Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Insomnia là gì? Cách cải thiện chứng mất ngủ kéo dài

Ngày 18/01/2023
Kích thước chữ

Mất ngủ kéo dài là một chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến hoặc được gọi là insomnia. Những người bị mất ngủ khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ hoặc cả hai. Ngày nay, tỷ lệ người mắc chứng mất ngủ kéo dài ngày một tăng cao. Nếu tình trạng này không được cải thiện sẽ tác động tiêu cực đến sức khỏe. Vậy Insomnia cụ thể là gì? Có cách nào để cải thiện không?

Mất ngủ kéo dài khiến người bệnh trở nên mệt mỏi, uể oải và sức khỏe giảm sút. Mất ngủ cấp tính là tình trạng khó đi vào giấc ngủ trong thời gian ngắn. Mất ngủ mãn tính là khi các vấn đề về giấc ngủ kéo dài từ 4 tuần trở lên. Để điều trị bệnh mất ngủ, trước tiên người bệnh phải hiểu rõ mình mất ngủ do nguyên nhân nào để từ đó có cách giải quyết chính xác.

Mất ngủ kéo dài (Insomnia) là bệnh gì?

Bệnh Insomnia là như thế nào? Nguyên nhân dẫn đến mắc căn bệnh này là gì? Và triệu chứng biểu hiện của căn bệnh này có nguy hiểm hay không? Để trả lời câu hỏi trên, mời bạn cùng Long Châu tìm hiểu ngay nhé!

Insomnia là gì?

Mất ngủ kéo dài (Insomnia) là tình trạng rối loạn giấc ngủ, gây suy giảm sức khỏe và tinh thần người bệnh và làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh khác liên quan đến sức khỏe tâm thần. Theo Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 10% người trưởng thành bị mất ngủ mãn tính và 15-35% người trưởng thành bị mất ngủ cấp tính kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần. Trên thực tế, chứng mất ngủ có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi.

Insomnia là gì? Cách cải thiện chứng mất ngủ kéo dài 1

Insomnia là gì? Insomnia hay Mất ngủ kéo dài là tình trạng rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe

Nguyên nhân mắc hội chứng Insomnia

Xác định rõ ràng lý do tại sao mất ngủ kéo dài là điều quan trọng giúp kiểm soát chứng mất ngủ. Nguyên nhân gây mất ngủ kéo dài rất đa dạng như:

  • Căng thẳng trong công việc và cuộc sống: Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất ngủ kéo dài. Khối lượng công việc, gia đình, bạn bè,... khiến bạn dễ rơi vào trạng thái lo lắng và mất ngủ.
  • Sử dụng chất kích thích: Đồ uống có cồn như bia hay cafein như cà phê thường kích thích hệ thần kinh và dẫn đến rối loạn giấc ngủ.
  • Thuốc điều trị: Việc sử dụng quá nhiều một số loại thuốc điều trị cao huyết áp, corticoid, thuốc chống trầm cảm,… cũng có thể gây mất ngủ.
  • Môi trường sống và thói quen sinh hoạt: Thay đổi thời gian hoặc thói quen sinh hoạt cũng có thể gây mất ngủ. Ngoài ra ô nhiễm tiếng ồn từ các phương tiện giao thông hay công trình xây dựng sẽ phá hủy chu kỳ giấc ngủ của con người. 
  • Bệnh lý: Một số bệnh mãn tính với các triệu chứng dai dẳng có thể gây khó chịu, mất ngủ cho người bệnh như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày, tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận,... Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra chứng mất ngủ kéo dài, nhất là ở người lớn tuổi.

Triệu chứng Insomnia

Mất ngủ kéo dài có nhiều biểu hiện lâm sàng khác nhau. Tuy nhiên, người bệnh có thể nhận biết tình trạng này qua một số triệu chứng như sau:

  • Đau đầu: Mất ngủ kéo dài làm các tế bào thần kinh không được cung cấp đủ máu, căng thẳng thần kinh gây đau đầu.
  • Mệt mỏi, chán ăn: Nếu bạn ngủ không ngon giấc, cơ thể không thể sạc đủ năng lượng nên bạn thường cảm thấy mệt mỏi và chán ăn.
  • Mất ngủ về đêm: Người bệnh thường khó đi vào giấc ngủ, dễ tỉnh giấc vào nửa đêm nhưng lại khó ngủ lại hoặc thức dậy sớm vào buổi sáng.
  • Mất ngủ buổi trưa: Bạn nên ngủ trưa ngắn khoảng 20 - 30 để phục hồi năng lượng, đối với những người bị mất ngủ kéo dài, giấc ngủ ngắn cũng khó khăn, khiến tinh thần không thoải mái và cơ thể lười biếng.
  • Trí nhớ kém, khó tập trung: Đây là dấu hiệu đáng báo động, bởi hiện nay chứng mất ngủ kéo dài đã thực sự ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và cần được điều trị càng sớm càng tốt.
  • Rối loạn tâm lý: Nguy cơ rối loạn tâm thần kinh, trong đó trầm cảm có  thể xảy ra nếu các triệu chứng mất ngủ kéo dài.
  • Chất lượng giấc ngủ suy giảm: Khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ, thức dậy sớm và mệt mỏi, thức giấc thường xuyên.

Mất ngủ kéo dài ảnh hưởng đến sức khoẻ như thế nào?

Hầu hết người trưởng thành cần ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi đêm. Bạn sẽ biết  mình ngủ đủ giấc nếu không cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm sau. Ngủ đủ giấc rất quan trọng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Thiếu ngủ có thể gây ra những hậu quả sức khỏe. Những ảnh hưởng của việc ngủ không đủ giấc như:

  • Tăng nguy cơ tai nạn.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu: Nếu bạn dễ bị cảm cúm, có thể là do bạn mất ngủ kéo dài có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, ít có khả năng chống lại vi khuẩn gây bệnh.
  • Thiếu ngủ có thể gây béo phì: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ngủ ít hơn 5 tiếng sẽ tăng 50% nguy cơ mắc bệnh béo phì. Điều này là do những người thiếu ngủ có nồng độ leptin giảm (chất giúp bạn no lâu) và tăng mức độ ghrelin (hormone kích thích cảm giác đói). Vì vậy, bạn sẽ luôn cảm thấy thèm ăn không kiểm soát.
  • Gây ra rối loạn tâm lý: Thiếu ngủ sẽ khiến bạn ủ rũ và cáu kỉnh vào ngày hôm sau. Vì vậy chứng mất kéo dài có thể dẫn đến rối loạn tâm thần như trầm cảm hoặc lo lắng. Thiếu ngủ cũng làm tăng 33% nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường: Các nghiên cứu cho thấy những người thường ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi đêm sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên gấp ba lần. Dường như việc thiếu ngủ sâu có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2 do thay đổi cơ chế xử lý glucose và sử dụng năng lượng.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Mất ngủ kéo dài có liên quan đến việc tăng nhịp tim, tăng huyết áp làm tăng khối lượng công việc cho tim.
  • Thiếu ngủ ở trẻ em có thể gây ra những ảnh hưởng như không tập trung, học tập kém hiệu quả, tương tác xã hội kém, có hành vi chống đối xã hội, hạn chế phát triển thể chất.

Insomnia là gì? Cách cải thiện chứng mất ngủ kéo dài 2

Mất ngủ kéo dài gây đau đầu, ảnh hưởng đến hiệu suẩt công việc, học tập và chất lượng cuộc sống

Điều trị chứng Insomnia

Như ở trên bạn đã thấy, hội chứng Insomnia đem lại nhiều hậu quả tiêu cực đến cho những người mắc phải. Vậy cách điều trị căn bệnh này là gì? Tìm hiểu ngay dưới đây nhé!

Dùng thuốc điều trị

Một số loại thuốc đã được phát triển để cải thiện nhanh chóng các triệu chứng mất ngủ. Tuy nhiên, do một số tác dụng phụ, những loại thuốc này thường không được khuyến cáo sử dụng lâu dài. Các tác dụng phụ như buồn ngủ ban ngày, hay quên, mộng du, rối loạn thăng bằng,... Do đó bạn chỉ nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Vận động

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất thường xuyên giúp duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường lưu thông máu, giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng giúp ngủ ngon hơn, hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ dai dẳng. Bạn có thể tập yoga hoặc ngồi thiền trước khi đi ngủ để giúp tinh thần thoải mái. Tuy nhiên, tránh tập thể dục quá sức trước khi đi ngủ vì có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ.

Insomnia là gì? Cách cải thiện chứng mất ngủ kéo dài 3

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất như ngồi thiền giúp lưu thông máu tốt hơn, giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ ngon hơn

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ do đó bạn lưu ý những điều sau:

  • Tránh cafein, nicotin và rượu bia vào cuối ngày.
  • Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, bổ sung các thực phẩm giúp cải thiện giấc ngủ như mật ong, trà sen, trà hoa cúc,... 
  • Không ăn quá nhiều trước khi đi ngủ.

Liệu pháp khác

Châm cứu giúp khí huyết lưu thông, đả thông kinh lạc hỗ trợ chữa mất ngủ. Ngoài ra, bấm huyệt cũng có thể giúp bạn ngủ ngon và sâu giấc hơn.

Tóm lại, bài viết trên đã giải thích Insomnia là gì. Đây là hiện tượng mất ngủ kéo dài kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, cáu gắt,… Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống lâu dài. Bên cạnh những cách điều trị và phòng ngừa ở trên, nếu tình trạng mất ngủ kéo dài người bệnh nên đến các cơ sở y tế để có liệu trình điều trị phù hợp.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin