Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Giải đáp thắc mắc: Vì sao cơ thể nóng vào ban đêm?

Ngày 03/11/2023
Kích thước chữ

Cơ thể nóng vào ban đêm không phải là vấn đề quá nguy hiểm nhưng nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe. Hiện tượng cơ thể nóng vào ban đêm có thể bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều gây ra những bức bối, khó chịu cho mọi người.

Cơ thể nóng vào ban đêm khiến nhiều người phải tỉnh giấc vì cảm giác khó chịu, nóng bức, đổ mồ hôi thậm chí là mất ngủ. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu thông qua nội dung sau. 

Nguyên nhân khiến cơ thể nóng vào ban đêm

Nóng trong người

Tình trạng nóng trong người hay còn được gọi là nội nhiệt. Đây là nguyên nhân khiến nhiều người bốc hỏa đặc biệt là khiến cơ thể nóng vào ban đêm thường xuyên. Nóng trong người có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu tình trạng này là do lối sống chưa lành mạnh và gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe.

Căng thẳng lo âu

Khi bạn gặp căng thẳng, lo âu về vấn đề nào đó thì cơ thể sẽ có một vài phản ứng như đỏ bừng mặt, ra mồ hôi ở chân hoặc tay và cảm thấy nóng hơn bình thường. Đặc biệt nếu bạn cảm thấy căng thẳng trước khi đi ngủ thì sẽ dễ khiến cơ thể nóng vào ban đêm. Nên nếu tình trạng căng thẳng này ảnh hưởng đến cuộc sống thì bạn cần tập cân bằng cảm xúc hoặc thăm khám để được hỗ trợ về tâm lý.

Giải đáp thắc mắc: Vì sao cơ thể nóng vào ban đêm 1
Căng thẳng có thể khiến bạn bị nóng trong người 

Do tác dụng phụ của một số loại thuốc

Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ làm cho cơ thể của bạn nóng hơn bình thường. Nếu như bạn gặp phải tình trạng cơ thể nóng vào ban đêm khi sử dụng các loại thuốc sau đây thì bạn có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn điều chỉnh hoặc thay đổi loại thuốc khác:

  • Thuốc giảm đau;
  • Thuốc điều trị tim mạch, huyết áp;
  • Thuốc về đường tiêu hóa;
  • Thuốc điều trị bệnh lý thần kinh;
  • Thuốc điều trị bệnh phổi;
  • Thuốc điều trị nhiễm khuẩn, thuốc kháng vi-rút;
  • Thuốc ức chế miễn dịch;
  • Thuốc tăng cường nội tiết tố.

Mắc một số bệnh lý

Một số bệnh lý sau cũng có thể khiến thân nhiệt của bạn tăng cao, đặc biệt là vào ban đêm:

  • Đau cơ xơ hóa: Là căn bệnh mãn tính khiến người bệnh đau khắp cơ và tác động đến nhiệt độ cơ thể khiến người bệnh cảm thấy nóng hơn bình thường.
  • Bệnh đa xơ cứng: Gây ra nhiều triệu chứng đột phát như tăng thân nhiệt.
  • Bệnh tiểu đường: Căn bệnh này gây ra những tổn thương mạch máu và dây thần kinh, ảnh hưởng đến tuyến mồ hôi khiến cơ thể không đạt hiệu quả làm mát như bình thường, gây ra tình trạng thân nhiệt tăng.
  • Cường giáp: Đây là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức và khiến người bệnh cảm thấy nóng hơn do ảnh hưởng đến cơ chế điều chỉnh nhiệt độ.
  • Bị sốt: Cơ thể nóng vào ban đêm cũng có thể là bạn đang bị sốt. Hãy kiểm tra lại bằng cặp nhiệt độ để biết chính xác nhé.
  • Anhidrosis: Đây là tình trạng cơ thể không thể đổ mồ hôi khiến cho cơ thể nóng lên bất thường.

Tiền mãn kinh

Thời kỳ tiền mãn kinh có thể gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể của phụ nữ. Trong đó, tình trạng bốc hỏa, nóng trong là ảnh hưởng rõ rệt nhất. Nếu bạn là phụ nữ đang trong độ tuổi tiền mãn kinh mà gặp tình trạng cơ thể nóng vào ban đêm kéo dài gây ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe thì bạn có thể đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị. 

Giải đáp thắc mắc: Vì sao cơ thể nóng vào ban đêm 2
Cơ thể nóng vào ban đêm có thể là dấu hiệu tiền mãn kinh

Những ảnh hưởng sức khỏe khi cơ thể nóng vào ban đêm kéo dài

Ban đêm là thời gian cơ thể nghỉ ngơi sau một ngày hoạt động. Tuy nhiên nếu như lúc nào bạn cũng cảm thấy nóng bức từ bên trong cơ thể, mồ hôi ra nhiều cho dù bạn có nằm trong căn phòng mát mẻ thì tình trạng này cũng gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Có thể thấy việc cơ thể nóng vào ban đêm sẽ khiến bạn khó ngủ hơn rất nhiều, bạn trằn trọc tỉnh dậy vì nóng và thậm chí không thể ngủ lại. Tỉnh giấc vào ban đêm nhiều lần hay mất ngủ có thể khiến cơ thể của bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi, lờ đờ, không tỉnh táo. Thiếu ngủ do nóng trong người có thể khiến bạn đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật như tăng huyết áp, tiểu đường, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ,…

Cơ thể nóng vào ban đêm nếu kéo dài gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe, nên ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường này, bạn cần chú ý tìm hiểu nguyên nhân hoặc đến bệnh viện thăm khám để được các y bác sĩ hỗ trợ.

Giải đáp thắc mắc: Vì sao cơ thể nóng vào ban đêm 3
Thiếu ngủ do nóng trong người có thể gây đột quỵ

Giải pháp cho tình trạng cơ thể nóng vào ban đêm

Thăm khám, điều trị bệnh lý

Với các nguyên nhân khiến cơ thể bị nóng vào ban đêm như bệnh lý hay tác dụng phụ của thuốc, bạn nên đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ tư vấn. Nếu do tác dụng phụ của thuốc, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc khác hoặc thay đổi liều lượng phù hợp hoặc đưa ra tư vấn thích hợp cho bạn.

Còn nếu nguyên nhân do bệnh lý thì bạn cần phối hợp để điều trị bệnh. Khi các bệnh lý này thuyên giảm thì tình trạng nóng trong người của bạn cũng sẽ được cải thiện dần dần.

Bổ sung dinh dưỡng và có chế độ sống khoa học

Một chế độ ăn với các thực phẩm làm mát cơ thể cũng sẽ giúp bạn giảm thiểu được tình trạng nóng trong người vào ban đêm. Bạn nên thêm các loại thực phẩm thanh nhiệt giải độc vào trong chế độ ăn của mình như rau má, dưa chuột, bí đao, mướp đắng,… Bên cạnh đó, bạn còn cần bổ sung các loại vitamin cần thiết cho cơ thể thông qua các loại hoa quả như cam, đu đủ, nước dừa, bưởi,… Các loại hoa quả này không chỉ giúp làm mát cơ thể mà còn có tác dụng giải khát hiệu quả.

Giải đáp thắc mắc: Vì sao cơ thể nóng vào ban đêm 4
Ăn nhiều rau củ giúp hạn chế tình trạng cơ thể nóng vào ban đêm

Ngoài việc nạp vào cơ thể các loại thực phẩm bổ dưỡng, bạn cũng nên hạn chế ăn đồ cay nóng, chiên xào dầu mỡ thường xuyên. Các món ăn này nếu ăn nhiều có thể khiến cơ thể bạn bị nóng trong, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Nếu cơ thể nóng vào ban đêm thì bạn nên điều chỉnh lại chế độ sống, hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc, thường xuyên vận động để điều hòa lại cơ thể, tránh tích tụ độc tố. Nếu bạn áp dụng lối sống khoa học, ăn uống phù hợp thì sẽ giúp hạn chế được những ảnh hưởng của nóng trong, thậm chí là khiến nó rời xa bạn.

Trên đây là những giải đáp của Nhà thuốc Long Châu về tình trạng cơ thể nóng vào ban đêm. Nếu bạn đang gặp tình trạng này thì hãy thử xem các nguyên nhân trên có đúng với bạn hay không. Và điều quan trọng nhất bạn nên đến bệnh viện để được khám và xác định chính xác nguyên nhân cũng như nhận lời khuyên về phương án điều trị phù hợp. 

Xem thêm: Những biểu hiện nóng trong người cảnh báo nguy cơ bệnh tật

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin