Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ngộ độc cồn: Nguy hại ra sao? Phòng tránh thế nào?

Ngày 31/05/2022
Kích thước chữ

Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ rượu, bia nhiều nhất Đông Nam Á. Vì thế, sẽ không khó hiểu khi tình trạng ngộ độc cồn xảy ra khá phổ biến và gây nên nhiều hậu quả nặng nề.

Cồn có nhiều loại khác nhau như: Cồn Ethanol, cồn Methanol, cồn Ethylene glycol hay cồn Isopropyl,... Nhưng phổ biến nhất và là nguyên nhân gây ngộ độc nhiều nhất là 2 loại: Cồn Ethanol và cồn công nghiệp Methanol. Ngộ độc cồn nhẹ thì ảnh hưởng đến các hệ cơ quan trong cơ thể, nặng có thể gây các biến chứng xơ gan, suy thận, suy tim... thậm chí dẫn đến mất mạng. 

Ngộ độc cồn có những loại nào?

Ngộ độc cồn là tình trạng cơ thể dung nạp một lượng lớn cồn trong cùng một lần, trong thời gian ngắn dẫn đến các rối loạn của các hệ cơ quan trong cơ thể, đôi khi đe dọa đến tính mạng. Cồn được đưa vào cơ thể chủ yếu qua việc uống các loại đồ uống có cồn. 

Đa số các trường hợp ngộ độc cồn thường gặp là ngộ độc cồn Ethanol (có trong các đồ uống có cồn an toàn) và cồn công nghiệp Methanol (có trong các loại rượu giả, rượu tự pha chế kém chất lượng). 

  • Cồn Ethanol được sinh ra từ quá trình lên men rượu. Ở nồng độ cho phép, cồn Ethanol không gây hại cho sức khỏe con người. Để trục lợi, nhiều người sản xuất và bán rượu là pha loãng cồn Ethanol. Việc này làm nồng độ cồn trong rượu tăng cao và là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc Ethanol. 
  • Cồn Methanol là cồn công nghiệp - không được ứng dụng trong lĩnh vực thực phẩm mà chỉ được sử dụng trong công nghiệp. Chúng được ứng dụng làm sơn, làm nước rửa kính, chất chống đông... Nồng độ Methanol trong rượu vượt quá ngưỡng 0,1% sẽ gây ngộ độc rượu Methanol

ngộ độc cồn 1 Hai loại cồn Ethanol và Methanol có trong các loại đồ uống có cồn

Ngộ độc cồn do đâu?

Ngộ độc các loại cồn thường xảy ra do những nguyên nhân như: 

Methanol khi vào cơ thể được chuyển hóa thành chất kịch độc có thể hấp thu nhanh chóng qua da, ruột và phổi. Ở người lớn, chỉ với liều Methanol 10g (30ml dung dịch 40%) cũng có thể dẫn đến tử vong. Methanol làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, có thể gây mù mắt, rối loạn hô hấp, hôn mê thậm chí tử vong. 

Nếu uống phải rượu pha cồn Methanol, nguy cơ ngộ độc cồn là chắc chắn. Dù không muốn nhưng không thiếu trường hợp vô tình uống phải Methanol mà không hề hay biết như: 

  • Vì lợi nhuận, người ta pha cồn công nghiệp Methanol vào rượu để tăng khối lượng hoặc bán với giá thành rẻ hơn. Khách hàng mua phải loại rượu này giống như đang “rước họa vào thân”.
  • Trong quy trình sản xuất rượu, giai đoạn đầu cho ra rượu có nồng độ Methanol cao. Đúng nguyên tắc sẽ phải đổ phần rượu này đi. Nhưng người nấu rượu vì lợi nhuận đã hòa chung vào rượu thành phẩm, gây hại cho người dùng. 
  • Một số trường hợp đổ nhầm cồn Methanol vào rượu uống. Methanol tinh khiết nhìn khá giống rượu trắng lại có mùi thoang thoảng ngọt. Nếu không dán nhãn rõ ràng việc nhầm lẫn cũng là điều dễ hiểu. 
  • Nếu uống quá nhiều rượu, ngay cả rượu ethanol cũng có thể bị ngộ độc. Thậm chí uống nhiều rượu trong thời gian dài dễ gây nghiện rượu. Lúc này nguy cơ ngộ độc luôn thường trực và người nghiện rượu khi ngộ độc rượu thường biến chứng nặng. 

ngộ độc cồn 2 Một lượng cồn lớn được dung nạp sẽ âm thầm hủy hoại cơ thể

Ngộ độc cồn có triệu chứng gì?

Ngộ độc Ethanol có biểu hiện nhẹ hơn và hậu quả không nặng nề như ngộ độc Methanol. Trong từng trường hợp, nạn nhân có những triệu chứng khác nhau. Đây là những triệu chứng thường gặp nhất ở những người ngộ độc chất cồn trong rượu:

Triệu chứng ngộ độc Ethanol

Cồn Ethanol có thể tác động và gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Tùy số lượng và tần suất sử dụng, nạn nhân có thể bị ngộ độc Ethanol cấp tính hoặc mãn tính. 

  • Khi ngộ độc rượu cấp: Những biểu hiện đầu tiên của nạn nhân là cảm thấy hưng phấn, thích chia sẻ, nói nhiều bất thường, vận động phối hợp giữa các bộ phận trên cơ thể. Ở giai đoạn sau, nạn nhân giảm phản xạ gân xương, mất tập trung, giảm trí tuệ, huyết áp hạ, giãn mạch ngoại vi. 
  • Khi bị ngộ độc cồn mãn tính: Nạn nhân có biểu hiện không muốn ăn, tiêu chảy dài ngày do chức năng gan và ruột bị tổn thương. Da tái nhợt do thiếu máu, người xanh xao, gầy gò. Những người ngộ độc chất cồn mãn tính dễ bị xơ gan, rối loạn tâm thần, mất trí nhớ và nguy cơ ung thư gan cao. 

Triệu chứng ngộ độc Methanol

Các triệu chứng ngộ độc Methanol lúc đầu giống ngộ độc Ethanol. Nhưng giai đoạn ngộ độc thực sự sẽ bắt đầu sau từ 8 - 24 giờ với những biểu hiện nghiêm trọng hơn như: 

  • Rối loạn chức năng hô hấp và tuần hoàn máu dẫn đến khó thở, nghẹt thở thậm chí ngưng thở.
  • Mạch và huyết áp rối loạn, có thể dẫn đến ngừng tim, suy tim
  • Hạ đường huyết nhanh chóng có thể gây ra cơn động kinh. 
  • Nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ biến chứng nặng và tử vong cao hơn ngộ độc Ethanol. 

ngộ độc cồn 3 Tùy cơ địa và lượng cồn tiêu thụ, biểu hiện ngộ độc cồn ở mỗi người sẽ khác nhau

Xử trí thế nào với người ngộ độc cồn?

Người ngộ độc cồn nếu không được phát hiện và sơ cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Khi nhận biết những dấu hiệu ngộ độc ở người thân, người nhà có thể chăm sóc họ bằng cách:

  • Ủ ấm để tránh việc nạn nhân bị hạ thân nhiệt đột ngột. 
  • Nếu trong hầu họng và miệng nạn nhân có nhiều đờm nhầy gây cản trở hô hấp nên giúp họ hút sạch.
  • Người ngộ độc nếu vẫn còn tỉnh táo có thể kích thích gây nôn. Việc này loại bỏ được phần nào lượng cồn còn lại trong dạ dày.
  • Cho người ngộ độc uống nhiều nước để bù lượng nước đã mất, bù chất điện giải đồng thời giúp đào thải độc tố qua nước tiểu nhanh hơn.
  • Cho họ nghỉ ngơi ở nơi thoáng nhưng không được có gió lạnh, vài tiếng lại gọi nạn nhân dậy ăn chút cháo loãng để tránh hạ đường huyết.
  • Khi nhận thấy những dấu hiệu hô hấp khó khăn, cần hô hấp nhân tạo và đưa nạn nhân đến bệnh viện để được đặt nội khí quản và thở máy.
  • Nạn nhân có dấu hiệu chuyển biến nặng cần được rửa dạ dày, điều trị kháng độc nếu có biểu hiện nhiễm độc toàn thân.
  • Các rối loạn nặng về thần kinh, tim mạch cũng cần được bác sĩ theo dõi sát và xử trí kịp thời để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Số ca ngộ độc cồn ở nước ta trong những năm gần đây có dấu hiệu gia tăng. Mỗi cá nhân và gia đình cần tự bảo vệ mình khỏi những đồ uống không có lợi cho sức khỏe. Hy vọng những kiến thức trên sẽ giúp bạn biết cách nhận biết, xử trí khi có ai đó quanh mình không may bị ngộ độc. Đừng quên nói không với đồ uống chứa cồn không rõ nguồn gốc, không uống rượu bia thường xuyên để bảo vệ chính mình và những người xung quanh bạn nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Ngộ độcCồn