Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Loét do tì đè là gì? Hướng điều trị và chăm sóc người bệnh

Ngày 24/06/2024
Kích thước chữ

Loét do tì đè là một trong những bệnh lý tổn thương nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà còn làm tăng gánh nặng cho gia đình. Khi không được chăm sóc đúng cách, các vết loét có thể dẫn đến nhiễm khuẩn, nhiễm trùng da thậm chí gây nhiễm khuẩn huyết. Việc nắm được loét do tì đè là gì cùng hướng chăm sóc và điều trị sẽ giúp người nhà và bản thân bệnh nhân biết cách quản lý tình trạng bệnh để có được chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Nguyên nhân chính gây loét do tì đè là bởi sự hạn chế lưu thông máu đến da. Ở những vùng da không nhận đủ chất dinh dưỡng, các tế bào ở lớp biểu bì sẽ chết đi, làm cho da trở nên mỏng hơn và dễ bị tổn thương.

Loét do tì đè là gì?

Loét do tì đè là một tổn thương của da và các mô dưới da, đặc trưng bởi một vùng mô bị hoại tử tạo thành vết thương không thể tự lành. Nguy cơ phát triển loét do tì đè liên quan trực tiếp đến việc bất động ở tư thế ngồi hoặc nằm gây chèn ép cục bộ và giảm cung cấp máu tại chỗ. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể liên quan đến các bệnh lý khác đặc biệt là bệnh đái tháo đường.

Loét do tì đè là gì? Hướng điều trị và chăm sóc người bệnh - 1
Loét do tì đè được hiểu là một tổn thương của da và các mô dưới da

Người cao tuổi có nguy cơ cao bị loét do tì đè do da của họ mỏng hơn và nhạy cảm hơn với sự giảm cung cấp máu cục bộ, nhất là những người phải nằm viện lâu ngày hoặc bị suy dinh dưỡng. Các bệnh nhân bị tổn thương cột sống hoặc bệnh lý tim mạch cũng có nguy cơ cao bị loét do tì đè hơn. 

Các yếu tố góp phần hình thành loét do tì đè bao gồm: Thiếu hụt dinh dưỡng, trọng lượng thay đổi, mất thể tích, thiếu máu, mất tự chủ đại tiện, đái tháo đường, suy thận, bệnh ác tính, sử dụng thuốc an thần, phẫu thuật lớn, các rối loạn chuyển hóa, hút thuốc và nằm liệt giường hoặc ngồi trên xe lăn.

Các giai đoạn phát triển của loét do tì đè

Các giai đoạn loét tì đè cụ thể là gì? Dựa vào mức độ tăng dần của tổn thương và khó khăn trong điều trị, loét do tì đè ở người già được chia thành 4 giai đoạn phát triển gồm:

Giai đoạn 1: Tổn thương lớp thượng bì và lớp bì

Da không bị mất, còn nguyên vẹn và có màu đỏ nhạt. Vùng bị tổn thương thường xuất hiện trên các lồi xương không chuyển sang màu trắng khi bị ép. Người có da đậm màu có thể nhận thấy da tổn thương khác biệt so với các vùng xung quanh. Ở giai đoạn này vùng da loét do tì đè ở sẽ cứng và ấm hoặc lạnh hơn so với vùng da xung quanh và mang lại cảm giác đau cho người bệnh.

Loét do tì đè là gì? Hướng điều trị và chăm sóc người bệnh - 2
Giai đoạn 1 của loét do tì đè xuất hiện tổn thương lớp thượng bì và lớp bì

Giai đoạn 2: Tổn thương lớp thượng bì, lớp bì cùng lớp dưới da

Mất một phần lớp bì với biểu hiện loét hở với đáy vết loét nông, màu đỏ hồng, không có vảy, khô và chưa có mô hoại tử (tế bào chết có màu trắng đục). Vùng da này cũng có thể xuất hiện vết phỏng nước, chứa đầy huyết thanh còn nguyên vẹn hoặc đã bị hở, vỡ ra.

Giai đoạn 3: Tổn thương lớp thượng bì, lớp bì, lớp mỡ cùng lớp dưới da

Người bệnh bị mất mô toàn bộ lớp da, có thể thấy mô mỡ bên dưới da nhưng không lộ xương, gân hay cơ. Có thể xuất hiện lớp vảy nhưng không thể lấp đầy được mô bị mất, vài trường hợp sẽ nhìn thấy tổ chức dưới da hoại tử màu vàng đục, có thể có lỗ rò hay đường hầm.

Giai đoạn 4: Tổn thương ăn sâu xuống gân cơ

Mất toàn bộ mô da và dưới da, để lộ gân hay cơ. Có thể có lớp vảy màu vàng do hoại tử đục hay eschar ở đáy vết thương, đồng thời thường xuất hiện đường hầm và lỗ rò.

Điều trị và chăm sóc người bệnh loét do tì đè

Điều trị loét tì đè như thế nào? Với tổn thương loét do tì đè giai đoạn 1 và 2 việc cần làm là chăm sóc vết thương bảo tồn, không cần phẫu thuật. Đối với tổn thương loét tì đè giai đoạn 3 và 4 có thể xem xét phẫu thuật can thiệp như: Ghép da có cuống. Tuy nhiên, một số tổn thương phải được điều trị bảo tồn trong trường hợp bệnh nhân có các bệnh lý kèm theo. Có nhiều phương pháp điều trị loét do tì đè, tùy theo tình trạng bệnh của từng người có thể áp dụng riêng lẻ hoặc kết hợp. Cụ thể:

Nâng đỡ thể trạng

Nâng đỡ thể trạng bằng cách: Giảm đau và chăm sóc tiêu tiểu không tự chủ, vệ sinh ổ loét và các mô xung quanh đúng cách, đảm bảo cung cấp dinh dưỡng đầy đủ calories, vitamin, protein và các yếu tố vi lượng.

Loét do tì đè là gì? Hướng điều trị và chăm sóc người bệnh - 3
Nâng đỡ thể trạng cho người bệnh loét do tì đè bằng việc cung cấp dinh dưỡng đầy đủ

Giảm áp lực tì đè

Có thể giảm áp lực tì đè bằng cách: Nằm đầu cao 30 độ và thay đổi tư thế nằm 2 giờ/lần, tập vận động nếu có thể, sử dụng giường và ghế đẩy đặc biệt giúp giảm áp lực tì đè, duy trì áp lực dưới 32 mmHg.

Chăm sóc vết loét

Chăm sóc vết loét bằng cách:

  • Loại bỏ mô hoại tử: Sử dụng cắt lọc, bơm xoáy nước, Povidone-Iodine hoặc enzym tiêu hủy protein.
  • Dịch rửa vết thương: Sử dụng nước muối sinh lý, acetic acid (0.5%), Povidone-Iodine pha loãng hoặc Sodium Hypochlorite (2.5%).
  • Băng bó vết loét: Đối với vết loét giai đoạn 2 hoặc nặng hơn, có thể dùng thêm thuốc gel để chống nhiễm bẩn và loại bỏ mô hoại tử.
  • Kháng sinh: Sử dụng kem kháng sinh như: Sulfadiazine để ức chế DNA và thay đổi màng tế bào.

Ngoài ra còn một số phương pháp khác như: Liệu pháp áp lực âm, electrotherapy, oxy cao áp, yếu tố phát triển…

Chế độ ăn uống

Người bệnh bị loét do tì đè cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo cơ thể có đủ nguyên liệu để sản xuất tế bào và phục hồi nhanh chóng, giúp vết loét liền nhanh hơn. Đặc biệt nên bổ sung thực phẩm giàu protein, kẽm và vitamin C: Đây là những yếu tố quan trọng trong việc chăm sóc người bệnh loét da do tì đè.

Loét do tì đè là gì? Hướng điều trị và chăm sóc người bệnh - 4
Thường xuyên kiểm tra da để phòng ngừa và phát hiện sớm tình trạng loét da do tì đè

Phòng ngừa loét da do tì đè

Phòng ngừa loét tì đè như thế nào? Dưới đây là một số biện pháp để ngăn ngừa tình trạng nghiêm trọng này:

  • Thay đổi tư thế người bệnh thường xuyên: Với người ngồi xe lăn, thay đổi tư thế mỗi 15-20 phút/lần. Với người nằm giường, thay đổi ít nhất mỗi 2 giờ/lần.
  • Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp: Ăn nhiều bữa trong ngày, tránh uống nước trước khi ăn, bổ sung thực phẩm giàu protein. Đồng thời bạn nên bỏ hút thuốc lá nếu có.
  • Thường xuyên kiểm tra da: Nếu xuất hiện các dấu hiệu sớm của loét do tì đè, cần liên hệ bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Những thông tin trên đây hy vọng có thể giúp bạn hiểu thêm về các giai đoạn phát triển và hướng điều trị loét do tì đè. Khi nhận thấy biểu hiện bệnh, cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, phân loại, chẩn đoán và đưa ra hướng xử lý thích hợp, tránh để vết loét lan rộng và gây khó khăn phức tạp hơn cho quá trình điều trị sau này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin