Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh dại phát triển trong cơ thể con người như thế nào?

Ngày 05/08/2024
Kích thước chữ

Bệnh dại - một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra đã gieo rắc nỗi kinh hoàng trong lịch sử loài người. Vậy bệnh dại phát triển trong cơ thể con người như thế nào? Tìm hiểu tiến trình phát triển bệnh dại trong cơ thể để có hành động tiêm phòng dại kịp thời.

Bệnh dại là một trong những căn bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất. Đến nay, căn bệnh này vẫn là mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu. Bệnh dại gây ra bởi virus dại, lây truyền qua vết cắn hoặc vết thương hở từ động vật nhiễm bệnh, thường là chó, mèo hoặc dơi. Sau khi xâm nhập, virus dại bắt đầu một “cuộc hành trình” âm thầm nhưng đầy nguy hiểm trong cơ thể và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Vậy bệnh dại phát triển trong cơ thể con người như thế nào?

Thực trạng bệnh dại ở Việt Nam

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong do dại trên toàn cầu, tương đương với một người chết sau mỗi 9 phút (số liệu năm 2021). Theo thống kê mới nhất từ Cục Y tế Dự phòng Việt Nam, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 68 trường hợp tử vong do dại. Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, ở nước ta đã có 22 trường hợp tử vong do dại. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, nơi tỷ lệ tiêm phòng dại còn thấp và việc tiếp xúc với động vật hoang dã còn phổ biến.

Bệnh dại phát triển trong cơ thể con người như thế nào 1
Bệnh dại do bị chó dại cắn chiếm phần lớn các trường hợp

Nguyên nhân chính gây ra bệnh dại ở Việt Nam là do chó cắn, chiếm tới 98% các trường hợp. Điều đáng lo ngại là phần lớn các trường hợp tử vong đều là do người dân chủ quan, không tiêm phòng dại đầy đủ hoặc tiêm phòng muộn sau khi bị chó cắn.

Để kiểm soát bệnh dại ở người, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình quốc gia về tiêm phòng dại cho chó, mèo và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống bệnh dại. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn do nhiều thách thức như: Sự di biến động của quần thể chó, mèo hoang dã, sự thiếu hụt nguồn lực y tế ở vùng sâu, vùng xa và sự chủ quan của người dân trong việc tiêm phòng dại.

Bệnh dại phát triển trong cơ thể con người như thế nào?

Virus gây bệnh dại được gọi là Rabies virus hoặc virus dại, thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus. Sau khi xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn hoặc vết thương hở, virus này bắt đầu một cuộc hành trình âm thầm nhưng đầy nguy hiểm.

Bệnh dại phát triển trong cơ thể con người như thế nào 2
Bệnh dại phát triển trong cơ thể con người như thế nào?

Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn đầu tiên được gọi là giai đoạn ủ bệnh, có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, thậm chí vài năm. Trong thời gian này, virus nhân lên tại vị trí xâm nhập, sau đó lặng lẽ di chuyển dọc theo các dây thần kinh ngoại biên hướng về hệ thần kinh trung ương. 

Thời gian ủ bệnh dại của virus dại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Vị trí vết cắn (vết cắn càng gần não bộ và tủy sống thì thời gian ủ bệnh càng ngắn), số lượng virus xâm nhập, độc lực của virus và sức đề kháng của cơ thể.

Giai đoạn ủ bệnh

Sau giai đoạn ủ bệnh, bệnh dại bước vào giai đoạn khởi phát với những dấu hiệu bệnh dại mơ hồ, không đặc hiệu như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu, đau, ngứa, tê bì hoặc cảm giác khác thường tại vị trí vết cắn. Người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng tâm lý như lo lắng, bồn chồn, khó ngủ, thay đổi tính tình, cáu gắt.

Giai đoạn toàn phát

Giai đoạn phát bệnh thường kéo dài từ 2 đến 10 ngày, đây là lúc các virus đã xâm nhập được vào não bộ và bắt đầu lan rộng gây tổn thương thần kinh. Virus dại gây viêm não và tủy sống, dẫn đến hàng loạt triệu chứng thần kinh đặc trưng như: Kích động, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, co giật, liệt, rối loạn tâm thần, ảo giác, khó nuốt, tăng tiết nước bọt, rối loạn nhịp tim và hô hấp. Bệnh tiến triển nhanh chóng và thường dẫn đến tử vong trong vòng vài ngày đến vài tuần kể từ khi xuất hiện các triệu chứng thần kinh đầu tiên.

Bệnh dại phát triển trong cơ thể con người như thế nào 3
Thời gian ủ bệnh và toàn phát sau khi tiếp xúc với virus phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Biện pháp phòng ngừa bệnh dại

Bệnh dại phát triển trong cơ thể con người như thế nào đến đây bạn đã biết. Vậy chúng ta có thể phòng ngừa và điều trị căn bệnh nguy hiểm này không?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất với tỷ lệ tử vong gần như 100% khi đã lên cơn dại. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được căn bệnh này bằng những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả như sau:

Tiêm vắc xin phòng dại cho cả người và động vật là biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm vắc xin phòng dại có thể ngăn ngừa tới 99% các trường hợp tử vong do dại. Tại Việt Nam, tiêm phòng dại cho chó, mèo là bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh tiêm phòng, việc tránh tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc động vật nghi ngờ bị dại cũng rất quan trọng. Nếu không may bị động vật cắn, cần rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 15 phút, sau đó đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị dự phòng.

Nếu có thể, hãy cách ly con vật nghi ngờ bị dại ngay lập tức để tránh việc nó cắn thêm người khác. Theo dõi sức khỏe của con vật trong vòng 10 ngày là vô cùng cần thiết. Nếu con vật có biểu hiện bất thường như hung dữ, sợ nước, sợ ánh sáng, liệt hoặc chết, cần báo ngay cho cơ quan thú y để lấy mẫu xét nghiệm dại. Việc giết hoặc bỏ rơi con vật không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây khó khăn cho việc theo dõi và xác định tình trạng bệnh dại của con vật.

Bệnh dại phát triển trong cơ thể con người như thế nào 4
Tiêm phòng dại cho cả người và vật nuôi giúp phòng bệnh hiệu quả

Điều trị bệnh dại ra sao?

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh dại. Tuy nhiên, nếu được tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin dại sau phơi nhiễm càng sớm càng tốt, có thể ngăn ngừa virus dại phát triển và gây bệnh. Điều trị bệnh dại chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ giảm đau và kiểm soát các triệu chứng. 

Tuy nhiên, tỷ lệ thành công rất thấp và người bệnh thường tử vong trong vòng vài ngày đến vài tuần sau khi xuất hiện các triệu chứng thần kinh. Vì vậy, phòng ngừa bệnh dại là biện pháp hiệu quả và tiết kiệm nhất. Hãy chủ động bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách tiêm phòng dại đầy đủ và đúng lịch, đồng thời tránh tiếp xúc với động vật nghi ngờ bị dại.

Bệnh dại là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, vẫn luôn là một mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng. Hiểu rõ bệnh dại phát triển trong cơ thể con người như thế nào từ giai đoạn xâm nhập, ủ bệnh đến giai đoạn khởi phát và toàn phát là chìa khóa để nâng cao nhận thức và phòng ngừa hiệu quả. Bằng cách tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và kịp thời sau khi bị động vật nghi ngờ dại cắn, chúng ta có thể bảo vệ bản thân và cộng đồng khỏi căn bệnh nguy hiểm này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin