Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Góc giải đáp: Người lớn bị sốt virus có nên truyền nước không?

Ngày 10/10/2023
Kích thước chữ

Hiện nay, virus gây ra bệnh sốt virus có sự khác nhau về chủng cũng như về loại. Sốt virus xảy ra quanh năm và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nhiều người chọn cách đi truyền nước khi bị sốt virus với mong muốn mau chóng khỏi bệnh. Tuy nhiên, người lớn bị sốt virus có nên truyền nước không? Điều trị sốt virus như thế nào là đúng cách?

Sốt virus hay còn gọi là sốt siêu vi, là bệnh lý xảy ra do nhiều loại virus gây ra, nhất là virus đường hô hấp. Với người lớn, diễn biến của sốt virus thường nhẹ và có thể khỏi sau 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, nhiều người với mong muốn cơ thể mau phục hồi đã chọn đi truyền dịch. Vậy người lớn bị sốt virus có nên truyền nước không?

Biểu hiện sốt virus ở người lớn

Trước khi tìm hiểu vấn đề sốt virus có nên truyền nước không, mời bạn đọc cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về các biểu hiện của sốt virus ở người lớn nhé!

Theo đó, sốt virus là bệnh lý nhiễm phải virus cấp tính xảy ra trên đường hô hấp và được gây ra chủ yếu bởi virus cúm Influenza Virus, thuộc chủng virus Orthomyxoviridae.

Sốt virus ở người lớn thường diễn tiến tương đối nhẹ và có thể tự khỏi sau 2 - 4 ngày. Tuy nhiên, với những người có sức đề kháng quá yếu dễ mắc phải bệnh lý mãn tính nên khi bị cúm thường sốt cao trên 39 độ C và bệnh diễn tiến nặng hơn, gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa…

Hầu hết các cơn bệnh cảm cúm và sốt virus đều sẽ có những triệu chứng điển hình như sau:

  • Mệt mỏi: Đây là một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt virus ở người lớn. Bởi khi bị bệnh, virus sẽ làm rối loạn cân bằng sinh học trong cơ thể của người bệnh và gây ra mệt mỏi.
  • Đau nhức người: Khi thân nhiệt tăng cao, mệt mỏi thì cơ thể của người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng đau nhức, đặc biệt là các cơ. Hiện tượng này sẽ kéo dài trong suốt thời gian mắc bệnh, gây ra nhiều khó chịu cho bệnh nhân.
  • Sốt: Tình trạng sốt của người bệnh là nhẹ hay nặng sẽ phụ thuộc vào sức đề kháng của mỗi người. Khi sức đề kháng của cơ thể kém hoặc mật độ virus tấn công quá mạnh mẽ, khiến cơ thể bị nhiễm trùng nặng thì bệnh nhân sốt rất cao, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
  • Ngạt mũi, chảy nước mũi: Khi nhiễm trùng, virus sẽ gây cảm giác bị lạnh từ bên trong, dẫn đến tình trạng ho rất nhiều và chảy nước mũi. Nếu không hạn chế tiếp xúc, cơn ho của người bệnh sẽ phát tán ra hàng triệu virus cúm và gây bệnh cho những người xung quanh. Ngoài ra, tình trạng ngạt mũi cũng diễn ra, dẫn đến khó thở.
  • Nhức đầu: Sốt và đau nhức cơ thể khi bị cúm sẽ dẫn đến tình trạng nhức đầu. Người bệnh hạn chế nhức đầu bằng cách uống thuốc giảm đau, tránh căng thẳng và nghỉ ngơi nhiều hơn.
  • Khó chịu ở mắt: Cảm giác đau nhức, nóng rát ở nhãn cầu cũng sẽ xảy ra, gây khó chịu cho người bệnh. Mắt của bệnh nhân bị sốt virus sẽ có màu đỏ và rát rất sâu.
  • Phát ban trên da: Một số loại virus cúm sẽ tác động và gây ra hiện tượng phát ban đỏ trên da. Một số trường hợp bị phát ban da không phải do virus mà do dị ứng.
Góc giải đáp: Người lớn bị sốt virus có nên truyền nước không?  1
Người bệnh bị sốt virus thường cảm thấy đau nhức đầu

Người mắc bệnh sốt virus có nên truyền nước không?

Hiện nay, có 3 loại dịch truyền chủ yếu là dịch nước muối 0,9%, dung dịch Glucose (5% hoặc 10%) và dung dịch tổng hợp chất điện giải. Đây là những dung dịch hoàn toàn vô khuẩn và được truyền trực tiếp vào cơ thể con người với khối lượng lớn thông qua đường tĩnh mạch. 

Dịch truyền mang lại tác dụng nhất định cho sức khỏe của người bệnh như nâng cao huyết áp, cân bằng và ổn định điện giải đối với bệnh nhân bị mất nước, mất máu… Ngoài ra, có một số loại dịch truyền chứa các dưỡng chất như vitamin, acid amin nhằm bổ sung cho cơ thể, từ đó giúp giải độc, kháng khuẩn, tăng bài tiết nước tiểu…

Nhiều người bệnh có suy nghĩ rằng khi bị sốt virus thì cần phải truyền dịch để bệnh mau khỏi. Tuy nhiên, điều này có thật sự đúng? Khi bị sốt virus có nên truyền nước không?

Theo đó, với những thông tin về dịch truyền được nêu trên, có thể thấy các loại dung dịch này hầu hết được sử dụng trong trường hợp cấp cứu như mất nước, mất máu quá nhiều khi bị tổn thương do tai nạn, trong phẫu thuật, bị ngộ độc thực phẩm…

Nguyên tắc cơ bản nhất khi bị sốt virus là không nên truyền đường, muối và các chất điện giải vào cơ thể. Khi những chất này được truyền trực tiếp vào cơ thể sẽ gây ra áp lực trên vùng sọ, tăng phù não và khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, tác dụng của truyền dịch trong việc hạ sốt vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào làm rõ được vấn đề này. Việc giảm thân nhiệt hầu hết là nhờ tác dụng từ thuốc hạ sốt.

Hơn nữa, nếu truyền dịch trực tiếp vào cơ thể một cách tuỳ tiện sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, người bệnh có thể gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng. Thậm chí, truyền dịch bừa bãi tại các cơ sở y tế không uy tín còn có thể gây nhiễm trùng hoặc lây nhiễm một số bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm như viêm gan, HIV/AIDS…

Người lớn bị sốt virus có nên truyền nước không? Nếu nghi ngờ bệnh nhân sốt virus có kèm theo sốt xuất huyết, nôn mửa liên tục, tiêu chảy, mất nước… thì có thể truyền nước khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đặc biệt, sốt xuất huyết là bệnh lý nguy hiểm cần được phòng ngừa từ sớm. Do đó, hãy nhanh chóng đăng ký tiêm vắc xin sốt xuất huyết tại Long Châu, bảo vệ sức khỏe của bạn và cộng đồng!

Tác hại của việc tự ý điều trị cúm và truyền dịch là cực kỳ to lớn. Người bị sốt virus nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám cụ thể, từ đó nhận được phương pháp điều trị phù hợp giúp bệnh tình cải thiện nhanh chóng. Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ tình trạng của người bệnh trong quá trình truyền dịch.

Góc giải đáp: Người lớn bị sốt virus có nên truyền nước không?  2
Người bệnh bị sốt virus có nên truyền nước không

Chăm sóc bệnh nhân sốt virus như thế nào?

Trên thực tế, hầu hết các trường hợp bị sốt virus đều không quá nguy hiểm và có thể tự lành bệnh nếu được chăm sóc tại nhà đúng cách. Do đó, ngoài việc tìm hiểu về vấn đề sốt virus có nên truyền nước không, bạn cũng nên nắm rõ về cách chăm sóc người bệnh sốt virus đúng cách.

Người bệnh bị sốt virus cần kiểm tra thân nhiệt thường xuyên. Nếu bị sốt cao trên 38,5 độ C thì cần sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol (hàm lượng 500mg).

Khi bị sốt cao, cơ thể có thể bị mất nước, rối loạn điện giải trong cơ thể. Do đó, người bệnh nên uống nhiều nước lọc vừa giúp hạ thân nhiệt, vừa bù nước cho cơ thể. Đồng thời, uống Oresol (pha một gói Oresol với một lít nước uống dần trong ngày) bổ sung điện giải cho cơ thể.

Bên cạnh đó, người bị sốt virus không nên mặc quần áo quá dày hay ở phòng quá kín. Do bị sốt nên người bệnh thường xuyên cảm thấy ớn lạnh nhưng thân nhiệt bên trong vẫn đang rất cao. Do đó, người bệnh cần mặc những loại quần áo nhẹ, thoáng mát, ở phòng ấm và có thể dùng quạt gió ở chế độ thấp để giúp lưu thông khí trong phòng. Đồng thời, bệnh nhân cố gắng nghỉ ngơi càng nhiều thì càng tốt.

Người bệnh bị sốt virus cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tiêu thụ các loại đồ ăn dễ tiêu như cháo, bún, phở… Đồng thời, ăn nhiều hoa quả, rau xanh, nước ép để tăng cường bổ sung vitamin C, giúp sức khỏe nhanh phục hồi.

Hầu hết các trường hợp bị sốt virus thường không đáng ngại. Tuy nhiên, nếu sốt cao liên tục trên 39 độ C hoặc cơn sốt không hạ sau khi dùng thuốc hạ sốt và kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng khác thì cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Cần phải nhập viện và điều trị sớm khi người bị sốt virus xuất hiện những triệu chứng như:

  • Đau đầu dữ dội;
  • Khó thở;
  • Đau ngực;
  • Nôn ói liên tục;
  • Phát ban trầm trọng;
  • Cổ cứng và đau;
  • Co giật, mất tỉnh táo….
Góc giải đáp: Người lớn bị sốt virus có nên truyền nước không?  4
Người sốt virus cần được nhập viện điều trị nếu tình trạng sốt cao kéo dài không dứt

Tóm lại, khi bị sốt virus thì không nên tự ý truyền dịch nhằm tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị phù hợp để bệnh mau khỏi. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc người lớn bị sốt virus có nên truyền nước không.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Sốt virussốt