Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nguyên nhân gây ra đói bụng liên tục và cách giảm tình trạng này

Ngày 29/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đói bụng liên tục là tình trạng không ít người gặp phải, đi kèm với cảm giác khó chịu và mất tập trung. Hơn nữa, việc liên tục nạp thức ăn vào cơ thể, có thể khiến bạn tăng cân không kiểm soát. Bài viết cung cấp thông tin các nguyên nhân gây đói bụng liên tục và cách giảm tình trạng này.

Một vài người lo lắng, thắc mắc không biết tại sao mình bị đói bụng liên tục mặc dù vẫn ăn uống đầy đủ. Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu một số nguyên nhân gây ra tình trạng này qua bài viết dưới đây.

Đói bụng liên tục là gì?

Đói là cảm giác sinh lý bình thường trong cơ thể, là tín hiệu cảnh báo nhằm đảm bảo các cơ quan có năng lượng để hoạt động, đặc biệt là hoạt động não bộ. Tuy nhiên, nếu bạn luôn cảm thấy đói, ngay cả khi sau các bữa ăn chính, thì đây là một tín hiệu bất thường bạn cần lưu tâm.

Đói bụng ngay cả sau khi đã ăn đủ, đôi khi là triệu chứng cảnh báo về một số bệnh lý. Tình trạng đói liên tục, có thể có các biểu hiện như mệt mỏi, khó tập trung, cáu gắt, đau bụng hoặc kèm theo cảm giác thèm một vài thức ăn cụ thể.

Nguyên nhân gây ra tình trạng đói bụng liên tục

Dưới đây là một số nguyên nhân làm bạn cảm thấy đói liên tục, trong đó có thể có một số nguyên nhân bạn không ngờ đến:

Không nạp đủ protein vào cơ thể

Protein cùng với chất béo và tinh bột, là ba loại dinh dưỡng chính của cơ thể. Protein có vai trò tham gia xây dựng, duy trì các mô và cơ quan trong cơ thể, hỗ trợ hoạt động hệ miễn dịch, tổng hợp nội tiết tố và các enzyme.

Protein cũng tham gia kiểm soát cảm giác đói, thông qua việc tăng sản xuất hormone gây cảm giác no (hay còn biết đến là Leptin) và giảm hormone tạo cảm giác đói (Ghrelin). Khi bạn ăn không đủ protein, bạn sẽ có xu hướng đói bụng liên tục và ăn nhiều hơn. Do đó, bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách nạp nhiều thực phẩm giàu protein như: thịt, trứng, cá, sữa, các loại đậu hạt và quả hạch,...

Đói bụng liên tục 02
Protein là một trong ba loại dinh dưỡng cơ bản cần thiết cho cơ thể

Chế độ ăn ít chất béo

Chế độ ăn ít hoặc không có chất béo có thể gây ra cảm giác đói liên tục. Thức ăn giàu chất béo sẽ ở lại lâu trong dạ dày, từ đó giúp bạn cảm thấy no lâu.

Có thể bạn từng nghe một số lời khuyên nên hạn chế chất béo, dầu mỡ trong các bữa ăn. Tuy nhiên, không phải chất béo nào cũng gây hại cho cơ thể, một số chất béo không bão hòa tốt cho cơ thể có thể kể đến như: dầu thực vật (dầu ô liu, dầu hạt lanh,...), cá béo, hạt chia, hạt óc chó,...

Khẩu phần ăn thiếu chất xơ

Chất xơ giúp giảm cảm giác đói, bằng cách lấp đầy thể tích dạ dày và làm chậm quá trình tiêu hóa. Thêm vào đó, hàm lượng chất xơ cao bạn nạp vào, còn giúp cơ thể sinh ra acid béo chuỗi ngắn, từ đó tạo cảm giác no. Các khuyến cáo khuyên bạn nên ăn khoảng từ 25 đến 30 gam chất xơ mỗi ngày, từ các nguồn như các loại đậu, rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt…

Không uống đủ nước

Uống đủ nước là lời khuyên tốt cho sức khỏe rất phổ biến. Tuy nhiên, đôi khi vì một số lý do khách quan, làm bạn quên mất việc uống nước khi chưa có cảm giác khát. Uống ít nước có thể là nguyên nhân gây ra đói bụng. Ngoài ra, bạn cũng dễ nhầm lẫn cảm giác khát nước với cơn đói.

Sử dụng nhiều thức ăn dạng lỏng

Nếu bạn đang thực hiện chế độ ăn chủ yếu là súp, cháo loãng, nước ép sinh tố hoặc hoa quả mà không bổ sung nhiều thức ăn rắn, thì đây có thể là nguyên nhân làm bạn bị đói bụng liên tục. Khi sử dụng những loại thực phẩm này, có thời gian lưu tại dạ dày ngắn, từ đó thúc giục cơ thể bạn phải ăn thêm nữa.

Bệnh tiểu đường

Đói bụng liên tục là bệnh gì là mối bận tâm lo lắng của nhiều người. Sự lo lắng này hoàn toàn hợp lý, vì đói liên tục là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Người bệnh tiểu đường ngoài thường xuyên cảm thấy đói, còn đi kèm với tình trạng khát nước, mệt mỏi và sụt cân nhanh không rõ lý do. Sự thiếu hụt glucose tạo năng lượng cho tế bào, sẽ khiến cơ thể luôn cảm thấy đói.

Đói bụng liên tục 03
Đói bụng liên tục có thể là triệu chứng của bệnh tiểu đường

Căng thẳng kéo dài

Khoa học đã chứng minh được rằng, khi cơ thể căng thẳng sẽ sản sinh nhiều hormone cortisol hơn bình thường. Đây là một trong số các hormone kích thích cảm giác đói. Do vậy ở một số người, việc stress kéo dài có thể dẫn đến béo phì, do lượng thức ăn nạp vào cơ thể quá mức.

Làm gì để giảm tình trạng đói bụng liên tục?

Dưới đây là một vài gợi ý từ nhà thuốc Long Châu, giúp bạn giảm được tình trạng đói bụng liên tục:

  • Chế độ ăn uống cân bằng: Một bữa ăn chất lượng cần có đủ các thành phần protein, chất béo lành mạnh, tinh bột và chất xơ từ rau xanh, trái cây. Bạn cũng nên biết nhiều phương pháp chế biến món ăn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần uống đủ nước và hạn chế đồ uống chứa cồn.
  • Sinh hoạt hằng ngày khoa học: Bạn nên ăn đủ bữa và đúng giờ. Ngủ đủ giấc, theo khuyến cáo là 8 tiếng mỗi đêm. Xây dựng lịch trình cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Bạn có thể thử một số cách sau để kiểm soát mức độ stress như nghe nhạc, xem video hài hước, trò chuyện với người thân, đi dạo, tập thể dục và thiền.
  • Đến gặp bác sĩ: Nếu gặp khó khăn trong việc xây dựng thực đơn và chế độ tập luyện khoa học, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên về dinh dưỡng. Điều này rất cần thiết, nếu sau một thời gian thay đổi chế độ ăn mà tình trạng đói bụng liên tục vẫn kéo dài dai dẳng.
Đói bụng liên tục 04
Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học giúp giảm cơn đói bụng liên tục

Vậy là bạn đã biết nguyên nhân gây ra tình trạng đói bụng liên tục và các gợi ý giúp giảm cảm giác khó chịu này. Đói bụng liên tục là dấu hiệu cảnh báo tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, hoạt động tiêu hóa, sinh hoạt, tập luyện của chính bạn. Bên cạnh đó, đây cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý cần được điều trị.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm