 của cytochrom P450 nên khi dùng đồng thời với lopinavir sẽ làm giảm chuyển hóa và làm tăng nồng độ trong huyết tương của Lopinavir. Hàm lượng ritonavir có trong chế phẩm thấp hơn nhiều so với các liều điều trị của Ritonavir nhưng cũng đủ để ức chế CYP3A4. Thuốc có tác dụng ngăn chặn các HIV mới, ức chế sự phát triển của các tiền virus (provirus).

Động lực học

Hấp thu

  • Sau khi uống, Lopinavir được hấp thu nhanh ở ống tiêu hóa, nồng độ đỉnh huyết tương đạt được trong vòng 4 giờ.
  • Sau khi uống, Titonavir được hấp thu ở ống tiêu hóa và nồng độ đỉnh huyết tương đạt được sau 2-4 giờ.

Phân bố

  • Khoảng 90-99% Lopinavir gắn vào protein huyết thanh.
  • Khoảng 98% Ritonavir gắn với protein và có rất ít thuốc vào hệ TKTW.

Chuyển hóa

  • Lopinavir được chuyển hóa mạnh, chủ yếu bằng oxy hóa bởi isozym CYP450 3A4, đã xác định được 13 chất chuyển hóa, trong đó một vài chất có tác dụng chống virus.
  • Ritonavir được chuyển hóa ở gan, chủ yếu nhờ các isoenzym CYP450 3A4 và ở mức độ yếu hơn bởi CYP2D6. Người ta đã xác định được 5 chất chuyển hóa, chất chuyển hóa chính có hoạt tính kháng virus nhưng nồng độ chất này trong huyết tương thấp.

Thải trừ

  • Lopinavir được đào thải chủ yếu qua phân và một lượng ít hơn qua nước tiểu. Khoảng 19,8% liều được bài tiết dưới dạng không bị biến đổi trong phân, khoảng 2,2% liều được bài tiết dưới dạng không bị biến đổi trong nước tiểu. Thời gian bán thải khoảng 5-6 giờ.
  • Thải trừ Ritonavir ở trẻ em (2-14 tuổi) bị nhiễm HIV nhanh hơn ở người lớn 1,5-1,7 lần. Khoảng 86% liều uống được thải qua phân (trong đó 33,8% dưới dạng không bị biến đổi), khoảng 11% được đào thải qua nước tiểu (trong đó 3,5% là dưới dạng thuốc không thay đổi). Thời gian bán thải của thuốc là 3-5 giờ.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Lopinavir/Ritonavir làm tăng glucuronid hóa các thuốc bị chuyển hóa theo con đường này.

Thận trọng khi dùng đồng thời lopinavir/ritonavir với thuốc chống loạn nhịp tim (Amiodaron, Bepridin, Quinidin), Atanazavir.

Lopinavir/Ritonavir làm tăng nồng độ Alfuzosin, các thuốc chống nấm Itraconazol, Ketoconazol, thuốc chống có giật (Carbamazepin, Phenobarbital, Phenytoin), Rifabutin, Dasatinib, Nitolinib, các alcaloid cây dừa cạn, Midazolam, Triazolam, Alprazolam, Diazepam, Bosentan, các thuốc chẹn kênh calci (Felodipin, Nicardipin, Nifedipin, Diltiazem), Colchicin, Fluticason, Maravioc, Amprenavir, Indinavir, Nelfinavir, Saquinavir, các thuốc ức chế tủy xương (Cyclosporin, Sirolimus, Tacrolimus), Clarithromycin, Tenofovir, Fentanyl, Trazodon, thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Amitryptilin, Desipramin, Imipramin, Nortriptylin), thuốc ức chế Phosphodiesterase typ 5 (Sildenafil, Tadalafil, Vardenafil)

Lopinavir/Ritonavir làm giảm nồng độ thuốc chống nấm Voriconazol, Atovaquon, Proguanil, Bupropion và Hydroxybupropion, Cortisol, Ethinyl Estradiol và Norethindron trong thuốc ngừa thai uống hoặc ngấm qua da, methadon.

Rifampin, Dexamethason, Tipranavir, Efavirenz, Nevirapin làm giảm nồng độ Lopinavir/Ritonavir.

Không dùng kết hợp Lopinavir/Ritonavir với Rifapentine, Darunavir, Fosamprenavir, Cisaprid, Alcaloid cựa lúa mạch (Dihydroergotamin, Ergonovin, Ergotamin, Methylergonovin), Pimozid, Salmeterol, Telaprevir, các thuốc ức chế HMG-CoA reductase bị chuyển hóa bởi CYP3A4 (Atorvastatin, Lovastatin, Simvastatin, Rosuvastatin).

Có thể dùng đồng thời Lopinavir/Ritonavir và Fluvastatin, Pravastatin.

Lopinavir/Ritonavir làm thay đổi chuyển hóa của warfarin.

Tương tác với thực phẩm

Thức ăn làm tăng sinh khả dụng của dung dịch uống Lopinavir-ritonavir. Viên nén Lopinavir-ritonavir có thể được dùng bất kể bữa ăn.

Chống chỉ định

Thuốc chống chỉ định trong trường hợp dị ứng với Lopinavir, hoặc với Ritonavir hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Điều trị cho người nhiễm HIV không dùng Amprenavir, Efavirenz, Nelfinavir hoặc Nevirapin: 800 mg Lopinavir và 200 mg Ritonavir, ngày 1 lần hoặc 400 mg Lopinavir và 100 mg Ritonavir ngày 2 lần (thuốc viên hoặc nước). Dùng cách uống ngày 2 lần cho người bị nhiễm HIV-1 có 3 đột biến gen hoặc nhiều hơn liên quan đến kháng Lopinavir sau đây: L10F/I/R/V, K20M/N/R, L24I, L33F, M36I, I47V, G48V, 154L/T/V, V82A/C/F/S/T, I84V.

Điều trị cho người nhiễm HIV đang dùng Amprenavir, Efavirenz, Nelfinavir hoặc Nevirapin: 500 mg lopinavir và 125 mg Ritonavir (thuốc viên) ngày 2 lần. Nếu dùng thuốc nước thì liều khuyên dùng là 533 mg Lopinavir và 133 mg Ritonavir (6,7 ml) ngày 2 lần.

Để dự phòng sau khi bị phơi nhiễm HIV: Liều 400 mg Lopinavir và 100 mg Ritonavir, ngày 2 lần cùng với các thuốc kháng retrovirus khác. Phải uống ngay (trong vòng vài giờ sau khi bị phơi nhiễm HIV do nghề nghiệp hoặc trong vòng 72 giờ cho người có nguy cơ không do nghề nghiệp) sau khi bị phơi nhiễm và dùng trong 4 tuần.

Trẻ em

Điều trị trẻ có HIV ≥ 14 ngày tuổi: Liều Lopinavir/Ritonavir được tính theo cân nặng hoặc diện tích cơ thể. Liều ở trẻ em không được cao hơn liều ở người lớn. Không dùng cách uống ngày 1 lần cho người < 18 tuổi.

Trẻ 14 ngày tới 6 tháng tuổi: 300 mg/m2 Lopinavir và 75 mg/m2 Ritonavir (thuốc nước) ngày 2 lần (liều tính theo diện tích cơ thể) hay 16 mg/kg Lopinavir và 4 mg/kg Ritonavir (thuốc nước) ngày 2 lần (liều tính theo cân nặng). Không dùng đồng thời với Amprenavir, Efavirenz, Nelfinavir hoặc Nevirapin cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Trẻ từ 6 tháng tuổi đến 18 tuổi không dùng đồng thời Amprenavir, Efavirenz, Nelfinavir hoặc Nevirapin: 230 mg/m2 Lopinavir và 57,5 mg/m2 Ritonavir (thuốc nước) ngày 2 lần (liều tính theo diện tích cơ thể) hay 12 mg/kg Lopinavir và 3 mg/kg Ritonavir (liều tính theo cân nặng) ngày 2 lần ở trẻ cân nặng < 15 kg. Trẻ 15-40 kg: 10 mg/kg Lopinavir và 2,5 mg/kg Ritonavir, ngày 2 lần. Liều không được cao hơn liều cho người lớn. Nếu dùng thuốc viên thì theo bảng 1 dưới đây.

Cân nặng (kg)

Diện tích cơ thể (m2)

Số viên thuốc Lopinavir/Ritonavir. Mỗi viên chứa 100 mg Lopinavir và 25 mg Ritonavir.

Uống 2 lần/ngày

15-25

0,6 đến < 0,9

2 viên

> 25 đến 35

0,9 đến <1,4

3 viên

> 35

1,4 hoặc hơn

4 viên

Trẻ từ 6 tháng tuổi đến 18 tuổi dùng đồng thời Amprenavir, Efavirenz, Nelfinavir hoặc Nevirapin: 300 mg/m2 lopinavir và 75 mg/m2 Ritonavir (liều tính theo diện tích cơ thể) ngày 2 lần (thuốc nước). Hay 13 mg/kg Lopinavir và 3,25 mg/kg Ritonavir ngày 2 lần với trẻ dưới 15 kg; 11 mg/kg Lopinavir và 2,75 mg/kg Ritonavir, ngày 2 lần với trẻ nặng 15-45 kg (liều tính theo cân nặng, thuốc nước). Liều không được cao hơn liều cho người lớn. Nếu dùng thuốc viên thì theo bảng 2 dưới đây.

Cân nặng (kg)

Diện tích cơ thể (m2)

Số viên thuốc Lopinavir/ Ritonavir. Mỗi viên chứa 100 mg Lopinavir và

25 mg Ritonavir.

Uống 2 lần/ngày

15-20

0,6 đến < 0,8

2 viên

> 20 đến 30

0,8 đến < 1,2

3 viên

> 30 đến 45

1,2 đến < 1,7

4 viên

> 45

1,7 hoặc hơn

5 viên

Tác dụng phụ

Thường gặp

Nổi mẩn, cholesterol huyết cao, tăng triglycerid, tiêu chảy, dị cảm vị giác, nôn, buồn nôn, đau bụng, AST tăng, ALT tăng, giãn mạch, nhức đầu, mất ngủ, tăng amylase, khó tiêu, tăng lipase, chướng bụng, sút cân, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu trung tính, yếu cơ.

Ít gặp

  • Rung nhĩ, blốc nhĩ - thất, nhồi máu não, tim chậm, tắc tĩnh mạch sâu, khoảng PR và QT kéo dài, trống ngực, hạ huyết áp thế đứng, xoắn đỉnh, viêm tắc tĩnh mạch, viêm mạch, nhồi máu cơ tim, huyết áp tăng.
  • Chướng bụng, khô miệng, viêm miệng, ợ hơi, chán ăn, tăng/giảm thèm ăn, khó nuốt, loét miệng, trào ngược dạ dày - thực quản, viêm đại tràng xuất huyết, trĩ, táo bón, viêm tuyến nước bọt, viêm thực quản, viêm dạ dày - ruột, viêm ruột, nha chu viêm, viêm tụy, viêm dạ dày.
  • Rối loạn thị giác, mất điều vận, hội chứng ngoại tháp, bệnh thần kinh ngoại biên, tăng cảm giác nghe, co giật, run đầu chi, ngủ gà, chóng mặt, loạn cảm, bệnh về não, rối loạn vận động tùy ý, liệt mặt.
  • Ác mộng, hoang tưởng, quên, lo âu, vô cảm, kích động, lú lẫn, rối loạn cảm xúc, trầm cảm.
  • Ho, khó thở, đau ngực, hen, viêm phế quản, phù phổi, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang.
  • Đau vùng gan, viêm đường mật, viêm túi mật, viêm gan, gan to, rối loạn chức năng gan.
  • Giảm thanh thải creatinin, viêm thận.
  • Giảm bạch cầu, thiếu máu, lách to, sưng hạch bạch huyết.
  • Rụng tóc, rối loạn sắc tố da, da khô, rạn da, trứng cá, ngứa, tăng tiết tuyến bã, đổ nhiều mồ hôi, nổi mẩn, viêm da phỏng rộp, chàm, viêm nang lông, hồng ban đa dạng, hội chứng Stevens-Johnson.
  • Ù tai, viêm tai giữa.
  • Đau khớp, đau cơ, đau lưng, hoại tử xương, tan cơ vân.
  • Thiếu hụt vitamin, rối loạn phân bố mỡ, đái tháo đường, béo phì, phù ngoại biên, tăng cân, kém dung nạp glucose, phù, phù mặt, vú to, hội chứng Cushing, mất nước, nhiễm toan.
  • Xuất tinh bất thường, giảm ham muốn tính dục.
  • Mệt mỏi, sốt, rét run, dị ứng, hội chứng giả cúm, xuất hiện khối u, nhiễm khuẩn, nhiễm virus.

Lưu ý

Lưu ý chung

  • Thông báo ngay cho bác sĩ khi thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, nhất là thấy tăng cân ở trẻ.
  • Bệnh nhân phải nói rõ cho bác sĩ những thuốc khác đang dùng, kể cả các thuốc bán không cần đơn, các thuốc thảo mộc, các thuốc để điều trị bệnh khác đang mắc.
  • Nếu cho trẻ nhỏ dưới 14 ngày tuổi uống thuốc dạng nước thì phải theo dõi trẻ và thông báo ngay cho bác sĩ nếu thấy trẻ ngủ quá mức hoặc khó thở bất thường. Phải cho trẻ uống thuốc qua bơm định liều.
  • Phụ nữ nên dùng màng phim tránh thai để ngừa thai, không dùng viên thuốc tránh thai.
  • Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân bị suy gan.
  • Phải chú ý ở bệnh nhân đái tháo đường; phải bắt đầu điều trị hoặc chỉnh liều insulin hoặc thuốc hạ glucose huyết đường uống.
  • Phải thận trọng khi dùng cho người có bệnh tim.
  • Nếu thấy bệnh nhân đau bụng, buồn nôn và nôn, amylase hoặc lipase huyết tăng, đang dùng phối hợp lopinavir và ritonavir cũng như dùng các thuốc kháng retrovirus khác thì phải nghĩ đến viêm tụy và có thể phải ngừng thuốc.
  • Không dùng cách uống thuốc ngày 1 lần cho:
  • Người < 18 tuổi.
  • Người lớn bị nhiễm HIV-1 có 3 hoặc hơn đột biến gen liên quan đến kháng lopinavir sau đây: L10F/I/R/V, K20M/N/R, L24I, L33F, M36I, I47V, G48V, 154L/T/V, V82A/C/F/S/T, I84V.
  • Người đồng thời dùng trị liệu có Amprenavir, Efavirenz, Nelfinavir, Nevirapin hoặc người dùng thuốc chống co giật (Carbamazepin, Phenobarbital, Phenytoin).
  • Phụ nữ có thai.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Thuốc qua nhau thai. Thuốc được khuyên dùng cho phụ nữ có HIV mang thai chưa dùng thuốc kháng retrovirus. Có thể bị tăng glucose huyết, đái tháo đường hoặc toan huyết do đái tháo đường trong thời gian dùng thuốc.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Thuốc được bài tiết vào sữa. Không dùng cho phụ nữ cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Chưa có nghiên cứu về ảnh hưởng của lopinavir đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.

Quá liều

Quên liều và xử trí

Nếu quên uống thì phải uống ngay liều bị quên và liều tiếp theo phải uống đúng giờ, không uống gấp đôi liều để bù liều quên.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Có ít dữ liệu về quá liều Lopinavir/Ritonavir.

Cách xử lý khi quá liều

Không có thuốc kháng đặc hiệu. Có thể rửa dạ dày hoặc dùng than hoạt để lấy thuốc chưa được hấp thu. Chạy thận nhân tạo không có tác dụng vì thuốc gắn nhiều vào protein huyết tương nhưng lại có tác dụng lấy alcol và propylen glycol trong trường hợp quá liều do dùng thuốc dạng nước.

Nguồn tham khảo