Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tâm lý - Tâm thần

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng: Dấu hiệu, nguyên nhân và giải pháp

Ngày 25/12/2023
Kích thước chữ

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng thường bị nhầm lẫn với ác mộng. Tuy nhiên đây là một dạng rối loạn có đối tượng nguy cơ, thời điểm phát tác và biểu hiện bên ngoài hoàn toàn khác với những cơn mộng mị thường gặp.

Thống kê cho thấy hội chứng giấc ngủ kinh hoàng là vấn đề hay gặp ở trẻ nhỏ trong độ tuổi 4 - 12. Người bệnh bị ám ảnh sau mỗi đêm nhưng rất khó để kể lại vì hầu như không nhớ cụ thể từng chi tiết. Nếu không được can thiệp sớm, bệnh sẽ gây mất ngủ kéo dài, tổn thương tâm lý và có thể khiến bé rơi vào trạng thái trầm cảm.

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng là gì?

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng là hiện tượng trẻ gào khóc, la hét, sợ hãi cực độ khi đang chìm trong giấc ngủ. Nếu nhìn từ bên ngoài, bạn có thể nghĩ trẻ đang bị tỉnh giấc giữa chừng nhưng thực chất bé vẫn đang ngủ và không hề nhận thức rõ những điều đang xảy ra.

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng: Dấu hiệu, nguyên nhân và giải pháp 2
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng thường xảy ra với trẻ 4 - 12 tuổi

Vấn đề sức khỏe này thường phát sinh khi bé đã ngủ sâu (1 - 2 tiếng kể từ thời điểm chợp mắt), rất hiếm khi xảy ra vào lúc sáng sớm. Tùy từng ca bệnh và từng thời điểm, cơn hoảng loạn có thể kéo dài vài giây hoặc vài phút.

Nghiên cứu cho thấy giấc ngủ kinh hoàng thường xuất hiện cùng lúc với hiện tượng mộng du. Khi bệnh phát tác, những người thân hầu như không thể hỗ trợ, làm dịu cơn hoảng sợ vì bệnh nhân không hề nhận thức được môi trường xung quanh. Khi họ tỉnh giấc, cảm giác mỏi mệt vẫn còn nhưng để mô tả lại những gì đã xảy ra là điều vô cùng khó khăn.

Nguyên nhân và hệ lụy

Nguyên nhân

Theo các chuyên gia y tế, giấc ngủ kinh hoàng xảy ra ở giai đoạn con người ngủ sâu giấc nhất nên hầu như họ không thể ghi nhớ được những diễn biến của hiện tượng này. Và dưới đây là một số yếu tố nguy cơ có mối liên quan mật thiết đến hội chứng giấc ngủ kinh hoàng:

  • Thiếu ngủ thường xuyên, đi kèm là sự mệt mỏi ở mức độ nghiêm trọng;
  • Căng thẳng thần kinh kéo dài do áp lực từ việc ăn uống, học tập hoặc các biến cố trong cuộc sống;
  • Lịch trình ngủ nghỉ bị thay đổi, xáo trộn so với thường lệ (do du lịch hoặc thay đổi múi giờ);
  • Giấc ngủ thường bị gián đoạn, cắt ngang bởi các yếu tố ngoại cảnh;
  • Sốt về đêm.

Ngoài các nguyên nhân cơ bản trên thì những tác nhân dưới đây cũng được đánh giá là yếu tố “châm ngòi” khiến giấc ngủ kinh hoàng phát sinh hoặc diễn biến phức tạp hơn:

  • Nghiện rượu bia (ở người lớn);
  • Trầm cảm, lo âu;
  • Rối loạn hoạt động thở (phổ biến nhất là ngưng thở tắt nghẽn khi say giấc).

Hệ lụy

Khi giấc ngủ kinh hoàng xuất hiện liên tục trong thời gian dài, chúng có thể dẫn đến những hệ lụy đáng ngại sau:

  • Gây mất ngủ, thiếu ngủ trầm trọng, khiến người bệnh ngủ gà ngủ gật vào ban ngày và làm ảnh hưởng đến học tập, công việc cũng như sinh hoạt hằng ngày.
  • Sinh tâm lý tự ti, xấu hổ ở người bệnh, từ đó dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý khác như căng thẳng, trầm cảm, rối loạn lo âu,...
  • Bị sang chấn thần kinh và có xu hướng tự dày vò bản thân, làm đau chính mình và những người xung quanh.
  • Cơ thể mệt mỏi, gầy gò, thiếu sức sống và mất tập trung trong mọi vấn đề.
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng: Dấu hiệu, nguyên nhân và giải pháp 3
Dạng rối loạn này gây ra nhiều hệ lụy về tâm lý, tinh thần đối với bé

Các dấu hiệu thường gặp

Những triệu chứng điển hình của giấc ngủ kinh hoàng bao gồm:

  • La thét lớn;
  • Ngồi bật dậy và co rúm người vì hoảng sợ;
  • Mắt mở to như ở trạng thái tỉnh táo;
  • Đá đấm túi bụi và không có định hướng;
  • Tăng tiết mồ hôi, hơi thở gấp gáp, nhịp tim tăng lên nhanh chóng;
  • Khuôn mặt lộ rõ biểu cảm sợ hãi, đồng tử giãn mạnh;
  • Chạy ra khỏi giường, thậm chí là chạy quanh nhà và la hét liên tục;
  • Có hành vi hung hăng khi bị ngăn cản, hầu như không thể xoa dịu, can thiệp;
  • Không lưu giữ ký ức khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau hoặc có thể có nhưng rất ít.
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng: Dấu hiệu, nguyên nhân và giải pháp 1
Khi bệnh phát tác, trẻ có dấu hiệu hoảng sợ tột độ, la hét thất kinh

Cách khắc phục hiệu quả

Đối với bệnh nhân mắc hội chứng giấc ngủ kinh hoàng, việc sử dụng thuốc thường không được khuyến cáo trên diện rộng mà chỉ áp dụng với trường hợp nặng. Thay vào đó đa phần người bệnh sẽ được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý.

Ngoài ra, dựa vào nguyên nhân phát sinh mà các chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp đơn giản giúp ngăn ngừa và khắc phục hiệu quả vấn đề rối loạn giấc ngủ này. Cụ thể như sau:

Ngủ đủ giấc: Như đã chia sẻ ở trên, việc thiếu ngủ là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng mỏi mệt và làm phát sinh cơn sốc tâm lý trong giấc ngủ. Vậy nên hãy đảm bảo cho trẻ ngủ đủ 8 - 10 giờ mỗi ngày. Không gian ngủ đảm bảo sạch sẽ, ấm cúng và yên tĩnh. Đặc biệt ngoài giấc ngủ vào mỗi đêm, trẻ cần có thêm những giấc ngủ ngắn vào buổi trưa và buổi chiều để ngăn ngừa, cải thiện hội chứng này.

Chuẩn bị tốt về mặt tâm lý trước khi ngủ: Nếu trước khi lên giường, người bệnh tham gia các hoạt động mang tính thư giãn cao như đọc sách, nghe nhạc, tắm nước nóng hoặc thực hiện bài tập điều hòa hơi thở thì giấc ngủ sinh lý sẽ đến tự nhiên và giảm thiểu nguy cơ phát tác vấn đề đang xét.

Tạo môi trường an toàn cho không gian ngủ nghỉ: Rất nhiều người chỉ vì cảm giác mất an toàn mà trải qua giấc ngủ kinh hoàng. Do đó để loại trừ mối lo này, bạn nên khóa chốt cẩn thận, tắt những thiết bị điện không cần thiết, chọn loại giường có đường viền mềm mại để tránh gây sát thương và kê thật chắc chắn. Khi không gian ngủ nghỉ an toàn, ít rủi ro thì giấc ngủ kinh hoàng sẽ không còn làm phiền người bệnh nữa.

Giảm căng thẳng: Khi bị căng thẳng thần kinh, giấc ngủ kinh hoàng có thể xảy đến mỗi đêm và ngày càng trầm trọng hơn qua thời gian. Vậy nên người bệnh cần học hỏi lối sống tích cực, suy nghĩ lạc quan để cải thiện tình hình. Với trẻ nhỏ, bạn nên tâm sự, trò chuyện nhẹ nhàng để tìm ra vấn đề ở bé. Bên cạnh đó đừng quên an ủi, khích lệ trẻ và nếu bạn không giỏi chuyện này thì hãy chọn cho bé một bác sĩ tâm lý để được hỗ trợ kịp thời.

Xoa dịu người bệnh khi giấc ngủ kinh hoàng thoái lui: Như đã nhắc qua từ trước, trẻ không nhớ rõ chuyện gì đã xảy ra nhưng cơn mệt mỏi và nỗi ám ảnh mơ hồ vẫn còn hiện hữu. Bởi vậy bạn hãy nhẹ nhàng vỗ để bé bình tâm trở lại. Tuyệt đối không quát tháo, la mắng sẽ gây phản tác dụng.

Đánh thức trẻ trước thời điểm xảy ra sự cố: Vấn đề sức khỏe này lặp lại theo chu kỳ, thường xuất hiện vào 1/3 khoảng thời gian đầu tiên của giấc ngủ. Vậy nên nếu ghi chép lại diễn tiến bệnh của bé con, cho bé ngủ đúng giờ thì bạn có thể xác định được thời điểm cơn hoảng loạn tái phát. Và để ngăn ngừa, các chuyên gia y tế khuyên bạn nên đánh thức trẻ dậy trước thời điểm này khoảng 30 phút. Như vậy tình trạng trên sẽ không còn tái diễn nữa.

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng: Dấu hiệu, nguyên nhân và giải pháp 5
Để ngăn ngừa, bạn nên gọi trẻ dậy trước thời điểm xuất hiện các hiện tượng trên

Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng vừa làm tổn hại đến sức khỏe, vừa gây sang chấn tâm lý, tinh thần và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhịp độ phát triển của trẻ. Vậy nên phát hiện sớm, can thiệp đúng cách là nguyên tắc cơ bản để kiểm soát vấn đề sức khỏe này và giúp người bệnh nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin