Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Hướng dẫn cách cho trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ

Ngày 15/07/2024
Kích thước chữ

Không phải bé sơ sinh nào cũng dễ dàng thích nghi với việc bú bình. Tình trạng trớ sữa thường xuyên xảy ra khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Để giảm bớt nguy cơ trẻ bị nôn trớ, mời bạn tham cách cho trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ hiệu quả qua bài viết bên dưới.

Nôn trớ là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh, nhất là sau khi ăn xong. Có những bé nôn trớ do ăn quá no, do bé vặn mình, do trẻ gặp vấn đề nào đó ở hệ tiêu hóa. Nhưng cũng có những vé bị trớ do được cho bú bình không đúng cách. Trẻ nôn trớ nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tăng nguy cơ bị sặc và khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Nếu em bé của bạn cũng thường xuyên bị trớ sau khi bú bình, đừng bỏ qua cách cho trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ dưới đây nhé!

Chọn bình sữa phù hợp để trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ

Trước khi áp dụng cách tập cho con bú bình hiệu quả, cha mẹ nên chọn cho bé loại bình sữa phù hợp. Bạn nên chọn loại bình sữa có núm vú mềm mại, gần giống với ti mẹ. Việc này giúp bé dễ dàng chuyển từ bú mẹ sang bú bình mà không gặp nhiều khó khăn hoặc giúp bé bú song song cả bú mẹ và bú bình. Khi đó, mẹ sẽ không phải lo bé chỉ bú mẹ, không hợp tác khi bú bình gây sặc hoặc chỉ bú bình, bỏ ti mẹ khiến mẹ bị giảm dần lượng sữa. Bình sữa và núm ti bằng silicon mềm mại, không mùi, giống ti mẹ, dễ dàng vệ sinh là lựa chọn hoàn hảo cho bé du giá thành có cao hơn các loại khác một chút.

Hướng dẫn chi tiết cách cho trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ 1
Tình trạng nôn trớ sau bú bình ở trẻ sơ sinh khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng

Các loại bình có van chống sặc và chống đầy hơi nên được ưu tiên vì chúng sẽ giúp giảm tình trạng bé nuốt phải không khí. Nhờ đó, trẻ cũng giảm nguy cơ đầy hơi và nôn trớ sau bú bình. 

Ngoài ra, khi chọn bình sữa cho trẻ bạn cũng cần lưu ý kích thước lỗ ở núm ti. Lỗ núm ti quá to khiến sữa chảy quá nhanh, trẻ không nuốt kịp sẽ rất dễ bị sặc. Lỗ quá nhỏ khiến lượng sữa chảy chậm, trẻ dễ bị mệt khi bú. Khi mua núm ti, bạn có thể nhờ người bán hàng tư vấn loại có kích thước lỗ phù hợp với tuổi và lực bú của bé.

Cách cho trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ

Để trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ, trong quá trình cho trẻ bú, mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:

Duy trì tư thế đúng khi cho trẻ bú

Một trong những cách cho trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ chính là đảm bảo tư thế đúng khi cho trẻ bú. Cách bế trẻ sơ sinh cho bú đúng chuẩn là mẹ bế bé ở tư thế hơi nghiêng, đầu cao hơn thân. Tư thế này giúp sữa chảy xuống dạ dày của bé một cách tự nhiên và giảm nguy cơ bị trào ngược ra ngoài. Mẹ nên tránh để bé bị ngửa cổ quá mức hoặc cúi gập cổ bởi tư thế này khiến bé khó chịu và khó nuốt sữa. Mẹ hãy đảm bảo bé được nâng đỡ tốt, đầu và cổ cần được giữ thẳng với cột sống.

Hướng dẫn chi tiết cách cho trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ 2
Cách cho trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ không quá khó đúng không nào?

Mẹ cầm bình sữa đúng cách

Một trong những cách cho trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ là bạn cần chú ý cách cầm bình sữa. Bình sữa cần được cầm nghiêng ở góc 45 độ để sữa luôn ngập trong núm vú. Việc này giúp không khí không bị lọt qua lỗ ở núm vú để vào miệng bé, nhờ đó mà bé ít bị trớ hơn. Bình sữa cần được cầm chắc tay nhưng không được quá chặt để mẹ dễ dàng điều chỉnh tốc độ dòng chảy của sữa trong bình phù hợp với tốc độ bú và lực hút của trẻ.

Không ép trẻ bú quá no

Khi bé sẵn sàng bú, mẹ đưa núm vú vào miệng trẻ một cách tự nhiên, không ép buộc. Khi bị ép buộc trẻ sẽ chống cự không hợp tác hoặc vừa bú vừa khóc dễ gây sặc và nôn trớ. Khi bé cảm thấy không muốn bú tiếp, mẹ nên cho bé ngừng bú để tránh việc trẻ quá no gây khó chịu. Khi trẻ bú quá no cũng rất dễ bị nôn trớ.

Lưu ý sau khi cho trẻ bú bình để tránh bị nôn trớ

Sau khi cho trẻ bú xong, mẹ cũng cần lưu ý:

Vỗ ợ hơi cho bé sau mỗi cữ bú

Để giảm nguy cơ nôn trớ, mẹ nên vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh sau khi bú. Vỗ ợ hơi sẽ giúp giảm lượng không khí trong dạ dày, nhờ đó, trẻ sẽ ít bị nôn trớ hơn. Để vỗ ợ hơi, mẹ bế bé thẳng, đầu bé tựa vào vai mẹ, cơ thể bé áp vào cơ thể mẹ và mẹ vỗ nhẹ vào lưng đến khi thấy bé ợ hơi. Nếu sau vài phút bé không ợ hơi, mẹ hãy thử đặt bé nằm sấp trên đùi và vỗ lưng nhẹ nhàng.

Hướng dẫn chi tiết cách cho trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ 3
Trẻ bú xong mẹ nhớ vỗ ợ hơi nhé!

Nếu trẻ nôn trớ, không nên cho bú lại ngay

Tình trạng trẻ sơ sinh bị nôn trớ nhiều lần có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: Chọn bình sữa không phù hợp, kỹ thuật và tư thế cho trẻ bú bình không chuẩn, trẻ thường xuyên trong tình trạng bú quá no, trẻ hiếu động, vặn mình hoặc lẫy ngay sau mỗi cữ bú… 

Việc tìm hiểu chính xác nguyên nhân sẽ giúp mẹ khắc phục tình trạng trẻ bị trớ nhiều lần sau khi bú. Nếu đã áp dụng cách cho trẻ sơ sinh bú bình trên nhưng trẻ sơ sinh vẫn trớ, mẹ nên cho bé nghỉ ngơi khoảng 30 phút rồi mới cho trẻ bú lại, không nên ép bé bú lại ngay.

Cho trẻ đi khám nếu nôn trớ nhiều kèm triệu chứng bất thường

Trẻ sơ sinh bị nôn trớ có nguy hiểm không? Tình trạng nôn trớ sau bú bình có thể xảy ra ở mọi trẻ sơ sinh với tần suất và mức độ khác nhau. Trẻ sơ sinh trớ nhiều sẽ làm tăng nguy cơ bị sặc. Tuy nhiên, điều này không đáng ngại bằng việc trẻ trớ nhiều do các vấn đề bệnh lý như: Bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày, chứng lồng ruột, tắc ruột, hẹp phì đại môn vị… 

Trong các trường hợp trẻ nôn trớ sau khi bú bình do bệnh lý, trẻ thường xuất hiện thêm các biểu hiện khác như quấy khóc dỗ không nín, trẻ tỏ ra bứt rứt khó chịu, kém ăn, kém ngủ, không chịu chơi… Khi đó, mẹ cần cho trẻ đi khám ngay để bác sĩ tìm ra nguyên nhân và tư vấn cách điều trị phù hợp.

Hướng dẫn chi tiết cách cho trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ 4
Nếu đã áp dụng những cách trên mà trẻ vẫn trớ nhiều mẹ nên đưa bé đi khám

Cách cho trẻ sơ sinh bú bình không bị trớ là thông tin nhiều bậc cha mẹ quan tâm, nhất là những người mới nuôi con nhỏ lần đầu. Việc tập cho con bú bình đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ. Bằng cách chọn bình sữa, núm ti phù hợp, áp dụng tư thế đúng, mẹ có thể giúp bé yêu bú bình hiệu quả và phát triển khỏe mạnh. Nếu tình trạng trớ sữa vẫn tiếp diễn hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám, tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin