Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các loại thuốc giảm đau xương khớp hiệu quả

Ngày 31/05/2024
Kích thước chữ

Các bệnh lý về xương khớp là những bệnh phổ biến mà chắc hẳn ai cũng có thể gặp phải. Hiện nay, tỷ lệ mắc các bệnh này đang có xu hướng tăng lên và trẻ hoá độ tuổi. Chính vì thế, nhu cầu tìm hiểu các loại thuốc giảm đau xương khớp hiệu quả ngày càng nhiều hơn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích.

Mặc dù đau nhức xương khớp là tình trạng phổ biến, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người bệnh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thái độ chủ quan với những bệnh lý này, thay vì thăm khám điều trị đúng bệnh thì họ lại chọn tự mua thuốc giảm đau xương khớp tại nhà. Vậy đâu là các loại thuốc giảm đau xương khớp hiệu quả. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!

Bệnh đau nhức xương khớp là gì?

Đau nhức xương khớp là tình trạng đau nhức, cứng khớp, cảm giác sưng, nóng ran ở bất kỳ khớp xương nào của cơ thể. Đây cũng chính là những triệu chứng điển hình của các bệnh lý liên quan đến xương khớp. 

Các vị trí thường xuất hiện tình trạng đau nhức như: Đau cổ vai gáy, đau lưng, viêm khớp tay, khớp chân, khớp gối, ngón chân… Nhóm đối tượng thường hay mắc bệnh này là người cao tuổi, người phải lao động nặng nhọc.

cac-loai-thuoc-giam-dau-xuong-khop-hieu-qua 1.jpg
Có nhiều nhóm thuốc cho tác dụng giảm đau xương khớp hiệu quả

Khi các khớp xương bị viêm, khiến cho các sụn bao phủ ở đầu xương dần bị bào mòn và thoái hoá, dẫn đến chúng không còn phát huy được hết chức năng vốn cho có của nó là giảm chấn động khi các đầu xương chuyển động. 

Người bệnh sẽ cảm thấy đau đớn, khó khăn khi thực hiện các cử động và đặc biệt cơn đau sẽ tăng lên khi vận động. Hơn thế nữa, tình trạng sụn bị phá hủy lâu ngày sẽ dẫn đến viêm màng hoạt dịch và càng làm tăng kích thích các cơn đau xương khớp.

Nguyên nhân dẫn đến đau nhức xương khớp

Có nhiều nguyên nhân khiến các khớp trong cơ thể bị đau nhức, khó chịu. Người ta chia các nguyên nhân này thành hai nhóm như sau:

Nguyên nhân cơ học

Do chấn thương: Những chấn thương xảy ra do tai nạn, té ngã, va chạm… khiến các khớp, phần mô mềm xung quanh, dây chằng… bị tổn thương và dẫn đến những cơn đau mỏi xương khớp.

Vận động quá mức: Việc khiêng vác vật nặng hay hoạt động sai tư thế khiến các khớp bị chịu áp lực lớn. Nếu việc này diễn ra liên tục và kéo dài sẽ dẫn đến những cơn đau nhức xương khớp, khớp vận động không còn linh hoạt và dẻo dai như trước. Hơn thế nữa, quá trình tuần hoàn máu đến những nơi này cũng sẽ bị ảnh hưởng, mất ổn định và là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý về xương khớp khác.

Chế độ sinh hoạt không lành mạnh: Dinh dưỡng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc ổn định hoạt động của hệ cơ xương khớp. Việc ăn uống thiếu dưỡng chất, vitamin, khoáng chất, canxi, omega-3… hay sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích, hút thuốc lá… cũng có thể gây ra tình trạng đau nhức xương khớp.

cac-loai-thuoc-giam-dau-xuong-khop-hieu-qua 2.png
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau xương khớp

Nguyên nhân bệnh lý

Bên cạnh các nguyên nhân cơ học kể trên, đau nhức xương khớp còn có thể xảy ra do một số nguyên nhân sau như: Bệnh gout, bệnh thoái hoá khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp, loãng xương, viêm bao hoạt dịch, lao xương, viêm gân xương bánh chè, lao xương, đau thần kinh tọa…

Hơn thế nữa, hoạt động lão hoá tự nhiên của cơ thể cũng góp phần gây ra tình trạng đau nhức xương khớp. Giai đoạn mà xương có mật độ cao nhất là khoảng từ 25 - 30 tuổi, sau đó khối lượng và mật độ xương sẽ có sự suy giảm theo độ tuổi, sự lão hoá của cơ thể, xương, khớp, sụn.

Ngoài ra, cơn đau cơ xương khớp cũng có thể được hình thành khi có sự thay đổi của thời tiết. Khi trời trở lạnh hay vào những thời điểm giao mùa, là giai đoạn dễ xuất hiện các cơn đau nhức xương khớp. Bởi khi trời lạnh, gân cơ sẽ có sự co rút lại, các khớp trở nên khô cứng và khó cử động hơn rất nhiều. Đặc biệt, thời tiết lạnh còn dễ khiến các đầu mút ở dây thần kinh nhạy cảm hơn và khiến cho người bệnh xương khớp dễ cảm nhận được cơn đau hơn.

Các loại thuốc giảm đau xương khớp hiệu quả

Trên thị trường hiện nay có đa dạng các loại thuốc giảm đau xương khớp, tuỳ vào độ nặng của cơn đau mà sẽ có những loại thuốc khác nhau, phù hợp để hỗ trợ làm giảm tình trạng đau này.

Thuốc giảm đau Paracetamol

Paracetamol là loại thuốc giảm đau không còn quá xa lạ với người dùng, đây được xem là loại thuốc giảm đau không kê đơn phổ biến nhất để điều trị đau xương khớp. Cơ chế của loại thuốc này đó là nó sẽ ức chế Cyclooxygenase, từ đó làm giảm sản xuất Prostaglandin, một chất trung gian gây đau và viêm cho cơ thể. Paracetamol thường được dùng để điều trị các cơn đau từ nhẹ đến trung bình. 

Thuốc giảm đau Paracetamol được chỉ định khá nhiều trong các bệnh đau nhức xương khớp như bong gân, chấn thương hay các bệnh lý xương khớp mạn tính. Tuy nhiên thuốc chỉ có tác dụng đối với tình trạng đau từ nhẹ đến vừa, không hiệu quả nhiều với viêm sưng khớp cơ. 

Thuốc này chống chỉ định với những người bị quá mẫn với thành phần của thuốc, người bị thiếu máu nhiều lần, mắc các bệnh về tim, gan, thận, phổi hoặc người thiếu hụt men Glucose-6-phosphat Dehydrogenase…

cac-loai-thuoc-giam-dau-xuong-khop-hieu-qua 3.jpg
Paracetamol là thuốc giảm đau xương khớp được sử dụng phổ biến

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)

Các thuốc thuộc nhóm NSAID sẽ giảm đau thông qua cơ chế ức chế Cyclooxygenase toàn thân, từ đó sẽ giúp giảm đau và cải thiện triệu chứng đau hiệu quả. So với Paracetamol thì NSAID cho tác dụng giảm đau nhanh và mạnh hơn. Bên cạnh tác dụng giảm đau, NSAID còn có tác dụng kháng viêm, hạ sốt nhẹ, chống kết tập tiểu cầu…

Thuốc nhóm NSAID chống chỉ định cho người quá mẫn với thành phần của thuốc, phụ nữ mang thai 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, phụ nữ cho con bú, người đang bị loét dạ dày tiến triển, người có tiền sử xuất huyết dạ dày, suy gan, suy thận…

Thuốc kháng viêm Corticoid

Nhóm thuốc kháng viêm Corticoid sẽ cho tác động chống viêm, thường điều trị trong các bệnh viêm khớp mạn tính. Cơ chế hoạt động tương tự với hormone Cortisol do tuyến thượng thận sinh ra, có tác dụng ức chế miễn dịch, ngăn chặn phản ứng viêm ở những vị trí xương khớp bị tổn thương, giảm sưng, đau và cải thiện tình trạng đau hiệu quả. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng đã cảnh báo về những tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc kháng viêm Corticoid như: Rối loạn điện giải, phù nề, tăng huyết áp, hội chứng Cushing, teo tuyến thượng thận, mất ngủ, ban đỏ, loét dạ dày tá tràng, rối loạn tim mạch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh loãng xương… 

Nhóm thuốc này sẽ chống chỉ định với người quá mẫn với Corticoid, nhiễm nấm toàn thân, nhiễm lậu cầu chưa kiểm soát, nhiễm lao, phụ nữ mang thai, người bị loãng xương…

cac-loai-thuoc-giam-dau-xuong-khop-hieu-qua 4.jpg
Việc sử dụng liều cao và kéo dài thuốc kháng viêm corticoid có thể dẫn đến hội chứng cushing

Thuốc giảm đau gây nghiện

Đây cũng là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị giảm đau xương khớp, đặc biệt là đau mãn tính. Thuốc giảm đau gây nghiện sẽ ức chế thụ thể opioid ở thần kinh trung ương, từ đó mang lại hiệu quả giảm đau đáng kể. Tuy nhiên, một tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng lâu dài thuốc thuộc nhóm này đó là tình trạng phụ thuộc thuốc và cần có sự tăng liều.

Ngoài ra, người sử dụng thuốc cũng có thể xuất hiện một số triệu chứng khác như: Chóng mặt, đau đầu, mạch nhanh hoặc chậm bất thường, hạ huyết áp, bị tiểu, tiểu tiện ít, táo bón… Ngoài ra, thuốc giảm đau gây nghiện chống chỉ định cho người bị quá mẫn với thành phần của thuốc, trẻ dưới 1 tuổi, người mắc bệnh về gan hoặc có vấn đề về hô hấp…

Những lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc giảm đau xương khớp

Những nguyên tắc quan trọng mà người bệnh nên ghi nhớ khi dùng thuốc giảm đau xương khớp:

  • Người bệnh nên sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý đổi thuốc, tăng giảm liều lượng hay tự ngừng thuốc, uống đúng thời điểm và theo đúng liệu trình.
  • Tham khảo ý kiến từ bác sĩ trước khi dùng thuốc, đặc biệt là các trường hợp có bệnh nền mạn tính như tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao, béo phì...
  • Không dùng kết hợp thuốc với bia rượu, thuốc lá, caffein. Tốt nhất là bạn nên bỏ thói quen sử dụng các sản phẩm này để tránh gặp phải nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.
  • Trong quá trình dùng thuốc nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra, hãy thông báo cho bác sĩ để được xử trí và hỗ trợ kịp thời.

Trên đây là những thông tin về các loại thuốc giảm đau xương khớp hiệu quả. Bệnh lý này có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người bệnh, nếu để lâu dần có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm. Bên cạnh việc sử dụng thuốc giảm đau phù hợp, đúng cách thì việc kết hợp với chế độ dinh dưỡng, luyện tập thể thao khoa học sẽ giúp cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp hiệu quả.

Xem thêm: Nguyên nhân, biến chứng và cách phòng ngừa viêm xương chậu

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin