Căng thẳng tác động vật lý lên cơ thể của chúng ta như thế nào?
Ngày 28/04/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Căng thẳng có thể tác động vật lý lên cơ thể của chúng ta, bao gồm cảm xúc, hành vi, kỹ năng tư duy và sức khỏe thể chất. Mặc dù, hầu hết chúng ta đều quen với việc bị căng thẳng đến mức chúng ta thường chỉ nhận ra mình đang bị căng thẳng cho đến khi đạt đến điểm giới hạn. Các tác động của nó có thể mơ hồ và tương tự như các triệu chứng do bệnh lý gây ra. Thông tin cụ thể ra sao, mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây.
Căng thẳng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và hiện diện ở khắp mọi nơi, từ công việc, gia đình đến các mối quan hệ xã hội. Mặc dù căng thẳng cũng có mặt tích cực, nó có thể giúp cơ thể đương đầu với thử thách, nhưng căng thẳng quá nhiều hoặc kéo dài có thể tác động vật lý đến cơ thể, khiến tinh thần và thể chất của chúng ta kiệt quệ. Bước đầu tiên để kiểm soát căng thẳng là nhận biết các triệu chứng của căng thẳng, nhưng điều này thường khó hơn chúng ta nghĩ. Vậy căng thẳng là gì?
Thế nào là căng thẳng?
Căng thẳng là phản ứng của cơ thể trước những tình huống khó khăn trong thực tế hay nhận thức được. Khi chúng ta cảm nhận được nguy hiểm, các phản ứng hóa học xảy ra trong cơ thể sẽ thực hiện các bước để ngăn ngừa thương tích. Phản ứng này được gọi là phản ứng căng thẳng. Trong phản ứng căng thẳng, nhịp tim sẽ tăng lên, nhịp thở nhanh hơn, cơ bắp co lại và bị tăng huyết áp, cơ thể sẵn sàng hành động để tự bảo vệ mình.
Căng thẳng ở mỗi cá nhân sẽ khác nhau. Một vấn đề lớn có thể là căng thẳng với người này nhưng lại chỉ là vấn đề nhỏ đối với người khác. Một số người xử lý căng thẳng tốt hơn những người khác, nhưng không phải tất cả căng thẳng đều xấu. Một chút căng thẳng có thể giúp bạn hoàn thành nhiệm vụ và ngăn ngừa rủi ro. Cơ thể chúng ta được thiết kế để xử lý căng thẳng nhẹ. Tuy nhiên, chúng ta không được trang bị để xử lý căng thẳng mãn tính, lâu dài mà không gây ra hậu quả tiêu cực.
Nguyên nhân gây nên căng thẳng
Nguyên nhân có thể gây căng thẳng bao gồm:
Tại nơi làm việc: Thay đổi công việc, sa thải, không thể tìm được việc làm, vội vã hoàn thành công việc và sự khác biệt về văn hóa trong môi trường mới có thể gây ra sự sợ hãi, bối rối và căng thẳng.
Trong cuộc sống: Các điều kiện môi trường như thời tiết thay đổi thất thường, không khí ô nhiễm, ùn tắc giao thông, điều kiện sống không lành mạnh khiến cơ thể căng thẳng, mệt mỏi, khó chịu. Ngoài ra, những cột mốc cảm xúc trong cuộc đời, chẳng hạn như kết hôn, ly thân, ly hôn, sinh con và cái chết của người thân, có thể gây ra phản ứng căng thẳng.
Do chính bản thân: Những thay đổi trong cơ thể do bệnh tật, dậy thì, mãn kinh và lão hóa có thể gây ra căng thẳng. Những người có bản chất cầu toàn hoặc sống trong môi trường khắc nghiệt dễ bị căng thẳng hơn hầu hết mọi người.
Ngoài ra, căng thẳng có thể tác động vật lý đến trạng thái tinh thần không ổn định khiến họ có cái nhìn tiêu cực về một số vấn đề và phải chuẩn bị kỹ càng cho mọi việc. Mất niềm tin vào cuộc sống dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi.
Tác động vật lý của căng thẳng lên cơ thể của chúng ta
Sau đây là một số tác động vật lý của căng thẳng lên cơ thể của chúng ta:
Hệ thống tiêu hóa
Căng thẳng làm gián đoạn sự giao tiếp giữa não và ruột, khiến bạn dễ bị đau, đầy hơi và các cảm giác khó chịu khác ở đường ruột. Khi căng thẳng, bạn có thể ăn nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường điều này có thể dẫn đến chứng ợ nóng và trào ngược axit. Căng thẳng và mệt mỏi cũng có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của cơn đau ợ nóng thông thường. Một số trường hợp co thắt thực quản có thể do căng thẳng nghiêm trọng và dễ bị nhầm lẫn với cơn đau tim. Căng thẳng cũng có thể dễ dàng gây đau, đầy hơi, buồn nôn và các vấn đề về dạ dày khác. Nếu căng thẳng nghiêm trọng, nôn mửa có thể xảy ra.
Ngoài ra, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng của ruột vì nó làm suy yếu hàng rào ruột, tạo điều kiện cho vi khuẩn đường ruột xâm nhập cơ thể. Nó ảnh hưởng đến những người mắc bệnh đường ruột mãn tính như bệnh viêm ruột và hội chứng ruột kích thích.
Hệ thần kinh
Hệ thống thần kinh đóng vai trò trực tiếp trong phản ứng của cơ thể với căng thẳng và được chia thành hệ thống thần kinh giao cảm (SNS) và hệ thống thần kinh đối giao cảm (PNS). Khi cơ thể bị căng thẳng, cơ thể chuyển hướng năng lượng để tránh các mối đe dọa tính mạng hoặc trốn thoát khỏi kẻ thù. Cả SNS và PNS đều có tương tác mạnh mẽ với hệ thống miễn dịch và cũng có thể kiểm soát phản ứng căng thẳng. Căng thẳng mãn tính hoặc gặp phải các tác nhân gây căng thẳng trong thời gian dài có thể dẫn đến mệt mỏi lâu dài. Nếu hệ thống thần kinh tiếp tục kích hoạt các phản ứng vật lý, nó có thể dẫn đến hao mòn cơ thể.
Khả năng sinh sản
Căng thẳng mãn tính cũng có thể tác động tiêu cực đến việc sản xuất và trưởng thành của tinh trùng, khiến các cặp vợ chồng khó thụ thai. Khi căng thẳng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng như: Nhiễm trùng tinh hoàn, tuyến tiền liệt và niệu đạo có thể cản trở chức năng sinh sản bình thường của nam giới. Ở nữ giới, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt muộn hoặc không đều, đau bụng kinh nhiều hơn và thay đổi chu kỳ kinh nguyệt.
Căng thẳng là một phần của cuộc sống và nó có thể tác động vật lý lên sức khỏe của chúng ta. Điều quan trọng nhất là cách chúng ta giải quyết nó. Nếu bạn hoặc người thân đang bị căng thẳng quá mức, hãy nói chuyện với bác sĩ. Nhiều triệu chứng căng thẳng cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác. Bác sĩ có thể đánh giá các triệu chứng để tiến hành điều trị hiệu quả. Chúc bạn sức khỏe!
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.