Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe/
  4. Tin y dược

Chất tạo màu thực phẩm là gì? Chất tạo màu có an toàn cho sức khỏe hay không?

Ngày 30/06/2024
Kích thước chữ

Ngoài thành phần dinh dưỡng, màu sắc là một yếu tố quan trọng để tác động đến hành vi mua của người tiêu dùng. Chất tạo màu thực phẩm được sử dụng như một phụ gia để giúp thực phẩm có màu sắc bắt mắt, tươi sáng. Vậy liệu loại phụ gia này có gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người hay không? Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!

Quá trình chế biến thực phẩm có thể làm mất đi màu sắc tự nhiên của các nguyên liệu. Do đó, chất tạo màu thực phẩm được sử dụng để bổ sung màu sắc để giúp các món ăn trông ngon miệng hơn. Trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ chất này đã tăng rất nhiều, đặc biệt là sử dụng trong các món bánh kẹo dành cho trẻ em. Một số ý kiến cho rằng chất tạo màu thực phẩm có khả năng gây ung thư và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ.

Chất tạo màu thực phẩm là gì?

Chất tạo màu thực phẩm là các chất hóa học được sử dụng để gia tăng giá trị hình thức của thực phẩm. Chất tạo màu đầu tiên được con người sáng tạo ra vào năm 1856, chúng được làm từ nhựa than đá và được sử dụng rộng rãi. Ngày nay, trên thị trường đã xuất hiện hàng trăm loại chất tạo màu với đa dạng thành phần để phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Phần lớn các loại chất tạo màu này đều mang tính độc hại, chỉ có một số ít được sử dụng trong thực phẩm.

Chất tạo màu thực phẩm là gì? Chất tạo màu có an toàn cho sức khỏe hay không? 1
Chất tạo màu thực phẩm là các chất hoá học được sử dụng để gia tăng giá trị hình thức của thực phẩm

Phân biệt các loại chất tạo màu thực phẩm

Một số loại chất tạo màu thực phẩm có các thành phần đến từ thiên nhiên, từ đó ta có thể phân chất tạo màu thực phẩm thành những loại sau đây:

Chất tạo màu thực phẩm tự nhiên

Hầu hết các loại chất tạo màu tự nhiên có nguồn gốc từ thực vật. Chất tạo màu này đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe của người dùng vì không có thành phần độc hại. Tuy nhiên, loại chất này đi kèm với một số vấn đề như thiếu độ đậm màu, có thể biến đổi màu sắc khi chịu ảnh hưởng của nhiệt độ và ánh sáng, vài loại chất tạo màu tự nhiên không hoà tan trong nước do đó phải thêm chất nhũ hoá để đạt được sự hài hòa trong màu sắc khi chế biến thực phẩm. Một số chất tạo màu thực phẩm từ thiên nhiên là:

  • Màu đường Caramel;
  • Màu hạt điều;
  • Bột củ cải đường;
  • Nước ép lá, trái cây;
  • Ớt bột;
  • Nghệ tây;
  • Củ nghệ vàng.

Chất tạo màu thực phẩm nhân tạo (tổng hợp)

Có 6 loại chất tạo màu thực phẩm nhân tạo được Cục Quản Lý Thực Phẩm & Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng trong thực phẩm. Bao gồm các màu:

  • Màu đỏ số 3 (Erythrosine): Có màu đỏ anh đào và thường được sử dụng trong gel trang trí bánh kem, kẹo và kem que.
  • Màu đỏ số 40 (Allura Red): Có màu đỏ sẫm, được sử dụng trong kẹo, ngũ cốc, gia vị và đồ uống tăng lực.
  • Màu vàng số 5 (Tartrazine): Có màu vàng chanh, sử dụng trong snack khoai tây, nước ngọt, kẹo, bỏng ngô và ngũ cốc.
  • Màu vàng số 6 (Sunset Yellow): Có màu vàng cam, được sử dụng trong trái cây công nghiệp, nước sốt đồ nướng và kẹo.
  • Màu xanh số 1 (Brilliant Blue): Có màu xanh lục, được sử dụng trong đồ chế biến sẵn, kem que.
  • Màu xanh số 2 (Indigo Blue): Có màu chàm - một màu sắc nằm giữa xanh dương và tím, thường được sử dụng trong kem que, ngũ cốc và đồ ăn nhẹ.

Nhóm màu thực phẩm nhân tạo thường có màu sắc bắt mắt và độ bền cao hơn màu thực phẩm tự nhiên nên được các đầu bếp ưa chuộng. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng một lượng rất nhỏ để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Ban đầu, có một số loại chất tạo màu thực phẩm được FDA cho phép sử dụng. Sau khi nghiên cứu qua quá trình tiêu thụ, các chất đã bị cấm vì gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng bao gồm: Màu đỏ số 2,4 và 32; màu tím số 1; màu cam số 1 và 2; màu vàng số 1, 2, 3 và 4.

Cũng có một số loại chất tạo màu được coi là an toàn ở một quốc gia này nhưng lại bị cấm tiêu thụ ở quốc gia khác, điều đó khiến việc đánh giá độ an toàn của chất tạo màu thực phẩm trở nên khó khăn hơn.

Chất tạo màu thực phẩm là gì? Chất tạo màu có an toàn cho sức khỏe hay không? 2
Màu đỏ số 3 (Erythrosine) thường được sử dụng trong gel trang trí bánh kem, kẹo và kem que

Tác hại của chất tạo màu nhân tạo đối với sức khỏe

Tác hại của việc lạm dụng chất tạo màu nhân tạo cụ thể như sau:

Chứng hiếu động ở trẻ em

Vào năm 1973, một bác sĩ chuyên ngành dị ứng nhi khoa đã đưa ra tuyên bố rằng chứng hiếu động ở trẻ em là tác hại của chất bảo quản thực phẩm và phẩm màu tổng hợp. Các nghiên cứu lâm sàng khác cũng cho thấy việc loại bỏ chất tạo màu thực phẩm nhân tạo ra khỏi chế độ ăn của trẻ giúp giảm các triệu chứng hiếu động ở trẻ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng màu vàng số 5 (Tartrazine) cũng gây nên các triệu chứng khó ngủ, bồn chồn và trầm cảm.

Gây ung thư

Việc chất tạo màu thực phẩm có gây ung thư hay không vẫn còn là một ý kiến gây tranh cãi. Việc nghiên cứu đánh giá sự an toàn của chất này được tiến hành nghiên cứu trên động vật. Một nghiên cứu trên động vật với màu xanh số 2 cho thấy tăng đáng kể khi sử dụng chất này với liều cao. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có được đủ bằng chứng để kết luận liệu màu xanh số 2 có phải nguyên nhân trực tiếp gây ung thư hay không. 

Chất tạo màu số 3 cũng được cho là gây nguy cơ tăng khối u tuyến giáp, tuy nhiên sau nhiều nghiên cứu, FDA xác định chất tạo màu số 3 không phải nguyên nhân chính gây tăng khối u. Các chất như chất tạo màu đỏ số 40, màu vàng số 5 và 6,... được cho là những chất có khả năng gây ung thư, tuy nhiên chúng vẫn được cho phép sử dụng với liều lượng nhỏ vì khi đó chúng được coi là an toàn. Việc chất tạo màu thực phẩm có thực sự gây ung thư hay không vẫn cần được nghiên cứu thêm.

Gây dị ứng

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh một số chất tạo màu thực phẩm có thể gây dị ứng. Ví dụ như màu vàng số 5 (Tartrazine) đã được chứng minh là gây ra triệu chứng nổi mề đay và hen suyễn, những người dị ứng với aspirin cũng sẽ có triệu chứng dị ứng với màu vàng số 5. Nghiên cứu lâm sàng chỉ ra 52% người bị nổi mề đay mãn tính cho kết quả có phản ứng dị ứng với chất tạo màu thực phẩm. Nếu bạn có triệu chứng dị ứng, bạn nên loại bỏ hoàn toàn phẩm màu ra khỏi chế độ ăn uống của mình để đảm bảo sức khỏe.

Chất tạo màu thực phẩm là gì? Chất tạo màu có an toàn cho sức khỏe hay không? 3
Nếu bạn có triệu chứng dị ứng, bạn nên loại bỏ hoàn toàn phẩm màu ra khỏi chế độ ăn uống của mình để đảm bảo sức khỏe

Một vài khuyến cáo về chất tạo màu thực phẩm

Thực chất, hiện nay các nguồn cung thực phẩm không đảm bảo an toàn lại là nguồn thực phẩm chứa nhiều phẩm màu nhất. Tuy chưa có bằng chứng nào cho rằng chất tạo màu thực phẩm gây ung thư nhưng sử dụng quá thường xuyên sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ. Việc loại bỏ thực phẩm có chứa màu thực phẩm ra khỏi chế độ ăn và sử dụng các loại thực phẩm lành mạnh sẽ giúp cải thiện đáng kể sức khỏe của người tiêu dùng.

Hy vọng thông qua nội dung bài viết bạn đã hiểu rõ hơn về chất tạo màu thực phẩm và các tác hại của nó với sức khỏe con người nếu sử dụng quá thường xuyên. Việc sử dụng chất tạo màu cần được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin