Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Hướng dẫn chăm sóc sau bít dù thông liên nhĩ tại bệnh viện và tại nhà

Ngày 19/09/2023
Kích thước chữ

Thông liên nhĩ là tình trạng xảy ra khi có một lỗ thông trên vách ngăn giữa tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải. Có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý bẩm sinh này, trong đó bít dù thông liên nhĩ là phương pháp hiệu quả nhất. Vậy cách chăm sóc sau bít dù thông liên nhĩ như thế nào?

Thông liên nhĩ là một trong những dị tật bẩm sinh thường gặp trong các bệnh lý tim bẩm sinh. Lỗ thông lớn nếu không được điều trị sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển. Bít dù thông liên nhĩ là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với trường hợp này. Vậy cách chăm sóc sau bít dù thông liên nhĩ như thế nào?

Tổng quan về bệnh thông liên nhĩ

Theo thống kê, trong 1000 trẻ sơ sinh thì có khoảng 8 trẻ được phát hiện mắc dị tật tim bẩm sinh, trong đó có khoảng 10% trong số đó là thông liên nhĩ và thông liên thất.

Quả tim có 4 ngăn, bao gồm 2 tâm nhĩ ở trên và 2 tâm thất ở dưới. Tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải được ngăn cách bởi một lớp vách ngăn. Khi có một khoảng trống còn được gọi là lỗ thông tồn tại trên lớp vách ngăn này chính là nguyên nhân gây ra bệnh thông liên nhĩ.

trẻ sơ sinh mắc phải dị tật thông liên nhĩ, máu giàu oxy sẽ chảy từ tâm nhĩ trái vào tâm nhĩ phải. Tại đây, lượng máu máu này sẽ trộn cùng với máu đã được khử oxy và bơm lên phổi. Trong trường hợp lỗ thông liên nhĩ có kích thước lớn hay thông liên thất phần màng 6mm, lượng máu tăng lên và được bơm lên phổi quá nhiều và khiến cho tim phải làm việc liên tục, quá sức.

Khi không được can thiệp kịp thời, quả tim sẽ to ra và yếu dần đi. Đồng thời, huyết áp trong phổi có nguy cơ tăng lên, gây ra tình trạng tăng áp động mạch phổi.

Phương pháp điều trị chủ yếu là bít dù thông liên nhĩ trong các trường hợp thông liên nhĩ là kiểu lỗ thông thứ phát, có tính hiệu quả, triệt để, an toàn và có độ an toàn cao.

Hướng dẫn chăm sóc sau bít dù thông liên nhĩ tại bệnh viện và tại nhà 1
Thông liên nhĩ là một dị tật bẩm sinh phổ biến trong các bệnh tim mạch bẩm sinh

Kỹ thuật bít dù thông liên nhĩ

Bít dù thông liên nhĩ là phương pháp điều trị triệt để và đạt hiệu quả cao trong bệnh lý thông liên nhĩ. Dưới đây là một số thông tin về phương pháp bít dù thông liên nhĩ mà bạn nên biết, cụ thể là:

Chỉ định

Bít dù lỗ thông liên nhĩ được chỉ định trong các trường hợp như sau:

  • Thông liên nhĩ kiểu lỗ thứ phát và lỗ thông có kích thước không quá 34mm.
  • Gờ xung quanh lỗ thông liên nhĩ đủ rộng, bao gồm gờ van nhĩ thất, gờ động mạch chủ, gờ tĩnh mạch phổi phải, gờ tĩnh mạch trên và dưới: Kích thước trên 5mm.
  • Luồng thông nhĩ lớn, chủ yếu là shunt trái - phải và có tăng cung lượng tim đi qua lỗ thông liên nhĩ.
  • Người bệnh có triệu chứng rối loạn nhịp nhĩ và tắc mạch nghịch.
  • Tăng gánh nặng cho buồng tim phải và có giảm oxy.
  • Chưa xảy ra tình trạng tăng áp lực động mạch phổi cố định.

Chống chỉ định

Dưới đây là các trường hợp chống chỉ định của phương pháp bít dù thông liên nhĩ, bao gồm:

  • Hình thái giải phẫu học của thông liên nhĩ lỗ thứ 2 không phù hợp với thủ thuật bít dù thông liên nhĩ sử dụng dụng cụ qua da khi lỗ thông có kích thước trên 34mm, các gờ ngắn có kích thước dưới 5mm hoặc thông liên nhĩ có kèm theo tình trạng phình vách lớn.
  • Các thể thông liên nhĩ khác như thông liên nhĩ kiểu xoang tĩnh mạch, thông liên nhĩ lỗ thứ nhất, thông liên nhĩ xoang vành, thông liên nhĩ hình sàn.
  • Shunt phải - trái và bão hòa oxy đại tuần hoàn < 94%.
  • Thông liên nhĩ có kèm theo các bất thường tim bẩm sinh khác cần phải tiến hành phẫu thuật để xử lý.
  • Người bệnh có rối loạn đông máu và chảy máu.
  • Người mắc phải một bệnh lý nặng khác hoặc bệnh cấp tính nào đó.
  • Thông liên nhĩ có kèm theo tăng áp lực động mạch phổi cố định.
  • Người bệnh bị dị ứng với thuốc cản quang.

Chuẩn bị thực hiện

Những yếu tố cần chuẩn bị trước khi tiến hành bít dù thông liên nhĩ, gồm có:

  • Nhân sự thực hiện: Gồm có 2 bác sĩ và 2 kỹ thuật viên chuyên ngành tim mạch can thiệp.
  • Dụng cụ kỹ thuật: Bàn để dụng cụ, bơm tiêm các cỡ, gạc vô khuẩn, dụng cụ 3 chạc, bộ dụng cụ để mở đường vào tĩnh mạch bẹn, ống thông MP, bóng AGA, Wire cứng, dù bít lỗ thông liên nhĩ, hệ thống đưa dụng cụ vào trong lòng mạch, thuốc cản quang có pha nước muối sinh lý với tỷ lệ là 1:5.
  • Chuẩn bị bệnh nhân: Người bệnh sẽ được giải thích kỹ về thủ thuật bít dù thông liên nhĩ hay bít dù thông liên thất, kiểm tra các bệnh lý đi kèm và chức năng thận. Nếu bệnh nhân là trẻ nhỏ cần phải gây mê nội khí quản thì cần chuẩn bị chu đáo trước khi thực hiện thủ thuật. Đối với bệnh nhân trên 12 tuổi có thể thực hiện gây tê tại chỗ trước khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân nhỏ tuổi hơn thì cần gây ngủ kết hợp sử dụng thuốc giảm đau trong quá trình thực hiện kỹ thuật này.
  • Hồ sơ bệnh án: Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo đúng quy định.
Hướng dẫn chăm sóc sau bít dù thông liên nhĩ tại bệnh viện và tại nhà 2
Bít dù thông liên nhĩ cần được thực hiện bởi chuyên gia ngành tim mạch can thiệp

Tiến hành bít lỗ thông liên nhĩ

Tiến hành bít lỗ thông liên nhĩ được thực hiện theo quy trình như sau:

  • Sát trùng vùng da rộng quanh tại vị trí tạo đường rạch vào mạch máu.
  • Mở đường vào từ tĩnh mạch bẹn phải.
  • Thông tim phải và đo các chỉ số về huyết động, bão hòa oxy.
  • Tiến hành đưa ống thông MP từ tĩnh mạch bẹn phải đi lên động mạch phổi, đồng thời đánh giá áp lực động mạch phổi và đảm bảo bệnh nhân không bị hẹp van động mạch phổi.
  • Kéo ống thông MP về nhĩ phải, sau đó đưa qua lỗ thông liên nhĩ sang phía nhĩ trái và đưa vào tĩnh mạch phổi trái trên.
  • Đưa Wire cứng vào tĩnh mạch phổi, sau đó rút ống MP và lưu lại Wire.
  • Sử dụng bóng AGA để đo kích thước lỗ thông liên nhĩ theo 3 phương pháp là trên phim chụp mạch, trên siêu âm qua thực quản và đo trực tiếp ở ngoài.
  • Chọn dụng cụ bít lỗ thông liên nhĩ với kích thước lớn hơn 1mm so với kích thước lỗ thông liên nhĩ đo được.
  • Thông qua Wire cứng, đưa hệ thống dụng cụ vào nhĩ trái và dụng cụ bít lỗ thông liên nhĩ sẽ được đẩy vào trong lòng của hệ thống trên.
  • Từ từ đẩy dụng cụ bít lỗ thông liên nhĩ vào nhĩ trái nhằm mở cánh nhĩ trái. Tiếp theo, từ từ kéo dụng cụ để mở cánh nhĩ phải ở bên trong nhĩ phải.
  • Kiểm tra phim chụp mạch đảm bảo đúng kỹ thuật và 2 cánh của dù bít lỗ thông liên nhĩ không được chạm vào nhau.
  • Tiến hành siêu âm tim, chụp và kiểm tra lại các tư thế nhằm đảm bảo dù bít thông liên nhĩ không bị biến dạng, nằm đúng vị trí.
  • Tháo dù bít thông liên nhĩ và rút toàn bộ hệ thống ra ngoài.
  • Có thể đo lại áp lực động mạch phổi và chụp lại động mạch phổi nhằm đảm bảo chắc chắn không còn shunt tồn lưu qua vách liên nhĩ (nếu cần).

Bệnh nhân sau khi bít lỗ thông liên nhĩ sẽ được kiểm tra lại trên siêu âm. Bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng thuốc aspirin trong 6 tháng đầu và phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn trong vòng 1 năm sau khi thực hiện thủ thuật bít dù.

Hướng dẫn chăm sóc sau bít dù thông liên nhĩ tại bệnh viện và tại nhà 3
Người bệnh sau bít dù thông liên nhĩ cần dùng thuốc aspirin trong vòng 6 tháng đầu

Chăm sóc sau bít dù thông liên nhĩ

Chăm sóc sau bít dù thông liên nhĩ được chia thành 2 giai đoạn là chăm sóc tại bệnh viện và chăm sóc tại nhà.

Chăm sóc sau bít dù thông liên nhĩ tại bệnh viện

Sau khi thực hiện thủ thuật, bệnh nhân sẽ được theo dõi tại phòng hồi sức trong vài giờ đầu. Người bệnh nên nằm thẳng, không gập chân nhằm phòng ngừa chảy máu.

Bác sĩ và điều dưỡng sẽ theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn quan trọng, gồm có nhịp tim, nhịp thở, mức oxy, huyết áp. Người bệnh có thể cần phải uống thuốc giảm đau và thuốc chống đông máu.

Sau khi tình trạng sức khỏe của người bệnh ổn định, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng như siêu âm tim, điện tim để đánh giá hiệu quả của thủ thuật. Nếu kết quả tốt và ổn định, người bệnh sẽ được xuất viện.

Chăm sóc sau bít dù thông liên nhĩ tại nhà

Sau khi xuất viện về nhà, người bệnh cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt nhằm duy trì hiệu quả của thủ thuật cũng như giúp nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Cụ thể là:

  • Cần tuân thủ tất cả các hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc, chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện và cách chăm sóc vết thương.
  • Người bệnh cần kiểm tra sức khỏe tim mạch theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
  • Cần đưa người bệnh đến bệnh viện nếu vết mổ bị sưng nề, chảy nhiều dịch hoặc máu, sốt cao hoặc xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng khác.
  • Ngay cả khi đã bình phục hoàn toàn, người bệnh có thể phải dùng kháng sinh trước khi thực hiện một số thủ thuật của nha khoa và y tế. Đây là cách giúp phòng ngừa tình trạng nhiễm trùng van tim. Do đó, người bệnh cần thông báo với bác sĩ hoặc nha sĩ về tình trạng đã bít dù thông liên nhĩ của bản thân để bác sĩ cân nhắc về việc kê thuốc kháng sinh.
Hướng dẫn chăm sóc sau bít dù thông liên nhĩ tại bệnh viện và tại nhà 4
Chăm sóc sau bít dù thông liên nhĩ cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ

Tóm lại, bên cạnh phương pháp điều trị thì việc chăm sóc sau bít dù thông liên nhĩ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục sức khỏe của người bệnh và duy trì hiệu quả của thủ thuật này. Người bệnh cũng nên tái khám sức khỏe tim mạch định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ và xây dựng một lối sống lành mạnh, khoa học.
Xem thêm: Bệnh thông liên thất có di truyền không? Cách nhận biết biểu hiện và phòng ngừa

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin