Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Ngộ độc rượu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách xử lý khi bị ngộ độc rượu

Ngày 13/09/2023
Kích thước chữ

Việc sử dụng quá nhiều rượu có thể gây ngộ độc rượu, ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, nhịp tim, và nhiệt độ cơ thể. Tình trạng này có thể gây ra tình trạng hôn mê thậm chí tử vong.

Ngộ độc rượu xảy ra khi một người tiêu thụ quá nhiều rượu hoặc bia trong khoảng thời gian ngắn. Tình trạng này thường xảy ra do uống quá nhiều rượu, bia có chất lượng kém. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, cách xử lý khi bị ngộ độc rượu qua bài viết dưới đây.

Ngộ độc rượu là gì?

Ngộ độc rượu là tình trạng xảy ra khi cơ thể tiêu thụ quá mức rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc do uống rượu chứa chất methanol độc hại. Rượu ethanol, có công thức hóa học C2H5OH, là thành phần chính của rượu và được sản xuất thông qua quá trình lên men và chưng cất các nguyên liệu như tinh bột hoặc đường.

ngo-doc-ruou 1.jpg
Ngộ độc rượu xảy ra khi lượng cồn trong máu tăng quá cao

Trong khi đó, rượu methanol, với công thức hóa học CH3OH, lên men từ nguyên liệu chứa cellulose như gỗ. Methanol là một chất độc và thường được sử dụng trong các sản phẩm hàng ngày như dung môi trong chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính, hoặc mực in máy photocopy.

Ngộ độc rượu thường xảy ra khi lượng cồn trong máu tăng quá cao khiến gan không thể loại bỏ kịp thời. Điều này có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho tế bào gan và các bộ phận của não, dẫn đến các triệu chứng như da xanh, lú lẫn, mất ý thức, hạ nhiệt độ cơ thể,... Trong trường hợp nghiêm trọng, ngộ độc rượu có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như động kinh, nghẹt thở, và thậm chí tử vong.

Những dấu hiệu ngộ độc rượu thường gặp

Triệu chứng ngộ độc rượu có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào loại rượu và mức độ tiêu thụ. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của ngộ độc rượu:

  • Hạ thân nhiệt.
  • Buồn nôn và nôn mửa.
  • Nói chậm, khó hiểu hoặc nói ngọng.
  • Tiểu tiện không kiểm soát.
  • Đau bụng và khó tiêu.
  • Cảm giác tê yếu ở một bên tay, chân hoặc mặt.
  • Da màu xanh hoặc tím, đặc biệt là quanh miệng và móng tay.
  • Trạng thái lú lẫn, phản ứng chậm, và khả năng đi lại bị suy giảm.
  • Co giật (động kinh), mất ý thức, nghẹt thở và tổn thương não trong các trường hợp nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
ngo-doc-ruou 2.jpg
Buồn nôn và nôn mửa là dấu hiệu ngộ độc rượu thường gặp

Nguyên nhân gây ngộ độc rượu

Khi uống rượu, nó được hấp thu vào máu chủ yếu thông qua ruột non, và một phần nhỏ qua dạ dày. Ngộ độc rượu có thể xảy ra do một số nguyên nhân chính:

  • Uống quá nhiều rượu trong thời gian ngắn: Khi bạn tiêu thụ lượng lớn rượu trong một khoảng thời gian ngắn, hệ thống gan không đủ thời gian để chuyển hóa và loại bỏ toàn bộ cồn khỏi cơ thể gây ngộ độc.
  • Khoảng thời gian hấp thu rượu nhanh hơn đào thải: Rượu ethanol thường được hấp thu nhanh chóng từ ruột non và dạ dày vào máu. Khi quá nhiều rượu được hấp thu một cách nhanh chóng, cơ thể không thể loại bỏ chúng bằng cách đào thải nhanh qua gan và thận.
  • Yếu tố cá nhân: Một số yếu tố cá nhân có thể tăng nguy cơ ngộ độc rượu, bao gồm trọng lượng cơ thể, sức khỏe tổng thể, khả năng chịu đựng rượu. Ngoài ra, việc dùng ma túy hoặc các chất gây nghiện cùng lúc với rượu, uống rượu khi đói, uống rượu sau khi đã sử dụng thuốc, và pha trộn rượu với các chất khác như nước ngọt hoặc thảo dược có thể làm tăng nguy cơ ngộ độc rượu.
  • Giới tính: Nam giới thường có tỷ lệ ngộ độc rượu cao hơn phụ nữ do họ thường uống nhiều rượu hơn.
ngo-doc-ruou 4.jpg
Uống quá nhiều rượu dễ dẫn đến bị ngộ độc

Biến chứng khi bị ngộ độc rượu

Ngộ độc rượu có thể dẫn đến một loạt các biến chứng nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của người bệnh. Dưới đây là một số biến chứng thường gặp liên quan đến ngộ độc rượu:

  • Hạ thân nhiệt: Cơ thể bị mất khả năng duy trì nhiệt độ cơ thể dẫn đến nguy cơ suy giảm sức kháng và các vấn đề về hệ thống cơ thể.
  • Mất trí nhớ: Ngộ độc rượu có thể gây tổn thương não, dẫn đến mất trí nhớ và khả năng tư duy suy giảm.
  • Hạ đường huyết và co giật: Ngộ độc rượu nặng có thể làm giảm đường huyết đột ngột, gây ra các triệu chứng như co giật và mất ý thức.
  • Rối loạn nhịp tim hoặc ngừng đập: Rượu có thể ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, gây ra các rối loạn nhịp tim.
  • Nôn mửa nghiêm trọng: Ngộ độc rượu có thể gây nôn mửa quá mức có thể dẫn đến mất nước, co giật và tổn thương não vĩnh viễn.
  • Nhiễm toan ceton: Rượu có thể gây nhiễm toan ceton, ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương.
  • Suy hô hấp: Sự suy giảm trong chức năng hô hấp có thể dẫn đến tử vong.
ngo-doc-ruou 5.jpg
Ngộ độc rượu gây hạ đường huyết và co giật

Cách xử lý khi bị ngộ độc rượu

Khi bạn hoặc ai đó trong xung quanh bị ngộ độc rượu, hãy thực hiện các bước sau để xử lý tình huống:

  • Gọi cấp cứu hoặc đưa người bị ngộ độc rượu đến cơ sở y tế: Liên hệ ngay với số điện thoại cấp cứu hoặc đưa người bị ngộ độc đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt. Tình trạng ngộ độc rượu có thể gây biến chứng nguy hiểm và đe dọa tính mạng, nên điều trị kịp thời là rất quan trọng.
  • Giữ người bị ngộ độc tỉnh táo: Hãy giúp người bị ngộ độc duy trì tình trạng tỉnh táo. Tuyệt đối không để người bệnh nằm một mình để tránh tình trạng nôn mửa gây nguy cơ nghẹt đường thở. Bạn có thể đặt người bị ngộ độc nằm đầu cao hoặc ngồi. Trường hợp không thể ngồi, nên đặt người bị ngộ độc nằm nghiêng để tránh ngạt thở khi nôn mửa.
  • Thực hiện hô hấp nhân tạo: Nếu người bị ngộ độc rượu có dấu hiệu ngừng thở, bạn cần thực hiện hô hấp nhân tạo cho đến khi có sự hỗ trợ từ nhân viên y tế chuyên nghiệp. Hãy quan sát tình trạng của bệnh nhân và thông báo cho đội cấp cứu về bất kỳ diễn biến nào.
  • Ghi lại thông tin về loại rượu đã uống: Nếu có thể, bạn nên ghi nhớ loại rượu hoặc lấy mẫu loại rượu mà người bị ngộ độc đã uống. Thông tin này sẽ giúp các bác sĩ xác định loại ngộ độc và đưa ra biện pháp điều trị cấp cứu phù hợp.

Cách phòng ngừa ngộ độc rượu

Để ngăn ngừa ngộ độc rượu, có một số biện pháp mà mọi người có thể áp dụng:

  • Từ chối uống rượu hoặc hạn chế uống rượu: Cách tốt nhất để tránh ngộ độc rượu là không uống rượu. Nếu bạn quyết định uống, hãy kiểm soát lượng rượu mà bạn uống và không nên uống quá mức.
  • Uống đủ nước: Bạn nên uống nước sau mỗi lần uống rượu giúp giảm nguy cơ mất nước và triệu chứng ngộ độc rượu.
  • Không trộn lẫn rượu và thuốc: Không nên uống rượu khi bạn đang dùng thuốc kê toa. Một số loại thuốc có thể tương tác với rượu và gây ra các vấn đề sức khỏe nguy hiểm.
  • Cảnh giác với nguồn gốc và thành phần của rượu: Tránh uống rượu không rõ nguồn gốc hoặc không biết thành phần của nó.
  • Không pha rượu: Không nên pha rượu với các loại nước ngọt hoặc thực phẩm khác, vì điều này có thể làm tăng nồng độ cồn trong cơ thể và gây ra ngộ độc rượu.
ngo-doc-ruou 6.jpg
Nên từ chối uống rượu hoặc hạn chế uống rượu để phòng ngừa ngộ độc

Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về tình trạng ngộ độc rượu. Ngộ độc rượu là tình trạng vô cùng nguy hiểm, do vậy khi phát hiện triệu chứng bất thường bạn cần liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm