Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Đầy hơi đau quặn bụng nguyên nhân và cách phòng ngừa

Ngày 10/01/2024
Kích thước chữ

Đầy hơi có thể phát sinh do việc ăn nhanh và quá nhiều, đặc biệt là khi tiêu thụ thực phẩm khó tiêu hoặc do chế độ ăn uống không được kiểm soát hay do ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, nếu tình trạng đầy hơi đi kèm với các triệu chứng như: Đau quặn bụng, tiêu chảy, buồn nôn, ... bạn nên đến thăm bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa ngay lập tức, vì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng. Thông tin dưới đây của nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn hiểu thêm về tình trạng đầy hơi đau quặn bụng, nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa.

Cảm giác đầy hơi đau quặn bụng có thể xuất phát từ các vấn đề hay gặp ở đường tiêu hóa, trong trường hợp này, không có gì đáng lo ngại và việc điều chỉnh chế độ ăn uống có thể giúp giảm bớt triệu chứng.

Thế nào là đầy hơi chướng bụng?

Chướng bụng đầy hơi là tình trạng mà khí (gas) tích tụ trong dạ dày và ruột, khiến cho cảm giác bụng đầy, căng bụng, đôi khi có thể làm bụng trở nên sưng lên.

Nguyên nhân của tình trạng này thường xuất phát từ việc nuốt nhiều không khí khi ăn hoặc do khí sinh ra trong quá trình tiêu hóa thực phẩm. Cảm giác chướng bụng đầy hơi có thể xuất hiện một hoặc nhiều lần trong ngày.

Đầy hơi đau quặn bụng nguyên nhân và cách phòng ngừa
Đầy hơi chướng bụng có thể khiến bụng bị sưng lên

Phần lớn người mô tả chướng bụng đầy hơi làm họ cảm thấy không thoải mái và khó chịu ở khu vực bụng, thậm chí có thể là cảm giác bụng căng, cứng bụng, xì hơi, ợ nóng thường xuyên, hoặc ợ hơi và bụng có thể trở nên nổi lên. Đôi khi, có thể xuất hiện cảm giác đau quặn và nôn mửa nếu có tắc nghẽn ở ruột, làm cho thức ăn và khí bị ứ nhiều trong ruột.

Một số bệnh lý liên quan đến tình trạng đầy hơi đau quặn bụng

  • Các bệnh liên quan đến ruột non: Ví dụ như: Viêm ruột, lồng ruột,... tình trạng đầy hơi đau quặn bụng xuất hiện đi kèm với triệu chứng tiêu chảy và nôn ói.
  • Các bệnh ruột thừa: Thường xuất hiện đau quặn bụng ở vùng dưới phải, cùng với nôn ói, sốt, và tiêu chảy điển hình là bệnh viêm ruột thừa.
  • Các bệnh ruột già: Ví dụ như: Viêm túi thừa, viêm đại tràng, bệnh viêm ruột Crohn các bệnh này gây ra các triệu chứng như: Đau quặn bụng, nôn ói, sốt, và tiêu chảy.
  • Đau thận: Nếu người bệnh mắc sỏi thận hay khối u ở thận có thể gây đau quặn bụng, đồng thời kèm theo buồn nôn, bí tiểu, hoặc tiểu ra máu.
  • Các bệnh về dạ dày: Hai bệnh lý viêm dạ dày và loét dạ dày thường được xem là nguyên nhân của chứng đầy hơi đau quặn bụng, đi kèm với cảm giác khó chịu.
Đầy hơi đau quặn bụng nguyên nhân và cách phòng ngừa 1
Các bệnh về dạ dày có thể kéo theo tình trạng đầy hơi đau quặn bụng

Các nguyên nhân gây đầy hơi và đau quặn bụng

  • Nguyên nhân từ niệu quản: Sỏi, nhiễm trùng, u niệu quản là các tình trạng có thể gây tắc nghẽn trong niệu quản, dẫn đến đau bụng, khó tiểu, và tiểu ra máu.
  • Nguyên nhân từ đường mật: Viêm túi mật, u túi mật, loét túi mật, nhiễm trùng đường mật, sỏi túi mật thường kéo theo đau quặn bụng và nôn.
  • Nguyên nhân từ vùng chậu và bụng dưới: Điển hình nhiễm trùng vòi trứng có thể làm co thắt vòi trứng và dẫn đến cơn đau ở phần vùng chậu.
  • Nguyên nhân từ tử cung: Viêm và nhiễm trùng buồng tử cung có thể dẫn đến cơn đau co thắt ở bụng, sốt và chảy máu âm đạo bất thường.
  • Nguyên nhân từ buồng trứng: Tình trạng xoắn buồng trứng hoặc có u trong buồng trứng có thể gây đau quặn, nôn ói, và sốt.
  • Đau quặn bụng không đặc hiệu: Các vấn đề như: Rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày tá tràng... cũng là một số nguyên nhân khác gây đầy hơi đau quặn bụng mà không có triệu chứng đặc hiệu.
Đầy hơi đau quặn bụng nguyên nhân và cách phòng ngừa 2
Niệu quản bị nhiễm trùng cũng có thể là nguyên nhân khiến đầy hơi đau quặn bụng

Yếu tố làm tăng nguy cơ bị đầy hơi

Những yếu tố có thể tăng nguy cơ mắc phải tình trạng đầy hơi bao gồm:

  • Chế độ ăn uống: Sử dụng thực phẩm giàu chất xơ như: Trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt từ cây đậu có thể làm tăng nguy cơ bị đầy hơi.
  • Khả năng tiêu hóa lactose hoặc gluten: Nếu cơ thể không thể xử lý lactose (có trong sữa và các sản phẩm từ sữa) hoặc gluten (có trong lúa mì như: Mì ống và bánh mì), đây cũng là một yếu tố có thể gây ra đầy hơi.
  • Lối sống ít vận động: Sự thiếu hoạt động và lối sống tĩnh tại có thể làm chậm quá trình hoạt động của hệ tiêu hóa, đặc biệt là nhu động ruột giảm.
  • Bệnh lý như: GERD hoặc IBS: Đầy hơi có thể là một triệu chứng xuất hiện ở người mắc bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc hội chứng ruột kích thích (IBS). Đối với một số trường hợp, đầy hơi còn có thể đi kèm với cảm giác nóng rát vùng ngực hoặc rốn.

Nên làm gì khi xuất hiện tình trạng đầy hơi đau quặn bụng?

Khi xuất hiện triệu chứng đầy hơi đau quặn bụng, bạn nên thăm bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám và tiến hành các xét nghiệm cần thiết nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh. Dựa trên kết quả này, bác sĩ có thể lập kế hoạch điều trị phù hợp và kịp thời cho từng trường hợp cụ thể.

Không nên tự ý áp dụng các loại thuốc điều trị đau bụng mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Tự ý mua thuốc có thể không chỉ không giải quyết vấn đề mà còn làm gia tăng nguy cơ tự nhiên của bệnh.

Ngoài ra, việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống là quan trọng để hỗ trợ quá trình điều trị. Tránh những thói quen không tốt cho sức khỏe như: Ăn quá mức đồ nhiều dầu mỡ, tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh và chế biến sẵn, uống nhiều nước ngọt, và sử dụng các đồ uống có chất kích thích. Điều này giúp tạo ra một môi trường tốt cho quá trình chữa trị và giảm nguy cơ bệnh tái phát.

Đầy hơi đau quặn bụng nguyên nhân và cách phòng ngừa 3
Bác sĩ sẽ xác định tình trạng đầy hơi đau quặn bụng và đưa ra hướng xử lý đúng đắn

Cách phòng ngừa tình trạng đầy hơi

Phòng ngừa hiệu quả chứng đầy hơi có thể được thực hiện thông qua những giải pháp sau đây:

  • Bổ sung chất xơ đủ và đều đặn trong chế độ ăn hàng ngày: Chất xơ giúp làm sạch hệ thống tiêu hóa, đặc biệt là chất thải men bị mắc kẹt bên trong. Đồng thời, chất này còn có tác dụng cung cấp nước cho cơ thể, giúp cảm giác no nhanh để kiểm soát lượng thức ăn hằng ngày. Chất xơ cũng có thể hoạt động như: Prebiotic, nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong ruột.
  • Uống đủ nước: Bổ sung đủ nước kích thích động ruột, duy trì thức ăn ở dạng mềm vừa phải, ngăn chặn chứng khó tiêu và đầy hơi một cách hiệu quả.
  • Tập thể dục đều đặn: Thói quen này có tác dụng củng cố sức khỏe tổng thể và hệ tiêu hóa, ngăn chặn hiện tượng giữ nước và khí trong ruột, hỗ trợ chống chứng đầy hơi.
  • Tránh thực phẩm chế biến sẵn, ít chất xơ, nhiều muối và chất béo: Các thực phẩm này dễ gây đầy hơi và khó tiêu.
  • Duy trì thói quen ăn uống đúng cách: Ăn chậm, nhai kỹ, ăn đủ no và tránh ăn quá mức.
  • Từ bỏ thói quen uống rượu, bia, nước ngọt, và hút thuốc lá: Những thói quen này có thể tăng nguy cơ chứng đầy hơi và tăng cường sự không thoải mái trong hệ tiêu hóa.

Tóm lại, tình trạng đầy hơi đau quặn bụng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm, do đó, bạn không nên xem nhẹ tình trạng này. Để đạt kết quả chẩn đoán chính xác và khoa học hãy tìm đến các bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị đúng đắn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin