Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng ure máu cao – Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 17/09/2023
Kích thước chữ

Hội chứng ure máu cao có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ em. Hội chứng này ảnh hưởng đến chức năng thận và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời người bệnh có khả năng cao sẽ hồi phục hoàn toàn.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nguyên nhân và triệu chứng của hội chứng ure máu cao, những nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh này cùng với các biện pháp phòng ngừa quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình. Hãy cùng chú ý và tìm hiểu cách ứng phó với mối nguy hiểm này một cách thông minh và hiệu quả.

Tìm hiểu về hội chứng ure máu

Hội chứng ure máu cao là gì?

Hội chứng tăng ure máu (HUS) (còn được gọi là hội chứng tan máu tăng ure máu hoặc hội chứng ure máu cao) là một tình trạng lâm sàng đặc trưng bởi sự tiến triển suy thận liên quan đến tình trạng thiếu máu tan máu và giảm tiểu cầu.

Hội chứng ure máu cao xảy ra khi các mạch máu nhỏ trong thận bị tổn thương và viêm nhiễm dẫn đến hình thành cục máu đông (máu khối). Các cục máu đông này gây tắc nghẽn hệ thống lọc của thận và dẫn đến suy thận, có thể đe dọa đến tính mạng.

Đây là một bệnh lý nghiêm trọng, tuy nhiên người bệnh có thể phục hồi sức khỏe nhanh chóng nếu được điều trị đúng cách và kịp thời, đặc biệt là ở trẻ em vì phần lớn các trường hợp đều xảy ra ở trẻ nhỏ.

Hội chứng ure máu cao – Nguyên nhân và cách điều trị 1
Hội chứng tăng ure máu đặc trưng bởi tình trạng thiếu máu tan máu và giảm tiểu cầu

Nguyên nhân gây ra hội chứng ure máu cao là gì?

Mặc dù hầu hết các chủng vi khuẩn E.coli là bình thường và không gây hại, tuy nhiên loại vi khuẩn Escherichia coli O157:H7 có liên quan đến hội chứng ure máu cao. Chúng tạo ra một loại độc tố được gọi là Shiga, độc tố này xâm nhập vào máu và gây tổn thương cho mạch máu, dẫn đến hội chứng tăng ure máu.

Ngoài ra, việc sử dụng một số loại thuốc như quinine, các thuốc ức chế miễn dịch như cyclosporine và một số loại thuốc hóa trị khác cũng có thể gây ra hội chứng này. Các nguyên nhân khác của hội chứng tăng ure máu có thể bao gồm nhiễm vi khuẩn phế cầu, virus HIV hoặc cúm, Shigella (trực khuẩn lỵ), Salmonella và một số vi khuẩn đường ruột khác.

Ngoài ra, biến chứng của thai kỳ hoặc các tình trạng sức khỏe khác như bệnh tự miễn hoặc thậm chí ung thư cũng có thể gây ra hội chứng ure máu cao mặc dù hiếm gặp.

Hội chứng tăng ure máu biểu hiện như thế nào?

Giai đoạn đầu của hội chứng tăng ure máu thường kéo dài từ 1 đến 15 ngày và có thể bao gồm các triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy có màu máu, đau bụng và buồn nôn.

Trong giai đoạn sau, bệnh bắt đầu tác động đến hệ thống mạch máu, phá hủy tế bào hồng cầu và hình thành cục máu đông trong mạch máu, gây tổn thương cho thận. Những người bị hội chứng tăng ure máu có thể tạo ít nước tiểu do các vấn đề về tắc nghẽn các mạch máu nhỏ trong thận hoặc gây ra sẹo ở thận. Các triệu chứng có thể bao gồm khó thở, lú lẫn, cơn co giật hoặc đột quỵ, xuất hiện bầm tím, chảy máu bất thường không rõ nguyên nhân, giảm tiểu hoặc tiểu ra máu, tăng máu áp, sưng phù ở bàn tay và bàn chân và phù nề do tích tụ chất lỏng.

Hội chứng ure máu cao – Nguyên nhân và cách điều trị 2
Giai đoạn đầu của hội chứng ure máu cao biểu hiện với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy

Chẩn đoán và điều trị hội chứng tăng ure máu

Chẩn đoán hội chứng tăng ure máu như thế nào?

Bác sĩ thường chẩn đoán bằng cách hỏi tiền sử bệnh và các triệu chứng lâm sàng. Đồng thời, họ sẽ đề xuất các xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Để kiểm tra tình trạng của hồng cầu, đặc biệt là xem xét có bất thường hay không. Xét nghiệm máu cũng cung cấp thông tin về số lượng tiểu cầu, hồng cầu và nồng độ creatine trong cơ thể của bệnh nhân.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Mục tiêu của xét nghiệm này là phát hiện bất thường trong nước tiểu của bệnh nhân bao gồm việc theo dõi sự xuất hiện của protein, máu và các dấu hiệu của của sự nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm phân: Xét nghiệm phân được thực hiện để phát hiện sự có mặt của vi khuẩn E.coli sản sinh độc tố Shiga và các vi khuẩn khác có thể gây ra HUS trong đường tiêu hóa.

Ngoài các xét nghiệm này, bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện siêu âm để kiểm tra tổn thương thận hoặc sinh thiết thận nếu cần thiết để xác định chính xác tình trạng thận của bệnh nhân.

Hội chứng ure máu cao – Nguyên nhân và cách điều trị 3
Chẩn đoán hội chứng ure máu có thể dùng nhiều xét nghiệm khác nhau

Phương pháp điều trị hội chứng ure máu

Các phương pháp điều trị hội chứng tăng ure máu bao gồm:

  • Truyền máu: Có thể truyền hồng cầu hoặc tiểu cầu thông qua đường tĩnh mạch để ngăn ngừa và giảm triệu chứng do hội chứng ure máu cao gây ra.
  • Sử dụng thuốc: Bao gồm việc sử dụng thuốc giảm máu áp để ngăn ngừa hoặc trì hoãn tổn thương thận cùng với thuốc eculizumab để ngăn ngừa tổn thương các mạch máu.
  • Lọc máu: Được thực hiện để loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa ra khỏi máu, giúp cải thiện tình trạng sức khỏe.
  • Thay thế máu tương: Quá trình này bao gồm thay thế máu tương của bệnh nhân bằng máu tương mới để cung cấp các yếu tố cần thiết cho cơ thể.
  • Cấy ghép thận: Một số trường hợp nặng của hội chứng tăng ure máu có thể yêu cầu cấy ghép thận để thay thế thận bị tổn thương.

Các biện pháp điều trị này thường được áp dụng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên gia và được cá nhân hóa dựa trên tình trạng cụ thể của bệnh nhân.

Những lưu ý về hội chứng ure máu cao

Đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng tăng ure máu

Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể mắc phải hội chứng tăng ure máu, tuy nhiên có một số trường hợp nguy cơ cao hơn bao gồm:

  • Trẻ em dưới 5 tuổi: Trẻ em trong độ tuổi này thường có hệ thống miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, làm tăng khả năng mắc phải hội chứng tăng ure máu.
  • Người lớn trên 65 tuổi: Người cao tuổi thường có hệ thống miễn dịch yếu hơn và cơ thể khó khăn hơn trong việc chống lại bệnh tật.
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu: Những người có hệ miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như người bị bệnh mãn tính hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, có nguy cơ cao hơn mắc phải bệnh này.
  • Người bị rối loạn di truyền: Đây cũng là những người có thể dễ mắc phải hội chứng tăng ure máu hơn.

Ngoài ra, nếu tiếp xúc với vi khuẩn E.coli hoặc sử dụng thực phẩm bị nhiễm E.coli sẽ có nguy cơ mắc hội chứng ure máu cao tăng lên như ăn thịt hoặc thực phẩm nhiễm E.coli, bơi trong hồ bơi hoặc hồ nước bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc gần với người bị nhiễm E.coli.

Hội chứng ure máu cao – Nguyên nhân và cách điều trị 4
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng ure máu

Phòng ngừa hội chứng ure máu cao như thế nào?

Các thói quen sinh hoạt và lối sống sau đây có thể giúp bạn đề phòng hội chứng tăng ure máu:

  • Rửa tay thường xuyên: Rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với vật nuôi, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để ngăn chặn lây lan các vi khuẩn.
  • Nấu thức ăn đúng cách: Tránh ăn các thực phẩm chưa được nấu chín, đặc biệt là thịt và sản phẩm từ động vật.
  • Rửa sạch trái cây và rau củ: Trước khi ăn, hãy rửa sạch trái cây và rau củ để loại bỏ vi khuẩn hoặc chất bẩn.
  • Sử dụng sữa tiệt trùng: Đảm bảo sữa và các sản phẩm sữa bạn sử dụng đã được tiệt trùng để ngăn ngừa nguồn nhiễm khuẩn.
  • Rã đông thức ăn trong lò vi sóng hoặc phương pháp an toàn khác để đảm bảo thức ăn được nấu chín đồng đều.
  • Tách biệt thực phẩm sống và chín: Tránh để thực phẩm sống tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín nhằm ngăn sự lây lan của vi khuẩn.
  • Hạn chế sử dụng hồ bơi không đủ vệ sinh và không đi bơi nếu bạn bị tiêu chảy để tránh lây nhiễm và lây lan bệnh.

Hy vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn phần nào nắm bắt được thông tin về hội chứng ure máu cao. Sự tăng cao của nồng độ ure trong máu có thể đe dọa sức khỏe của bạn. Do đó, trong trường hợp có bất kỳ triệu chứng không bình thường nào xuất hiện, cần tới các cơ sở y tế để tiến hành kiểm tra và thực hiện các xét nghiệm cần thiết khác để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin