Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Những nguyên nhân bị trào ngược dạ dày thường gặp

Ngày 06/05/2024
Kích thước chữ

Trào ngược dạ dày tuy không phải là bệnh lý quá nguy hiểm nhưng lại mang đến cảm giác khó chịu cho người mắc phải. Vậy trào ngược dạ dày là gì? Nguyên nhân bị trào ngược dạ dày thường gặp là gì?

Trào ngược dạ dày là căn bệnh phổ biến hiện nay. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng và độ tuổi nào. Cùng tìm hiểu những thông tin trong bài chia sẻ sau để biết được những nguyên nhân bị trào ngược dạ dày thường gặp nhé!

Trào ngược dạ dày là gì?

Theo các bác sĩ, bệnh trào ngược dạ dày hay chứng trào ngược axit dạ dày là hiện tượng tràn dịch axit tại dạ dày lên trên vùng thực quản và họng. Dịch dạ dày bao gồm thức ăn, pepsin, acid HCl, men tiêu hóa,... Bệnh này không tác động lớn đến sinh hoạt hàng ngày, tuy nhiên, nếu kéo dài sẽ gây suy dinh dưỡng ở trẻ em, suy chức năng hô hấp, viêm thực quản. Biến chứng nặng của tình trạng trào ngược dạ dày có thể gây tử vong ở người bệnh.

Những nguyên nhân bị trào ngược dạ dày thường gặp

Trào ngược dạ dày tạo nên cảm giác khó chịu cho người mắc phải. Nguyên nhân bị trào ngược dạ dày có thể do một hoặc nhiều yếu tố bao gồm:

Dạ dày bị suy giảm chức năng

Sự bất thường về chức năng thần kinh hay cơ bắp dạ dày là một trong những nguyên nhân kéo dài tốc độ làm rỗng ở dạ dày, tăng áp lực đồng thời tăng nguy cơ trào ngược axit dạ dày.

nguyên nhân bị trào ngược dạ dày 1
Dạ dày bị suy giảm chức năng cũng là một trong những nguyên nhân bị trào ngược dạ dày

Chức năng co thắt phần thực quản dưới bị rối loạn

Cơ thắt ở thực quản dưới đóng vai trò quan trọng trong việc đóng và mở ở đầu dưới của phần thực quản. Đây được xem là hàng rào ngăn cách giữa dạ dày và thực quản. Nếu như chức năng của cơ thắt này bị suy giảm sẽ dẫn đến việc không đóng hoàn toàn sau khi lượng thức ăn đã đi vào trong dạ dày. Từ đó có thể khiến cho axit tại dạ dày trào ngược lên thực quản. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do cấu trúc hoặc các yếu tố khác như thực phẩm, đồ uống, thuốc.

Bất thường co thắt dạ dày

Theo quy trình tiêu hóa, sau khi thức ăn được bổ sung vào cơ thể, chúng sẽ di chuyển theo đường tiêu hóa với các cơn co thắt một cách nhịp nhàng, được gọi là nhu động. Tuy nhiên, ở các đối tượng mắc phải các vấn đề về tiêu hóa, những cơn co thắt này sẽ xuất hiện bất thường gây nên tình trạng trào ngược.

Béo phì

Khi cân nặng của chúng ta vượt ngưỡng cho phép (béo phì) sẽ làm tăng áp lực trên dạ dày. Điều này khiến cho triệu chứng trào ngược dạ dày ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Đây là nguyên nhân gây trào ngược dạ dày tiềm ẩn ít được chú ý đến nhưng lại là một trong những nguyên nhân không thể xem thường.

Ăn quá no

Khi nạp một lượng lớn thức ăn vào cơ thể, bên cạnh việc làm dạ dày và ruột căng, điều này còn khiến cho chức năng tiêu hóa thức ăn của dạ dày bị suy giảm. Việc này diễn ra thường xuyên, đồng nghĩa với dạ dày sẽ luôn ở trạng thái căng phồng. Từ đó dẫn đến tình trạng khó tiêu, đau dạ dày, viêm loét hoặc trào ngược.

Ăn đêm

Ăn đêm là một trong những nguyên nhân bị trào ngược dạ dày. Thói quen xấu này cần được khắc phục bởi khi bạn ăn đêm, dạ dày sẽ phải làm việc không ngừng nghỉ. Tình trạng này nếu kéo dài với tần suất thường xuyên sẽ làm dạ dày suy yếu, chức năng tiêu hóa dần suy giảm, đồng thời làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày.

Tâm trạng căng thẳng

Căng thẳng và áp lực là một trong những nguyên nhân khiến cơ thể tiết hormone cortisol. Hormone này là yếu tố làm tăng axit và pepsin ở dạ dày, gây nên tình trạng trào ngược axit dạ dày. Ngoài ra, cortisol còn tạo áp lực tác động đến cơ thắt thực quản, làm cho thực quản bị suy yếu, không còn khả năng chống lại tình trạng thức ăn bị trào ngược.

nguyên nhân bị trào ngược dạ dày 2
Căng thẳng và áp lực là một trong những nguyên nhân làm tăng axit và pepsin ở dạ dày

Hút thuốc lá

Hút thuốc lá chủ động hoặc hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc lá) được xem là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày. Thói quen hút thuốc lá này có thể làm giảm sản xuất nước bọt, kéo dài thời gian làm rỗng dạ dày, đồng thời tạo ra lượng axit nhiều hơn ở dạ dày. Từ đó làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trào ngược dạ dày và làm các triệu chứng ở dạ dày ngày một nặng hơn. Vì thế, hãy từ bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt nhé!

Sử dụng cà phê

Cà phê chứa một lượng lớn caffeine, đây là yếu tố mang tính axit cao, gây đau và kích thích dạ dày. Đồng thời, caffeine cũng kích thích dạ dày tiết ra một lượng lớn axit, gây trầm trọng hơn các triệu chứng tại dạ dày. Vì thế, không nên uống cà phê khi bụng đang đói và chỉ nên uống một ít khi no.

Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày

Trào ngược dạ dày thực quản thường có những biểu hiện như:

  • Ợ hơi: Tình trạng này thường xuất hiện lúc đói.
  • Ợ nóng: Dạ dày xuất hiện cảm giác nóng rát, đôi khi cảm giác này lan lên đến vùng cổ.
  • Ợ chua: Người bệnh ợ lên kèm vị chua trong miệng. Tình trạng này xuất hiện rõ nhất vào buổi sáng, sau khi đánh răng.
  • Buồn nôn, nôn: Tình trạng buồn nôn và nôn thường xuất hiện nếu bệnh nhân nằm ngay sau khi mới ăn xong hoặc ăn quá no. Người bệnh sẽ dễ bị nôn hơn khi say tàu xe, khi dùng một số thuốc,...
  • Khó nuốt: Trào ngược dạ dày thực quản khi đã diễn biến nặng sẽ làm cho axit ở dạ dày trào ngược lên với tần suất thường xuyên hơn và một lượng axit nhiều hơn. Điều này gây tình trạng sưng tấy và phù nề ở niêm mạc thực quản. Từ đó gây cho bệnh nhân cảm giác nuốt nghẹn, khó nuốt và vướng ở cổ.
  • Đắng miệng: Dịch vị dạ dày trào lên nếu kèm theo dịch mật sẽ làm cho người bệnh có cảm giác đắng miệng. Điều này cảnh báo thần kinh dạ dày bị rối loạn, từ đó làm cho van môn vị mở quá mức khiến dịch mật trào lên.
  • Tiết nhiều nước bọt: Khi gặp axit trào lên ở dạ dày, phản xạ tự nhiên của miệng là tiết ra nhiều nước bọt để trung hòa axit này.
  • Khàn giọng và ho: Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể bị khàn giọng và ho do dây thanh quản tiếp xúc với axit ở dạ dày gây tình trạng sưng tấy. Người bệnh sẽ khàn giọng, nói khó và lâu dần sẽ ho.
nguyên nhân bị trào ngược dạ dày 3
Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản có thể bị khàn giọng và ho

Cần làm gì để cải thiện trào ngược dạ dày?

Để phòng tránh cũng như cải thiện các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày, bạn nên thực hiện chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh như:

  • Bổ sung các thực phẩm có khả năng trung hòa axit như: Bột yến mạch, bánh mì, ngũ cốc,...
  • Ăn các chất đạm dễ tiêu như: Thịt vịt, thịt lợn nạc,...
  • Bổ sung chất xơ: Đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh,...
  • Bổ sung sữa chua: Lợi khuẩn có trong sữa chua sẽ giúp tiêu hóa nhanh hơn, tạo cảm giác ăn ngon miệng hơn.
  • Dùng thực phẩm hỗ trợ: Mật ong, nghệ,...
  • Giảm cân an toàn: Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường và tập thể dục phù hợp.
nguyên nhân bị trào ngược dạ dày 4
Bánh mì là thực phẩm có khả năng trung hòa được axit dịch vị

Bài viết trên đã chia sẻ đến bạn những nguyên nhân bị trào ngược dạ dày thường gặp. Qua đó, bạn cũng đã biết được cách phòng ngừa và cải thiện tình trạng bệnh. Hãy xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp và thói quen sinh hoạt lành mạnh để bảo vệ sức khỏe của bản thân bạn nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin