Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bướu giáp nhân và những thông tin cần biết

Ngày 15/08/2024
Kích thước chữ

Bướu giáp nhân là thuật ngữ chỉ sự bất thường của những tế bào tuyến giáp. Tỷ lệ mắc bệnh bướu giáp nhân ngày một gia tăng và đặc biệt thường gặp ở nữ giới. Để hiểu rõ hơn về bướu giáp nhân và những điều cần biết, mời bạn tham khảo bài viết bên dưới.

Hiện nay tỷ lệ mắc các bệnh về giáp ngày càng gia tăng, đặc biệt là bệnh bướu giáp nhân. Đây là một dạng rối loạn chuyển hoá của tuyến giáp, hầu như không nguy hiểm và có khả năng điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Hãy cùng tìm hiểu bướu giáp nhân và những điều cần biết thông qua bài viết sau nhé!

Bướu giáp nhân là gì?

Tuyến giáp là một bộ phận của hệ thống nội tiết của cơ thể, có hình dạng tương tự một con bướm nằm ở dưới sụn và mặt trước cổ. Tuyến giáp có cấu tạo gồm hai thuỳ trái và phải, liên kết với nhau thông qua eo giáp. Với nhiệm vụ quan trọng là sản xuất hormone, tuyến giáp góp phần hỗ trợ kiểm soát quá trình trao đổi chất của cơ thể và một số chức năng khác như tiêu hoá, tuần hoàn, tim mạch…

Bướu giáp nhân hay còn được biết đến với tên gọi là nhân tuyến giáp, là tình trạng các tế bào tuyến giáp phát triển một cách bất thường, hình thành nên một hoặc nhiều nốt nhân trong giáp. Tuỳ vào tình trạng của mỗi người mà nhân giáp có thể là đơn nhân hoặc đa nhân, lành tính hoặc ác tính. Đa số các bướu giáp nhân không gây ra triệu chứng và thường được phát hiện khi tình cờ siêu âm cổ vì một lý do khác.

buou-giap-nhan-va-nhung-dieu-can-biet 1.jpg
Bướu giáp nhân là tình trạng tế bào tuyến giáp phát triển một cách bất thường

Bướu giáp nhân được chia thành nhiều loại khác nhau:

  • Nhân keo: Là tình trạng các mô tuyến giáp phát triển quá mức, tuy nhiên tình trạng tăng trưởng này là lành tính, mặc dù vẫn có thể phát triển lớn hơn nhưng sẽ không xâm lấn ra những tế bào khác.
  • U nang tuyến giáp: Sự hình thành tổ chức nang, bên trong có thể chứa dịch hoặc dịch lẫn với các tổ chức đặc của tuyến giáp.
  • Các nốt viêm: Tình trạng viêm mạn tính kéo dài, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng đau hoặc không đau.
  • Bướu cổ đa nhân: Các tế bào tuyến giáp phát triển tạo thành nhiều nốt và phần lớn các trường hợp này là lành tính.
  • Cường giáp: Tuyến giáp phát triển một cách bất thường khiến cho lượng hormone được sản xuất nhiều hơn so với bình thường. Tình trạng này gây ra nhiều ảnh hưởng đến cơ thể như tim đập nhanh hoặc ngừng đập đột ngột, tăng huyết áp, loãng xương…
  • Ung thư tuyến giáp: Tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến giáp chiếm khoảng 5% trong tổng số trường hợp bướu giáp nhân.

Nguyên nhân hình thành bướu giáp nhân

Bướu giáp nhân là một trong những bệnh lý phức tạp, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Cụ thể như:

Mô tuyến giáp phát triển quá mức, không kiểm soát so với bình thường tạo nên các khối u bên trong tuyến giáp. Tuy nhiên, hiện nay người ta vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác của sự phát triển các mô tuyến giáp. Mức độ nguy hiểm của sự phát triển mô tuyến giáp không quá nghiêm trọng đối với người bệnh. Tuy nhiên, nếu kích thước của nhân giáp quá lớn có thể gây ra sự chèn ép lên tuyến giáp gây ra những ảnh hướng khác.

U nang tuyến giáp: Là tình trạng có một lượng chất lỏng nằm ở bên trong tuyến giáp. Những người mắc bệnh thoái hoá u tuyến giáp sẽ thường xuất hiện tình trạng này. Theo các nghiên cứu, đa số u nang sẽ không phải là nguyên nhân dẫn đến ung thư, tuy nhiên các phần mô đặc bên trong vẫn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. 

buou-giap-nhan-va-nhung-dieu-can-biet 2.jpg
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bướu giáp nhân

Viêm tuyến giáp mạn tính: Được biết đến với tên gọi là Hashimoto, một dạng rối loạn làm cho các tuyến giáp bị viêm nhiễm và tăng sinh các nhân lớn, người bệnh thường xuất hiện kèm theo triệu chứng của suy giáp.

Bướu giáp đa nhân: Các tuyến giáp phát triển với kích thước lớn, nguyên nhân có thể do sự rối loạn hoặc thiếu iod. Thông thường, các khối tuyến giáp tồn tại một cách riêng biệt bên trong.

Thiếu hụt iod: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu không hoặc ít sử dụng muối iod trong chế độ ăn hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ hình thành các nhân bên trong tuyến giáp.

Dấu hiệu nhận biết bướu tuyến giáp

Các bệnh bướu giáp thường không dễ phát hiện, chỉ phát hiện khi nhân giáp đã phát triển đến kích thước lớn, gây ra cảm giác khó chịu. Việc phát hiện trễ gây ra nhiều khó khăn trong quá trình điều trị, đồng thời kéo dài thời gian chữa trị. Khi nhân giáp mới hình thành có kích thước rất nhỏ, hoàn toàn rất khó để phát hiện. Khi các nhân này dần phát triển sẽ gây ra một số triệu chứng có thể nhận biết được. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp ở người bệnh bướu giáp nhân:

  • Cảm giác lợm cộm như có gì bên trong tuyến giáp.
  • Cảm thấy khó nuốt khi ăn và thỉnh thoảng cảm thấy khó thở do nhân tuyến giáp phát triển gây ra sự chèn ép lên thực quản và khí quản.
  • Một số trường hợp có thể quan sát thấy bướu tuyến giáp ở bên trong cổ, vị trí bướu thường xuất hiện nhất đó là vùng trước cổ.
  • Cơ thể mệt mỏi, đi nặng nhiều, khả năng chịu nhiệt kém, tăng tiết mồ hôi.
buou-giap-nhan-va-nhung-dieu-can-biet 3.jpg
Khi nhân giáp phát triển lớn hơn, gây ra những triệu chứng cụ thể có thể quan sát được bằng mắt

Ở một số trường hợp, khi tuyến giáp phát triển khiến cho hàm lượng hormone thyroxine tăng quá cao, gây ra một số triệu chứng như:

  • Giảm cân đột ngột không rõ nguyên nhân;
  • Cơ thể thường tiết rất nhiều mồ hôi;
  • Tay run;
  • Thường xuyên cảm thấy lo lắng, hồi hộp;
  • Nhịp tim không ổn định, tim đập không đều, nhịp đập nhanh, nhịp tim tăng hoặc giảm một cách thất thường;
  • Ở phụ nữ có thể gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều…

Biến chứng của bệnh bướu giáp nhân

Không ít người lo lắng, liệu bướu tuyến giáp có phát triển thành ung thư được không? Thực tế, không phải nhân giáp nào cũng gây ra ung thư, tuy nhiên nó vẫn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng khác, chẳng hạn như:

  • Sự phát triển các nhân giáp gây ra sự chèn ép các bộ phận bên trong cổ như khí quản, thực quản, gây ra cảm giác khó khăn khi nuốt hoặc khó hít thở.
  • Cường giáp: Xuất hiện khi nhân tuyến giáp tăng sinh và sản xuất ra một lượng lớn hormone tuyến giáp. Một số triệu chứng của cường giáp như dễ bị lo lắng, kích động, yếu cơ, giảm cân, nhịp tim nhanh…
  • Tiềm ẩn tình trạng tim loạn nhịp hoặc nhiễm độc giáp cấp. Trong đó, nhiễm độc giáp cấp được đánh giá là biến chứng cực kỳ nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
  • Đối với trường hợp đã phẫu thuật bướu giáp nhân, phải cắt bỏ một bên nhân giáp, người bệnh có khả năng phải sử dụng hormone tuyến giáp thay thế để tránh tình trạng thiếu hụt hormone.
buou-giap-nhan-va-nhung-dieu-can-biet 4.jpg
Cường giáp là một trong những biến chứng phổ biến của bướu giáp nhân

Phương pháp chẩn đoán bướu giáp nhân

Các bác sĩ thưởng sử dụng các phương pháp sau để chẩn đoán bướu giáp nhân:

Siêu âm tuyến giáp

Đây là phương pháp xét nghiệm hình ảnh dựa trên tần số của sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh thực của tuyến giáp nằm bên trong. Sau khi thực hiện siêu âm tuyến giáp, bác sĩ sẽ nhận được những đặc điểm rõ rệt, bao gồm cấu trúc và hình dạng (của cả nhân tuyến giáp), đánh giá xem nhân này là lành tính hay ác tính, từ đó bác sĩ sẽ có biện pháp thăm dò nhân giáp tiếp theo.

Sinh thiết nhân giáp bằng kim nhỏ

Phương pháp sinh thiết nhân giáp bằng kim nhỏ có vai trò quan trọng và được công nhận sử dụng rộng rãi ở Việt Nam và trên thế giới. Bác sĩ sẽ dùng kim nhỏ chọc vào tuyến giáp để hút dịch hoặc tế bào, sau đó đem đi xét nghiệm với kính hiển vi. Kết quả của xét nghiệm có thể suy ra bản chất của nhân là lành tính hay ác tính. Một số trường hợp không có kết quả rõ ràng hoặc nghi ngờ sẽ cần phải thực hiện sinh thiết lần 2.

Xạ hình tuyến giáp

Mục đích của phương pháp này là đánh giá tình trạng của các nhân tuyến giáp bên trong. Với xét nghiệm này, cơ thể bệnh nhân có thể tiếp nhận một lượng nhỏ iod phóng xạ, sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra xem các mô tuyến giáp có hoạt động bình thường hay không bằng cách quan sát lượng iod phóng xạ có được hấp thụ vào mô tuyến giáp hay không.

Hy vọng qua bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu thêm về mức độ nghiêm trọng của bệnh lý bướu giáp nhân. Việc tìm hiểu bướu giáp nhân và những điều cần biết sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân cũng như những người xung quanh, phát hiện sớm bệnh lý về giáp cũng góp phần nâng cao hiệu quả điều trị. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin