Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Đang uống ARV có được uống thuốc khác không?

Ngày 21/09/2023
Kích thước chữ

Thuốc ARV là loại thuốc đặc biệt được sử dụng để kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển của virus HIV trong cơ thể. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân thắc mắc rằng liệu uống ARV có được uống thuốc khác không trong trường hợp điều trị cùng lúc với các bệnh lý khác?

Bài viết dưới đây sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về thuốc ARV, cách hoạt động của thuốc, các loại thuốc ARV trên thị trường và tìm đáp án cho câu hỏi: “Uống ARV có được uống thuốc khác không?” nhé!

Giới thiệu thuốc ARV

Thuốc ARV là loại thuốc kháng HIV (Antiretroviral drug) thường được sử dụng để kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển của virus HIV trong cơ thể. Điều này rất quan trọng trong việc điều trị người mắc HIV và ngăn ngừa lây nhiễm HIV cho người khác.

Thuốc ARV hoạt động bằng cách ngăn chặn virus HIV sao chép và nhân bản nhanh chóng. Khi bạn bị nhiễm HIV, virus này có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của bạn. Nhưng nếu bạn sử dụng thuốc ARV thì sẽ làm giảm nồng độ virus ở mức thấp, duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Hiện nay, hầu hết người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV vẫn có thể sống một cuộc sống bình thường, làm việc, học tập và có gia đình hạnh phúc, thậm chí sinh con khỏe mạnh.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng khi người nhiễm HIV dùng thuốc ARV, virus HIV trong máu của họ giảm xuống mức không thể phát hiện được (ít hơn 200 bản sao virus/ml máu), nguy cơ lây truyền virus này thông qua quan hệ tình dục rất thấp, thậm chí là không đáng kể hoặc không có nguy cơ.

Nói một cách khác, khi bạn tuân thủ việc điều trị HIV bằng ARV để giữ nồng độ virus ở mức thấp, bạn không chỉ bảo vệ sức khỏe của bản thân mà còn giúp ngăn ngừa lây nhiễm HIV cho những người xung quanh.

Đang uống ARV có được uống thuốc khác không? 1
ARV là loại thuốc giúp ngăn chặn và kiểm soát sự phát triển của virus HIV

Một số loại thuốc ARV

Có một số loại thuốc ARV được sử dụng để điều trị HIV. Mỗi loại thuốc ARV hoạt động theo một cách khác nhau để ngăn chặn virus HIV:

  • NNRTI (Chất ức chế men sao chép ngược không phải nucleotide): Loại thuốc này ngăn chặn việc virus HIV nhân bản bằng cách cản trở quá trình sao chép.
  • NRTIs (Chất ức chế men sao chép ngược nucleotide): Loại thuốc cũng ngăn chặn việc sao chép virus nhưng bằng cơ chế khác.
  • PI (Chất ức chế protease): PI này ảnh hưởng đến một loại enzyme trong virus HIV, ngăn chặn virus tạo ra các bộ phận mới cần thiết cho việc sao chép.
  • Chất đối kháng CCR5: Loại thuốc này ngăn chặn virus HIV xâm nhập vào các tế bào miễn dịch.
  • INSTIs (Chất ức chế chuyển chuỗi tích hợp): Ngăn chặn virus tích hợp vào tế bào cơ thể vật chủ.

Tùy theo trường hợp mà bệnh nhân sẽ được bác sĩ kê đơn và sử dụng một hoặc một số loại thuốc phù hợp. Để đảm bảo hiệu quả của việc điều trị HIV bằng thuốc ARV, điều quan trọng nhất là phải dùng thuốc đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ và không bỏ sót bất kỳ liều nào.

Đang uống ARV có được uống thuốc khác không?  2
Có nhiều loại thuốc ARV khác nhau

Tác dụng phụ của thuốc ARV

Dù thuốc điều trị HIV có thể gây ra một số vấn đề không mong muốn nhưng lợi ích của việc sử dụng chúng thường lớn hơn nhược điểm. Hầu hết các tác dụng phụ của thuốc chỉ kéo dài vài ngày hoặc vài tuần bao gồm:

  • Buồn nôn;
  • Mệt mỏi;
  • Khó ngủ hoặc mất ngủ;
  • Phát ban hoặc ngứa da;
  • Rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy.

Tuy nhiên, một số loại thuốc HIV có thể gây ra tác dụng phụ kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm ví dụ như tăng mức cholesterol trong máu.

Những người có tình trạng sức khỏe đặc biệt hoặc đang dùng các loại thuốc khác có thể có nguy cơ cao hơn trong việc gặp phải tác dụng phụ từ thuốc HIV.

Về tương tác với các loại thuốc khác, một số thuốc như thuốc kháng histamin, thuốc trị hen suyễn dạng hít, thuốc điều trị tiêu hóa và mỡ máu (statin), thuốc trị rối loạn cương dương cũng như các phương pháp điều trị bằng thảo dược có thể gây tương tác không mong muốn với thuốc HIV.

Để tránh những tương tác không mong muốn và đảm bảo thuốc hiệu quả, bệnh nhân cần thảo luận với bác sĩ về bất kỳ phương pháp điều trị nào khác mà họ đang sử dụng.

Đang uống ARV có được uống thuốc khác không?  3
Một trong những tác dụng phụ của thuốc ARV là gây rối loạn tiêu hóa

Đang uống ARV có được uống thuốc khác không?

Nhiều người thường thắc mắc rằng liệu uống ARV có được uống thuốc khác không khi đang trong quá trình điều trị một số bệnh lý khác. Câu trả lời là bạn không nên tự ý uống thuốc khác khi đang uống thuốc ARV mà không có sự chỉ định từ bác sĩ. Việc tự ý uống thuốc khác trong khi bạn đang dùng thuốc ARV điều trị HIV không được khuyến nghị vì có thể có những hậu quả không mong muốn.

Tương tác thuốc: Thuốc ARV có thể tương tác với các loại thuốc khác chẳng hạn như thuốc điều trị bệnh tim mạch, tiểu đường,... Tương tác thuốc có thể làm giảm hoặc tăng cường tác dụng của các loại thuốc điều trị bệnh lý. Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị HIV và làm tăng nguy cơ không kiểm soát được virus HIV trong cơ thể.

Rủi ro cho sức khỏe: Nếu bạn tự ý sử dụng thuốc khác mà không được hướng dẫn của bác sĩ, điều này hết sức rủi ro cho sức khỏe của bạn. Một số loại thuốc có thể có tác dụng phụ hoặc tác động đối với cơ thể một cách không mong muốn, đặc biệt nếu bạn đã có tiền sử về một số bệnh trước đó hoặc tình trạng sức khỏe đặc biệt.

Nguy cơ virus kháng thuốc: Thuốc ARV điều trị HIV dựa trên việc kiểm soát virus và ngăn chặn sự nhân lên của nó. Nếu bạn không tuân thủ liều lượng hoặc tự ý kết hợp với các loại thuốc khác, virus HIV có thể dần trở nên kháng với các loại thuốc này, làm cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn.

Vì vậy, để đảm bảo quá trình điều trị HIV của bạn diễn ra hiệu quả và an toàn, hãy luôn thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi thay đổi hoặc kết hợp với bất kỳ loại thuốc nào. Bác sĩ sẽ giúp bạn quản lý việc sử dụng các loại thuốc một cách cẩn thận, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bạn. 

Đang uống ARV có được uống thuốc khác không?  4
Việc sử dụng thuốc khác khi đang uống ARV cần có sự cho phép của bác sĩ

Chăm sóc sức khỏe bệnh nhân HIV

Bên cạnh việc tuân theo liệu trình uống thuốc đầy đủ, chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV là một phần quan trọng không kém. Dưới đây là một số cách để chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân HIV:

  • Uống thuốc đúng lịch trình: Người nhiễm HIV cần uống thuốc ARV theo đúng chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp kiểm soát virus HIV trong cơ thể và ngăn ngừa sự phát triển của bệnh.
  • Kiểm tra sức khỏe thường xuyên: Người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm máu và kiểm tra chức năng của các cơ quan như thận, gan, tim và các chỉ số khác theo lịch trình do bác sĩ đề xuất.
  • Ăn uống lành mạnh: Bệnh nhân nên duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch và cung cấp năng lượng cho cơ thể.
  • Vận động và giảm căng thẳng: Hoạt động thể dục và giảm căng thẳng giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần.
  • Bảo vệ bản thân, tránh lây HIV cho người khác: Người nhiễm HIV cần tránh tiếp xúc với người mắc các bệnh lý khác hoặc nguồn nhiễm bệnh khác và tiêm các loại vắc xin phòng bệnh.
  • Hỗ trợ tinh thần: Người bệnh cần hỗ trợ tinh thần từ chuyên gia hoặc nhóm hỗ trợ để ứng phó với căng thẳng và lo lắng.
  • Kiểm soát viêm gan (nếu có): Nếu bệnh nhân cũng đồng thời mắc viêm gan, việc quản lý và điều trị cả hai bệnh là vô cùng quan trọng.
  • Quan hệ tình dục an toàn: Người mắc HIV cần được tư vấn về an toàn trong quan hệ tình dục và sử dụng các công cụ bảo vệ để ngăn ngừa lây truyền virus HIV cho người khác.
  • Theo dõi sức khỏe định kỳ: Người bệnh cũng cần thường xuyên theo dõi sức khỏe bằng cách thăm khám thường xuyên với bác sĩ.  Nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường nào, hãy thông báo cho bác sĩ để có sự can thiệp kịp thời.

Chăm sóc sức khỏe định kỳ và tuân thủ quá trình điều trị HIV là cách tốt nhất để người nhiễm HIV duy trì sức khỏe tốt và tận hưởng cuộc sống như bình thường.

Bài viết này đã mang lại những thông tin cần thiết về thuốc kháng HIV ARV và câu trả lời cho câu hỏi "Uống ARV có được uống thuốc khác không?". Trước khi bắt đầu sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn kỹ càng để không gây ra những hậu quả không mong muốn.

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin