Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh tiểu đường ở người già có những đặc điểm như thế nào?

Ngày 25/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

So với những người trẻ tuổi mắc bệnh tiểu đường, bệnh tiểu đường ở người cao tuổi sẽ có nhiều đặc điểm khác biệt, có thể có nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng liên quan như hạ đường huyết, suy thận và bệnh tim mạch.

Những ảnh hưởng của bệnh tiểu đường đến người già sẽ nặng nề hơn khi kèm theo những yếu tố nguy cơ của quá trình lão hóa, làm cho bệnh khó kiểm soát. Bài viết sau đây sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc những thông tin và lưu ý cần thiết về bệnh tiểu đường ở người già.

Bệnh tiểu đường là gì? Có mấy loại tiểu đường?

Cơ thể chúng ta chuyển hóa thực phẩm thành đường glucose - nguồn cung cấp năng lượng chính cho các hoạt động, chức năng của cơ thể. Insulin được tiết ra từ tế bào tuyến tụy sẽ tiến hành chuyển hóa glucose để tạo ra năng lượng. Vì vậy, insulin được coi như chìa khóa giúp glucose vận chuyển đường vào trong tế bào để sử dụng làm năng lượng.

Bệnh tiểu đường là một tình trạng mãn tính, khi lượng đường trong máu cao do cơ thể không có khả năng sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin hiệu quả như bình thường được. Bệnh tiểu đường được phân loại thành hai nhóm:

  • Bệnh tiểu đường tuýp 1 (tiểu đường phụ thuộc insulin): Cơ thể không tạo ra insulin, bệnh thường được chẩn đoán từ khi còn là trẻ em và thanh niên và tình trạng này sẽ kéo dài suốt đời.
  • Bệnh tiểu đường tuýp 2 (tiểu đường không phụ thuộc insulin): Đây là nhóm bệnh phổ biến hơn, thường được chẩn đoán ở người trung niên và lớn tuổi. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là độ tuổi mắc phải nhóm bệnh này lại ngày càng trẻ lại. Khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 sẽ cao hơn khi bị thừa cân, lười vận động hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường ở người già có những đặc điểm như thế nào? 1
Tiểu đường loại 2 thường gặp ở người từ tuổi trung niên và người già

Đặc điểm bệnh tiểu đường ở người già là gì?

Vì sao người già dễ mắc tiểu đường? 

Người già dễ bị tiểu đường có thể là do những thay đổi về quá trình chuyển hóa glucose, rối loạn nội tiết trong cơ thể và sự kháng insulin tăng dần theo tuổi. Một phần là vì lối sống ít vận động nên dẫn đến béo phì, làm tăng nguy cơ bị tiểu đường.

Ở người già, những triệu chứng điển hình của tiểu đường thường khó nhận biết hơn so với người trẻ, đồng thời dễ bị nhầm lẫn do nhiều thay đổi liên quan đến tuổi tác. Do đó, người già mắc bệnh tiểu đường có thể không được chẩn đoán chính xác hoặc khi phát hiện thì cơ thể đã xuất hiện những tổn thương rõ rệt, làm cho việc điều trị cũng trở nên khó khăn.

Người già cũng có thể mắc các bệnh lý nền khác cùng với bệnh tiểu đường, điều này làm cho tình trạng bệnh càng phức tạp hơn. Một trong những trường hợp thường thấy đó là khi bị huyết áp cao hoặc rối loạn lipid máu có thể tăng khả năng gây biến chứng của bệnh tiểu đường như các vấn đề về bệnh thận đái tháo đường, mạch máu, dây thần kinh. Ngoài ra, người già là đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu, lượng đường huyết cao, dễ bị nhiễm trùng hơn, những vết thương cũng lâu lành hơn. Bên cạnh đó, người già có thể bị suy giảm chức năng nhận thức gây trở ngại cho quá trình thăm khám và chẩn đoán bệnh.

Bệnh tiểu đường ở người già có những đặc điểm như thế nào?  3
Nhiều yếu tố khiến cho chẩn đoán tiểu đường ở người già gặp khó khăn

Bệnh tiểu đường ở người già có thể dẫn đến những biến chứng nào?

Nếu tình trạng đái tháo đường ở người cao tuổi không được kiểm soát, điều này sẽ gây ra tổn thương cho một trong những cơ quan quan trọng đối với cơ thể đó là thận (suy thận). Theo đó, người bệnh còn gặp phải những tổn thương mạch máu nhỏ gây ra những biến chứng liên quan đến thần kinh như đột quỵ, tổn thương võng mạc, giảm thị lực, mù lòa, loét hoặc hoại tử bàn chân.

Có thể thấy, việc điều trị tiểu đường ở người già cơ bản không dễ dàng nên khi bệnh tiến triển, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng thì lại càng vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, những biến chứng của tiểu đường vẫn có thể ngăn ngừa nếu bệnh nhân có thể kiểm soát lượng đường trong máu duy trì ổn định.

Bệnh tiểu đường ở người già có những đặc điểm như thế nào? 4
Biến chứng thần kinh của bệnh tiểu đường ở các mạch máu chi dưới

Điều trị bệnh tiểu đường ở người già

Đối với căn bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi, quá trình điều trị bệnh có thể bắt đầu từ việc điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện. Bên cạnh các biện pháp thay đổi lối sống thì người bệnh cần uống thuốc điều trị tiểu đường hoặc tiêm insulin tùy vào mức độ của bệnh. Đồng thời, người già sẽ có thể kết hợp cùng với các loại thuốc khác để kiểm soát các bệnh lý thường gặp như huyết áp cao, tăng cholesterol.

Một số lưu ý trong khi điều trị bệnh tiểu đường ở người già

Cần lưu ý các vấn đề sau:

  • Kiểm tra chỉ số đường huyết tại nhà với số lần và thời điểm đo theo sự hướng dẫn của bác sĩ để có thể đánh giá hiệu quả điều trị bệnh.
  • Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ tại cơ sở y tế để đảm bảo theo dõi chính xác tương đối diễn tiến bệnh, phòng ngừa kịp thời các biến chứng. 
  • Kiểm tra chức năng thận định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời khi gặp phải những tổn thương trên thận.
  • Nguy cơ tác dụng phụ hoặc tương tác giữa thuốc với thuốc có thể tăng lên khi người già mắc bệnh tiểu đường và sử dụng nhiều loại thuốc điều trị bệnh khác. Vì thế, người bệnh cần được khai thác kỹ càng về thông tin thuốc đang sử dụng để có những đánh giá, lựa chọn thuốc phù hợp.
  • Uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ, không được tự ý thay đổi liều dùng hoặc ngưng thuốc ngay cả khi đã cảm thấy tốt hơn.
  • Hãy thông báo cho bác sĩ khi xuất hiện bất kỳ tác dụng phụ nào nghi ngờ do thuốc hoặc gặp khó khăn trong việc uống thuốc.
  • Người già cũng tiềm ẩn nguy cơ té ngã cao, đặc biệt là khi gặp phải tác dụng phụ hạ đường huyết quá mức khi dùng thuốc điều trị tiểu đường. Vì thế, bệnh nhân và cả người thân xung quanh nên tìm hiểu thêm để biết cách xử trí kịp thời.
Bệnh tiểu đường ở người già có những đặc điểm như thế nào? 5
Người cao tuổi cũng là đối tượng dễ bị hạ đường huyết khi dùng thuốc điều trị

Các biện pháp giúp ngăn ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường ở người già

Để kiểm soát bệnh tiểu đường một cách chặt chẽ hơn thì người chăm sóc cũng như người bệnh cần có các biện pháp ngăn ngừa như:

  • Kiểm tra huyết áp thường xuyên kết hợp với kiểm soát chỉ số cholesterol (xét nghiệm ít nhất mỗi năm một lần), để phòng ngừa các biến chứng tim mạch.
  • Thuốc lá là một trong những tác nhân tăng nguy cơ các vấn đề về tim mạch nên cần từ bỏ sử dụng để tránh những ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Người già thường không có khả năng hấp thu tốt. Vì vậy, người thân nên tìm hiểu người già bị tiểu đường nên ăn gì và kiêng ăn gì để xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, hỗ trợ việc cải thiện tình trạng bệnh tốt hơn.
  • Có chế độ tập luyện thường xuyên, phù hợp và đúng kỹ thuật để cải thiện mức glucose ở người già mắc bệnh tiểu đường.
  • Chăm sóc răng miệng, vệ sinh da, chăm sóc kỹ càng vết thương nhỏ và vết bầm tím để ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng trở nên nặng hơn.
  • Lưu ý đến việc kiểm tra bàn chân thường xuyên, đặc biệt là khi có bất kỳ vết loét, mụn nước, vết chai, hãy đến gặp bác sĩ để được xử lý kịp thời.
  • Phổ biến kiến thức về các yếu tố nguy cơ, các dấu hiệu nhận biết ban đầu về các biến chứng của bệnh nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả.

Tóm lại, việc điều trị bệnh tiểu đường ở người già cũng trở nên khó khăn hơn bởi người già có nguy cơ cao mắc nhiều biến chứng nặng của bệnh tiểu đường. Vì vậy, người chăm sóc phải cần chú ý kĩ càng trong các chế độ ăn uống, sinh hoạt để kiểm soát bệnh không tiến triển nặng nề thêm.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm