Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Khám thận gồm những gì? Cần chuẩn bị gì trước khi khám thận?

Ngày 15/11/2024
Kích thước chữ

Khi có ý định kiểm tra chức năng thận, nhiều người thắc mắc không biết khám thận gồm những gì và cần chuẩn bị gì trước khi khám thận? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng tham khảo nội dung dưới đây nhé!

Thận là cơ quan quan trọng đảm nhận nhiệm vụ loại bỏ chất thải và dịch thừa ra khỏi cơ thể. Để đánh giá tổng quan chức năng thận, cần phải thực hiện xét nghiệm máu, nước tiểu hay các chẩn đoán hình ảnh. Nhiều người thắc mắc không biết khám thận gồm những gì và cần chuẩn bị những gì? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Khi nào cần đi khám thận?

Trước khi tìm hiểu khám thận gồm những gì, cần phải nắm được khi nào cần đi khám thận. Khám thận giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường liên quan đến chức năng thận. Mặc dù các triệu chứng ban đầu có thể khó nhận biết, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể giúp ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm.

Dưới đây là một số triệu chứng điển hình cần chú ý:

  • Xuất hiện tình trạng sưng phù ở mặt, tay, chân và mắt cá chân.
  • Nước tiểu có dấu hiệu bất thường như có máu, đổi màu đục hoặc sủi bọt.
  • Tần suất đi tiểu thay đổi, có thể nhiều hoặc ít hơn bình thường, tiểu đêm thường xuyên.
  • Khó thở, đặc biệt khi nằm.
  • Ngứa ngáy kéo dài.
  • Chán ăn, sút cân bất thường.
  • Thường xuyên bị chuột rút cơ bắp.
  • Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ.
  • Gặp khó khăn trong việc tập trung, trí nhớ giảm sút.
  • Huyết áp cao.
Khám thận gồm những gì? Cần chuẩn bị gì trước khi khám thận? 1
Khám thận giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường liên quan đến chức năng thận

Các chuyên gia y tế khuyến nghị những người cao tuổi, người mắc hoặc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường nên kiểm tra chức năng thận định kỳ. Ngoài ra, người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận cũng cần chú ý, bởi nhiều bệnh lý về thận có yếu tố di truyền.

Những người thừa cân, béo phì, ít vận động và có lối sống không lành mạnh cũng đối mặt với nguy cơ cao về các bệnh lý thận, do đó cần có kế hoạch kiểm tra và theo dõi sức khỏe thường xuyên.

Khám thận gồm những gì?

Khám chức năng thận bao gồm các xét nghiệm sinh hóa máu, nước tiểu và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Những xét nghiệm này giúp đánh giá tình trạng suy giảm chức năng thận thông qua các chỉ số trong máu, nước tiểu và kết quả chụp hình ảnh thận.

Vậy khám thận gồm những gì? Khám thận thường bao gồm nhiều phần khác nhau như:

Xét nghiệm sinh hóa máu

  • Creatinine huyết thanh: Đây là sản phẩm từ quá trình phân hủy mô cơ. Tùy thuộc vào độ tuổi và trọng lượng cơ thể mà sẽ có nồng độ creatinine khác nhau. Ở phụ nữ, mức creatinine trên 1.2 và ở nam giới trên 1.4, có thể cho thấy dấu hiệu suy giảm chức năng thận. Mức creatinine càng cao, tình trạng thận càng nghiêm trọng.
  • Mức lọc cầu thận (GFR): Chỉ số này đánh giá khả năng lọc chất thải và chất lỏng dư thừa của thận. GFR bình thường là trên 90; GFR dưới 60 cho thấy thận gặp vấn đề và dưới 15 có nguy cơ suy thận nghiêm trọng, cần phải điều trị bằng lọc máu hoặc ghép thận.
  • Nitơ Urê máu (BUN): Chỉ số BUN xuất phát từ quá trình phân hủy protein trong thực phẩm. Mức BUN bình thường sẽ giao động trong khoảng từ 7 - 20, nhưng sẽ tăng nếu chức năng thận giảm sút.

Xét nghiệm nước tiểu

Tùy loại xét nghiệm mà lượng nước tiểu cần thiết sẽ khác nhau, có thể là một ít hoặc toàn bộ lượng nước tiểu trong 24 giờ để đánh giá chính xác hoạt động thận và lượng protein có thể rò rỉ vào nước tiểu.

  • Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu: Kiểm tra mẫu nước tiểu dưới kính hiển vi hoặc sử dụng que nhúng hóa học. Bất thường màu sắc trên que nhúng có thể cho thấy protein, máu, đường hoặc vi khuẩn, từ đó giúp phát hiện các vấn đề như bệnh thận mạn tính, sỏi thận, nhiễm trùng bàng quang, tiểu đường,...
  • Protein niệu: Xét nghiệm này kiểm tra lượng protein trong nước tiểu. Nếu que nhúng dương tính, có thể kiểm tra thêm bằng tỷ lệ Albumin-creatinine để xác nhận.
  • Microalbumin niệu: Thường được chỉ định với những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh thận (như tiểu đường hoặc huyết áp cao), giúp phát hiện albumin trong nước tiểu ở mức nhỏ.
  • Tỷ lệ Albumin/Creatinine (ACR): ACR dưới 30 là bình thường; từ 30 - 300 là albumin niệu mức trung bình và trên 300 là dấu hiệu albumin niệu nghiêm trọng.
  • Độ thanh thải creatinine: So sánh creatinine trong nước tiểu 24 giờ với creatinine trong máu để đánh giá khả năng lọc của thận.
Khám thận gồm những gì? Cần chuẩn bị gì trước khi khám thận? 2
Xét nghiệm nước tiểu giúp đánh giá hoạt động thận và lượng protein rò rỉ vào nước tiểu

Xét nghiệm hình ảnh

  • Siêu âm: Sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh thận, giúp phát hiện các bất thường về kích thước, vị trí, khối u hoặc sỏi.
  • Chụp CT: Chụp CT giúp quan sát cấu trúc thận, nhưng có thể yêu cầu tiêm thuốc cản quang, điều này cần cân nhắc đối với người mắc bệnh thận.

Sinh thiết thận

Sử dụng kim nhỏ để lấy mẫu mô thận, sinh thiết nhằm đánh giá tình trạng tổn thương, xác định bệnh lý cụ thể và lý do ghép thận không thành công, nếu có.

Cần chuẩn bị gì trước khi khám thận?

Trước khi đi khám thận, cần chuẩn bị những điều sau để quá trình thăm khám diễn ra thuận lợi và cho kết quả chính xác nhất:

  • Cung cấp đầy đủ thông tin sức khỏe: Hãy thông báo cho bác sĩ về tiền sử bệnh lý, đặc biệt khi mắc các bệnh về thận, tim mạch và tiểu đường
  • Thông báo về các loại thuốc đang sử dụng: Bao gồm các loại thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, vitamin và thực phẩm bổ sung, đều có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm máu hoặc nước tiểu. Do đó, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tạm ngưng một số loại thuốc trước khi khám thận để tránh sai lệch kết quả.
  • Mang theo các kết quả xét nghiệm cũ (nếu có): Điều này sẽ giúp bác sĩ có cái nhìn toàn diện hơn về tình trạng sức khỏe thận cũng như đánh giá được sự thay đổi của các chỉ số quan trọng và đưa ra phương án can thiệp phù hợp.
  • Tránh sử dụng một số thực phẩm nhất định: Thói quen hút thuốc lá, uống cà phê và rượu bia có thể làm thay đổi các chỉ số sinh hóa và gây ảnh hưởng đến kết quả.
  • Uống nước đầy đủ: Nước giúp làm sạch hệ tiết niệu và có thể giúp quá trình xét nghiệm diễn ra suôn sẻ hơn.
Khám thận gồm những gì? Cần chuẩn bị gì trước khi khám thận? 3
Cần cung cấp đầy đủ thông tin sức khỏe trước khi khám thận

Cần chủ động khám thận định kỳ và chuẩn bị đầy đủ trước khi khám rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe lâu dài. Việc hiểu rõ khám thận gồm những gì và cần chuẩn bị gì sẽ góp phần đảm bảo độ chính xác cao, giúp phát hiện sớm những bất thường và điều trị kịp thời để phòng ngừa được những biến chứng nguy hiểm.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin