Những điều cần biết về việc tiêm vắc xin phế cầu cho người lớn
Ngày 18/04/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Tiêm vắc xin phế cầu khuẩn là một trong những biện pháp chăm sóc sức khỏe quan trọng giúp phòng ngừa cũng như giảm đáng kể các vấn đề sức khỏe do phế cầu khuẩn gây ra. Vậy việc tiêm vắc xin phế cầu cho người lớn có cần thiết không? Những đối tượng nào nên và không nên tiêm vắc xin phế cầu? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết sức khỏe hôm nay của Nhà Thuốc Long Châu.
Tiêm vắc xin phế cầu cho người lớn có cần thiết không? Câu trả lời là có. Tuy vắc xin phế cầu không thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh viêm phổi, song loại vắc xin này lại có tác dụng làm giảm khả năng mắc bệnh cũng như giảm mức độ trầm trọng của bệnh. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ về vắc xin phế cầu nhé.
Phế cầu khuẩn là gì?
Phế cầu khuẩn có tên khoa học là Streptococcus pneumoniae. Đây là loại vi khuẩn kỵ khí lưỡng nghi, thuộc nhóm vi khuẩn gram dương, chứa hơn 90 loại huyết thanh, khu trú ở vùng mũi họng của cả những người khỏe mạnh và thường không gây bệnh. Ở trẻ em, người già và những người có hệ miễn dịch suy giảm, phế cầu khuẩn có thể phát triển và gây bệnh.
Các bệnh lý do phế cầu khuẩn gây ra thường lây qua đường hô hấp khi va chạm hoặc tiếp xúc với người bệnh qua các hành động như ho, hắt hơi, hôn và sử dụng chung đồ dùng cá nhân. Một số bệnh lý nghiêm trọng do phế cầu khuẩn gây ra bao gồm viêm phổi, nhiễm trùng xoang, nhiễm trùng màng não, nhiễm trùng tai và nhiễm khuẩn huyết.
Các triệu chứng của bệnh gây ra bởi phế cầu khuẩn thường khá mơ hồ với các mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy thuộc vào cơ quan bị nhiễm phế cầu khuẩn. Cụ thể:
Viêm phổi: Sốt, khó thở, đau tức ngực, ho. Một số biến chứng hô hấp xảy ra có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Viêm xoang: Đau đầu, chóng mặt, nghẹt mũi kèm chảy nước mũi màu xanh hoặc màu vàng.
Nhiễm khuẩn huyết: Đau đầu, sốt cao kèm rét run, đau cơ, phát ban ngoài da, ngủ gà, li bì…
Viêm màng não: Sốt cao, đau đầu, nôn, đau cứng cổ, ăn không ngon, rối loạn ý thức, ngủ gà và li bì, thậm chí có thể gây tổn thương thần kinh vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Vắc xin phế cầu là gì?
Vắc xin phế cầu là loại vắc xin có tác dụng phòng ngừa các bệnh lý do phế cầu khuẩn. Hiện nay có 3 loại vắc xin tiêm phòng phế cầu khuẩn bao gồm:
Vắc xin phế cầu Synflorix: Có nguồn gốc từ Bỉ với khả năng ngăn ngừa 10 chủng phế cầu khuẩn khác nhau. Vắc xin này nên tiêm cho trẻ trong độ tuổi từ 6 tuần tuổi - 5 tuổi.
Vắc xin phế cầu Pneumo 23: Có nguồn gốc từ Pháp có tác dụng phòng ngừa 23 chủng phế cầu khác nhau. Song loại vắc xin này không phòng được bệnh viêm phổi và viêm tai giữa. Thường được sử dụng cho trẻ trên 2 tuổi.
Vắc xin Prevnar 13: Có nguồn gốc từ Mỹ. Đây là dòng vắc xin thế hệ mới có tác dụng ngăn ngừa 13 chủng phế cầu khác nhau và giúp phòng ngừa các bệnh lý như viêm tai giữa, viêm màng não, viêm phổi và nhiễm trùng huyết. Loại vắc xin này sử dụng cho trẻ từ 6 tuần tuổi trở lên và sử dụng được cho người lớn.
Những đối tượng nên và không nên tiêm vắc xin phế cầu
Việc tiêm phòng vắc xin phế cầu đầy đủ không những giúp phòng tránh bệnh hiệu quả mà còn có tác dụng giảm mức độ ảnh hưởng của bệnh tới hệ miễn dịch của cơ thể nói riêng và sức khỏe của người mắc bệnh nói chung. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng cần phải tiêm vắc xin phế cầu. Vậy đối tượng nào nên tiêm phòng và đối tượng nào không nên tiêm phòng?
Các chuyên gia y tế khuyến cáo một số đối tượng sau nên tiêm vắc xin phế cầu:
Người cao tuổi (trên 65 tuổi): Theo thời gian, hệ thống miễn dịch của người cao tuổi sẽ dần bị suy giảm do đó việc chống lại nhiễm trùng viêm phổi bị giảm sút. Do đó, người lớn trên 65 tuổi cần được tiêm vắc xin phế cầu.
Người có sức khỏe yếu, hệ miễn dịch cũng như sức đề kháng yếu dẫn đến khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng của cơ thể bị giảm.
Người mắc một số bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, hen suyễn hoặc COPD có thể bị suy yếu hệ thống miễn dịch từ đó dễ mắc viêm phổi và một số bệnh do phế cầu khuẩn gây ra.
Hệ thống miễn dịch bị suy giảm ở một số người vừa trải qua hóa trị liệu, người cấy ghép tạng hoặc những người bị nhiễm HIV/AIDS.
Người hút thuốc lá trong thời gian dài gây tổn thương hệ thống lông mao của phổi. Khi lông mao bị tổn thương sẽ hạn chế việc ngăn chặn những mầm bệnh gây hại cho cơ thể.
Người nghiện rượu. Việc uống quá nhiều rượu có thể khiến hoạt động của các tế bào bạch cầu bị suy yếu. Điều này khiến cơ thể giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.
Người bệnh vừa trải qua các cuộc phẫu thuật lớn hoặc mắc các bệnh lý nghiêm trọng đang nằm điều trị tại các khoa chăm sóc đặc biệt.
Những đối tượng có thể không cần tiêm vắc xin phế cầu bao gồm:
Nếu bạn là người trưởng thành trong độ tuổi 18 - 50 tuổi và khỏe mạnh, bạn có thể không cần tiêm loại vắc xin này.
Bên cạnh đó, nếu bạn có tiền sử dị ứng với một trong các thành phần có trong vắc xin phế cầu thì bạn cũng nên cân nhắc có nên tiêm phòng nữa không.
Một số lưu ý khi tiêm vắc xin phế cầu cho người lớn
Tiêm vắc xin phế cầu cho người lớn là điều rất cần thiết. Để đảm bảo an toàn cũng như đạt được hiệu quả, trước khi tiêm vắc xin phế cầu cho người lớn, bạn cần nắm được một số lưu ý sau:
Tất cả các loại vắc xin chỉ có tác dụng phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Người tiêm vắc xin vẫn có thể mắc bệnh ngay sau đó. Tuy nhiên, khi mắc, tình trạng bệnh sẽ nhẹ hơn và quá trình khỏi bệnh cũng nhanh hơn so với người không tiêm vắc xin.
Trước khi tiêm vắc xin, bạn cần được khám sàng lọc trước tiêm, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra kết luận bạn có tiêm được vắc xin hay không.
Khi tiêm vắc xin , cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ: Đối với những trường hợp cần tiêm cả 2 loại vắc xin phế cầu thì nên tiêm vắc xin PCV13 trước sau đó mới tiêm vắc xin PPSV23. Còn đối với những người bệnh có nguy cơ nhiễm phế cầu, khoảng cách giữa 2 liều tiêm phải đảm bảo cách nhau ít nhất 8 tuần. Đối với những trường hợp khác, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm ít nhất 1 năm.
Nếu bạn đang gặp vấn đề nào đó về sức khỏe, bạn không nên tiêm vắc xin ngay mà nên dời lịch tiêm chủng sang thời gian khác, khi cơ thể đã hồi phục lại.
Sau khi tiêm vắc xin phế cầu khuẩn, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như sưng đau tại vị trí tiêm, có thể có sốt nhẹ, đau cơ bắp và có thể có cảm giác khó chịu, ăn không ngon, đau đầu và mệt mỏi.
Bạn nên ngồi lại cơ sở y tế ít nhất 30 phút sau tiêm để theo dõi và phòng tránh trường hợp sốc phản vệ.
Ngoài ra, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ và lựa chọn những cơ sở tiêm phòng uy tín để đảm bảo an toàn khi tiêm chủng.
Trên đây là toàn bộ những điều cần biết về việc tiêm vắc xin phế cầu cho người lớn mà Tiêm chủng Long Châu muốn gửi đến bạn đọc. Hy vọng qua bài viết này có thể giúp bạn đọc hiểu hơn về phế cầu khuẩn, vắc xin phế cầu khuẩn, những đối tượng nên và không nên tiêm phòng cũng như một số lưu ý trước tiêm phòng. Hãy chia sẻ những kiến thức này đến mọi người xung quanh nếu thấy chúng hữu ích nhé.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm