Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau mạn tính là gì? Nguyên nhân và hướng điều trị

Ngày 12/06/2024
Kích thước chữ

Theo thống kê có hơn 1,5 tỷ người trên thế giới bị đau mạn tính. Đây là một vấn đề sức khỏe có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đời sống người bệnh. Đặc biệt, nếu không được kiểm soát kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tình trạng thương tật kéo dài, tác động xấu đến sức khỏe. Vậy đau mạn tính là gì? Nguyên nhân và hướng điều trị cụ thể ra sao?

Đau mạn tính là gì? Đau là một trong những triệu chứng phổ biến khiến nhiều bệnh nhân phải tìm đến bác sĩ. Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ nhỏ người bệnh tiến triển thành hội chứng đau mãn tính. Tình trạng này cũng là mối bận tâm lớn bởi có không ít người thường xuyên lạm dụng thuốc để điều trị, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.

Đau mạn tính là gì?

Đau là cảm giác khó chịu xuất hiện cùng thời điểm với các tổn thương mô tế bào. Mức độ đau nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào nhận thức chủ quan mỗi người. Đây cũng là dấu hiệu của bệnh cần được xác định nguyên nhân để chữa trị.

Đau mạn tính là gì? Nguyên nhân và hướng điều trị - 1
Đau mãn tính là cơn đau kéo dài hơn 3 tháng và có xu hướng tái đi tái lại

Vậy đau mạn tính là gì? Đau mãn tính là những cơn đau tái đi tái lại nhiều lần và kéo dài hơn 3 tháng. Nó có thể bắt đầu từ một cơn đau cấp tính nhưng thời gian kéo dài hơn dự tính. Đau mãn tính thường do nhiều yếu tố gây ra tuy nhiên nguyên nhân đau lại không rõ ràng. Bệnh nhân có thể bị đau liên tục hoặc ngắt quãng, cảm giác đau mơ hồ và có thể đau toàn thân với mức độ khác nhau ở mỗi vùng.

Đau mãn tính có thể dẫn đến các rối loạn tâm lý như: Trầm cảm, lo âu, thay đổi tính tình và gây ảnh hưởng đến hoạt động xã hội. Đặc biệt, những người bị đau mãn tính thường có giấc ngủ ngắn hơn cũng như chất lượng giấc ngủ kém, dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe.

Nguyên nhân đau mạn tính

Bên cạnh thắc mắc đau mạn tính là gì, nguyên nhân gây ra tình trạng này cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Như đã nói có rất nhiều yếu tố dẫn đến đau mạn tính và chúng được chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính bao gồm:

  • Đau do viêm: Xuất hiện do đau sau mổ, chấn thương, đau do bệnh gout, thoái hóa xương khớp, đau do viêm khớp, do viêm bàng quang kẽ, đau do viêm ruột mạn tính hay đau ở bệnh nhân ung thư
  • Đau do yếu tố thần kinh: Những tổn thương thần kinh có khả năng khiến tình trạng đau trở nên kéo dài và mức độ đau dữ dội hơn. Chúng bao gồm: Đau thần kinh liên sườn, đau thần kinh tọa, đau dây thần kinh số V, đau sau zona, đau do biến chứng thần kinh bệnh nhân đái tháo đường....
  • Đau không do viêm: Là những cơn đau đầu mãn tính, đau lưng mãn tính hay tình trạng đau cổ do bị co cơ…

Bên cạnh đó, một số trường hợp đau mãn tính khác có thể xuất phát từ hội chứng đau xơ cơ (Fibromyalgia) hoặc rối loạn suy nhược cơ thể. Béo phì cũng được xem là một nguyên nhân phổ biến gây mệt mỏi, đau kéo dài do thừa cân. Theo thống kê, tỷ lệ nữ giới bị đau mãn tính thường cao hơn so với nam giới.

Đau mạn tính là gì? Nguyên nhân và hướng điều trị - 2
Đau do yếu tố thần kinh cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đau mãn tính

Ai có nguy cơ cao gặp phải cơn đau mãn tính?

Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc phải đau mãn tính gồm:

  • Người lớn tuổi thường bị đau mãn tính do thoái hóa và các bệnh liên quan đến lão hóa.
  • Người mắc phải một số bệnh di truyền như đau nửa đầu có thể gây đau mãn tính.
  • Người Mỹ gốc Tây Ban Nha và gốc Phi có nguy cơ cao bị đau mãn tính hơn.
  • Người béo phì có sức khỏe kém nên dễ bị đau mãn tính do trọng lượng cơ thể gây áp lực lên các khớp và cơ.
  • Trẻ em bị chấn thương có thể dẫn đến đau mãn tính sau này.
  • Người mắc bệnh tâm thần, trầm cảm hoặc lo âu cũng có nguy cơ cao gặp các cơn đau mãn tính.
  • Đối tượng có cấu trúc não bất thường, xuất hiện quá nhiều thụ thể đau làm giảm khả năng chịu đựng các cơn đau.
  • Người làm công việc nặng nhọc, đòi hỏi phải nâng, hạ vật nặng có thể tăng nguy cơ đau mãn tính.
  • Người hút thuốc có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý gây đau và giảm khả năng đáp ứng với các phương pháp giảm đau.

Chẩn đoán đau mạn tính

Đau mãn tính thường xuất phát từ các cơ quan nội tạng, khiến việc xác định nguyên nhân trở nên khó khăn hơn so với đau do các nguyên nhân bên ngoài. Khả năng chịu đau của người bệnh cũng làm cho việc chẩn đoán trở nên phức tạp hơn. Bác sĩ sẽ dựa vào mô tả của bệnh nhân về cơn đau để đánh giá và tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất.

Mô tả chi tiết của bệnh nhân về cơn đau là vô cùng quan trọng, giúp bác sĩ đánh giá mức độ và tính chất của cơn đau, từ đó xác định hướng điều trị phù hợp. Điều trị đau mãn tính yêu cầu sự hợp tác của một đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp và bệnh nhân cần thường xuyên liên hệ với họ trong suốt quá trình điều trị để đạt hiệu quả tốt nhất. Sự hỗ trợ từ gia đình, người thân và bạn bè cũng là một phần quan trọng trong quá trình này.

Bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ về các vấn đề ảnh hưởng đến cơn đau, chẳng hạn như việc tập thể dục hay các hoạt động hàng ngày. Một trong những phương pháp hiệu quả để đánh giá tiến triển là xem xét liệu người bệnh có thể thực hiện các hoạt động mà trước đây không thể làm do đau hay không.

Đau mạn tính là gì? Nguyên nhân và hướng điều trị - 2
Xét nghiệm máu là một trong nhiều thủ thuật dùng để chẩn đoán đau mạn tính

Bác sĩ cũng sẽ thực hiện khám lâm sàng và có thể yêu cầu các xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm máu;
  • Chụp X-quang;
  • Chụp CT hoặc CAT;
  • Chụp MRI;
  • Chụp cột sống;
  • Chụp hình tủy sống;
  • Điện cơ (EMG);
  • Xạ hình xương;
  • Siêu âm.

Những kỹ thuật này giúp ích rất nhiều cho việc xác định nguyên nhân gây đau và hỗ trợ xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả.

Điều trị đau mạn tính

Sau khi biết đau mạn tính là gì, nhiều người bệnh cũng mong muốn tìm hiểu về cách điều trị để cải thiện sớm tình trạng này. Đau mãn tính có nhiều nguyên nhân, do đó người bệnh cần được khám kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện về thể trạng và tâm lý. Xác định nguyên nhân gốc rễ là yếu tố quan trọng trong việc điều trị và việc điều trị được cá nhân hóa để phù hợp với từng bệnh nhân.

Những người bị đau mãn tính thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý, nên cần điều trị cả cơn đau lẫn bệnh lý gây ra đau. Do đó mục tiêu điều trị chính là giảm cường độ đau và giảm tái phát cơn đau. Các phương pháp điều trị cụ thể gồm:

Điều trị đau không do viêm

  • Mức độ nhẹ: Không cần dùng thuốc, sử dụng các phương pháp như: Vật lý trị liệu, tập yoga, thư giãn.
  • Mức độ trung bình và nặng: Sử dụng thuốc paracetamol kết hợp với các phương pháp không dùng thuốc.
Đau mạn tính là gì? Nguyên nhân và hướng điều trị - 3
Vật lý trị liệu áp dụng cho điều trị đau mạn tính mức độ nhẹ

Điều trị đau do viêm

  • Mức độ nhẹ: Dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) như mobic, diclofenac, aspirin.
  • Mức độ nặng: Sử dụng thuốc giảm đau gây nghiện nhóm opioid (morphin và các loại cùng nhóm).

Đau mãn tính do nguyên nhân thần kinh

Bệnh nhận được chỉ định dùng các thuốc giảm đau thần kinh như thuốc chống trầm cảm (paroxetine, amitriptyline) và nhóm thuốc chống động kinh (depakine).

Điều trị đau sau phẫu thuật

Với người bệnh đau mãn tính sau phẫu thuật, việc điều trị đau cần kết hợp với điều trị phục hồi tổn thương. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi, vận động đúng cách. Có thể sử dụng thuốc giảm đau nhưng hạn chế tối đa dùng các nhóm thuốc gây nghiện. Để kiểm soát cơn đau tốt hơn, một số biện pháp không dùng thuốc được khuyến khích bao gồm:

  • Châm cứu hỗ trợ giải phóng adenosine ở vùng bị đau giúp cải thiện cơn đau.
  • Vận động, tập thể dục, đi bộ 30 phút mỗi ngày giúp não sản sinh endorphin có tác dụng giảm đau tự nhiên.
  • Ngủ đủ giấc bởi giấc ngủ là cách tự nhiên để điều trị đau.
  • Hít thở sâu bằng cách đặt tay lên bụng, hít thở chậm và sâu để cải thiện cơn đau.
  • Thay đổi chế độ ăn, hạn chế thực phẩm gây kích thích cơn đau như: Phô mai, sữa, thịt mỡ và rượu vang đỏ.
Đau mạn tính là gì? Nguyên nhân và hướng điều trị - 4
Châm cứu là phương pháp thường được sử dụng điều trị đau mãn tính sau phẫu thuật

Đau mãn tính có thể bắt gặp ở mọi đối tượng, nhưng phổ biến nhất là người lớn tuổi. Hầu hết người bệnh phải chịu đựng những cơn đau này trong thời gian dài mà không biết cách cải thiện ra sao. Những thông tin trên đây hy vọng của Long Châu có thể giúp bạn hiểu thêm về tình trạng này và có hướng xử lý kịp thời. Điều quan trọng là tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ cùng với duy trì các liệu pháp hỗ trợ.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin