Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Đau cột sống lưng là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị

Ngày 17/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau cột sống lưng là lý do khá phổ biến khiến các bệnh nhân đến khám, ở người lớn tuổi nguyên nhân thường là do lão hóa, ở người trẻ và bệnh cảnh cấp tính thường là do chấn thương. Bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn các kiến thức bổ ích xung quanh bệnh đau cột sống lưng.

Đau cột sống thắt lưng có thể khiến bạn không thể làm việc, thực hiện những động tác, đi lại một cách bình thường và gặp khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Có rất nhiều lý do có thể khiến bạn bị đau cột sống lưng, vì vậy bạn nên sớm đến gặp bác sĩ để thăm khám càng sớm càng tốt thay vì cố gắng chịu đựng và tự mình điều trị.

Đau cột sống lưng là gì?

Cơn đau cột sống lưng có thể là một cơn đau khó chịu hoặc có thể trở nên tồi tệ đến mức không thể chịu đựng được. Đau lưng là lý do phổ biến thứ hai khiến mọi người phải đến gặp bác sĩ, chỉ sau cảm lạnh và gây nhiều ảnh hưởng đến công việc cũng như các hoạt động đời sống hằng ngày. Theo một số thống kê, khoảng 80% đến 90% người sẽ bị đau lưng vào một thời điểm nào đó trong đời.

Phân loại đau lưng

Đau lưng được các chuyên gia y tế và bác sĩ phân loại theo một số cách. Bạn có thể mô tả cơn đau cột sống lưng của mình theo:

  • Vị trí đau: Đau lưng trên, giữa hoặc dưới; ở bên trái, giữa hoặc bên phải. Cơn đau có lan xuống hai chân hay là cơn đau khu trú.
  • Mức độ đau: Cơn đau của bạn nhẹ, vừa hay nặng?
  • Thời gian đau: Đau lưng có thể được phân loại theo thời gian kéo dài. Giai đoạn cấp tính là giai đoạn xảy ra đột ngột và ngắn ngủi và thường liên quan đến chấn thương. Giai đoạn mãn tính có nghĩa là cơn đau lưng của bạn đã kéo dài dai dẳng hơn, từ ba đến sáu tháng.
Đau cột sống lưng là do đâu và điều trị như thế nào? 1
Cảm giác đau vùng thắt lưng gây giới hạn vận động

Ai có nguy cơ bị đau lưng?

Người càng lớn tuổi, càng có nhiều khả năng bị đau cột sống lưng do thoái hóa hay loãng xương. Tuy nhiên bạn cũng có nguy cơ cao hơn nếu:

  • Không thường xuyên tập thể dục.
  • Đã mắc một số loại ung thư hoặc viêm khớp.
  • Đang thừa cân.
  • Khuân vác vật nặng bằng lưng hoặc sai tư thế.
  • Hút thuốc hoặc sử dụng các sản phẩm thuốc lá khác.

Khi nào đau lưng là trường hợp khẩn cấp?

Cơn đau ở cột sống lưng được coi là nghiêm trọng và khẩn cấp khi có những triệu chứng sau đây:

  • Cơn đau xảy ra đột ngột và dữ dội.
  • Đau và không thể kiểm soát được việc đại tiện hoặc tiểu tiện, hoặc buồn nôn, sốt hoặc nôn mửa.
  • Cơn đau nghiêm trọng đến mức bạn không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Trong các trường hợp này, bạn nên mau chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Đau cột sống lưng là do đâu và điều trị như thế nào? 2
Bác sĩ thăm khám đau cột sống lưng

Nguyên nhân gây đau cột sống lưng

Có những nguyên nhân gây đau lưng cục bộ (đau ở cột sống, cơ và các mô khác ở lưng) và những nguyên nhân gây đau lưng lan tỏa (đau do vấn đề ở một cơ quan lan đến và có cảm giác như đau ở lưng).

Đau lưng cục bộ cột sống có thể do:

  • Viêm cột sống dính khớp.
  • Thoái hóa cột sống.
  • Thoát vị đĩa đệm.
  • Bệnh lý rễ thần kinh.
  • Rối loạn chức năng khớp sacroiliac.
  • Thoái hóa đĩa đệm cột sống.
  • Hẹp ống sống.
  • Chấn thương.
  • Khối u vùng cột sống.

Đau lưng khu trú ở các mô có thể do bong gân dây chằng hoặc căng cơ.

Đau cột sống lưng lan tỏa có thể do:

  • Phình động mạch chủ bụng.
  • Viêm ruột thừa.
  • Ung thư.
  • Viêm túi mật.
  • Nhiễm trùng thận, áp xe thận và sỏi thận.
  • Viêm tụy.
  • Bệnh viêm vùng chậu, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
  • Thủng vết loét dạ dày.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Lạc nội mạc tử cung.
  • Đau lưng trong thai kỳ.
  • U xơ tử cung.
  • Chấn thương tinh hoàn hoặc xoắn tinh hoàn.

Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ có thể chẩn đoán được thông qua thông tin từ việc hỏi bệnh, hỏi về các triệu chứng, tiền sử bệnh và lối sống, sau đó thực hiện kiểm tra thăm khám. Tuy nhiên, đôi khi việc kiểm tra hình ảnh là cần thiết, các xét nghiệm như chụp X-quang cột sống lưng, MRI, chụp CT, đo loãng xương cần được thực hiện để hỗ trợ chẩn đoán.

Đau cột sống lưng là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị 3
Chụp X-quang có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân gây đau cột sống lưng

Đau lưng được điều trị như thế nào?

Nguyên nhân gây đau lưng quyết định việc điều trị. Đối với chứng đau cột sống lưng, bạn có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi sử dụng túi chườm lạnh hoặc miếng dán salonpas. Bài tập kéo dãn hay xoa bóp cũng có thể thực hiện để làm dịu cơn đau. Tuy nhiên, nếu triệu chứng đau lưng không giảm bớt và ngày càng nặng hơn, các bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp phù hợp với tình trạng của từng người và nguyên nhân làm đau lưng. Bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh.
  • Các loại thuốc giãn cơ, steroid và thuốc giảm đau không kê đơn và kê đơn khác.
  • Tập vật lý trị liệu hay kéo dãn cột sống.
  • Tập phục hồi chức năng, các bài tập tăng cường sức mạnh.
  • Châm cứu.
  • Phẫu thuật.

Nếu bạn bị chấn thương cấp tính, hãy chườm túi lạnh từ 20 đến 30 phút mỗi lần trong 48 giờ đầu tiên. Sau đó, bạn có thể thấy việc thay thế túi chườm lạnh và túi chườm nóng sẽ hữu ích hơn. Bên cạnh đó, bạn có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen, nghỉ ngơi nhiều và uống nhiều nước. Bạn có thể cảm thấy thoải mái nhất khi nằm ngửa khi ngủ hay nghỉ ngơi với một chiếc gối dưới đầu gối để giảm áp lực lên lưng và tránh nằm sấp khi ngủ.

Phương pháp phòng ngừa đau cột sống lưng

Để giữ cho cột sống lưng khỏe mạnh, bạn cần:

  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao: Các hoạt động aerobic cường độ thấp thường xuyên, những hoạt động không làm căng hoặc xóc lưng có thể tăng sức mạnh và sức bền ở lưng, cho phép các cơ hoạt động tốt hơn. Bên cạnh đó còn có các lựa chọn khác như đi bộ, đi xe đạp và bơi lội.
  • Xây dựng sức mạnh cơ bắp và tính linh hoạt bằng các bài tập cơ bụng và cơ lưng, giúp tăng cường sức mạnh cốt lõi, giúp điều hòa các cơ để chúng phối hợp nhịp nhàng với nhau để hỗ trợ lưng.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh vì thừa cân làm căng, quá tải cơ lưng.
  • Bỏ hút thuốc lá vì hút thuốc sẽ làm tăng nguy cơ đau thắt lưng.

Tránh các động tác sai tư thế làm xoắn hoặc căng, tăng áp lực lên vùng lưng thông qua việc:

  • Đứng đúng tư thế: Duy trì vị trí xương chậu trung tính. Khi đứng lâu, hãy đặt một chân lên bệ để chân thấp để giảm bớt gánh nặng cho lưng dưới và thay đổi sang chân còn lại thường xuyên. Đứng đúng tư thế có thể làm giảm áp lực cho cơ lưng.
  • Ngồi đúng tư thế: Chọn ghế có tựa lưng tốt, có tay vịn và chân đế xoay. Đặt một chiếc gối hoặc một chiếc khăn cuộn ở phía sau lưng có thể duy trì đường cong bình thường của cột sống lưng. Giữ đầu gối và hông ngang bằng. Thay đổi tư thế thường xuyên, ít nhất nửa giờ một lần.
  • Nâng vật nặng đúng tư thế: Tránh nâng vật nặng nếu có thể. Nếu bạn phải nâng vật nặng, hãy sử dụng lực từ chân để làm việc đó. Giữ cho lưng thẳng, không vặn vẹo và chỉ uốn cong ở đầu gối. Tìm người cùng nâng nếu vật quá nặng hoặc bất tiện.
Đau cột sống lưng là do đâu và điều trị như thế nào? 4
Ngồi đúng tư thế để giảm áp lực cho thắt lưng

Tóm lại, đau cột sống lưng có thể khiến bạn rất đau đớn và làm gián đoạn, giới hạn các hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Có nhiều lựa chọn điều trị để giúp bạn giảm đau lưng và quay trở lại hoạt động hàng ngày do đó việc bạn cần làm là đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin