Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách điều trị viêm phổi thùy là gì? Chăm sóc sau điều trị bệnh

Ngày 03/12/2024
Kích thước chữ

Tuỳ thuộc vào loại vi khuẩn gây bệnh, mức độ tổn thương của phổi cũng như giai đoạn của bệnh mà cách điều trị viêm phổi thuỳ sẽ khác nhau. Trong hầu hết các trường hợp viêm phổi thuỳ, bác sĩ thường chỉ định sử dụng thuốc nhằm kiểm soát tốt tình trạng viêm nhiễm.

Viêm phổi thuỳ là một dạng nhiễm trùng phổi có ảnh hưởng chủ yếu đến một hoặc nhiều thuỳ của phổi. Đây là một trong những bệnh lý phổ biến liên quan đến đường hô hấp, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc mắc các bệnh nền. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc những thông tin hữu ích về bệnh viêm phổi thuỳ và cách điều trị viêm phổi thuỳ như thế nào.

Nguyên nhân gây viêm phổi thuỳ

Viêm phổi thuỳ là một dạng viêm phổi chủ yếu do nhiễm khuẩn gây ra. Tuy nhiên, viêm phổi thuỳ cũng có thể do virus hoặc các tác nhân khác gây ra. Những tác nhân gây bệnh phổ biến bao gồm:

  • Vi khuẩn: Streptococcus pneumoniae (pneumococcus), Haemophilus influenzae, liên cầu khuẩn và tụ cầu khuẩn… là những vi khuẩn thường gặp gây viêm phổi thuỳ. Những vi khuẩn này có thể xâm nhập vào phổi qua đường hô hấp, gây ra tình trạng viêm và nhiễm trùng.
  • Virus: Các virus như virus cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV), ho gà, sởi hoặc coronavirus cũng có thể dẫn đến bệnh viêm phổi thuỳ nhưng ít phổ biến hơn so với vi khuẩn.
  • Nấm: Một số bệnh lý viêm phổi thuỳ có thể do nhiễm nấm, đặc biệt là ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi thuỳ như:

  • Chất kích thích và dị nguyên: Môi trường sống ô nhiễm, khói thuốc lá hoặc các tác nhân hóa học.
  • Sự chuyển giao thời tiết giữa các mùa trong năm.
  • Chế độ dinh dưỡng kém, suy nhược cơ thể hoặc hệ miễn dịch suy yếu (trẻ nhỏ và người cao tuổi).
  • Nằm viện lâu ngày khiến hệ miễn dịch suy giảm.
  • Mắc phải các bệnh lý mãn tính như viêm phổi, COPD…
Cách điều trị viêm phổi thùy và chăm sóc sau điều trị viêm phổi thuỳ 1
Vi khuẩn là nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm phổi thuỳ

Triệu chứng của bệnh viêm phổi thuỳ

Các triệu chứng của viêm phổi thuỳ có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và nguyên nhân gây bệnh. Một số triệu chứng thường gặp của viêm phổi thuỳ bao gồm:

  • Ho: Ho là triệu chứng đầu tiên của viêm phổi thuỳ, thường kèm theo đờm có thể có màu xanh, vàng hoặc có lẫn máu.
  • Sốt cao: Sốt là phản ứng của cơ thể khi bị nhiễm trùng. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, rét run và ra nhiều mồ hôi.
  • Khó thở: Viêm phổi thuỳ có thể làm cho phổi bị tổn thương, gây khó thở hoặc thở nhanh, đặc biệt là khi hoạt động thể chất.
  • Đau ngực: Đau ngực là một triệu chứng phổ biến khác, do sự viêm nhiễm ảnh hưởng đến các mô phổi.
  • Mệt mỏi, mất cảm giác thèm ăn: Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, mất sức và không muốn ăn uống.
Cách điều trị viêm phổi thùy và chăm sóc sau điều trị viêm phổi thuỳ 2
Ho là triệu chứng điển hình của bệnh viêm phổi thuỳ

Chẩn đoán bệnh viêm phổi thuỳ như thế nào?

Để chẩn đoán chính xác viêm phổi thuỳ, bác sĩ thường áp dụng một số phương pháp sau đây:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, các triệu chứng của bệnh nhân và tiến hành kiểm tra sức khỏe, bao gồm nghe phổi để phát hiện dấu hiệu bất thường.
  • Chụp X-quang phổi: Đây là phương pháp quan trọng giúp xác định sự hiện diện của viêm nhiễm trong phổi. X-quang có thể chỉ ra những tổn thương tại thuỳ phổi và mức độ lan rộng của viêm.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể giúp xác định mức độ nhiễm trùng và các dấu hiệu viêm trong cơ thể.
  • CT Scan (Chụp cắt lớp vi tính): Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT để xem xét chi tiết các tổn thương trong phổi.

Cách điều trị viêm phổi thuỳ

Cách điều trị viêm phổi thuỳ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, giai đoạn bệnh cũng như mức độ tổn thương phổi. Nguyên tắc điều trị bệnh viêm phổi thuỳ cần được theo dõi bằng CT/X-quang ngực trung bình sau 11,5 tuần điều trị nhằm theo dõi, kiểm soát cũng như chẩn đoán sớm các bệnh lý phổi lành tính hoặc ác tính. Dưới đây là cách điều trị viêm phổi thuỳ chi tiết, cụ thể như sau:

Cách điều trị viêm phổi thuỳ giai đoạn đầu

Nếu bệnh viêm phổi thuỳ được phát hiện ở giai đoạn sớm và người bệnh không mắc phải bệnh lý nền hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, bác sĩ thường sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh phổ rộng cho người bệnh. Thuốc kháng sinh phổ rộng có tác dụng đối với nhiều chủng vi khuẩn khác nhau mà không cần phải làm xét nghiệm để xác định chính xác loại vi khuẩn gây bệnh cụ thể.

Các loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng, bao gồm:

  • Azithromycin;
  • Clarithromycin;
  • Levofloxacin;
  • Moxifloxacin;
  • Gemifloxacin.
Cách điều trị viêm phổi thùy và chăm sóc sau điều trị viêm phổi thuỳ 3
Kết hợp nhiều loại thuốc kháng sinh là một cách điều trị viêm phổi thuỳ do vi khuẩn

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thực hiện một số phương pháp điều trị khác cho người bệnh như:

  • Bổ sung dịch từ bên ngoài nhằm mục đích làm loãng chất nhầy và dịch tiết.
  • Nghỉ ngơi.
  • Uống thuốc hạ sốt.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm.

Bệnh nhân cũng cần trao đổi kỹ với bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng thuốc ho và thuốc cảm lạnh không kê toa để điều trị bệnh viêm phổi thùy. Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng khô da và thậm chí là khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Cách điều trị viêm phổi thuỳ nặng hoặc phức tạp

Khi bệnh viêm phổi thuỳ chuyển sang giai đoạn phổi hóa đỏ hoặc xám, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc truyền dịch thông qua đường tĩnh mạch hoặc phải sử dụng máy thở để cung cấp oxy.

Ngoài ra, ở những bệnh nhân viêm phổi thuỳ nặng phải được chỉ định điều trị bằng cách kết hợp nhiều loại thuốc kháng sinh cùng lúc, chẳng hạn như cephalosporin, beta-lactam, fluoroquinolone, macrolid…

Bệnh viêm phổi thuỳ do virus gây ra có thể cần phải sử dụng thuốc kháng virus, thông thường là thuốc oseltamivir. Ở những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân cũng có thể cần phải can thiệp dẫn lưu dịch trực tiếp bằng ống thông lồng ngực từ phổi. Nếu bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi thì có thể phải sử dụng ống dẫn lưu ngực.

Đối với những bệnh nhân đang mắc phải các bệnh nền về phổi, gan, thận hay ung thư, cần được theo dõi một cách sát sao nhằm kiểm soát kịp thời các biến chứng có thể xảy ra. Mặt khác, nhóm bệnh nhân này có nguy cơ cao bị suy đa cơ quan, nhiễm trùng huyết và tử vong nếu không can thiệp kịp.

Chăm sóc sau điều trị bệnh viêm phổi thuỳ

Người bệnh cần phải áp dụng các biện pháp chăm sóc sau điều trị viêm phổi thuỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh hơn, cụ thể như sau:

  • Nghỉ ngơi nhiều hơn: Sau điều trị viêm phổi thùy, người bệnh nên dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi, không nên vội vàng quay trở lại học tập hay làm việc cho đến khi bệnh đã khỏi hoàn toàn để tránh tái phát bệnh.
  • Uống nhiều nước: Người bệnh cần uống nhiều nước ấm sau điều trị viêm phổi thuỳ để hỗ trợ làm giảm chất dịch nhầy trong phổi.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định: Người bệnh cần sử dụng đầy đủ và đúng liều lượng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu ngừng sử dụng thuốc quá sớm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn trong phổi phát triển và làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.
Cách điều trị viêm phổi thùy và chăm sóc sau điều trị viêm phổi thuỳ 4
Người bệnh cần uống nhiều nước ấm sau điều trị viêm phổi thuỳ

Viêm phổi thuỳ là một bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể được điều trị hiệu quả nếu phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh viêm phổi thuỳ và cách điều trị viêm phổi thuỳ cho từng trường hợp bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin