Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ấn vào xương ức thấy đau: Dấu hiệu của bệnh lý gì?

Ngày 15/06/2024
Kích thước chữ

Ấn vào xương ức thấy đau hay còn gọi là đau tức ở giữa lồng ngực. Đây là một triệu chứng khá thường gặp, tuy nhiên không phải ai cũng để ý và phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh lý đằng sau triệu chứng này. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về chủ đề này ngay trong bài viết dưới đây!

Ấn vào xương ức thấy đau có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên nguyên nhân phổ biến thường liên quan đến các bệnh lý sụn sườn và xương đòn. Nhưng đôi khi cũng là dấu hiệu quan trọng cảnh báo một số bệnh lý nghiêm trọng khác. Do vậy, cần xác định nguyên nhân gây đau ở xương ức để tránh những rủi ro không mong muốn. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thông tin về tình trạng này trong bài viết dưới đây.

Tổng quan triệu chứng đau nhói ở xương ức

Nhiều người từng trải qua cảm giác đau nhói khó chịu ở vùng ngực giữa, vị trí có thể lan sang trái. Cơn đau này thường được mô tả như bị đè nén, ép chặt hoặc bóp nghẹt ở ngực, gây ra cảm giác khó thở và nặng nề. Cơn đau kéo dài trong vài phút, có thể tăng nặng khi vận động và giảm dần sau đó quay trở lại với mức độ khác nhau. Khó thở, vã mồ hôi, choáng váng và buồn nôn là những triệu chứng đi kèm thường gặp.

Cảnh giác với dấu hiệu ấn vào xương ức thấy đau 1
Ấn vào xương ức thấy đau là tình trạng có thể gặp ở bất kỳ ai

Ấn vào xương ức thấy đau là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nào?

Tình trạng người bệnh ấn vào xương ức thấy đau thường là những cơn đau khu trú tại vị trí nhất định, tình trạng đau nặng hơn khi ấn vào hoặc căng cơ ngực. Cùng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhé!

Bệnh lý tim mạch

Khi xuất hiện bất thường trong mạch vành như động mạch bị xơ vữa hay giảm tưới máu, thiếu dưỡng cơ tim có thể gây ra triệu chứng đau ngực. Khi hoạt động gắng sức, đi bộ nhanh, leo cầu thang hoặc bị kích động tâm lý sẽ xảy ra cơn đau. Khi nghỉ ngơi, cơn đau sẽ thuyên giảm.

Bên cạnh đó, một số bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, thắt mạch vành, suy tim,... cũng có thể gây đau ở giữa xương ức.

Viêm sụn sườn

Viêm sụn sườn, hay còn gọi là viêm khớp sụn sườn, là tình trạng viêm sụn nối giữa các xương sườn với xương ức, gây ra cơn đau nhức nhối khó chịu ở vùng ngực dưới xương ức. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau ở vị trí này.

Triệu chứng điển hình của viêm sụn sườn bao gồm:

  • Đau nhói ở vị trí xương ức và dưới xương ức, thường tăng mạnh khi hít thở sâu hoặc vận động.
  • Cảm giác đau nhức khi ấn vào vùng xương ức.
  • Khó chịu ở khu vực xương sườn.

Nguyên nhân gây viêm sụn sườn chưa được xác định rõ ràng, nhưng một số yếu tố tiềm ẩn có thể bao gồm: Tập thể dục quá sức, chấn thương, ho nhiều, nhiễm trùng đường hô hấp,...

Mặc dù gây đau đớn nhưng viêm sụn sườn không phải là tình trạng nguy hiểm và thường tự khỏi trong vòng vài tuần nếu được nghỉ ngơi đầy đủ. Tuy nhiên, do có triệu chứng tương tự với một số bệnh lý nghiêm trọng khác, khám bác sĩ là điều cần thiết để chẩn đoán chính xác và loại trừ các nguy cơ tiềm ẩn. Quá trình chẩn đoán thường bao gồm: Khám lâm sàng, chỉ định thực hiện chụp X-quang ngực hoặc điện tâm đồ (EKG).

Điều trị viêm sụn sườn chủ yếu tập trung vào giảm đau và thúc đẩy quá trình hồi phục. Các biện pháp phổ biến bao gồm: 

  • Nghỉ ngơi, hạn chế hoạt động thể chất để giảm áp lực lên vùng sụn bị viêm. 
  • Thuốc giảm đau không kê đơn: Paracetamol hoặc ibuprofen có thể giúp giảm đau. 
  • Thuốc chống viêm: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống viêm như naproxen hoặc indomethacin để giảm viêm và sưng. 
  • Đối với những trường hợp đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm steroid trực tiếp vào khớp sụn bị viêm.

Viêm sụn sườn tuy không nguy hiểm nhưng không nên chủ quan vì triệu chứng của nó có thể khiến bạn nhầm lẫn với các bệnh lý nghiêm trọng khác. Hãy khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn.

Cảnh giác với dấu hiệu ấn vào xương ức thấy đau 2
Viêm sụn sườn có thể gây ra những cơn đau nhói ở vùng ngực

Viêm phế quản

Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm các ống phế quản, đường dẫn khí chính đưa oxy vào phổi. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh là do virus cúm hoặc cảm lạnh. Khi bị viêm phế quản, bạn có thể cảm thấy đau tức giữa ngực khi hít thở, đây là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh bên cạnh:

  • Ho khan dai dẳng hoặc ho có đờm màu xanh xám: Do cơ thể cố gắng loại bỏ chất nhầy và vi khuẩn ra khỏi phế quản.
  • Thở khò khè, khó thở: Do các ống phế quản bị viêm sưng, thu hẹp đường thở.
  • Đau hoặc khó chịu ở ngực: Cơn đau thường tăng lên khi hít thở sâu hoặc ho.

Trào ngược axit dạ dày

Trào ngược axit dạ dày xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây kích ứng và dẫn đến những cơn ợ chua, nóng rát khó chịu ở cổ họng, ngực, bụng, đặc biệt là vùng dưới xương ức. Khi tình trạng này diễn ra thường xuyên và kéo dài, nó sẽ phát triển thành bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Triệu chứng điển hình của trào ngược axit dạ dày bao gồm:

  • Ợ chua, ợ hơi, ợ nóng: Cảm giác axit trào ngược lên cổ họng, gây vị chua, nóng rát.
  • Đau rát ngực, bụng hoặc cổ: Cơn đau thường xuất hiện sau khi ăn, có thể lan đến vai, lưng hoặc cổ họng.
  • Đau ở xương ức và vùng dưới xương ức: Do kích ứng từ axit dạ dày.
  • Nôn, buồn nôn: Axit trào ngược có thể kích thích dạ dày gây ra buồn nôn và nôn.
  • Đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu: Do trào ngược axit ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
  • Ho, viêm họng: Axit trào ngược có thể kích thích cổ họng gây ho và viêm họng.
  • Hôi miệng hoặc có mùi vị khó chịu trong miệng: Do vi khuẩn trong dạ dày trào ngược lên.
  • Miệng tiết nhiều nước bọt: Cơ thể cố gắng tiết nước bọt để trung hòa axit.

Nguyên nhân chính dẫn đến trào ngược axit dạ dày là do vấn đề của cơ thắt thực quản dưới (cơ vòng thực quản). Cơ thắt này đóng vai trò ngăn cách các chất trong dạ dày với thực quản. Tuy nhiên, khi cơ này đóng không chặt hoặc mở ra quá thường xuyên, axit và thức ăn từ dạ dày có thể trào ngược lên thực quản, gây ra các triệu chứng khó chịu.

Nhiều yếu tố có thể khiến cơ thắt thực quản dưới hoạt động bất thường, bao gồm:

  • Chế độ ăn uống: Thức ăn cay, béo, đồ uống có gas, rượu bia, cà phê,... là những tác nhân phổ biến gây trào ngược axit.
  • Thừa cân béo bụng: Lớp mỡ thừa quanh bụng tạo áp lực lên dạ dày, đẩy axit lên thực quản.
  • Mang thai: Do sự thay đổi nội tiết tố và áp lực từ thai nhi lên dạ dày.
  • Một số bệnh lý: Hen suyễn, loét dạ dày, hẹp môn vị,... cũng có thể làm tăng nguy cơ trào ngược axit.

Những người bị trào ngược axit dạ dày thường gặp tình trạng ấn vào xương ức thấy đau, bác sĩ thường sẽ chỉ định thay đổi lối sống và chế độ ăn uống để giảm bớt triệu chứng. Bên cạnh đó, sử dụng các sản phẩm hỗ trợ cũng có thể giúp làm giảm axit dạ dày, trung hòa axit và ngăn ngừa trào ngược tái phát.

Cảnh giác với dấu hiệu ấn vào xương ức thấy đau 3
Trào ngược axit dạ dày có dấu hiệu ấn vào xương ức thấy đau

Căng cơ ngực

Căng cơ ngực là tình trạng cơ bắp ở thành ngực bị căng hoặc rách do vận động quá mức, lặp đi lặp lại, tăng cường độ hoạt động đột ngột hoặc chuyển động sai tư thế. Ngoài ra, ho hoặc nôn mửa liên tục cũng có thể dẫn đến căng cơ ngực.

Triệu chứng thường gặp của căng cơ ngực bao gồm:

  • Đau nhức hoặc nhói ở vùng xương ức: Mức độ đau có thể tăng lên khi vận động.
  • Co thắt ở vùng xương ức và dưới xương ức: Gây cảm giác cứng cơ và khó chịu.
  • Bầm tím hoặc đau nhức lan tỏa sang khu vực xung quanh thành ngực.

Để chẩn đoán căng cơ ngực, bác sĩ sẽ dựa vào tiền sử bệnh lý, triệu chứng và khám lâm sàng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang hoặc MRI để loại trừ các nguyên nhân khác gây đau ngực.

Ấn vào xương ức thấy đau có cần thăm khám không?

Nếu gặp tình trạng ấn vào xương ức thấy đau, người bệnh nên đến cơ sở y tế hoặc liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời. Bên cạnh đó, cần ngay lập tức đến cơ sở y tế khi gặp một số dấu hiệu, triệu chứng nghiêm trọng chẳng hạn như:

  • Sốt cao, không hạ sốt sau khi dùng thuốc.
  • Ho ra đờm có máu hoặc ho ra máu.
  • Sưng, đau, nhức, có dấu hiệu hình thành mủ ở xương ức.
  • Khó thở, đánh trống ngực, rối loạn nhịp tim, vã mồ hôi nhiều.
  • Có dấu hiệu đau ngực lan đến cánh tay trái, vai trái, hàm.
Cảnh giác với dấu hiệu ấn vào xương ức thấy đau 4
Nếu gặp tình trạng đau xương ức, cần đến bệnh viện để chẩn đoán phù hợp

Ấn vào xương ức thấy đau thường liên quan đến các vấn đề ở xương ức hay xương sườn. Tuy nhiên cũng có thể do một số bệnh lý khác dẫn đến tình trạng này. Do đó, người bệnh cần đến cơ sở y tế hoặc gặp các bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin