Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Lí do trẻ ăn vạ là gì? Cha mẹ nên làm gì lúc này?

Ngày 16/03/2024
Kích thước chữ

Hành vi ăn vạ là điều thường gặp ở trẻ nhỏ và đã trở thành thuật ngữ quen thuộc với nhiều bậc cha mẹ. Mặc dù đã quen với việc trẻ con ăn vạ, nhiều bậc phụ huynh vẫn tự hỏi tại sao con họ lại thường xuyên thực hiện hành động này và làm thế nào để khắc phục. Vậy ăn vạ là gì? Cha mẹ cần làm gì khi trẻ ăn vạ? Những thông tin dưới đây của nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn có được câu trả lời.

Trẻ thường có xu hướng ăn vạ nhiều nhất khi ở trong độ tuổi từ 1 đến 3. Trong giai đoạn này, trẻ đang trải qua sự phát triển của trí tuệ, ngôn ngữ và học cách diễn đạt mong muốn và cảm xúc của mình đến các thành viên khác trong gia đình.

Ăn vạ là gì?

Ăn vạ là gì? Theo Wiktionary, "ăn vạ là hành vi lúc nào cũng ì ra, nằm lăn ra để được bắt đền hay thỏa mãn yêu cầu". Hành vi này thường thấy ở các em nhỏ khi họ không nhận được sự chiều chuộng và đáp ứng mong muốn từ phía bố mẹ. 

Các hành động ăn vạ thường bao gồm: Việc gào khóc, lăn ra sàn, hoặc thậm chí là nôn trớ... Mục tiêu của những hành động này là thu hút sự chú ý của cha mẹ hoặc ông bà để đạt được điều mà trẻ đang mong muốn.

Lí do trẻ ăn vạ là gì? Cha mẹ nên làm gì lúc này?
Ăn vạ là hành động trẻ thực hiện nhằm mong muốn nhu cầu của mình được thỏa mãn

Hành vi ăn vạ ở trẻ thường được hình thành theo mô hình phản xạ có điều kiện như sau: Trẻ muốn ăn bánh, vì vậy liền khóc, cha mẹ thấy trẻ khóc, thì cho trẻ bánh. Khi đã có bánh, trẻ ngừng khóc. Quy trình này được lặp lại nhiều lần, dần dần trẻ sẽ hiểu rằng chỉ cần khóc là sẽ được cho bánh. Đồng thời, cha mẹ cũng nhận thức rằng chỉ cần cho trẻ bánh là trẻ sẽ ngừng khóc.

Nguyên nhân trẻ ăn vạ là gì?

Vậy nguyên nhân trẻ ăn vạ là gì? Có nhiều lý do khiến một đứa trẻ thường xuyên ăn vạ, điều này gây khó khăn và đau đầu cho nhiều bậc cha mẹ khi cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề này.

Muốn thu hút sự chú ý

Do khả năng ngôn ngữ của trẻ còn chưa hoàn chỉnh, việc khóc lóc và ăn vạ thường là cách nhanh nhất để trẻ có thể thu hút sự chú ý của mọi người, với mục đích là nhận được sự đáp ứng nhanh chóng cho những mong muốn của mình. 

Ngoài ra, khi trẻ đang mệt mỏi hoặc kích động, như: Trong những trường hợp trẻ đang buồn ngủ, khát sữa, đói bụng, hoặc mệt mỏi, việc ăn vạ cũng có thể là cách để trẻ giải tỏa cảm xúc tiêu cực.

Chứng tăng động

Trẻ ăn vạ đôi khi là biểu hiện của chứng tăng động. Vì vậy, cha mẹ cần quan sát kỹ tần suất trẻ ăn vạ cùng với cách mà trẻ ứng xử khi không được đáp ứng yêu cầu như: La hét hoặc ném đồ vật. Nếu cần thiết, hãy đưa trẻ đi thăm khám để đánh giá tâm lý cho trẻ.

Tâm sinh lý thay đổi

Ăn vạ có thể xuất phát từ các thay đổi tâm lý của trẻ. Ví dụ, khi trẻ đạt đến tuổi 2, trẻ thường trở nên dễ khóc, dỗi hờn, cảm thấy khó chịu, và có thể ăn vạ hoặc tức giận khi mong muốn của họ không được đáp ứng. Hoặc khi trẻ cảm thấy đói, mệt mỏi, hoặc khi không được gần bố mẹ, trẻ cũng có xu hướng hay ăn vạ. Do trẻ đang ở giai đoạn chưa phát triển ngôn ngữ hoàn thiện, nên khi muốn diễn đạt mong muốn, trẻ thường tỏ ra tức giận và khóc lóc.

Lí do trẻ ăn vạ là gì? Cha mẹ nên làm gì lúc này? 1
Tâm lý thay đổi là một trong những lí do khiến trẻ thực hiện hành vi ăn vạ

Không được đáp ứng mong muốn

Một nguyên nhân khác khiến trẻ thường xuyên ăn vạ là vì trẻ không được cha mẹ đáp ứng những mong muốn, yêu cầu của mình. Vì trẻ nghĩ việc khóc lóc và ăn vạ có vẻ như là cách nhanh nhất để có thể thu hút sự chú ý của mọi người và hy vọng nhận được sự đáp ứng nhanh chóng từ phía cha mẹ.

Được nuông chiều

Có nhiều người tin rằng việc trẻ ăn vạ bắt nguồn từ những mong muốn không được đáp ứng của trẻ. Nhưng thực tế, điều này phát sinh từ việc bố mẹ nuông chiều con quá mức. Khi trẻ quen với việc được chiều chuộng và đột ngột không được đáp ứng như mong đợi, lúc này trẻ thường phản ứng bằng cách ăn vạ.

Cha mẹ cần làm gì khi trẻ ăn vạ?

Ngoài việc tìm hiểu ăn vạ là gì? Thì cha mẹ cần làm gì khi trẻ ăn vạ cũng được nhiều bạn đọc quan tâm. Khi trẻ thể hiện hành vi ăn vạ, cha mẹ có thể thực hiện các biện pháp sau để ngăn chặn việc này tránh để trẻ tạo thành thói quen tiêu cực:

  • Thấu hiểu và đồng cảm: Nên nhận thức rằng trẻ cũng là cá nhân độc lập và mong muốn được chú ý. Khi trẻ ăn vạ hoặc tức giận, cha mẹ cần là người hiểu và đồng cảm nhất với trẻ. Hãy giữ thái độ bình tĩnh, kiên nhẫn lắng nghe trẻ và sử dụng lời nói để hiểu mong muốn của trẻ. Ví dụ: "Con có muốn dừng ăn không?", "Con muốn chơi với đồ chơi này à?"... Điều này giúp trẻ cảm thấy được quan tâm, giảm bớt cảm xúc tiêu cực và phát triển khả năng ngôn ngữ và quản lý cảm xúc.
  • Trò chuyện sau khi cơn giận đi qua: Khi trẻ đã bình tĩnh, cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện cùng con để hiểu suy nghĩ của trẻ. Ví dụ như: "Hôm nay con khóc vì con không muốn ăn đúng không? Ngày mai chúng ta sẽ thử món mới nhé!". Qua đó, trẻ cảm thấy có giải pháp cho vấn đề và thấy nhẹ nhõm hơn.
  • Hướng trẻ đến hoạt động khác: Sau khi trải qua cơn giận dỗi, cha mẹ có thể đưa trẻ sang các hoạt động khác để trẻ quên đi sự cố trước đó và tìm lại niềm vui. Ví dụ: "Bố biết con buồn vì đồ chơi hỏng, nhưng sắp tới giờ đi siêu thị rồi”, “Con muốn đi chơi ngoài phải không? Vậy thì cả nhà cùng chuẩn bị nhé!"
Lí do trẻ ăn vạ là gì? Cha mẹ nên làm gì lúc này? 2
Cha mẹ có thể hướng trẻ đến hoạt động khác khi trẻ ăn vạ

Cha mẹ cần tránh làm điều này khi trẻ ăn vạ

Không quá khó để hiểu hành vi ăn vạ là gì ở trẻ, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý đến một số điều cần tránh, để giúp trẻ quản lý cảm xúc của mình.

Không quát tháo hoặc tức giận với trẻ

Khi trẻ ăn vạ kết hợp với tiếng khóc hay gào thét… nhiều bậc phụ huynh có thể cảm thấy đau đầu và khó chịu và thường trút giận lên trẻ. Hành động này không chỉ không giúp trẻ ngừng khóc mà còn có thể làm tăng âm lượng của tiếng khóc. Ngoài ra, không nên kẹp chặt tay chân của trẻ vì điều này có thể làm cho trẻ tức giận hơn và giãy giụa mạnh mẽ hơn. 

Đồng thời, không nên sử dụng phương tiện như roi vì trẻ có thể học cách sử dụng bạo lực với người khác. Thay vào đó, cha mẹ nên giữ thái độ bình tĩnh, quan sát và ở bên cạnh trẻ cho đến khi trẻ ngừng khóc và dịu đi.

Không nuông chiều trẻ

Trẻ em như một tờ giấy trắng và cách cha mẹ đối xử với trẻ sẽ ảnh hưởng đến thói quen của trẻ sau này. Nếu cha mẹ luôn đáp ứng ngay lập tức mọi nhu cầu của trẻ mỗi khi trẻ ăn vạ, trẻ có thể sử dụng tiếng khóc của mình để đạt được mong muốn.

Không tranh cãi hoặc lý lẽ với trẻ

Khi trẻ tức giận, cha mẹ không nên cố gắng giải thích hoặc tranh cãi vì lúc này trẻ có thể không muốn nghe. Thay vào đó, cha mẹ nên đợi cho cơn giận của trẻ trôi qua trước khi bắt đầu trò chuyện với trẻ để hiểu về nguyên nhân của vấn đề.

Lí do trẻ ăn vạ là gì? Cha mẹ nên làm gì lúc này? 3
Không nên so sánh trẻ với trẻ khác khi trẻ ăn vạ sẽ khiến trẻ thêm tự ti

Không so sánh trẻ với trẻ khác

Như người lớn, trẻ cũng không thích bị so sánh với người khác. Hành vi này không chỉ làm cho trẻ cảm thấy tự ti và xấu hổ về bản thân mà còn gây ra cảm giác ghen tị và căm phẫn với bạn bè. Điều này có thể làm cho trẻ luôn buồn bã, lo âu và không dám thể hiện suy nghĩ của mình vì sợ bị so sánh.

Không sử dụng lời nói dối để giải quyết vấn đề

Để trẻ ngừng khóc và ăn vạ, một số phụ huynh có thể nói dối trẻ và thỏa hiệp tạm thời. Tuy nhiên, điều này có thể làm cho trẻ học cách nói dối và có tác động tiêu cực đến tính cách của trẻ trong tương lai.

Không tìm cách giải quyết vấn đề ở nơi đông người

Khi trẻ ăn vạ gây ra sự ồn ào, cha mẹ không nên cố gắng quát mắng hoặc thuyết phục trẻ ở nơi công cộng vì điều này có thể ảnh hưởng đến người khác xung quanh. Thay vào đó, cha mẹ nên đưa trẻ ra nơi riêng tư hoặc đưa trẻ về nhà để giải quyết vấn đề. Di chuyển có thể là cách kiềm chế sự nổi loạn ở trẻ. Sau khi trẻ bình tĩnh, cả hai bên có thể trò chuyện nhẹ nhàng và lắng nghe lẫn nhau mà không làm cho trẻ cảm thấy bị xấu hổ hay tức giận khi ở nơi công cộng.

Hy vọng rằng qua những chia sẻ trên về chủ đề: Ăn vạ là gì? Các bậc cha mẹ sẽ có hiểu biết sâu hơn về hành vi này của trẻ. Việc trẻ ăn vạ thường làm cho nhiều phụ huynh cảm thấy khó xử và đau đầu khi cố gắng tìm cách giải quyết. Hãy lắng nghe, quan sát, đánh giá tình huống và kiểm soát hành vi của mình đồng thời giúp trẻ cách quản lý tốt cảm xúc của bản thân.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin