Long Châu

Căng cơ chân: Nguyên nhân và triệu chứng

Ngày 26/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Những người thường xuyên tập luyện thể thao hay vận động mạnh chắc không còn xa lạ gì với căng cơ chân. Đây là hiện tượng cơ bắp ở chân bị kéo căng quá mức do cường độ vận động liên tục gây nên.

Bị căng cơ chân có thể coi là một dạng chấn thương khá phổ biến và có thể gây ra những cơn đau từ nhẹ đến nặng cho người bị. Mức độ tổn thương của cơ là yếu tố quyết định căng cơ bắp chân có gây ra nhiều đau đớn, khó chịu hay không.

Căng cơ chân từ đâu mà ra?

Căng cơ bắp chân có thể được gây nên từ việc hoạt động, lao động quá sức, dồn dập liên tục khiến cơ bắp ở chân không được nghỉ ngơi mà liên tục kéo căng, khiến người bị phải chịu những cơn đau nhiều cấp độ. Chấn thương này của cơ bắp khiến cho các sợi cơ dần trở nên yếu hơn do thời gian kéo căng quá lâu, có thể dẫn đến đứt cơ, chảy máu trong khá nguy hiểm.

Căng cơ chân nguyên nhân và triệu chứng 1

Căng cơ chân là hiện tượng thường gặp ở người chơi thể thao

Tình trạng bị căng cơ chân có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào nhưng thường xuyên nhất phải kể đến những người chơi các môn thể thao sử dụng chân nhiều như bóng đá, điền kinh, bóng rổ,… hay những người có các chuyển động nhanh và dừng đột ngột khiến cơ không kịp thích ứng dẫn đến đau nhức.

Ngoài ra, nguyên nhân dẫn đến căng cơ bắp chân phải kể đến như:

  • Do tuổi tác: Theo những nghiên cứu mới nhất thì những người trên 40 tuổi có nguy cơ bị căng cơ chân cao hơn người trẻ tuổi. Điều này cũng khá dễ hiểu khi lớn tuổi, các cơ đặc biệt là cơ chân sẽ bị yếu đi, dẫn đến thường xuyên bị căng cơ.
  • Do giới tính: Nghe thì thấy lạ nhưng thực chất, một số nghiên cứu khoa học đã chứng minh nam giới dễ bị chấn thương vùng chân, bắp chân, cơ chân hơn so với nữ giới.
  • Tùy cơ địa mỗi người: Những người bẩm sinh có phần cơ bắp chân ngắn hơn bình thường cũng sẽ dễ bị căng cơ hơn.
  • Khởi động không kỹ trước khi tập: Điều này không những gây ra căng cơ phần bắp chân mà còn khiến vận động viên, những người tập thể thao gặp các chấn thương khác, chuột rút là một ví dụ.
  • Mang giày dép quá chật: Khiến máu không lưu thông tốt gây, nhất là khi luyện tập.
  • Công việc đặc thù: Phải mang giày cao gót thường xuyên.

Triệu chứng phổ biến khi bị căng cơ chân

Bạn có thể nhận biết và phân biệt căng cơ chân với hiện tượng khác dựa vào các dấu hiệu như:

  • Cảm thấy khó khăn khi căng cơ chân hoặc không kiễng chân lên được;
  • Đau đớn khi gập phần cổ chân lại;
  • Co khớp gối một cách khó khăn hoặc không co được;
  • Cảm nhận cơn đau nhói hoặc nhức phần bắp chân một cách đột ngột;
  • Bắp chân xuất hiện những vết bầm tím bất thường hoặc có thể bị sưng tấy, chạm vào gây đau;
  • Những cơn đau bất chợt ở phần bắp chân, sau cẳng chân;

Căng cơ chân nguyên nhân và triệu chứng 2

Căng cơ bắp chân gây ra cảm giác đau đớn cho người bị

Đa số những người bị tình trạng này đều không thể tiếp tục các hoạt động đang làm do những cơn đau nhức nơi bắp chân khá khó chịu. Căng cơ chân nặng có thể khiến các sợi cơ bị đứt dẫn đến xuất huyết bên trong, nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời sẽ để lại sẹo trên các mô cơ, giảm sức mạnh cơ bắp và khiến các cơ không còn linh hoạt như trước nữa. Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy một trong những dấu hiệu sau:

  • Căng cơ chân kèm theo chấn thương về cơ khác;
  • Khó khăn khi đi lại và thậm chí không đứng thẳng được;
  • Bắp chân đau dữ dội và không có dấu hiệu thuyên giảm;
  • Sưng các bộ phận như mắt cá chân, bắp chân, bàn chân,…

Khi bị căng cơ chân nên làm gì?

Muốn điều trị căng cơ bắp chân hiệu quả cần chẩn đoán chính xác tình trạng cơ chân, nặng hay nhẹ, có bị rách cơ hay không. Sau khi xác định được, bạn có thể tham khảo 2 phương án điều trị sau đây:

Tự điều trị căng cơ bắp chân tại nhà

Nếu tình trạng căng cơ chân không quá nặng và mới ở giai đoạn đầu thì bạn có thể thực hiện các cách này để giảm đau nhanh, hỗ trợ điều trị căng có bắp chân:

  • Nghỉ ngơi nhiều: Bạn nên tạm ngưng những việc đang làm hoặc bất cứ hoạt động nào để tránh khiến cho các cơ tổn thương hơn nữa.
  • Chườm lạnh: Sử dụng một túi chườm đá hoặc khăn bông nhúng vào nước đá chườm lên chỗ đau giúp dịu cơn đau tạm thời. Bạn không nên để đá lạnh trực tiếp lên da và nên chườm 20 phút, cách nhau 2 giờ.
  • Băng bó vết thương: Việc này giúp hạn chế sưng tấy và không làm tích tụ chất lỏng tại mô cơ.
  • Nâng cao chân lên: Bạn có thể dùng gối, chăn hay bất cứ vật gì để kê chân lên cao hơn, duỗi thẳng chân ra, hạn chế tình trạng trở nặng.

Căng cơ chân nguyên nhân và triệu chứng 3

Chườm lạnh giúp giảm đau đớn khi bị căng cơ ở chân

Một số điều bạn nên tuyệt đối tránh khi điều trị căng cơ bắp chân tại nhà, gồm có:

  • Chườm nóng bắp chân hoặc chỗ bị thương;
  • Uống bia, rượu, đồ uống có cồn,…
  • Xoa bóp, massage bắp chân khiến các cơ bị tổn thương nặng hơn;
  • Đi lại hoặc làm việc khiến tình trạng thêm tệ hơn.

Ngoài ra, nếu quá đau đớn, bạn có thể tham khảo ý kiến từ bác sĩ và dùng thuốc giảm đau, lưu ý không nên quá lạm dụng dẫn đến tác dụng phụ lên sức khỏe.

Thực hiện phẫu thuật để trị căng cơ chân

Trong những trường hợp mà căng cơ chân trở nặng như đứt cơ hay gây ra những biến chứng nguy hiểm thì không thể tự điều trị tại nhà bằng phương pháp ngoài da mà cần đến bệnh viện để được thăm khám và bác sĩ sẽ là người chỉ định phẫu thuật chữa căng cơ chân nhằm nối các sợi cơ quan trọng lại với nhau.

Quá trình phẫu thuật diễn ra khá nhanh, bác sĩ sẽ gây mê cho bệnh nhân và tiến hành rạch 1 đường ở bắp chân và bắt đầu khâu nối cơ. Sau khi phẫu thuật thì phần chân phải được băng bó trong vòng vài tuần đến khi vết mổ lành hẳn và các sợi cơ đã nối lại chắc chắn.

Trong khoảng thời gian này, người bệnh có thể di chuyển nhẹ nhàng, chậm rãi bằng nạng hoặc xe lăn, tránh tối đa tác động vật lý đến phần chân vừa phẫu thuật. Đến khi tháo bột, bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ lại và tùy vào tình hình mà đưa ra lời khuyên cho bạn về thời gian vận động lại bình thường cũng như chế độ ăn uống và chăm sóc.

Căng cơ chân mặc dù gây ra đau đớn và khó khăn khi di chuyển nhưng đây không phải tình trạng hiếm gặp hay bệnh lý nguy hiểm nên bạn không cần quá lo lắng. Việc của bạn bây giờ là giữ phần chân này khỏi các vận động, tác động xung quanh và đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy dấu hiệu của đứt cơ chân nhé.

Hồng Nhung 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm