Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Giảm tiểu cầu miễn dịch có điều trị khỏi được không?

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Giảm tiểu cầu miễn dịch (gọi tắt là ITP) là một hội chứng rối loạn máu hiếm gặp ảnh hưởng đến các rối loạn đông máu của người bệnh. Một trong những triệu chứng liên quan là người bệnh có thể dễ bị bầm tím, chảy máu nhiều hơn bình thường khi bị thương hoặc bắt đầu chảy máu mà không có lý do rõ ràng. Đôi khi bệnh tự hết mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên cũng có những trường hợp chuyển sang bệnh mãn tính, việc điều trị chỉ làm giảm các triệu chứng cũng như biến chứng nguy hiểm chứ không chữa khỏi hoàn toàn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP) là bệnh lý gì?

Tiểu cầu là những tế bào máu nhỏ được tạo ra trong tủy xương. Khi bạn bị thương, các tiểu cầu dính lại với nhau tạo thành một nút bịt kín vết thương. Nút bịt kín vết thương này được gọi là cục máu đông. Khi bạn có số lượng tiểu cầu thấp, điều này sẽ làm rối loạn chức năng đông máu của cơ thể. Khi đó người bệnh sẽ gặp tình trạng liên quan đến chảy máu.

Giảm tiểu cầu miễn dịch (Immune thrombocytopenia – ITP), còn được gọi là ban xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch hoặc vô căn. Là một rối loạn máu mà trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể xuất hiện những kháng thể tự chống lại kháng nguyên cấu trúc tiểu cầu của cơ thể. Những kháng thể kháng tiểu cầu này dẫn đến tăng sự phá hủy tiểu cầu ở lá lách, đồng thời ức chế sản xuất và giải phóng tiểu cầu từ megakaryocytes. Trong ITP, máu của bạn không đông như bình thường vì bạn có số lượng tiểu cầu thấp.

Bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch có thể gặp ở trẻ em và người lớn. Bệnh được phân làm 2 loại chính, bao gồm:

  • Giảm tiểu cầu miễn dịch nguyên phát: Đây là bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công các tế bào tiểu cầu. Khoảng 80% tất cả các trường hợp bệnh là nguyên phát hay gọi tình trạng này là bệnh tự miễn.
  • Giảm tiểu cầu miễn dịch thứ cấp: Điều này xảy ra nếu cơ thể mắc các bệnh tiềm ẩn như nhiễm trùng mạn tính, ung thư máu hoặc rối loạn tự miễn dịch ảnh hưởng đến mức tiểu cầu.

Ngoài ra ITP còn được phân chia dựa theo thời gian diễn tiến của bệnh, bao gồm:

  • Giảm tiểu cầu miễn dịch miễn dịch cấp tính: Khi tiểu cầu trở về bình thường (>150.000/mm3) tròn 3 tháng, không tái phát.
  • Giảm tiểu cầu miễn dịch dai dẳng: Không đạt được lùi bệnh hoặc không giữ được bệnh ổn định sau khi ngừng điều trị, sau khi chẩn đoán 3 - 12 tháng.
  • Giảm tiểu cầu miễn dịch mạn tính: Giảm tiểu cầu kéo dài > 12 tháng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng ở người mắc bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP)

Chức năng của tiểu cầu giúp cầm máu nên các triệu chứng của ITP có liên quan đến tình trạng chảy máu nhiều hơn. Tuy nhiên, mỗi người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Xuất huyết dưới da: Thường gặp nhất và thường xuất hiện tự nhiên, nhiều hình thái xuất huyết khác nhau (dạng chấm, dạng nốt, dạng mảng hoặc đám xuất huyết), ở mọi lứa tuổi. Màu sắc xuất huyết có thể thay đổi theo thời gian: Đỏ, tím, xanh, vàng và sau đó mất đi không để lại dấu vết.
  • Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu mắt, chảy máu mũi, chảy máu răng,...
  • Xuất huyết đường niệu: Đi tiểu ra máu.
  • Xuất huyết nội tạng: Có thể sẽ xuất huyết ở nhiều cơ quan khác nhau như: Xuất huyết tiêu hóa (nôn ra máu, đi cầu phân đen,...); xuất huyết tử cung (kinh nguyệt kéo dài), xuất huyết các cơ sâu và tổ chức dưới da gây ra các khối máu tụ; xuất huyết não, màng não (hiếm gặp và diễn tiến nặng).
Giảm tiểu cầu miễn dịch có điều trị khỏi được không? 5
Kinh nguyệt kéo dài là một trong những triệu chứng của bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch

Các triệu chứng của ITP có thể giống như các vấn đề y tế khác. Luôn luôn tham khảo ý kiến ​​nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của bạn để được chẩn đoán. 

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch

Những người mắc bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như:

  • Chảy máu từ mũi và nướu;
  • Chảy máu kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày được gọi là rong kinh;
  • Chảy máu trong não hoặc hệ thống tiêu hóa;
  • Các cục máu đông, có thể làm chặn lưu lượng máu đến các chi và các cơ quan của người bệnh;
  • Ung thư tủy xương hoặc ung thư máu;
  • Suy tủy xương;
  • Đau tim hoặc giảm lưu lượng máu đến tim;
  • Biến chứng khi mang thai: Có nguy cơ chảy máu nhiều hơn khi sinh. ITP thường không ảnh hưởng đến thai nhi, nhưng trẻ em khi sinh ra nên được kiểm tra số lượng tiểu cầu ngay sau sinh.
Giảm tiểu cầu miễn dịch có điều trị khỏi được không? 6
Biến chứng xuất huyết tiêu hóa ở người bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nên đến gặp bác sĩ khi:

  • Khi nào bạn có triệu chứng bất thường xuất hiện gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Nếu bạn đã được phát hiện mắc bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch và đang được theo dõi định kỳ nhưng cơ thể bắt đầu có triệu chứng mới xuất hiện.
  • Các triệu chứng của bệnh trở nên xấu hơn.
  • Các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ diễn tiến nặng của bệnh cũng như hạn chế các biến chứng của bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP)

Giảm tiểu cầu miễn cầu miễn dịch có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra lượng tiểu cầu thấp là tình trạng giảm tiểu cầu miễn dịch. Mặc dù chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây ra ITP, nhưng họ biết rằng bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch không hoạt động bình thường.

ITP thứ cấp xảy ra có liên quan đến một số yếu tố như:

  • Nhiễm virus: Gồm virus bệnh thủy đậu, viêm gan C, parvovirus,, Epstein-Barr và HIV;
  • Lupus ban đỏ hệ thống;
  • Bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính;
  • Giảm tiểu cầu miễn dịch do thuốc;
  • Nhiễm trùng huyết.

Một số thuốc mà người bệnh sử dụng có thể làm tăng nguy cơ mắc ITP, bao gồm:

  • Một số loại thuốc điều trị các vấn đề tim mạch, co giật nhiễm trùng.
  • Heparin, chất làm loãng máu dùng để ngăn ngừa cục máu đông.

Các phương pháp điều trị khác có liên quan đến ITP:

  • Phẫu thuật bắc cầu ở tim;
  • Điều trị bức xạ trên tủy xương.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh giảm tiểu miễn dịch?

Tại Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 30.000 trường hợp mắc ITP mới được chẩn đoán mỗi năm. Khoảng 70% người trưởng thành mắc ITP là phụ nữ và 70% phụ nữ này dưới 40 tuổi khi được chẩn đoán. ITP phổ biến ở trẻ em hơn ở người lớn, bé trai và bé gái đều bị ảnh hưởng như nhau.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP)

Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch, bao gồm:

  • ITP phổ biến hơn ở phụ nữ trẻ.
  • Nguy cơ cao hơn ở những người bệnh có mắc các bệnh tự miễn kèm theo như bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh Lupus ban đỏ hệ thống.
Giảm tiểu cầu miễn dịch có điều trị khỏi được không? 4
Viêm khớp dạng thấp là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch

Người bệnh nghi ngờ mắc bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch có thể được làm nhiều loại xét nghiệm khác nhau để hỗ trợ chẩn đoán bệnh, bao gồm:

Các xét nghiệm được chỉ định để chẩn đoán bệnh bao gồm: Công thức máu, phết máu ngoại biên và xét nghiệm tủy đồ. Trong đó, xét nghiệm tủy đồ là một xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch. Ngoài các cận lâm sàng trên thì bác sĩ có thể sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh như:

  • Các xét nghiệm vi sinh: Anti HCV, HBsAg, anti HIV, huyết thanh chẩn đoán H.Pylori,...
  • Các xét nghiệm miễn dịch: ANA, Anti DsDNA, LE cell, ANA 8 profile, TSH, FT3, FT4, kháng thể kháng tiểu cầu trực tiếp và gián tiếp.
  • Các xét nghiệm nếu có kèm thiếu máu: Sắt huyết thanh, ferritin, hồng cầu lưới, haptoglobin, bilirubin, LDH, nghiệm pháp Coombs trực tiếp.

Phương pháp điều trị bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP)

Điều trị bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch cần thời gian và theo dõi sát. Trong một số trường hợp bệnh sẽ tự giới hạn: Là những người bệnh chỉ có vài chấm xuất huyết trên da hoặc vài mảng bầm máu nhỏ đường kính dưới 3cm và số lượng tiểu cầu trên 50.000 tiểu cầu/mm3 máu. Người bệnh sẽ được theo dõi sta để phát hiện triệu chứng xuất huyết nặng có thể xảy ra trong giai đoạn này.

Có nhiều phương thức điều trị khác nhau cho bệnh nhân mắc bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch tùy theo giai đoạn của người bệnh.

Điều trị cấp cứu

Điều trị cấp cứu trong trường hợp có các dấu hiệu nguy hiểm hoặc khi số lượng tiểu cầu < 10x10^9/L. Thuốc sử dụng: Gamma IV hoặc Methylprednisolone. Có thể được chỉ định truyền tiểu cầu.

Giai đoạn cấp

Loại thuốc được sử dụng: Prednisone cho đến khi số lượng tiểu cầu hồi phục thì giảm liều hoặc thuốc Dexamethasone. Lưu ý: các thuốc này có thể gây biến chứng suy thận cấp nên tuyệt đối tuân thủ điều trị.

Trường hợp tái phát

Điều trị tương tự như giai đoạn cấp nếu có các dấu hiệu nguy hiểm tính mạng thì điều trị như trường hợp cấp cứu.

Trường hợp kháng corticoid hoặc phụ thuộc thuốc hoặc bệnh mạn tính

  • Cắt lách: Đáp ứng nhanh, tỉ lệ đáp ứng lâu dài 60 - 70%. Cắt lách nội soi, tỷ lệ biến chứng phẫu thuật 0.2%. Nguy cơ: Dễ nhiễm trùng vì vậy cần chích ngừa trước khi cắt lách và kháng sinh dự phòng sau cắt.
  • Rituximab: Thuốc này là một kháng thể được sản xuất trong phòng thí nghiệm chống lại một loại protein được tìm thấy trên các tế bào máu tạo ra kháng thể. Nó làm chậm quá trình sản xuất kháng thể kháng tiểu cầu.

Diễn biến tiên lượng tốt ở nhóm bệnh nhân là trẻ em, chủ yếu là cấp tính, khả năng hồi phục 80%, tỷ lệ chuyển mạn tính khoảng 20%, tỷ lệ xuất huyết nặng rất thấp.

Nhóm bệnh người lớn đa số chuyển thành mãn tính 80%, tỷ lệ xuất huyết não gặp cao hơn 1 - 5%, nên cần theo dõi và tuân thủ điều trị điều chỉnh thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Giảm tiểu cầu miễn dịch có điều trị khỏi được không? 7
Phẫu thuật cắt lách là một trong những phương pháp điều trị bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch

Chế độ sinh hoạt:

Giảm tiểu cầu miễn dịch hiện chưa có cách để phòng ngừa triệt để. Tuy nhiên, nếu bạn được chẩn đoán mắc ITP thì vẫn có thể duy trì thói quen sinh hoạt tốt để giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh, các biện pháp bao gồm:

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị và tái khám định kỳ.
  • Liên hệ với bác sĩ điều trị khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường.
  • Khi số lượng tiểu cầu thấp (dưới 50.000 tiểu cầu/mm3) nên tránh các hoạt động có thể gây bầm máu hoặc xuất huyết như leo trèo, đạp xe đạp, chú ý té ngã.
  • Khi số lượng tiểu cầu tăng lên (trên 50.000 tiểu cầu/mm3) có thể tham gia các hoạt động nhẹ nhàng, tránh các môn thể thao va chạm, hoạt động thể lực mạnh như đấm bốc, võ thuật, đá banh, bóng rổ,...
  • Tránh dùng thuốc không kê đơn, thuốc thảo dược hoặc thuốc kê đơn có thể làm giảm chức năng của tiểu cầu, như: Aspirin, ibuprofen, naproxen và coumadin.
  • Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng ở những người bệnh đã điều trị phẫu thuật cắt lách.
  • Ngừng sử dụng rượu, bia, thuốc lá hay các loại chất kích thích.

Chế độ dinh dưỡng:

Người bệnh nên duy trì một chế độ ăn lành mạnh như:

  • Chế độ ăn nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa gồm rau củ quả và trái cây như: Việt quất, anh đào, cà chua, bí, ớt chuông,...
  • Ngừng sử dụng: Thuốc lá, rượu bia,…
  • Chế độ ăn nên giảm mặn, giảm đồ béo ngọt và duy trì cân nặng phù hợp.
  • Nên ăn chín uống sôi phòng ngừa nhiễm trùng, không nên ăn rau sống.

Phương pháp phòng ngừa bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch (ITP)

Bệnh chưa có phương pháp điều cũng như phương pháp phòng ngừa triệt để, tuy nhiên bạn có thể tham khảo một số cách như:

  • Khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện bệnh sớm nhất có thể;
  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ;
  • Tập luyện thể dục thể thao phù hợp và duy trì cân nặng phù hợp;
  • Chế độ ăn phù hợp, lành mạnh và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nguồn tham khảo
  1. Immune Thrombocytopenia (ITP): https://www.nhlbi.nih.gov/health/immune-thrombocytopenia
  2. Immune thrombocytopenia (ITP): https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/idiopathic-thrombocytopenic-purpura/symptoms-causes/syc-20352325
  3. Immune Thrombocytopenia: https://my.clevelandclinic.org/health/articles/5726-immune-thrombocytopenia
  4. Idiopathic Thrombocytopenic Purpura: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/idiopathic-thrombocytopenic-purpura
  5. Immune Thrombocytopenia (ITP): https://www.msdmanuals.com/professional/hematology-and-oncology/thrombocytopenia-and-platelet-dysfunction/immune-thrombocytopenia-itp

Các bệnh liên quan