Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Antacid: Nhóm thuốc giúp trung hòa acid dạ dày và những điều cần biết

Ngày 22/04/2024
Kích thước chữ

Antacid là thuốc gì và sử dụng như thế nào cho đúng cách, đúng liều lượng là chủ đề được nhiều người quan tâm. Bởi nhóm thuốc này dùng để điều trị triệu chứng tại đường tiêu hóa rất thường gặp như khó tiêu, đầy bụng, ợ nóng,...

Antacid là tên gọi chung của nhóm thuốc giúp trung hòa acid dạ dày (kháng acid dạ dày). Thuộc nhóm thuốc không kê đơn OTC, do đó bạn có thể mua được khá dễ dàng tại các nhà thuốc.

Thông tin về thuốc kháng acid dạ dày

Thuốc kháng acid được sử dụng điều trị một số triệu chứng khó chịu ở dạ dày, do nguyên nhân dư thừa acid. Một số bệnh hoặc triệu chứng cần dùng đến antacid như:

  • Trào ngược dạ dày, bao gồm các triệu chứng như khó nuốt, ho khan kéo dài, đắng miệng và đau khi nằm.
  • Ợ nóng – có cảm giác nóng rất rát ở ngực hoặc cổ, nguyên nhân do acid ở dạ dày trào lên.
  • Khó tiêu.

Các thuốc kháng acid dạ dày có thể làm giảm và thoái lui các triệu chứng trong thời gian ngắn, nhưng không giúp điều trị dứt điểm bệnh.

Trên thị trường, các loại thuốc thuộc nhóm kháng acid dạ dày, sẽ chứa thành phần hoạt chất phổ biến như:

  • Aluminium hydroxide;
  • Magnesium carbonate;
  • Magnesium trisilicate;
  • Magnesium hydroxide;
  • Calcium carbonate;
  • Sodium bicarbonate.

Bên cạnh antacid, còn có một số nhóm thuốc khác giúp làm giảm lượng acid tại dạ dày như thuốc ức chế bơm proton (PPI) hay thuốc đối kháng thụ thể H2. Khác với cơ chế trung hòa acid dịch vị của antacid, các loại thuốc này hoạt động theo cơ chế làm giảm hoặc ngăn chặn quá trình tiết acid vào trong lòng dạ dày.

Antacid 01
Một số thông tin tổng quan về thuốc antacid

Cách dùng thuốc kháng acid dạ dày

Bất kỳ loại thuốc nào, không riêng gì antacid, điều quan trọng bạn cần phải nhớ là dùng đúng theo liều lượng chỉ dẫn ghi trên nhãn. Thời gian uống thuốc antacid hiệu quả nhất là ngay sau bữa ăn hoặc trước khi bạn ngủ vào ban đêm.

Đặc biệt, tốt nhất bạn nên uống thuốc kháng acid dạ dày cùng với thức ăn, hoặc ngay sau khi ăn xong. Chính vì đây là những thời điểm mà cơ thể bạn dễ bị cảm giác khó tiêu và ợ nóng nhất. Thêm nữa, tác dụng của thuốc antacid còn có thể kéo dài lâu hơn nếu uống trong khi ăn.

Việc dùng chung thuốc kháng acid dạ dày với một số thuốc khác có thể làm giảm tác dụng của chúng. Vì vậy, bạn nên uống các loại thuốc khác (nếu có) sau ít nhất 2 giờ, kể từ thời điểm uống thuốc antacid. Bạn có thể uống rượu khi dùng thuốc kháng acid dạ dày, nhưng rượu gây kích ứng dạ dày, có thể làm cho các triệu chứng nặng nề hơn.

Liều dùng của thuốc kháng acid cho trẻ em sẽ ít hơn so với liều người lớn.

Antacid 02
Thời điểm uống thuốc antacid tốt nhất là trong hoặc ngay sau bữa ăn

Xử trí khi quá liều hoặc quên liều thuốc

Trong trường hợp sức khỏe khẩn cấp hoặc quá liều thuốc, hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn cần ghi lại danh sách các loại thuốc đã uống và đưa cho bác sĩ (bao gồm cả thuốc kê đơn và không kê đơn).

Nếu bạn cần uống antacid thường xuyên để kiểm soát triệu chứng tại dạ dày, nhưng lỡ quên mất một liều, hãy uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu đã gần đến thời điểm uống liều tiếp theo, bạn hãy bỏ qua liều quên đó và dùng liều kế tiếp theo như kế hoạch. Tuyệt đối không được uống gấp đôi liều được bác sĩ chỉ định.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Thuốc kháng acid (antacid) thường sẽ hiệu quả trong trường hợp ngăn chặn các cơn đau do thừa acid dạ dày. Tuy nhiên, các cơn đau hoặc triệu chứng khó chịu tại dạ dày của bạn có thể là dấu hiệu một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.

Điều quan trọng là bạn cần nhận biết, ghi nhớ và nói đầy đủ với bác sĩ về tình trạng của bạn. Cơn đau khó chịu tại dạ dày có thể là triệu chứng của bệnh loét dạ dày-tá tràng hoặc trào ngược dạ dày thực quản (GERD).

Thuốc kháng acid dạ dày chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, không trị được dứt điểm nguyên nhân gây bệnh. Nếu bạn bị đau nặng hơn, không giảm mặc dù đã dùng antacid, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân chính xác.

Cơn đau do nhồi máu cơ tim cũng có thể khởi phát các triệu chứng giống với đau dạ dày. Bạn có thể đang trong một cơn nhồi máu cơ tim cấp tính, nếu có tình trạng đau ngực dữ dội kéo dài trên 3 phút, đi kèm với một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây:

  • Chóng mặt;
  • Khó thở;
  • Cơn đau lan rộng đến cánh tay, hàm hoặc vai của bạn;
  • Đau cổ hoặc lưng;
  • Nôn hoặc buồn nôn.

Nếu nghi ngờ bạn đang xuất hiện cơn nhồi máu cơ tim (đau tim), hãy gọi cấp cứu đến ngay lập tức.

Antacid 03
Thuốc kháng acid dạ dày giúp làm giảm triệu chứng do thừa acid

Tác dụng phụ của thuốc antacid

Việc sử dụng thuốc kháng acid dạ dày hiếm khi để lại tác dụng phụ. Tuy vậy, uống antacid không đúng chỉ dẫn có thể gây táo bón hoặc ngược lại làm cơ thể bị nhuận tràng. Một số rất ít người xuất hiện triệu chứng nhạy cảm hoặc phản ứng dị ứng với thuốc antacid (như ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ, buồn nôn).

Trong thành phần của thuốc antacid có chứa nguyên tố calci. Nếu uống thuốc quá liều hoặc dùng trong thời gian dài, cơ thể bạn có thể bị thừa calci với các triệu chứng như:

  • Buồn nôn;
  • Nôn;
  • Thay đổi trạng thái tâm thần;
  • Sỏi thận;
  • Hội chứng nhiễm kiềm chuyển hóa.
Antacid 04
Thành phần có thuốc kháng acid dạ dày có thể làm bạn bị táo bón

Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc kháng acid dạ dày?

Thuốc kháng acid dạ dày an toàn đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, nếu bạn có tình trạng sức khỏe đặc biệt hoặc đang dùng một số thuốc khác, hãy nói chuyện và lắng nghe lời tư vấn từ bác sĩ chuyên môn.

Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc antacid trên các đối tượng sau:

  • Đang mang thai hoặc cho con bú. Hầu hết trường hợp phụ nữ mang thai hoặc cho con bú đều dùng được thuốc kháng acid dạ dày. Tuy vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn có thể trạng sức khỏe đặc biệt.
  • Có ý định sử dụng thuốc cho trẻ em dưới 12 tuổi. Một số thuốc kháng acid dạ dày không được khuyến cáo trên đối tượng trẻ em có bệnh gan, bệnh thận hoặc suy tim bẩm sinh.
  • Một số bệnh bạn cần kiểm soát lượng muối trong chế độ ăn uống, ví dụ như bệnh cao huyết áp hoặc xơ gan. Một số thuốc antacid trong thành phần hoạt chất có chứa nhiều natri, không phù hợp với chế độ ăn uống này.
  • Đang dùng các loại thuốc khác. Thuốc antacid có thể tương tác với một số thuốc khác. Chính vì vậy, cần uống thuốc tại hai thời điểm cách xa nhau ít nhất 2 giờ.

Tương tác với nhóm thuốc antacid

Thuốc kháng acid dạ dày có thể tương tác với một số loại thuốc điều trị bệnh khác, gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng. Chính vì vậy, bạn cần khai báo với bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn tất cả các thuốc mà bạn đang sử dụng.

Nếu bạn đang dùng kèm một số thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu, ví dụ như thuốc chống đông hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu, bạn không nên sử dụng thuốc kháng acid dạ dày.

Tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bạn đang sử dụng Aspirin (hoặc các loại thuốc chống đông khác) hằng ngày, nếu bạn:

  • Có tiền sử loét dạ dày;
  • Bị rối loạn đông máu;
  • Trên 60 tuổi;
  • Tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn mỗi ngày.

Vậy là bài viết đã cung cấp thông tin tổng quan về antacid - nhóm thuốc giúp trung hòa acid dư thừa trong dạ dày. Là thuốc nằm trong nhóm không kê đơn, antacid thường được dùng nhiều để kiểm soát triệu chứng một số bệnh đường tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, ợ nóng, trào ngược dạ dày thực quản, loét dạ dày - tá tràng,... Nếu lạm dụng hoặc sử dụng không đúng, thuốc kháng acid dạ dày (antacid) có thể gây ra một số tác dụng phụ cho người sử dụng.

Xem thêm: Growpone: Thuốc tiêm điều trị tình trạng hạ Calci huyết

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin