Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau cơ xơ là gì? Có chữa được không?

Ngày 22/12/2023
Kích thước chữ

Đau cơ xơ hóa là một tình trạng mãn tính cực kỳ phổ biến và có thể khó kiểm soát. Hãy cùng Long Châu tìm hiểu sơ lược về nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị đau cơ xơ qua bài viết dưới đây.

Đau cơ xơ hóa là một hội chứng đau mãn tính phổ biến và phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Ngoài đau cơ, nó thường kết hợp với các triệu chứng trên cơ quan khác. Bạn muốn biết thêm thông tin về căn bệnh này thì không nên bỏ qua bài viết này.

Đau cơ xơ là gì?

Đau cơ xơ (tên gọi khác: Đau cơ xơ hóa, viêm xơ hóa) là một tình trạng đặc trưng bởi cơn đau tổng quát lan rộng kéo dài hơn ba tháng mà không có bất kỳ tổn thương nào rõ ràng, tăng phản ứng với các kích thích và không có bệnh thực thể cơ bản được xác định. Nó là một tình trạng không đồng nhất thường liên quan đến các bệnh cụ thể như nhiễm trùng, rối loạn tâm thần hoặc thần kinh, tiểu đường và các bệnh lý thấp khớp.

Đau cơ xơ hóa phổ biến nhất ở tuổi trung niên, nhưng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Tình trạng này thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới vì phụ nữ có ngưỡng đau thấp hơn và biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng hơn. Bệnh gây ra đau cơ xương và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.

Đau cơ xơ là gì? Có chữa được không? 2
Đau cơ xơ là một tình trạng đau lan rộng kéo dài không rõ nguyên nhân

Nguyên nhân gây đau cơ xơ

Cơ chế bệnh sinh của đau cơ xơ vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Ở đa số bệnh nhân bị đau cơ xơ, không có nguyên nhân cụ thể nào được xác định, có thể xuất phát từ sự nhạy cảm thần kinh trung ương, đau mãn tính ở nhiều vị trí hoặc có những bất thường trong quá trình xử lý cơn đau với sự dư thừa các chất dẫn truyền thần kinh kích thích (chất P và glutamate) và giảm hàm lượng các chất ức chế dẫn truyền thần kinh (serotonin và norepinephrine) hay do sự thay đổi của opioid nội sinh ở một số vùng não tham gia điều chế cơn đau.

Có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc chứng đau cơ xơ hóa bao gồm:

  • Yếu tố di truyền;
  • Môi trường;
  • Nội tiết tố;
  • Thần kinh;
  • Miễn dịch;
  • Nhiễm trùng;
  • Chấn thương thể chất và tâm lý trong thời gian dài.
Đau cơ xơ là gì? Có chữa được không? 3
Nhạy cảm thần kinh là một trong những nguyên nhân gây đau cơ xơ

Triệu chứng của đau cơ xơ

Triệu chứng được coi là nổi bật của đau cơ xơ là đau lan tỏa, cơn đau có thể xảy ra ở bất kỳ vùng nào như vùng chẩm, cổ, vai, cột sống ngực và thắt lưng, mông, hông, khuỷu tay, bàn tay, đầu gối, mắt cá chân, bàn chân,... Một bệnh nhân đau cơ xơ có một hoặc nhiều triệu chứng toàn thân như cứng khớp, rối loạn chức năng nhận thức, rối loạn giấc ngủ, lo lắng, mệt mỏi và các giai đoạn trầm cảm.

  • Một số bệnh nhân bị đau cơ xơ gặp phải các rối loạn nhận thức với các biểu hiện như khó tập trung, trí nhớ kém,...
  • Vào ban đêm, bệnh nhân đau cơ xơ tiết ra ít melatonin hơn người bình thường, điều này có thể góp phần khiến giấc ngủ ban đêm trở nên khó vào giấc hơn, mất ngủ, dễ thức giấc, mơ màng, không tỉnh táo khi thức dậy vào buổi sáng, mệt mỏi vào ban ngày và nhận thức về cơn đau nhiều.
  • Thông thường trong chứng đau cơ xơ có xảy ra rối loạn chức năng của trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận, ảnh hưởng đến phản ứng thích nghi.
Đau cơ xơ là gì? Có chữa được không? 4
Những triệu chứng của đau cơ xơ có thể gặp phải

Chẩn đoán đau cơ xơ bằng cách nào?

Vì khó khăn trong việc xác định con đường sinh lý gây bệnh cụ thể nên cũng đi kèm với khó khăn trong chẩn đoán đau cơ xơ. Hiện chỉ dựa trên nhiều đánh giá lâm sàng toàn diện để chẩn đoán và loại trừ các bệnh lý có triệu chứng gần giống với đau cơ xơ như rối loạn thấp khớp và cường giáp/suy giáp, bao gồm:

  • Khám thực thể: Đau nhức cơ xương toàn thân ở nhiều vị trí (trên 3 điểm đau) trong 3 tháng trở lên, đau không có nguyên nhân cơ bản, đau trên 11/18 điểm khi sờ nắn, thường xuyên lo lắng, mệt mỏi, ngủ kém, đau đầu mãn tính,...
  • Chỉ số đau lan rộng, xác định vị trí đau hoặc nhức ở các vùng cơ thể cụ thể;
  • Thang điểm đánh giá mức độ nghiêm trọng của triệu chứng đau cơ xơ;
  • Các xét nghiệm hỗ trợ: xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh.
Đau cơ xơ là gì? Có chữa được không? 5
Mười tám vị trí kiểm tra cơn đau khi sờ nắn để chẩn đoán đau cơ xơ

Đau cơ xơ có chữa khỏi được không?

Bởi vì các triệu chứng của chứng đau cơ xơ hóa thường xuyên thay đổi sau một thời gian nên việc điều trị cần liên tục và lâu dài. Hiện tại không có cách chữa trị hội chứng này hoàn toàn vì không rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh, chỉ có thể dùng thuốc và thay đổi lối sống để giúp bệnh nhân giảm nhẹ triệu chứng của bệnh.

Phương pháp không dùng thuốc

Minh chứng chỉ ra rằng căng thẳng, trầm cảm có thể thúc đẩy cơn đau cơ xơ bùng phát. Cho nên, bệnh nhân cần tìm ra nguyên nhân gây stress và quản lý nó quản lý nó một cách hiệu quả để giảm triệu chứng bệnh.

Tập thể dục, tập yoga, thể dục nhịp điệu, khiêu vũ, nhảy múa hay bất kỳ môn thể thao nào mà bạn thích để giảm bớt căng thẳng. Tập thể dục thường xuyên được chứng minh là làm thay đổi tích cực các triệu chứng trầm cảm, từ đó nâng cao sức khỏe tinh thần lẫn thể chất. Ngoài việc giúp thư giãn, hoạt động thể chất thường xuyên có thể ngăn ngừa nhiều bệnh lý như béo phì, tăng lipid máu, tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch vành, suy tim, đột quỵ,...

Phương pháp dùng thuốc

Hiện tại đau cơ xơ được điều trị dựa trên triệu chứng từng cá nhân và kinh nghiệm của bác sĩ, chưa có một hướng dẫn cụ thể nào cho tình trạng này. Chỉ có một số loại thuốc được FDA Hoa Kỳ chấp thuận sử dụng trong điều trị đau cơ xơ bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA): Amitriptyline thường là lựa chọn hàng đầu của bác sĩ cho bệnh đau cơ xơ.
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) hoặc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine có chọn lọc (SNRI): Đây là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất cho bệnh nhân trầm cảm, lo âu và kiểm soát cơn đau do cảm thụ. Kết hợp thuốc chống trầm cảm ba vòng và SSRI hay SNRI, giúp cải thiện các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. Thời gian dùng thuốc và liều lượng có thể được điều chỉnh tùy theo đáp ứng của từng bệnh nhân.
  • Thuốc chống co giật: Pregabalin một trong những loại thuốc chủ yếu được sử dụng trong điều trị đau cơ xơ, được FDA phê duyệt để điều trị các hội chứng đau. Nó là một chất tương tự gamma-aminobutyric acid (GABA), có khả năng làm giảm kết hợp và giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh.
  • Thuốc giảm đau Opioid dành riêng cho những bệnh nhân bị đau từ trung bình đến nặng hoặc suy giảm chức năng đáng kể và cho những người mà các liệu pháp khác không hiệu quả hoặc chống chỉ định. Việc sử dụng lâu dài opioid trong bệnh đau cơ xơ đã bị một số hướng dẫn y tế không khuyến khích.
Đau cơ xơ là gì? Có chữa được không? 6
Ngoài dùng thuốc thì tập thể dục giúp hạn chế căn thẳng và có thể giảm được triệu chứng của bệnh

Tóm lại, đau cơ xơ hóa là một bệnh đặc trưng bởi cơn đau lan rộng mãn tính với các triệu chứng bổ sung, chẳng hạn như cứng khớp, mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ,... Điều này khiến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị suy giảm và làm tăng gánh nặng kinh tế lên cá nhân cũng như hệ thống chăm sóc y tế. Hiện không có cơ chế sinh lý bệnh rõ ràng cho chứng đau này và vì thế mà không có cách chữa trị triệt để, chỉ có thể dùng thuốc kết hợp với các biện pháp không dùng thuốc làm giảm các triệu chứng và tác động của chúng đến cuộc sống của bệnh nhân.

Xem thêm: Hội chứng đau xơ cơ: Bản chất, nguyên nhân và biểu hiện

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin