Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà bạn có thể tham khảo

Ngày 24/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ngộ độc thực phẩm là một trong những bệnh phổ biến mà ai trong chúng ta cũng có thể gặp phải khi ăn uống hàng ngày. Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng những cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà là an toàn và có thể thực hiện được.

Việc trang bị các kiến thức cơ bản về cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà là hết sức cần thiết. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu cụ thể để có thể nhanh chóng giúp đỡ bản thân hoặc ai đó khi không may gặp phải tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thực phẩm hay còn được gọi là trúng thực, xảy ra sau khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc. Quá trình nhiễm độc có thể xảy ra ở nhiều giai đoạn khác nhau như quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển và sử dụng thức ăn. Thực phẩm có thể bị nhiễm độc do nhiều nguyên nhân khác nhau: Nguồn nước, đất và không khí, cũng như trong quá trình bảo quản và chế biến thực phẩm mà không tuân thủ quy định vệ sinh an toàn,...

Cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà bạn nên biết-1
Ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc

Biểu hiệu cần cấp cứu ngay khi bị ngộ độc thực phẩm

Tình trạng ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện trong vài giờ hoặc một vài ngày sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm độc. Các triệu chứng thường không đặc hiệu và có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác. Những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm thường gặp như tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn, đau bụng và sốt nhẹ.

Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra là một dạng ngộ độc thực phẩm đặc biệt nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây liệt và thậm chí dẫn đến tử vong. Độc tố Botulinum thường xuất hiện nhiều trong mật ong, thực phẩm bảo quản không đúng cách (như đóng hộp tại nhà) và các loại thịt hun khói chế biến sẵn. Các triệu chứng điển hình khi bị ngộ độc Botulism cần cấp cứu ngay:

  • Hoa mắt, chóng mặt, mắt nhìn đôi hoặc nhìn mờ; mí mắt sụp, khó nuốt, nói khó khăn và khó thở.
  • Khó khăn trong việc vận động cả hai bên mặt, lan xuống cổ và sau đó lan rộng đến phần còn lại của cơ thể.
  • Nôn ói, đau bụng, tiêu chảy,... là các triệu chứng không đặc hiệu kèm theo khi bị ngộ độc Botulism.
tiêu chảy
Tiêu chảy là một trong những biểu hiện của ngộ độc thực phẩm

Những cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà bạn nên biết

Các cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà chỉ áp dụng đối với trường hợp ngộ độc nhẹ, không thể đến bệnh viện và cần liên lạc với bác sĩ để tham khảo ý kiến. Trong trường hợp ngộ độc thực phẩm nặng, với các biểu hiện đau bụng dữ dội hoặc tiêu chảy nghiêm trọng cần tới ngay cơ sở y tế, bệnh viện để bác sĩ có biện pháp xử trí phù hợp.

Sơ cứu ban đầu

Gây nôn là điều cần làm đầu tiên sau khi xuất hiện ngộ độc, giúp đẩy hết thức ăn độc ra khỏi dạ dày, tránh việc phân tán, hấp thu vào cơ thể. Có thể sử dụng một số cách dân gian để gây nôn như dùng lông gà ngoáy nhẹ vào họng, uống một ly nước muối ấm pha loãng (1 muỗng cà phê muối với khoảng 300ml nước ấm) hoặc uống nước mùn thớt rồi móc họng để kích thích cơ chế gây nôn.

Nếu đối tượng ngộ độc là trẻ em, cần thực hiện nhẹ nhàng, khéo léo để tránh gây xước hoặc tổn thương họng của trẻ. Với trường hợp người bệnh nằm nôn, cần nằm nghiêng người, nằm đầu thấp để tránh việc trào ngược lại khi nôn, gây sặc, ngạt thở. Đặc biệt, khi người ngộ độc đã rơi vào trạng thái lơ mơ cần đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu.

Một số thực phẩm dân gian mà bạn có thể sử dụng để chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà:

  • Gừng và mật ong: Giúp cải thiện tình trạng khó chịu trong bụng, giảm các giác đau đớn tại dạ dày. Người bệnh giã nhuyễn vài lát gừng và trộn chung với 1 thìa mật ong, sau đó ngậm hỗn hợp này trong khoảng 15 đến 20 phút.
  • Tỏi: Tỏi có tính kháng khuẩn, giảm viêm nhiễm, đồng thời là một loại kháng sinh tự nhiên nên sẽ giúp giảm các triệu chứng khó chịu do ngộ độc thực phẩm gây ra. Người bị ngộ độc nên nhai 2 đến 3 tép tỏi tươi để giảm đau bụng và ngăn tình trạng tiêu chảy, mất nước.
  • Chanh: Là một loại quả giàu vitamin C, có vai trò cung cấp năng lượng, làm tăng sức đề kháng tự nhiên của cơ thể. Một ly nước chanh ấm có thể giúp làm dịu dạ dày nhanh chóng cho người đang bị ngộ độc thực phẩm.
  • Húng quế: Chứa các hợp chất có tính kháng khuẩn và kháng viêm, giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và giảm viêm nhiễm trong dạ dày và hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó còn giúp làm dịu dạ dày, giảm đau bụng và cải thiện quá trình tiêu hóa, giảm tình trạng tiêu chảy.
  • Giấm táo: Giấm táo có tính acid, đặc biệt là axit acetic, có khả năng tiêu diệt một số loại vi khuẩn và vi sinh vật gây bệnh. Mặc dù giấm táo có vị acid, nhưng sau khi tiêu thụ, nó có tác động kiềm trong dạ dày. Giấm táo có thể giúp tái cân bằng lại môi trường acid trong dạ dày, giúp giảm triệu chứng khó chịu, buồn nôn và đau bụng.
cach-chua-ngo-doc-thuc-pham4.jpg
Cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà bằng các phương pháp dân gian

Cho người bệnh nghỉ ngơi và bổ sung thêm nước

Trong trường hợp người bị ngộ độc thực phẩm, nôn nhiều và tiêu chảy, có thể dẫn đến tình trạng mất nước. Do đó, người bệnh cần được nghỉ ngơi và uống nhiều nước hơn để bổ sung cho cơ thể. Trường hợp trẻ em bị ngộ độc, đau bụng, tiêu chảy và nôn, cần cho trẻ bù nước và điện giải để bổ sung lại lượng muối và nước đã mất. Lưu ý cho trẻ uống nước từng ngụm nhỏ và chia làm nhiều lần uống.

Uống Oresol

Khi sử dụng dung dịch Oresol để bù nước cho người bệnh, cần đọc kỹ hướng dẫn, pha nước theo đúng liều lượng chỉ định, không sử dụng dung dịch đã pha quá 24 tiếng, không đun sôi dung dịch. Trong trường hợp ngộ độc tập thể xảy ra, cần phải chia dung dịch Oresol riêng cho từng người để tránh nguy cơ lây nhiễm.

Đặt người bệnh nằm ngửa và đầu thấp

Nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc di chuyển, cảm thấy mệt, khó thở, người hỗ trợ có thể kéo lưỡi của người bệnh ra ngoài để giúp người bệnh dễ thở hơn.

Theo dõi nhịp tim

Trong trường hợp ngộ độc thực phẩm diễn tiến nặng hơn, người bệnh có thể gặp thêm các biểu hiện như loạn nhịp tim, khó thở hoặc tụt huyết áp.

Đưa đến cơ sở y tế

Sau khi tiến hành các biện pháp sơ cứu như gây nôn, bù nước,... mà tình trạng vẫn không thuyên giảm cần phải đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và tiếp tục cấp cứu nếu cần thiết. Dựa vào kết quả đánh giá lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm và thủ tục cụ thể để xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và điều trị phù hợp.

cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà 4
Cần đưa đến gặp bác sĩ nếu tình trạng ngộ độc không thuyên giảm

Một số lưu ý sau khi bị ngộ độc thực phẩm

Sau khi tình trạng ngộ độc thực phẩm thuyên giảm, hệ tiêu hóa của người bệnh vẫn còn chưa ổn định, vì thế nên cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Hạn chế sử dụng các sản phẩm từ sữa, rau sống, caffeine, rượu, nicotin, thức ăn có nhiều chất béo hoặc cay trong vài ngày.
  • Nếu cảm giác buồn nôn tái phát, có thể tạm thời ngưng việc ăn uống hoặc chia nhỏ khẩu phần ăn ra làm nhiều lần. Có thể bắt đầu lại việc ăn uống với những thực phẩm nhạt như bánh mì, cơm, thịt gà, chuối...
  • Tránh sử dụng thuốc cầm tiêu chảy, vì chúng có thể làm chậm quá trình loại bỏ vi khuẩn khỏi dạ dày, ruột.

Trong mọi trường hợp, các cách chữa ngộ độc thực phẩm tại nhà chỉ phù hợp với tình trạng ngộ độc nhẹ. Nếu triệu chứng không thuyên giảm hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị trực tiếp.

Xem thêm: Ngộ độc thực phẩm nên ăn gì? Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm hiệu quả

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm