Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Đau lưng dưới cảnh báo dấu hiệu bệnh gì?

Ngày 06/05/2024
Kích thước chữ

Đau lưng dưới thường là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề sức khỏe liên quan đến công việc. Đa số các cơn đau này xuất phát từ chấn thương như chuyển động đột ngột, bong gân hoặc tư thế không đúng khi nâng vật nặng. Vậy đau phần lưng dưới là dấu hiệu của bệnh gì?

Nhiều người thường nghĩ rằng cơn đau lưng dưới chỉ đơn giản là do làm việc quá sức, nếu nghỉ ngơi đủ thì sẽ hết đau. Tuy nhiên, không ít trường hợp đau này kéo dài liên tục và gây ra những tác động nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Nguyên nhân của cơn đau có thể do nhiều bệnh lý nguy hiểm và nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể phải đối mặt với các biến chứng không lường trước được.

Đau lưng dưới là gì?

Đau lưng dưới có thể phát sinh từ nhiều nguyên nhân như các vấn đề liên quan đến hệ thống gân cơ, dây chằng, đốt sống, đĩa đệm hoặc thần kinh. Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác không liên quan trực tiếp đến cột sống nhưng vẫn có thể gây đau ở vùng lưng dưới. Tùy thuộc vào mức độ và tần suất xuất hiện của cơn đau từ nhẹ đến nghiêm trọng mà người bệnh sẽ trải qua các biểu hiện khác nhau. Khi tình trạng đau trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nhiều người bệnh thường tìm đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Vùng cột sống thắt lưng (hay vùng lưng dưới) bao gồm 5 đốt sống từ L1 đến L5, cùng với hệ thống cơ, gân và dây chằng bao quanh. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ và duy trì độ cong tự nhiên của cơ thể. Ngoài ra, vị trí này còn là điểm truyền tín hiệu quan trọng từ não tới chân, giúp quá trình di chuyển của chúng ta trở nên mượt mà và linh hoạt như bước tiến, bước lùi hoặc di chuyển sang các hướng khác nhau.

Đau lưng dưới 1
Vùng cột sống thắt lưng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ cơ thể

Nguyên nhân gây ra đau phần lưng dưới

Đau lưng vùng dưới có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhìn chung, chúng có thể chia thành 4 nhóm chính là nguyên nhân cơ học, nguyên nhân viêm nhiễm, ung thư và đau do nguyên nhân ngoài cột sống.

Đau phần lưng dưới do nguyên nhân cơ học

Đau lưng dưới do nguyên nhân cơ học thường do các yếu tố như:

  • Thoái hóa cột sống thắt lưng: Đây là một bệnh lý xương khớp mạn tính, thoái hóa cột sống xảy ra do tình trạng thoái hóa đĩa đệm và các đốt sống, thường gặp ở người cao tuổi. Triệu chứng bao gồm đau âm ỉ vùng lưng dưới, đặc biệt khi thực hiện các động tác như cúi người, nâng vật nặng. Tình trạng này cũng có thể gây ra cảm giác tê bì và châm chích.
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Đây là tình trạng lớp nhân nhầy ở đĩa đệm tràn ra bên ngoài, chèn ép lên các dây thần kinh, gây đau. Việc chèn ép rễ thần kinh gây ra các triệu chứng như đau lan xuống mông, đùi, bắp chân. Trong một số trường hợp nặng, có thể gây chèn ép tủy sống, dẫn đến yếu chân và rối loạn tiểu tiện.
  • Hẹp ống sống: Hẹp ống sống là tình trạng mà ống sống bị thu hẹp, gây chèn ép lên tủy sống và rễ thần kinh. Đây là một vấn đề phổ biến ở những người trên 50 tuổi. Người mắc bệnh thường thấy đau ở vùng lưng dưới, tăng khi thực hiện các động tác như đi bộ lâu, cúi người hoặc nâng vật nặng. Đau có thể biến đổi từ âm ỉ đến cơn đau đột ngột và rồi biến mất nhanh chóng. Các triệu chứng khác có thể bao gồm cảm giác tê, đau bỏng rát ở mông, đùi và chân cùng với giảm cảm giác và yếu chân. Triệu chứng thường giảm khi người bệnh ngồi hoặc cúi người về phía trước, vì việc này có thể mở rộng không gian trong ống sống và giảm áp lực lên các dây thần kinh.
  • Loãng xương và gãy xương do loãng xương: Loãng xương là tình trạng giảm khối lượng và chất lượng của xương, dẫn đến giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương, thậm chí với chấn thương nhẹ. Thường xảy ra ở những người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau khi mãn kinh và người bị suy dinh dưỡng. Gãy xương đốt sống có thể là một biến chứng nguy hiểm của loãng xương và nguy cơ này tăng khi tình trạng loãng xương trở nên nặng hơn.
  • Đau thắt lưng không đặc hiệu: Thường xuất phát từ tình trạng căng cơ của các cơ bên cạnh cột sống mà không có bất kỳ bệnh lý cụ thể nào. Người mắc tình trạng này thường cảm thấy đau âm ỉ ở vùng lưng dưới, thường sau một chấn thương nhẹ hoặc khi thực hiện một động tác gây áp lực lên vùng lưng dưới.
  • Chấn thương cột sống: Chấn thương cột sống có thể xảy ra do tai nạn trong thể dục thể thao, vận động hoặc các hoạt động hàng ngày. Chấn thương này có thể gây ra đau lưng không đặc hiệu hoặc có thể nghiêm trọng hơn như thoát vị đĩa đệm hoặc gãy xương.
Đau lưng dưới 2
Chấn thương cột sống cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây đau lưng dưới

Đau lưng do nguyên nhân viêm và nhiễm trùng

Đau lưng vùng dưới do nguyên nhân viêm và nhiễm trùng thường do các yếu tố như:

  • Viêm cột sống dính khớp: Viêm cột sống dính khớp là một bệnh tự miễn, gây viêm kéo dài ở cột sống thắt lưng và các khớp liên quan. Thường xuất hiện ở nam giới trẻ (< 45 tuổi) nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến nữ giới. Triệu chứng thường bao gồm đau vùng mông và vùng lưng dưới, đặc biệt là vào buổi sáng và triệu chứng cứng cổ chuyển biến kéo dài.
  • Viêm thân sống đĩa đệm cột sống thắt lưng: Tình trạng này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào các đốt sống hoặc đĩa đệm cột sống thắt lưng, gây viêm và nhiễm trùng. Người mắc tình trạng này thường đau vùng lưng dưới và nặng hơn vào ban đêm hoặc khi nghỉ ngơi, kèm theo các triệu chứng nhiễm trùng như sốt cao, cảm giác mệt mỏi.

Đau phần lưng dưới do nguyên nhân ung thư

Ung thư di căn tới cột sống thắt lưng cũng có thể gây ra đau phần lưng dưới, đặc biệt ở những người lớn tuổi có tiền sử ung thư hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân. Cơn đau thường là đau âm ỉ, kéo dài, nặng hơn vào buổi tối hoặc khi nghỉ ngơi, có thể kèm theo triệu chứng chèn ép dây thần kinh.

Các bệnh không liên quan đến xương khớp

Đau lưng vùng dưới có thể bắt nguồn từ các nguyên nhân không liên quan đến xương khớp như:

  • Các vấn đề về thận: Sỏi thận hoặc sỏi niệu quản có thể gây ra đau ở vùng lưng dưới và hông, thường kèm theo triệu chứng tiểu tiện như tiểu lắt nhắt hoặc tiểu ra máu.
  • Viêm tụy: Tình trạng viêm tụy thường gây ra đau ở vùng thượng vị nhưng cũng có thể gây ra đau ở vùng lưng dưới, đặc biệt khi viêm đã tiến triển.
Đau lưng dưới 3
Sỏi thận hoặc sỏi niệu quản có thể gây ra đau ở vùng lưng dưới và hông

Đau lưng vùng dưới cảnh báo dấu hiệu bệnh gì?

Khi bị đau lưng phần dưới, nhiều người thường cho rằng đó chỉ là do hoạt động quá sức và sẽ tự khỏi sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, không nên xem nhẹ vấn đề này vì đau lưng dưới có thể là dấu hiệu của những bệnh nghiêm trọng.

Để đánh giá chính xác tình trạng của mình, cần quan sát vị trí và các triệu chứng thường gặp. Sự xuất hiện của đau lưng ở các vị trí khác nhau thường báo hiệu về các vấn đề khác nhau trong cơ thể.

Những người thường xuyên gặp phải đau lưng phần dưới cần phải cảnh giác với các bệnh liên quan đến thận, tiết niệu hoặc tuyến tụy. Điều này có thể là biểu hiện của viêm tuyến tụy, viêm đường tiểu hoặc bệnh sỏi thận. Những bệnh này đều có thể gây ra tác động nghiêm trọng đến sức khỏe.

Đau phần lưng dưới cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề liên quan đến xương khớp. Có thể là thoái hóa cột sống, đau dây thần kinh tọa hoặc viêm khớp cột sống, thậm chí là thoát vị đĩa đệm. Khi các dây thần kinh bị chèn ép, các cơn đau diễn ra dữ dội và hạn chế khả năng vận động.

Ngoài ra, phụ nữ cũng có thể cảm thấy đau ở phần dưới của lưng do bệnh lạc nội mạc tử cung, cùng với các triệu chứng đau nhức ở phần bụng và lưng. Đau lưng vùng dưới cũng có thể là kết quả của hội chứng kích thích ruột, một hiện tượng thường xảy ra khi hệ tiêu hóa gặp vấn đề.

Đau lưng phía dưới cũng có thể do tính chất công việc đòi hỏi phải ngồi lâu, một vấn đề phổ biến đối với đa số nhân viên văn phòng. Đối với thai phụ, đau lưng cũng có thể xuất phát từ trọng lượng của thai nhi gây áp lực lên phần dưới của lưng. Nếu đau kéo dài mà không thuyên giảm, việc kiểm tra sức khỏe bởi bác sĩ là điều cần thiết.

Đau lưng dưới 4
Đối với thai phụ, đau lưng cũng có thể xuất phát từ trọng lượng của thai nhi

Nhìn chung, khi gặp phải các triệu chứng đau lưng dưới thường xuyên, bạn không nên chủ quan. Tốt nhất là đến thăm khám bác sĩ để được kiểm tra và điều trị kịp thời. Đồng thời, đừng quên duy trì lịch tập thể dục và thể thao để tăng cường sức khỏe và sự linh hoạt cho cơ thể, từ đó giúp ngăn ngừa nguy cơ đau lưng nhé!

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin