Nguyên nhân bị viêm tai giữa và cách chẩn đoán bệnh
Ngày 17/05/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Viêm tai giữa là một bệnh rất thường gặp ở trẻ em vì cấu trúc giải phẫu của trẻ khác so với người lớn. Hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân bị viêm tai giữa cũng như cách bác sĩ chẩn đoán bệnh qua bài viết sau.
Viêm tai giữa cấp tính gây ra các triệu chứng bao gồm đau tai, khiến trẻ quấy khóc và khó chịu. Viêm tai giữa có thể xảy ra theo sau một đợt cảm lạnh, đau họng hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Thông thường, nhiễm trùng tai sẽ tự khỏi nhưng đôi khi cần dùng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau. Nguyên nhân bị viêm tai giữa cũng sẽ quyết định đến điều trị và diễn tiến của bệnh.
Viêm tai giữa là gì?
Để tìm hiểu và biết được nguyên nhân bị viêm tai giữa, trước hết ta cùng nhau tìm hiểu về khái niệm của bệnh viêm tai giữa.
Nhiễm trùng tai hay còn gọi là viêm tai giữa cấp tính, là tình trạng nhiễm trùng đột ngột ở tai giữa. Tai giữa là một khoảng không gian chứa đầy không khí giữa màng nhĩ và tai trong, tức là phía sau màng nhĩ của bạn. Nó chứa các xương mỏng bao gồm xương búa, xương đe, xương bàn đạp có chức năng truyền rung động âm thanh từ màng nhĩ đến tai trong và giúp bạn có thể nghe thấy mọi tiếng động.
Ống Eustachian hay còn gọi là ống hầu vòi nhĩ, là ống nối tai giữa với phía sau cổ họng. Ống này có chức năng điều chỉnh áp suất không khí trong tai và ngăn chất lỏng tích tụ trong tai giữa của bạn. Nếu ống eustachian không hoạt động tốt, chất lỏng sẽ khó thoát ra khỏi tai giữa và có thể gây ra tình trạng tạo áp lực âm bên trong tai giữa. Bất cứ điều gì khiến ống eustachian bị sưng hoặc tắc nghẽn đều khiến chất lỏng tích tụ nhiều hơn ở tai giữa phía sau màng nhĩ. Một số nguyên nhân thường gặp là:
Các amidan bị viêm, nhiễm trùng hoặc phát triển quá mức (mô bạch huyết ở phần trên của cổ họng).
Khói thuốc lá.
Viêm tai giữa do bất kì nguyên nhân nào (virus và vi khuẩn) cũng gây ra dịch tai giữa và ứ dịch tại đây.
Tại sao trẻ em dễ bị viêm tai giữa?
Viêm tai giữa là bệnh phổ biến nhất ở trẻ em và xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi. Trẻ lớn hơn và người lớn cũng có thể bị nhiễm trùng tai, nhưng bệnh không xảy ra thường xuyên như ở trẻ nhỏ. Vậy nguyên nhân trẻ em bị thường xuyên hơn là do đâu? Một số nguyên nhân khiến trẻ em bị nhiễm trùng tai thường xuyên hơn người lớn là:
Ống eustachian hay còn gọi là ống hầu vòi nhĩ nằm ngang hơn so với người lớn và không hoạt động tốt như người lớn, điều này tạo điều kiện cho chất lỏng tích tụ phía sau màng nhĩ hay nhiễm trùng ngược dòng từ mũi vào màng nhĩ.
Hệ thống miễn dịch của trẻ, hệ thống chống nhiễm trùng của cơ thể, trẻ vẫn đang phát triển và chưa được hoàn thiện.
Nhiều khả năng trẻ bị lây bệnh từ những đứa trẻ khác.
Nguyên nhân bị viêm tai giữa?
Vi khuẩn hoặc virus có thể là nguyên nhân gây ra sự phát triển của nhiễm trùng ở tai giữa và gây ra các triệu chứng. Đối với viêm tai giữa cấp tính, vi khuẩn gây nhiễm trùng thường gặp nhất là:
Thông thường, nhiễm trùng tai bắt đầu sau khi bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên. Vi trùng di chuyển vào tai giữa của bạn qua ống eustachian và vi khuẩn trên đại diện cho tới 80% nguyên nhân gây bệnh, cần được điều trị bằng kháng sinh.
Nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus cũng có thể dẫn đến viêm tai giữa trong một số trường hợp. Các loại virus thông thường gây nhiễm trùng đường hô hấp trên thường liên quan đến viêm tai giữa bao gồm virus hợp bào hô hấp như:
Rhinovirus.
Adenovirus.
Parainfluenza.
Coronavirus.
Viêm tai giữa là một bệnh không lây nhiễm nhưng virus và/hoặc vi khuẩn gây nhiễm trùng thì có thể lây. Nhiều loại vi khuẩn và vi rút gây viêm tai giữa, bao gồm cả những loại gây cảm lạnh và cúm gây nhiễm trùng đường hô hấp có thể lây lan qua đường giọt bắn, dịch tiết.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ gây viêm tai giữa bao gồm:
Độ tuổi: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (từ 6 tháng đến 2 tuổi) có nguy cơ bị viêm tai giữa cao hơn.
Tiền sử gia đình: Viêm tai giữa có thể liên quan đến các bệnh di truyền trong gia đình.
Cảm lạnh: Bị cảm lạnh làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng tai. Trẻ em ở nhà trẻ và môi trường lớp học, trường học có nguy cơ bị nhiễm trùng, viêm tai giữa cao hơn vì chúng thường ở gần trẻ bị cảm lạnh hoặc các bệnh hô hấp truyền nhiễm khác.
Bệnh mãn tính: Các bệnh mãn tính, bao gồm suy giảm miễn dịch và các bệnh hô hấp mãn tính (ví dụ: Hen suyễn), có thể làm tăng nguy cơ viêm tai giữa.
Chất lượng không khí kém và môi trường nhiều khói thuốc: Ô nhiễm không khí và tiếp xúc với khói thuốc thụ động làm tăng nguy cơ bị viêm tai giữa.
Phòng ngừa
Bạn có thể giảm nguy cơ viêm tai giữa cho trẻ bằng các biện pháp sau:
Rửa tay thường xuyên.
Cho con bú sữa mẹ.
Tránh cho trẻ bú bình khi trẻ đang nằm.
Tránh hút thuốc.
Chủng ngừa đầy đủ: Vắc-xin phế cầu khuẩn ngăn ngừa nhiễm trùng từ vi khuẩn thường gây nhiễm trùng tai cấp tính và nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Làm thế nào để chẩn đoán viêm tai giữa?
Hầu hết các bác sĩ có thể biết và chẩn đoán bệnh viêm tai giữa dựa trên các triệu chứng, khám thực thể để kiểm tra các dấu hiệu toàn thân và khám tai. Đối với khám tai, bác sĩ sẽ xem và đánh giá màng nhĩ bằng một dụng cụ có đèn gọi là đèn soi ống soi tai. Màng nhĩ bị viêm, sưng hoặc đỏ là dấu hiệu của viêm tai giữa. Ngoài ra, các bác sĩ có thể cần làm thêm các xét nghiệm khác, bao gồm:
Đo nhĩ lượng: Xét nghiệm này sử dụng áp suất không khí để kiểm tra chất lỏng trong tai giữa.
Đo phản xạ âm thanh: Thử nghiệm này sử dụng sóng âm thanh bằng dụng cụ rung âm thoa để kiểm tra các đường dẫn truyền trong tai giữa.
Chọc dò màng nhĩ: Thủ tục này cho phép các bác sĩ loại bỏ chất lỏng từ tai giữa trong quá trình viêm và xét nghiệm vi sinh, phân lập nguyên nhân bị viêm tai giữa là virus hay vi khuẩn. Bác sĩ có thể đề nghị chọc dò màng nhĩ nếu các phương pháp điều trị khác không đáp ứng.
Kiểm tra thính giác: Có thể thực hiện kiểm tra thính giác để xác định xem người bệnh có bị mất thính lực hay không. Tình trạng mất thính giác phổ biến hơn ở trẻ em bị viêm tai giữa kéo dài hoặc thường xuyên hoặc có dịch ở tai giữa không chảy ra.
Tóm lại, viêm tai giữa có liên quan chặt chẽ đến giải phẫu tai, chức năng miễn dịch ở trẻ em và nguyên nhân bị viêm tai giữa thường là vi khuẩn hoặc virus. Mùa, khí hậu ảnh hưởng lớn đến mức độ phổ biến của bệnh này, đặc biệt nó phổ biến hơn nhiều trong những tháng lạnh hơn khi cảm lạnh và cúm đang hoành hành.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.