Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tâm lý - Tâm thần

Cảm xúc tích cực​ là gì? Cách nuôi dưỡng cảm xúc tích cực​

Thanh Hương

15/03/2025
Kích thước chữ

Cảm xúc tích cực đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bài viết này sẽ làm rõ những lợi ích của cảm xúc tích cực và hướng dẫn cách để bạn nuôi dưỡng loại cảm xúc đặc biệt này.

Cảm xúc tích cực không chỉ đơn thuần là mang lại niềm vui trong cuộc sống mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe thể chất và tinh thần của mỗi người. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những người duy trì trạng thái tích cực có xu hướng sống thọ hơn và ít mắc bệnh mãn tính. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, nhiều người gặp khó khăn trong việc duy trì cảm xúc tích cực​. Nếu bạn cũng là một trong số đó, đây chính là bài viết dành cho bạn!

Cảm xúc tích cực​ là gì? Lợi ích của cảm xúc tích cực

Cảm xúc tích cực là trạng thái tâm lý mang lại sự lạc quan, vui vẻ và hài lòng. Các loại cảm xúc tích cực phổ biến bao gồm hạnh phúc, biết ơn, yêu thương và hy vọng. Những trạng thái này không chỉ cải thiện tâm trạng mà còn mang lại lợi ích sức khỏe rõ ràng.

Cảm xúc tích cực cải thiện sức khỏe tinh thần

Nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) cho thấy, những người duy trì suy nghĩ tích cực có mức cortisol thấp hơn 23%, giúp kiểm soát căng thẳng tốt hơn. Những hoạt động tạo ra cảm xúc tích cực (cười, tập thể dục, giao tiếp xã hội) kích thích sản sinh serotonin, dopamine và oxytocin – các “hormone hạnh phúc” giúp giảm lo âu và trầm cảm. Ngoài ra, cảm xúc tích cực giúp não bộ tái cấu trúc, điều chỉnh phản ứng với stress. Khi thường xuyên trải nghiệm niềm vui, bộ não hình thành các kết nối thần kinh mới, giúp xử lý căng thẳng hiệu quả hơn.

Cảm xúc tích cực​ là gì? Cách nuôi dưỡng cảm xúc tích cực​ 1
Cảm xúc tích cực cần thiết với bất cứ ai trong chúng ta

Cảm xúc tích cực giúp tăng cường hệ miễn dịch

Cortisol nếu duy trì ở mức cao trong thời gian dài sẽ ức chế hoạt động của bạch cầu (tế bào bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn, virus). Những người có tinh thần lạc quan sản sinh ít cortisol hơn, giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Khi có tâm trạng tích cực, cơ thể sản sinh nhiều hơn các tế bào T-lymphocytes và NK (Natural Killer cells) - hai loại tế bào quan trọng giúp tiêu diệt virus và tế bào ung thư. Cảm xúc tích cực làm tăng nồng độ Immunoglobulin A (IgA) - một loại kháng thể quan trọng bảo vệ đường hô hấp và tiêu hóa.

Cảm xúc tích cực giúp cải thiện mối quan hệ xã hội

Cảm xúc tích cực giúp con người trở nên thân thiện, cởi mở và dễ gần hơn. Từ đó nó giúp cải thiện các mối quan hệ xã hội. Khi vui vẻ, chúng ta giao tiếp tự nhiên, dễ dàng bày tỏ sự quan tâm và đồng cảm với người khác. Điều này tạo nên sự kết nối bền chặt. Các mối quan hệ trở nên sâu sắc và ý nghĩa hơn. Người tích cực cũng truyền năng lượng tốt đến xung quanh, khiến họ được yêu mến và tôn trọng hơn. Nhờ vậy, họ dễ dàng xây dựng tình bạn, duy trì quan hệ gia đình hạnh phúc.

Phân biệt cảm xúc tích cực thật sự và sự lạc quan giả tạo?

Cảm xúc tích cực​ là gì đến đây bạn đã biết. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phân biệt giữa cảm xúc tích cực thật sự và sự lạc quan giả tạo. Cảm xúc tích cực thật sự là trạng thái tự nhiên, xuất phát từ nội tại. Nó phản ánh sự hài lòng, vui vẻ hoặc biết ơn dựa trên thực tế. Ví dụ, cảm giác hạnh phúc khi hoàn thành công việc là tích cực thật sự. Ngược lại, lạc quan giả tạo là sự che đậy hoặc tự đánh lừa bản thân. Nó thường xuất hiện khi con người phủ nhận khó khăn thay vì đối diện.

Cảm xúc tích cực​ là gì? Cách nuôi dưỡng cảm xúc tích cực​ 2
Cảm xúc tích cực khác lạc quan giả tạo

Thái độ tích cực thật sự mang lại lợi ích bền vững cho sức khỏe. Trạng thái này không gây áp lực duy trì mà tự nhiên lan tỏa. Lạc quan giả tạo lại dễ nhận biết qua sự bất ổn định. Người trải qua nó thường né tránh vấn đề, dẫn đến căng thẳng tích tụ. Chẳng hạn, người lạc quan giả tạo sẽ tự nhủ “mọi thứ đều ổn” khi sự thực hoàn toàn ngược lại.

Cảm xúc thật sự đi kèm với sự thoải mái và năng lượng tích cực. Lạc quan giả tạo thường kèm theo lo lắng tiềm ẩn hoặc mâu thuẫn nội tâm. Hiểu được sự khác biệt này không chỉ giúp chúng ta cải thiện sức khỏe tinh thần mà còn có ý nghĩa trong định hướng hành vi.

Cách rèn luyện cảm xúc tích cực hiệu quả

Rèn luyện cảm xúc tích cực là cả một quá trình đòi hỏi sự kiên trì, nhất quán. Dưới đây là một số cách bạn có thể áp dụng để duy trì cảm xúc này:

Rèn luyện tư duy lạc quan

Thay vì chỉ nhìn vào khó khăn, bạn hãy học cách tập trung vào khía cạnh tích cực của vấn đề. Ví dụ, khi gặp thất bại trong công việc, thay vì chán nản, bạn hãy xem đó là cơ hội học hỏi và cải thiện bản thân. Một nghiên cứu cho thấy những người sống lạc quan có khả năng vượt qua khó khăn nhanh hơn và ít bị stress hơn.

Cảm xúc tích cực​ là gì? Cách nuôi dưỡng cảm xúc tích cực​ 3
Không thể phủ nhận lợi ích toàn diện của cảm xúc tích cực

Tập trung vào hiện tại

Nhiều người lo lắng về tương lai hoặc nuối tiếc quá khứ, khiến họ căng thẳng và mất đi niềm vui hiện tại. Thực hành thiền, chánh niệm bằng cách tập trung vào những gì đang diễn ra có thể giúp bạn bình tĩnh và hạnh phúc hơn. Ví dụ, khi ăn uống, thay vì vừa ăn vừa lướt điện thoại, hãy cảm nhận hương vị của từng món ăn.

Duy trì lối sống lành mạnh

Tập thể dục thường xuyên giúp sản sinh endorphin - hormone hạnh phúc, giúp giảm căng thẳng và tăng cường năng lượng tích cực. Ví dụ, chỉ cần 30 phút đi bộ mỗi ngày có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng đáng kể. Ngoài ra, ngủ đủ giấc và ăn uống khoa học cũng giúp cơ thể duy trì sự cân bằng, từ đó cải thiện cảm xúc.

Giao tiếp với người tích cực

Nếu thường xuyên tiếp xúc với những người lạc quan, bạn sẽ dễ dàng hấp thụ năng lượng tích cực từ họ. Ngược lại, nếu ở cạnh những người luôn phàn nàn, bạn sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ tiêu cực.

Biết ơn và trân trọng cuộc sống

Thực hành lòng biết ơn giúp bạn nhận ra giá trị của những điều nhỏ bé và cảm thấy hạnh phúc hơn. Mỗi tối, hãy viết ra ba điều bạn cảm thấy biết ơn trong ngày. Dù đó chỉ là một bữa cơm ngon hay một nụ cười từ người lạ.

Cảm xúc tích cực​ là gì? Cách nuôi dưỡng cảm xúc tích cực​ 4
Cần rèn luyện cảm xúc tích cực mỗi ngày

Tập cười nhiều hơn

Nụ cười không chỉ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc mà còn có tác động tích cực đến người xung quanh. Khi bạn cười, cơ thể sẽ tiết ra dopamine - một hormone giúp tăng cường cảm giác vui vẻ. Ví dụ, khi cảm thấy căng thẳng, hãy thử xem một bộ phim hài hoặc đọc truyện cười, bạn sẽ thấy tâm trạng cải thiện ngay lập tức.

Cảm xúc tích cực không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống. Tuy nhiên, cảm xúc tích cực không tự nhiên xuất hiện mà cần được rèn luyện mỗi ngày. Mỗi phương pháp rèn luyện cảm xúc tích cực trên đây đều mang lại lợi ích cụ thể nếu thực hiện đúng. Bắt đầu thực hành ngay hôm nay để hướng tới một cuộc sống hạnh phúc hơn bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin