Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh xơ phổi sống được bao lâu? Có chữa được không? 

Ngày 19/08/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Xơ phổi là bệnh lý mãn tính và có thể sẽ chuyển biến theo hướng xấu đi theo thời gian. Nhiều bệnh nhân lo lắng không biết bệnh xơ phổi sống được bao lâu. Cùng tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!

Mặc dù không có cách nào giúp mô phổi bị tổn thương do xơ hóa phục hồi lại được chức năng như ban đầu, nhưng việc điều trị xơ hóa phổi sẽ giúp giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Vậy bệnh xơ phổi sống được bao lâu?

Bệnh xơ phổi có chữa được không?

Bệnh xơ phổi sống được bao lâu? Có chữa được không?  1 Xơ phổi có chữa được không? Có gây chết người không?

Xơ phổi là bệnh mãn tính và có thể sẽ chuyển biến theo hướng xấu đi theo thời gian. Chính vì vậy, khi biết mình mắc bệnh xơ phổi, đa số người bệnh đều có chung thắc mắc là bệnh xơ phổi có chết không, có chữa được không và sống được bao lâu khi mắc căn bệnh này.

Xơ phổi không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên việc điều trị sẽ giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng khó chịu, đồng thời làm chậm sự tiến triển của bệnh, từ đó giúp duy trì chất lượng cuộc sống. Người bệnh nếu đáp ứng tốt với điều trị thì triệu chứng bệnh có thể không xuất hiện trong nhiều năm.

Một số phương pháp điều trị xơ phổi hiện nay bao gồm:

Điều trị bằng thuốc

  • Có hai loại thuốc giúp làm chậm quá trình xơ hóa phổi hiệu quả phổ biến hiện nay là NintedanibPirfenidone
  • Cần tuân thủ sử dụng theo đúng quy định của bác sĩ. 
  • Một số tác dụng phụ của thuốc như: Tiêu chảy, buồn nôn hoặc sốt phát ban. 
  • Còn đối với bệnh xơ phổi tự phát không rõ nguyên nhân, thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản được chứng minh có khả năng kiểm soát bệnh khá tốt. Dù vậy, cũng không nên lạm dụng vì có thể gặp phải tác dụng phụ.

Phương pháp trị liệu oxy

Chức năng hô hấp của người bệnh bị ảnh hưởng khi xơ hóa phổi ở mức nghiêm trọng, đây chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị giảm mức oxy trong máu. Đây là tình trạng nguy hiểm, vì nếu càng kéo dài càng gây tổn thương nặng cho nhiều cơ quan, đặc biệt là não bộ. 

Trị liệu oxy là phương pháp giúp khắc phục tình trạng này, bệnh nhân hít thở dễ dàng hơn, các cơ quan khác cũng hoạt động tốt hơn. Mặc dù vậy, trị liệu oxy chỉ có thể cải thiện tạm thời triệu chứng, nó không giúp phục hồi hay ngăn chặn tổn thương. Tùy theo tình trạng xơ phổi của bệnh nhân mà trị liệu oxy có thể cần thực hiện liên tục hoặc không.

Phục hồi chức năng phổi

Áp dụng một số bài tập phục hồi chức năng có thể giúp cơ quan phổi hoạt động tốt hơn, các hoạt động hàng ngày cũng được cải thiện hơn. Các bài tập thường áp dụng bao gồm: 

  • Tập vận động cải thiện khả năng chịu đựng.
  • Dinh dưỡng và hỗ trợ sức khỏe.
  • Kỹ thuật thở tăng cường chức năng.

Ghép phổi

Đây là biện pháp tốt nhất hiện nay nhằm giúp bệnh nhân có cơ hội có cuộc sống bình thường và kéo dài tuổi thọ hơn. Mặc dù vậy, khi đã lựa chọn được nguồn phổi phù hợp, biến chứng do thải ghép hay nhiễm trùng vẫn có thể xảy ra. Do đó, cần có biện pháp phòng ngừa và theo dõi thường xuyên.

Bệnh xơ phổi sống được bao lâu?

Bệnh xơ phổi sống được bao lâu? Có chữa được không? 2 Bệnh xơ phổi sống được bao lâu còn tùy thuộc việc đáp ứng tốt với điều trị không.

Việc chẩn đoán bệnh nhân bị xơ phổi sống được bao lâu là rất khó khăn. Với các bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị và ít triệu chứng thì sống được trong nhiều năm, trong khi đó những người khác khi bệnh xơ phổi trở nặng nhanh chóng hoặc cơ thể suy nhược nghiêm trọng thì cơ hội sống được trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, các biến chứng như tăng áp động mạch phổi, suy tim, viêm phổi… cũng có thể phát triển và làm tình trạng của người bệnh nhanh chóng xấu đi.

Khi chưa có các biện pháp điều trị như dùng thuốc làm chậm sự phát triển của sẹo hóa phổi, thì trong số bệnh nhân mắc bệnh xơ phổi vô căn thì có khoảng 1 nửa người bệnh sống ít nhất 3 năm kể từ khi được chẩn đoán và khoảng 1/5 người sống sót trong hơn 5 năm. Trong tương lai, các bác sĩ hy vọng rằng sẽ có các phương pháp điều trị mới ra đời để có những câu trả lời tích cực hơn cho bệnh nhân về câu hỏi: "Bệnh xơ phổi sống được bao lâu?".

Lối sống lành mạnh cho bệnh nhân xơ phổi

Bệnh xơ phổi sống được bao lâu? Có chữa được không? 3 Xây dựng lối sống lành mạnh khoa học khi phát hiện bệnh xơ phổi

Bất kỳ bạn là ai, phát hiện ra bệnh xơ phổi ở giai đoạn nào thì cũng không nên chủ quan, cần điều trị và kiểm soát bệnh nếu không bệnh sẽ tiến triển nhanh chóng. Nhằm giúp hỗ trợ điều trị, tăng cường chức năng phổi, dưới đây là một số lưu ý dành cho bệnh nhân xơ phổi:

  • Ngừng hút thuốc lá: Cần ngưng hút thuốc lá ngay lập tức để tránh tiếp tục gây tổn thương và xơ hóa phổi.
  • Vận động phù hợp: Vận động thể thao, đặc biệt là các bài tập hít thở có tác dụng rất tốt với hoạt động của phổi. Nếu chức năng phổi của bạn đã suy giảm thì cần hỏi ý kiến bác sĩ về chế độ tập luyện phù hợp với sức khỏe.
  • Tái khám theo dõi bệnh thường xuyên: Tái khám đúng theo lịch hẹn để kiểm tra xơ phổi mức độ nào rồi, có tiến triển không, nguy cơ biến chứng ra sao,… từ đó điều chỉnh phương pháp điều trị và xây dựng lối sống thích hợp.
  • Chế độ ăn phù hợp: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng và chia nhỏ các bữa ăn trong ngày thành nhiều bữa và ăn liên tục hơn.

Lưu ý: 

  • Việc tuân thủ điều trị bệnh rất quan trọng vì nó quyết định người bệnh xơ phổi sống được bao lâu.
  • Theo dõi thường xuyên để biết mức độ bệnh trở nặng là nhanh hay chậm.
  • Cần thực hiện đầy đủ các hướng dẫn dùng thuốc.
  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Bài viết trên đây hy vọng sẽ giúp bạn đọc nắm được những thông tin và có cái nhìn tổng quan về bệnh xơ phổi, đồng thời đã biết câu trả lời cho câu hỏi: "Bệnh xơ phổi sống được bao lâu?" và xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh khi mắc phải bệnh xơ phổi nhé!

Hạ Hạ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm