Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Giác mạc dải băng là gì? Dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân gây bệnh

Ngày 26/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh lý giác mạc dải băng là một hội chứng tiến triển từ tình trạng tích tụ quá nhiều canxi trong mắt, đặc trưng bởi một dải màu xám lắng đọng ngang qua giác mạc. Bệnh giác mạc dải băng gây cản trở khả năng nhìn, tăng nguy cơ biến chứng thành các bệnh về mắt khác.

Tình trạng giác mạc dải băng khiến giác mạc xuất hiện dải màu xám với các hạt li ti làm tăng nguy cơ xước giác mạc khi đạt đến kích thước nhất định. Tình trạng này nếu không tiến hành điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng bất lợi cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe giác mạc.

Thế nào là bệnh giác mạc dải băng?

Tình trạng giác mạc dải băng là thuật ngữ chỉ hiện tượng muối canxi bị lắng đọng trong lớp dưới của biểu mô và tại phần nước màng Bowman ở mắt. Tổn thương thường xuất phát từ vùng giác mạc cạnh rìa khe mi với phần lắng đọng các tinh thể canxi dưới biểu mô có ranh giới tương đối sắc nét.

Giác mạc dải băng là gì? Dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân gây bệnh 1
Giác mạc dải băng là tình trạng lắng đọng các tinh thể canxi ở mắt

Theo thời gian những tinh thể canxi lắng đọng sẽ tiến sâu hơn vào giác mạc tạo thành những dải băng vắt ngang qua trung tâm giác mạc, nằm ở giữa phần vôi hóa trắng rồi hình thành nên những lỗ nhỏ trong suốt hoặc đôi lúc là những khe nứt rất nhỏ. Khi những tinh thể li ti này lắng đọng và phát triển đến kích thước nhất định sẽ hình thành nên những hạt gồ lên làm xước giác mạc. Đây chính là tình trạng giác mạc dải băng.

Đối với bệnh nhân bị giác mạc dải băng thì tiên lượng điều trị tốt nhất là khi tình trạng lắng đọng tinh thể trong mắt cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên việc này chỉ giúp loại bỏ cặn canxi nên không đủ để điều trị bệnh, giác mạc dải băng có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu các vấn đề gây gia tăng nồng độ canxi trong cơ thể không được xử lý một cách triệt để.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng giác mạc dải băng

Một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết tình trạng giác mạc dải băng sớm bao gồm:

  • Nhìn mờ;
  • Cảm giác đau nhức mắt khi các hạt canxi vỡ ra hoặc làm trầy xước giác mạc;
  • Cảm giác như có sạn trong mắt hoặc bụi gây kích ứng khó chịu;
  • Hiện tượng sợ ánh sáng;
  • Mắt bị đỏ bất thường;
  • Người bệnh nhìn thấy được những mảng, dải màu xám bạc, mờ đục trước mắt.
Giác mạc dải băng là gì? Dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân gây bệnh 2
Mắt đỏ bất thường - Dấu hiệu cảnh báo bệnh giác mạc dải băng

Nguyên nhân dẫn đến bệnh giác mạc dải băng

Một người bị bệnh giác mạc dải băng thường bắt nguồn từ việc nồng độ canxi trong cơ thể bị mất cân bằng, nồng độ canxi tăng hơn so với thông thường. Có rất nhiều nguyên nhân tác động đến nguy cơ gây bệnh giác mạc dải băng bao gồm các bệnh về mắt và cả các bệnh lý toàn thân.

Bệnh lý về mắt gây giác mạc dải băng

Bệnh lý về mắt dẫn đến tình trạng giác mạc dải băng bao gồm:

  • Bệnh Glocom: Hay còn gọi là bệnh tăng nhãn áp, bệnh cườm nước, đây là tình trạng liên quan đến những tổn thương thần kinh thị giác, thậm chí có thể gây mù lòa.
  • Bệnh Keratoconjunctivitis: Tình trạng viêm giác mạc và viêm kết mạc nói chung.
  • Viêm màng bồ đào: Đây là tình trạng viêm một trong ba hoặc có thể là cả ba phần của bồ đào bao gồm mống mắt, thể mi và hắc mạch. Bệnh viêm màng bồ đào có thể do nhiều nguyên nhân phức tạp như đan chéo nhau và có thể tăng nguy cơ mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
  • Bệnh Phthisis bulbi: Đây là tình trạng tổn thương mắt nặng làm mắt teo lại và không thể hoạt động được do bệnh lý hoặc chấn thương.
  • Chấn thương mắt: Việc chấn thương mắt làm tăng nguy cơ giác mạc dải băng và một số vấn đề về mắt khác.
Giác mạc dải băng là gì? Dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân gây bệnh 3
Chấn thương mắt làm tăng nguy cơ gây bệnh giác mạc dải băng

Rối loạn hệ thống miễn dịch

Ngoài các bệnh về mắt thì tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch cũng là một phần gây nên tình trạng giác mạc dải băng, cụ thể là:

  • Bệnh Sarcoidosis: Bệnh lý viêm thường tác động xấu đến phổi của bệnh nhân nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác bao gồm cả mắt.
  • Lupus ban đỏ dạng đĩa: Bệnh lupus ban đỏ khiến những mảng da dày lên và viêm hình tròn xuất hiện trên mặt hoặc tai của bệnh nhân.
  • Viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên: Bệnh lý gây ảnh hưởng đến đến bất kỳ khớp nào trên cơ thể người bệnh và ảnh hưởng đến thị lực, trong đó có cả bệnh giác mạc dải băng.

Tăng canxi máu gây giác mạc dải băng

Ở một số trường hợp tăng canxi máu có nguy cơ giác mạc dải băng cao hơn, cụ thể là các bệnh lý như:

  • Cường tuyến cận giáp: Bệnh lý khiến nồng độ hormone tuyến cận giáp trong máu hoạt động mạnh hơn, từ đó khiến lượng canxi trong cơ thể tăng lên vượt quá ngưỡng cho phép.
  • Lạm dụng sản phẩm bổ sung vitamin D: Trường hợp này có thể dẫn đến nhiễm độc và dư thừa canxi trong máu gây bệnh giác mạc dải băng.
  • Bệnh Paget: Tình trạng rối loạn bất thường trong cấu trúc xương, có thể xuất hiện ở bất cứ vùng xương nào trên cơ thể.

Nguyên nhân khác

Bên cạnh những nguyên nhân cụ thể nêu trên thì một số trường hợp giác mạc dải băng còn do tác động của:

  • Đa u tủy: Bệnh ung thư máu hiếm gặp nhưng lại tác động đến mắt, cụ thể là bệnh giác mạc dải băng.
  • Bệnh vảy cá: Bao gồm hơn 20 phân loại và gây nhiều biến chứng.
  • Bệnh thận giai đoạn cuối: Giai đoạn thận không còn khả năng lọc máu cho cơ thể làm tăng nồng độ canxi và gián tiếp dẫn đến bệnh giác mạc dải băng.
  • Tiếp xúc với hóa chất thời gian dài: Đây cũng là một trong những yếu tố gây bệnh giác mạc dải băng.
  • Bệnh gút: Tình trạng viêm khớp có liên quan mật thiết đến các tinh thể axit uric trong cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc bệnh giác mạc dải băng.
Giác mạc dải băng là gì? Dấu hiệu nhận biết và nguyên nhân gây bệnh 4
Bệnh nhân bị gút có nguy cơ bị giác mạc dải băng cao

Cách điều trị tình trạng giác mạc dải băng

Phương án điều trị giác mạc dải băng phổ biến hàng đầu hiện nay là phương pháp Chelation. Đây là phương pháp giúp loại bỏ độc tố cũng như kim loại nặng, trong trường hợp mắc bệnh giác mạc dải băng là loại bỏ phần nào canxi dư thừa trong cơ thể thông qua việc tiêm EDTA – chất chống oxy hóa mạnh vào tĩnh mạch bệnh nhân.

Sau khi tiêm hoạt chất này bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật có sử dụng tia laser để loại bỏ những mảnh canxi còn bám đọng trên giác mạc. Phương pháp này được thực hiện như một quy trình điều trị ngoại trú và bệnh nhân giác mạc dải băng có thể ra về ngay trong ngày mà không cần nằm viện.

Tuy vậy người bệnh cũng cần chú ý giữ gìn và bảo vệ mắt cẩn thận trong 2 tuần đầu chữa trị. Với các trường hợp dải băng giác mạc bị gây ra bởi bệnh lý khác thì bác sĩ sẽ tiến hành điều trị đồng thời, kết hợp nhiều phương pháp để cải thiện triệt để nguyên nhân gây bệnh.

Mong rằng thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu thêm về bệnh lý giác mạc dải băng, bao gồm dấu hiệu, nguyên nhân và cách chữa bệnh. Nếu nghi ngờ bị giác mạc dải băng bạn cần đến bệnh viện và tiến hành thăm khám, điều trị càng sớm càng tốt nhằm hạn chế tối đa biến chứng không mong muốn đối với thị lực.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm